NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 387-HĐBT NGÀY 9-11-1990
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Quyết định số 244-NQ/HĐNN8 ngày 31 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Nhà nước về việc thành lập Bộ Thương nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 196-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 11-12-1989 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp và Bộ trưởng – Trưởng ban Ban Tổ chức – cán bộ của Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1
Bộ Thương nghiệp là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng thống nhất quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế (bao gồm các lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư, hàng tiêu dùng, dịch vụ, kể cả dịch vụ chuyên gia) theo đúng chủ trương, chính sách, luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Điều 2
Bộ Thương nghiệp có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Trên cơ sở đường lối, chính sách, chiến lược kinh tế – xã hội của Nhà nước trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định chiến lược, phương hướng, mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch và các cân đối lớn của kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về lĩnh vực thương mại.
2- Soạn thảo trình Hội đồng Bộ trưởng các dự án luật, pháp lệnh, chính sách, chế độ và các văn bản pháp quy khác về lĩnh vực thương mại để trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước ban hành hoặc Hội đồng Bộ trưởng ban hành; Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy định, chế độ, thể lệ nhằm cụ thể hoá các văn bản pháp quy của Nhà nước.
3- Giúp Hội đồng Bộ trưởng hoặc theo sự uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng tiến hành các cuộc đàm phán cấp Chính phủ với nước ngoài trong quan hệ hợp tác và phát triển thương mại; tham gia các phân ban trong các Uỷ ban Hợp tác liên Chính phủ và các tổ chức kinh tế khác. Hướng dẫn theo dõi và tổng hợp kết quả thực hiện các cam kết về thương mại đã ký với nước ngoài.
Cấp giấy phép kinh doanh thương nghiệp, kinh doanh xuất nhập khẩu.
Quản lý hạn ngạch xuất nhập khẩu; cấp giấy phép xuất nhập khẩu (bao gồm cả xuất nhập khẩu của các tổ chức kinh tế hợp tác hoặc liên doanh với nước ngoài theo Luật đầu tư).
Xét, cho phép các tổ chức kinh tế Việt Nam được cử đại diện hoặc lập Công ty ở nước ngoài, hoặc gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, cho phép các tổ chức kinh tế nước ngoài lập đại diện ở Việt Nam theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan đại diện này.
Chỉ đạo hoạt động của các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam đóng tại nước ngoài theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.
4- Tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật và cung cấp thông tin kinh tế thương mại trong nước và trên thế giới; hướng dẫn nghiệp vụ cho các ngành, các địa phương và các đơn vị kinh tế trong việc giao dịch, đàm phán, ký kết với các tổ chức kinh tế nước ngoài.
5- Trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy định về hệ thống tổ chức và các chính sách, chế độ quản lý về tổ chức và các bộ trong ngành.
6- Tiến hành thanh tra, kiểm tra các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (kể cả các tổ chức và tư nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh thương mại trên lãnh thể Việt Nam) trong việc thực hiện luật pháp, chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước về quản lý thương mại.
Chỉ đạo các tổ chức kinh doanh thương mại do Bộ quản lý Nhà nước trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật
Điều 3
Tổ chức bộ máy của Bộ Thương nghiệp gồm có:
a) Các cơ quan giúp việc Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:
1- Văn phòng.
2- Vụ Kế hoạch thống kê (làm cả nhiệm vụ hợp tác và đầu tư).
3- Vụ Tổ chức cán bộ (làm cả nhiệm vụ đào tạo cán bộ).
4- Vụ Tài chính kế toán.
5- Thanh tra Bộ.
6- Vụ Quản lý khoa học kỹ thuật.
7- Vụ Pháp chế.
8- Vụ Quản lý kinh doanh. 9- Vụ Quản lý thị trường.
10- Vụ Quản lý xuất nhập khẩu.
11- Vụ Chính sách thị trường nước ngoài.
Phòng Thương mại và công nghiệp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bản Quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam hoạt động theo Điều lệ riêng và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp.
b) Về tổ chức thương nghiệp ở địa phương do Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp quy định, sau khi thoả thuận với Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ của Chính phủ.
c) Giao cho Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp quyết định việc sắp xếp lại hệ thống các tổ chức thương nghiệp quốc doanh, các trường, Viện nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp khác thuộc các Bộ Nội thương, Vật tư và Kinh tế đối ngoại cũ.
Điều 4
Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng về hoạt động của Bộ.
Bộ trưởng lãnh đạo Bộ theo chế độ thủ trưởng, giúp việc Bộ trưởng có một số thứ trưởng, trong đó có một thứ trưởng thứ nhất.
Điều 5
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các văn bản trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 6
Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Reviews
There are no reviews yet.