NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 128-HĐBT NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 1985 VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
CỦA BỘ NGOẠI THƯƠNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG
XUẤT NHẬP KHẨU VÀ TỔ CHỨC XUẤT NHẬP KHẨU
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhà nước ngày 4-7-1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng trong phiên họp ngày 5 tháng 4 năm 1985.
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản quy định về quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại thương đối với hoạt động xuật nhập khẩu và tổ chức xuất nhập khẩu.
Điều 2.- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ NGOẠI THƯƠNG ĐỐI VỚI
HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU VÀ TỔ CHỨC XUẤT NHẬP KHẨU
I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1.- Để khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu bảo đảm nhu cầu nhập khẩu cho nền kinh tế quốc dân, bảo đảm thực hiện chế độ Nhà nước độc quyền ngoại thương và trung ương thống nhất quản lý công tác ngoại thương; bảo đảm thực hiện đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các hiệp định, nghị định thư trao đổi hàng hoá giữa Nhà nước ta với nước ngoài; bảo đảm sự thống nhất hành động của các tổ chức xuất nhập khẩu nước ta trên thị trường quốc tế; bảo đảm lợi ích của đất nước và hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất nhập khẩu; góp phần vào cuộc đấu tranh để cải tạo và làm chủ thị trường giá cả trong nước; nay đặt mọi hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta với nước ngoài dưới sự quản lý Nhà nước thống nhất của Bộ Ngoại thương.
Điều 2.- Các hoạt động xuất nhập khẩu bao gồm:
1. Việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ (kể cả công trình toàn bộ, các hàng hoá và dịch vụ) xuất khẩu, nhập khẩu theo đường hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật.
2. Tái xuất, chuyển khẩu.
3. Việc mua bán bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, v.v…
4. Hoạt động kinh doanh của các tổ chức xuất nhập khẩu của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 3.- Các dịch xuất khẩu, nhập khẩu nói ở Điều 2 là:
– Gia công chế biến hàng hoá hoặc bán thành phẩm cho nước ngoài hoặc thuê người nước ngoài gia công chế biến.
– Nhận Uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc Uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu cho người nước ngoài, các hoạt động đại lý, v.v…
Các loại dịch vụ khác như du lịch, cung ứng tàu biển, hàng không, vận tải đường biển, đường bộ, ngân hàng, bảo hiểm, bưu điện, v.v…, được quản lý theo quy chế riêng.
Điều 4.- Các tổ chức xuất nhập khẩu là các tổ chức kinh tế của Nhà nước được phép kinh doanh xuất nhập khẩu theo quy định tại các Điều 20, 21, 22 và 23 dưới đây:
Điều 5.- Các tổ chức xuất nhập khẩu chịu sự quản lý toàn điện của Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân chủ quản các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân địa phương) và chịu quản lý Nhà nước thống nhất của Bộ Ngoại thương.
II. NỘI DUNG VÀ PHẠM VI QUẢN LÝ
Về công tác xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện quy hoạch và kế hoạch xuất nhập khẩu.
Điều 6.- Trong lĩnh vực xây dựng quy hoạch và kế hoạch xuất nhập khẩu.
Bộ Ngoại thương có nhiệm vụ:
1. Căn cứ vào nhu cầu thị trường thế giới và khả năng kinh tế trong nước, cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các ngành, địa phương và cơ sở xây dựng quy hoạch phát triển nguồn hàng xuất khẩu, hình thành cơ cấu hàng xuất khẩu. Tổng hợp quy hoạch phát triển nguồn hàng xuất khẩu và quy hoạch xây dựng cơ cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu của cả nước trình Hội đồng Bộ trưởng.
2. Cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu 5 năm và hàng năm. Tổng hợp kế hoạch xuất nhập khẩu của cả nước gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp vào kế hoạch chung của nền kinh tế quốc dân. Kiến nghị giao nhiệm vụ sản xuất hàng xuất khẩu và nhiệm vụ xuất nhập khẩu cho các ngành, địa phương.
3. Cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê và các ngành khác có liên quan ban hành hệ thống giá kế hoạch, hệ thống biểu mẫu kế hoạch, chế độ báo cáo kế hoạch áp dụng cho các tổ chức xuất nhập khẩu, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong xây dựng và báo cáo thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu.
