NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI SỐ 29/2004/QH11 NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ
QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2010 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2005 CỦA CẢ NƯỚC
QUỐCHỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, ngày 25 tháng 10 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật đất đai;
Sau khi xem xét Tờ trình số 576/CP – NN ngày 4 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2005 của cả nước, Báo cáo thẩm tra số 824/UBKTNS ngày 10 tháng 5 năm 2004 của Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
I. Thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của cả nước với các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp:25.627.400 ha
a) Đất sản xuất nông nghiệp:9.363.000 ha
Trong đó:Đất trồng lúa nước:3.861.400 ha
– Đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên:3.300.000 ha
b) Đất lâm nghiệp có rừng:16.243.700 ha
Trong đó: Rừng trồng mới và khoanh nuôi tái sinh 4.922.300 ha, bao gồm:
– Rừng trồng mới:3.358.800 ha
– Rừng khoanh nuôi tái sinh:1.563.500 ha
Tỷ lệ che phủ bằng cây rừng tập trung đạt 43,2% diện tích đất tự nhiên và chiếm 92% đất lâm nghiệp.
c) Đất làm muối:20.700 ha
2. Nhóm đất phi nông nghiệp:3.925.300 ha
a) Đất ở:1.035.300 ha
Trong đó: – Đất ở nông thôn:936.000 ha
– Đất ở đô thị:99.300 ha
b) Đất chuyên dùng:2.145.400 ha
3. Đất có khả năng sử dụng nhưng chưa sử dụng: 3.371.400 ha.
II. Thông qua kế hoạch sử dụng đất đến năm 2005 của cả nước với các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp: 22.948.700 ha
a) Đất sản xuất nông nghiệp: 9.037.800 ha
Trong đó:Đất trồng lúa nước:4.039.400 ha
b) Đất lâm nghiệp có rừng: 13.889.500 ha
Trong đó: Rừng trồng mới và khoanh nuôi tái sinh 2.427.300 ha, bao gồm:
– Rừng trồng mới:1.356.400 ha
– Rừng khoanh nuôi tái sinh:1.070.900 ha
Tỷ lệ che phủ bằng cây rừng tập trung đạt 36,8% diện tích đất tự nhiên và chiếm 77,2% đất lâm nghiệp.
c) Đất làm muối: 21.400 ha
2. Nhóm đất phi nông nghiệp:3.606.000 ha
a) Đất ở:1.014.900 ha
Trong đó: – Đất ở nông thôn:931.200 ha
– Đất ở đô thị:83.700 ha
b) Đất chuyên dùng: 1.846.500 ha
3. Đất có khả năng sử dụng nhưng chưa sử dụng: 6.369.400 ha.
III. Căn cứ vào Nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2005 trình Chính phủ xét duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đó.
Trong quá trình tổ chức thực hiện cần thực hiện tốt những giải pháp đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và lưu ý một số vấn đề sau đây:
1. Chính phủ chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra thường xuyên tình hình sử dụng đất đai và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xử lý dứt điểm và chấm dứt việc chuyển mục đích sử dụng đất tùy tiện, lấn chiếm đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, bảo đảm cho việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch.
2. Trong chỉ đạo phải xác định rõ trách nhiệm và có chế tài cụ thể đối với các ngành, các cấp, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp phê duyệt dự án không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền; buông lỏng quản lý để người sử dụng đất tự chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Đồng thời, cần biểu dương các ngành, các cấp thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có chính sách khuyến khích người sử dụng đất sử dụng đúng mục đích, nâng cao hệ số sử dụng đất, làm tăng khả năng sinh lợi của đất, sử dụng đất đạt hiệu quả cao.
3. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về đất đai. Nhà nước có chính sách tạo nguồn về tài chính để thực hiện đúng tiến độ các dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có chính sách cụ thể đối với diện tích trồng lúa nước theo hướng tạo điều kiện cho nông dân sản xuất lúa cũng có lợi như người trồng cây ngắn ngày khác.
4. Cần có cơ chế, chính sách thích hợp và chỉ đạo tập trung hơn để đồng bào dân tộc ở miền núi có đất canh tác, sống ổn định và làm giàu bằng nghề rừng.
5. Củng cố tổ chức, tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch sử dụng đất. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức phục vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, nhất là ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn. áp dụng đồng bộ các biện pháp để tăng cường khả năng kiểm soát đất đai theo pháp luật của cơ quan chức năng nhà nước và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm buông lỏng quản lý, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho dân.
6. Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong công tác lập, xét duyệt, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003.
7. Trường hợp cần điều chỉnh các chỉ tiêu chủ yếu quy định tại Mục I và Mục II của Nghị quyết này thì Chính phủ kịp thời trình Quốc hội xem xét, quyết định.
8. Chính phủ khẩn trương chuẩn bị kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010 trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm 2005 cùng với kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm 2006-2010; định kỳ hàng năm báo cáo với Quốc hội việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
IV. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này ở địa phương.
V. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004.
Reviews
There are no reviews yet.