CHÍNH PHỦ _______ Số: 75/NQ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2020 |
NGHỊ QUYẾT
Về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tưcủa các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nướctại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu
________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt và quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh
1. Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng:
Đối với dự án nhóm A, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
2. Quyết định chủ trương đầu tư:
a) Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Đầu tư và nguyên tắc giải quyết những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận Hồ sơ dự án và tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án quy định tại điểm a khoản này.
3. Phê duyệt dự án và quyết định đầu tư:
a) Đối với dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá mức vốn của dự án nhóm B quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại Luật này;
b) Đối với dự án có giá trị lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc vượt mức vốn dự án nhóm B theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt với chức năng là Cơ quan đại diện chủ sở hữu, làm cơ sở để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại Luật này và điểm g khoản 3 Điều 5 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 2. Xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ
1. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công:
Các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương để hình thành tài sản công và giao cho doanh nghiệp quản lý, nhưng chưa tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 và khoản 10 Điều 4, khoản 2 Điều 35, khoản 3 Điều 60, khoản 4 Điều 61 Luật Đầu tư công và Điều 97 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Đối với dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp:
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 3. Giao kế hoạch đầu tư công
Việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các bộ, tập đoàn, tổng công ty thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các nguyên tắc xác định cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu;
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Đầu tư công.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương rà soát, tổng kết thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đề xuất phương án hoàn thiện các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu để xử lý những vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục phê duyệt dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2020.
3. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:
a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Rà soát, tổng hợp danh mục dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị cụ thể giải pháp, trách nhiệm và thời hạn xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
4. Các bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện nghiêm túc, đúng trách nhiệm và thời hạn các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý vướng mắc đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Điều 5. Hiệu lực thi hành và xử lý chuyển tiếp
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành không phải thực hiện lại trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị quyết này.
3. Việc xác định cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc đã triển khai thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; – Các doanh nghiệp do Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu; – Ngân hàng Chính sách xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Thư ký PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: VT, CN (2b). |
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc |
Reviews
There are no reviews yet.