NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 04/2003/NQ-CP NGÀY 04 THÁNG 3 NĂM 2003
VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 2 NĂM 2003
Trong 2 ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 năm 2003, bàn và quyết nghị các vấn đề sau:
1. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình xây dựng các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhiệm kỳ 2002- 2007.
Tiến độ xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn chậm so với kế hoạch đề ra. Để đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả của bộ máy Chính phủ theo yêu cầu đổi mới, trên nguyên tắc phân định rõ chức năng, mỗi việc chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm chính, giải quyết cơ bản tình trạng chồng chéo chức năng, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tổng hợp các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến xử lý để sớm ban hành các Nghị định trong tháng 3 năm 2003.
2. Chính phủ nghe Bộ Công an trình dự thảo Nghị định quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.
Trước yêu cầu bức thiết của việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, việc ban hành Nghị định quy định cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là rất cần thiết. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự thảo, làm rõ đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, bảo đảm nội dung Nghị định thống nhất với tinh thần của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét thông qua. Trường hợp cần thiết, đề xuất để Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh này.
3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về các dự án Luật trên.
Từ năm 1999 đến nay, trong chương trình thực hiện cải cách thuế bước 2, Nhà nước đã ban hành và sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Các Luật Thuế và chính sách thuế mới đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước; bỏ bớt những sắc thuế, khoản thu không còn phù hợp, thu hẹp sự chênh lệch về nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giảm tỷ lệ huy động trong các sắc thuế để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có điều kiện tích tụ vốn nhanh để tái sản xuất mở rộng. Các Luật Thuế và chính sách thuế mới đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, giảm bớt khó khăn, từng bước cải thiện đời sống người lao động. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong chính sách thuế và công tác quản lý thuế vẫn còn những tồn tại và hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Chính phủ thông qua các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật thuế trên, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các dự án Luật; giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình trình Quốc hội các dự án Luật này.
4. Chính phủ nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, ký Tờ trình trình Quốc hội dự án Luật này.
5. Chính phủđã xem xét dự thảo Nghị định quy định về thu viện phí do Bộ Y tế trình.
Chính sách thu một phần viện phí qua 8 năm thực hiện đã đem lại kết quả tốt, đã huy động được sự đóng góp của cộng đồng tạo điều kiện cho ngành y tế đầu tư đổi mới, nâng cấp trang thiết bị, đa dạng hoá các dịch vụ y tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra, bước đầu bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần sớm được bổ sung, sửa đổi. Về lâu dài, lĩnh vực y tế phải có cải cách toàn diện, đồng bộ với chủ trương xã hội hoá, với chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm y tế và giáo dục nâng cao y đức của cán bộ, nhân viên trong ngành. Trước mắt, cần có các giải pháp hợp lý đối với việc thu viện phí bảo đảm minh bạch và phù hợp với từng đối tượng; có cơ chế phân phối, điều tiết và điều kiện ràng buộc để thực hiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ nhân dân.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh dự thảo, gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2003.
Sau cuộc họp đầu tháng 1 năm 2003 của Chính phủ với lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương bàn về giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2003, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai sớm việc hướng dẫn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư xây dựng cơ bản cho các cơ sở. Tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực: sản xuất công nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhất là khu vực ngoài quốc doanh; nông nghiệp phát triển ổn định; các dịch vụ tiếp tục phát triển, thị trường trong nước diễn ra sôi động; hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh; hoạt động tài chính, tiền tệ có tiến bộ, giá cả tăng trong phạm vi kiểm soát; các lĩnh vực xã hội có chuyển biến tốt; nhân dân đón Tết Quý Mùi vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm. Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông, các Bộ, ngành và địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể, kiên quyết và đã thu được kết quả bước đầu. Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đô thị đã giảm, đường phố thông thoáng hơn, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của nhân dân có bước tiến bộ…
Tuy nhiên, việc xuất khẩu một số hàng nông sản và nông sản chế biến còn khó khăn, nhất là vào thị trường Mỹ; giá một số mặt hàng như phân bón, xăng dầu, thép xây dựng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước; tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng ở một số địa phương đang ở mức độ cao; số người nhiễm HIV tăng nhanh; trật tự an toàn giao thông còn phức tạp, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo…
Trước tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/01/2003 về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2003, đặc biệt chú trọng các công tác sau đây:
– Tìm và mở rộng thị trường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển các loại hình dịch vụ, quan tâm thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
– Kích cầu đầu tư, kể cả phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản;
– Triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa những bất lợi có thể xảy ra, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng chủ yếu, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả để kịp thời điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân;
– Tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt là hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm tội phạm, phòng, chống ma tuý, mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS;
– Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và vệ sinh môi trường ở các đô thị, tiếp tục thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai theo Quyết định số 273/QĐ-TTg ngày 12/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ;
– Chuẩn bị tốt các điều kiện cả về vật chất và tinh thần để tổ chức tốtSEAGAMES 22;
– Thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy nhà nước.
Reviews
There are no reviews yet.