Điều 7.- Bộ Ngoại thương đôn đốc các Bộ và địa phương cùng các Bộ, Uỷ ban nhân dân địa phương kiểm tra, đôn đốc các tổ chức xuất nhập khẩu thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với các chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước, giải quyết hoặc trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu. Bộ Ngoại thương tổng hợp báo cáo Hội đồng Bộ trưởng kết quả thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Về công tác xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ.
Điều 8.- Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ quản lý xuất nhập khẩu, Bộ Ngoại thương có nhiệm vụ:
1. Xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định phương hướng, chính sách phát triển công tác ngoại thương,chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu, chính sách nhập khẩu.
2. Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc tự quyết định theo sự uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng các chế độ, thể lệ, biện pháp về quản lý xuất nhập khẩu.
Về giao dịch, đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu.
Điều 9.- Bộ Ngoại thương có trách nhiệm tạo các điều kiện thương mại quốc tế cho hoạt động xuất nhập khẩu và phối hợp hoạt động của các tổ chức xuất nhập khẩu của ta trên thị trường ngoài nước; nhằm bảo đảm thực hiện có kết quả kế hoạch xuất nhập khẩu và chính sách thị trường của Nhà nước.
Bộ Ngoại thương thay mặt Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành ký kết các hiệp định, nghị định thư trao đổi hàng hoá với cả nước. Thông báo kết quả ký kết cho các ngành, địa phương và tổ chức xuất nhập khẩu có liên quan. Giao nhiệm vụ cho các tổ chức xuất nhập khẩu tiến hành giao dịch, đàm phán và ký kết hợp đồng với các tổ chức tương ứng của các nước để thực hiện hiệp định hoặc nghị định thư về phần thuộc phạm vi kinh doanh của các tổ chức xuất nhập khẩu đó.
Điều 10.- Việc mời đại diện các tổ chức nước ngoài vào hoặc cử người ra nước ngoài giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng về mua bán hàng hoá, dịch vụ, đi tham quan khảo sát thị trường, để mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu, v.v… do Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân chủ quản quyết định và thông báo cho Bộ Ngoại thương biết. Khi thấy cần thiết, Bộ Ngoại thương phát biểu ý kiến và có quyền yêu cầu Bộ chủ quản và Uỷ ban nhân dân xem xét lại quyết định của mình. Chi phí cho các hoạt động trên do các tổ chức xuất nhập khẩu đài thọ theo chế độ hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Các tổ chức xuất nhập khẩu phải báo kịp thời cho Bộ chủ quản, Uỷ ban nhân dân và Bộ Ngoại thương về diễn biến và kết quả các cuộc đàm phán và giao dịch.
Điều 11.- Việc kỳ kết hợp đồng xuất nhập khẩu thực hiện theo quy định sau:
1. Các tổ chức kinh tế trong nước chưa được quyền trực tiếp xuất nhập khẩu, không được tự mình ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu.
2. Các tổ chức xuất nhập khẩu được chủ động giao dịch và ký kết hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hoá, dịch vụ trong phạm vi được phép kinh doanh, phù hợp với kế hoạch được duyệt. Hợp đồng xuất nhập khẩu được ký kết phải thể hiện bằng văn bản và phải gửi cho Bộ, tỉnh chủ quản và Bộ Ngoại thương.
Các hợp đồng được ký kết để thực hiện nghĩa vụ trong khuôn khổ các hiệp định thương mại, các nghị định thư ký kết giữa Nhà nước ta với nước ngoài phải theo đúng các cam kết trong các văn kiện đó.
3. Các hợp đống xuất khẩu, nhập khẩu sau đây phải được Bộ Ngoại thương duyệt trước khi ký là các hợp đồng có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn, các hợp đồng có liên quan đến lợi ích chung của cả nước thuộc phạm vi kinh doanh của nhiều tổ chức xuất nhập khẩu. Trường hợp chưa được duyệt thì trên hợp đồng phải có điều khoản hợp đòng chỉ có hiệu lực sau khi được Bộ Ngoại thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam duyệt.
Điều 12.- Bộ Ngoại thương có trách nhiệm ban hành chế độ quản lý hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 13.- Bộ Ngoại thương cùng Uỷ ban Vật giá Nhà nước trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chế độ quản lý giá xuất khẩu và nhập khẩu; trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc tự mình ban hành theo quyền hạn được giao giá xuất khẩu, nhập khẩu giới hạn đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Chỉ đạo giá định mức đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu khác cần quản lý thống nhất trongmua bán với nước ngoài. Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức xuất nhập khẩu, thực hiện các nguyên tắc tính giá và mức hàng hoá, xuất nhập khẩu thoả thuận với các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế và các nước xã hội chủ nghĩa khác, cung cấp các thông tin về giá cả mua bán hàng hoá xuất nhập khẩu trên các thị trường quốc tế, giúp các tổ chức xuất nhập khẩu tham khảo trong mua bán.
Điều 14.- Bộ Ngoại thương hướng dẫn phương thức mua bán hàng hoá xuất nhập khẩu và cùng Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn điều kiện thanh toán về mua bán hàng hoá xuất nhập khẩu; quy định các trường hợp được phép mua bán theo phương thức đổi hàng trực tiếp, cho thương nhân nước ngoài thanh toán chậm sau khi giao hàng…
Điều 15.- Bộ Ngoại thương hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các điều kiện giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu, nhằm bảo đảm áp dụng phương thức tối ưu về vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, sử dụng ưu tiên các phương tiện vận tải trong nước. Về những phương diện cần thiết cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải.
Điều 16.- Bộ Ngoại thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức xuất nhập khẩu giải quyết các tranh chấp về thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu với bên ngoài, nhằm bảo vệ quyền lợi của đất nước và lợi ích kinh doanh của tổ chức xuất nhập khẩu.
Các tổ chức xuất nhập khẩu phải báo cáo với Bộ Ngoại thương tình hình phát sinh và xử lý các vụ tranh chấp với bên ngoài về thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu.
Điều 17.- Mọi việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của các tổ chức xuất nhập khẩu đều phải có giấy phép của Bộ Ngoại thương.
Mọi việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá không có giấy phép đều là bất hợp pháp; hàng hoá xuất nhập khẩu không có giấy phép đều coi là hàng lậu và bị xử lý theo pháp luật.
Bộ Ngoại thương ban hành thủ tục xin và cấp giấy phép; tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Điều 18.- Mọi hàng hoá khi xuất và nhập qua mọi cửa khẩu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều chịu sự giám quản của Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ ban hành quy định cụ thể về giám quản hàng hoá xuất nhập khẩu.
Điều 19.- Bộ Ngoại thương có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo công tác nghiên cứu thị trường, các luật lệ và tập quán thương mại quốc tế, công tác thông tin, dự báo tình hình thị trường thế giới, tình hình và xu hướng thị trường hàng hoá và giá cả thế giới. Cung cấp các thông tin đó cho các tổ chức xuất nhập khẩu và hướng dẫn việc nghiên cứu, phân tích, vận dụng trong kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu.
Về công tác tổ chức, đào tạo và quản lý cán bộ.
Điều 20.- Bộ Ngoại thương có trách nhiệm xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ mẫu các tổ chức xuất nhập khẩu có tính chất toàn quốc, các tổ chức xuất nhập khẩu của ngành, địa phương và các đơn vị kinh tế hướng dẫn các ngành, địa phương và đơn vị kinh tế xây dựng các tổ chức xuất nhập khẩu theo các điều lệ mẫu này.
Điều 21.- Việc cho phép hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện như sau:
1. Bộ Ngoại thương phối hợp cùng các Bộ khác nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập các tổ chức xuất nhập khẩu có tính chất toàn quốc để hoạt động xuất nhập khẩu phục vụ chung cho nền kinh tế quốc dân.
2. Bộ Ngoại thương quyết định cho phép hoạt động xuất nhập khẩu đối với các tổ chức xuất nhập khẩu khác trực thuộc các ngành, các địa phương và đơn vị kinh tế theo đề nghị của các tổ chức đó, đã được Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân chủ quản thông qua. Kèm theo đề nghị phải có điều lệ hoạt động của công ty.
Điều 22.- Trong quá trình theo dõi kiểm tra, nếu tổ chức xuất nhập khẩu vi phạm có hệ thống pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước về ngoại thương, hoặc gây tổn thất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, Bộ Ngoại thương sau khi thông báo với các Bộ và Uỷ ban nhân dân chủ quản.
a) Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định thu hồi quyền hoạt động xuất nhập khẩu qua các tổ chức xuất nhập khẩu có tính chất toàn quốc do Hội đồng Bộ trưởng đã cho phép xuất nhập khẩu.
b) Quyết định thu hồi quyền hoạt động xuất nhập khẩu đối với tổ chức xuất nhập khẩu trực thuộc các ngành, địa phương và đơn vị kinh tế do Bộ Ngoại thương đã cho phép xuất nhập khẩu.
Trường hợp cần thiết, trong lúc chưa có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng thu hồi quyền hoạt động xuất nhập khẩu của tổ chức xuất nhập khẩu có tính chất toàn quốc. Bộ Ngoại thương có thể ra lệnh cho tổ chức xuất nhập khẩu vi phạm đó tạm ngừng hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời thông báo cho Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ quản biết.
Điều 23.- Bộ Ngoại thương xây dựng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành tiêu chuẩn cán bộ quản lý, nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, áp dụng chung trong toàn ngành (xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ ngoại thương trong cả nước), tổ chức việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ngoại thương; phối hợp với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp tổ chức đào tạo cán bộ cho ngành ngoại thương.
Điều 24.- Việc điều động, bổ nhiệm các Giám đốc và Phó Giám đốc kinh doanh của các tổ chức xuất nhập khẩu (việc cử các cán bộ làm đại diện các tổ chức xuất nhập khẩu) tại các cơ quan thương vụ nước ta ở nước ngoài do Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân chủ quản quyết định và thông báo cho Bộ Ngoại thương biết.
Bộ Ngoại thương có quyền yêu cầu Bộ và Uỷ ban nhân dân chủ quản thay đổi quyết định khi thấy cần thiết.
Về quản lý tổ chức và người nước ngoài thường trú trên lãnh thổ Việt Nam để hoạt động xuất nhập khẩu.
Điều 25.- Các công ty, hãng tư nhân nước ngoài muốn đặt đại diện thường trú để hoạt động xuất nhập khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải có đơn yêu cầu gửi đến Bộ Ngoại thương. Căn cứ vào tình hình quan hệ xuất nhập khẩu của các tổ chức này với các tổ chức xuất nhập khẩu của ta, Bộ Ngoại thương xem xét và trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ.
Điều 26.- Bộ Ngoại thương quản lý các hoạt động giao dịch, mua bán của các đại diện thường trú nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Về tổ chức và quản lý các cơ quan đại diện thương mại của nước ta ở nước ngoài.
Điều 27.- Bộ Ngoại thương xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế tổ chức cơ quan đại diện thương mại và đại diện các công ty xuất nhập khẩu của nước ta ở nước ngoài. Căn cứ quan hệ thương mại giữa nước ta với các nước khác, kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng tổ chức cơ quan đại diện thương mại và cử đại diện thương mại của nước ta ở nước ngoài.
Điều 28.- Bộ Ngoại thương quản lý chỉ đạo và kiểm tra hoạt động các cơ quan đại diện thương mại của nước ta ở nước ngoài.
III. VỀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN VÀ KIỂM TRA
Điều 29.- Bộ trưởng Bộ Ngoại thương quyết định các chủ trương biện pháp để thực hiện nhiệm vụ công tác xuất nhập khẩu của cả nước và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, biện pháp đó; ra những quyết định, thông tư, chỉ thị và hướng dẫn thi hành đối với các ngành, các cấp, các đơn vị xuất nhập khẩu trong cả nước về những vấn đề thuộc chức năng quản lý Nhà nước của mình.
Điều 30.- Bộ Ngoại thương kiểm tra các tổ chức xuất nhập khẩu trực thuộc các Bộ, Uỷ ban nhân dân nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất những công việc thuộc nội dung quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức xuất nhập khẩu.
Bộ Ngoại thương thông báo cho các Bộ và Uỷ ban nhân dân chủ quản biết cùng tham gia kiểm tra.
IV. CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31.- Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các quy định ban hành trước đây về quản lý xuất nhập khẩu trái với bản quy định này đều bãi bỏ.
Bộ trưởng Bộ Ngoại thương có nhiệm vụ hướng dẫn thi hành bản quy định này.
Điều 32.- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương. Giám đốc các công ty trực tiếp xuất nhập khẩu có trách nhiệm thi hành Bản quy định này.
Reviews
There are no reviews yet.