NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 33-HĐBT NGÀY 27-2-1984 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ GIÁ
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981.
Căn cứ Nghị định số 35/CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý của Nhà nước.
Để cải tiến công tác quản lý giá, phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, quản lý thị trường, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1 – Ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ quản lý giá.
Điều 2 – Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ GIÁ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 33-HĐBT ngày 27-2-1984 của Hội đồng bộ trưởng)
CHƯƠNG I
NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ QUẢN LÝ GIÁ
Điều 1 – Sự hình thành giá chỉ đạo của Nhà nước và việc quản lý giá phải theo những nguyên tắc sau đây:
1. Phải thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, trước mắt là ra sức thúc đẩy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển; mở rộng lưu thông hàng hoá tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá, hạ giá thành và phí lưu thông; ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân lao động; xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa tích luỹ và tiền tệ; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; củng cố an ninh và quốc phòng.
2. Phải lấy kế hoạch làm chính, làm cho hệ thống giá hình thành một cách có kế hoạch là chủ yếu, dựa trên cơ sở giá thành được tính toán theo những định mức hợp lý về tiêu hao vật chất, hao phí lao động và có lãi thoả đáng, khuyến khích mạnh mẽ các sản phẩm có dấu chất lượng cao; đồng thời sử dụng đúng đắn các quan hệ thị trường, quan hệ cung cầu, có phân biệt theo loại hàng, theo các nhu cầu khác nhau, các đối tượng tiêu dùng khác nhau, ở các thị trường khác nhau.
Phải bảo đảm cho hệ thống giá chỉ đạo có kế hoạch của Nhà nước chi phối được những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống và ngày càng mở rộng phạm vi. Hệ thống này bao gồm giá thu mua trong nghĩa vụ hoặc theo hợp đồng kinh tế hai chiều (dưới đây gọi tắt là giá thu mua nghĩa vụ) đối với các loại nông sản, lâm sản, hải sản chủ yếu; giá gia công, giá thu mua các loại sản phẩm tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp quan trọng; giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn vật tư đối với những sản phẩm quan trọng của kinh tế quốc doanh; giá bán lẻ Nhà nước đối với những mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân lao động. Đồng thời có những giá được vận dụng linh hoạt dưới những hình thức khác nhau (giá mua khuyến khích, giá mua thoả thuận, giá cao có hướng dẫn, giá kinh doanh thương nghiệp…); kết hợp hai loại giá (giá ổn định và giá linh hoạt) nhằm thu hút ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá đi vào lưu thông có tổ chức, tăng cường trận địa của kinh tế xã hội chủ nghĩa và đấu tranh có hiệu quả với thị trường tự do.
3. Giá phải thực sự là công cụ hạch toán kinh tế, và là đòn bẩy khuyến khích sản xuất phát triển với năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, khuyến khích đẩy mạnh tiến bộ khoa học – kỹ thuật; phân phối và phân phối lại hợp lý thu nhập quốc dân, bảo đảm tích luỹ vốn cho tái sản xuất mở rộng của các đơn vị kinh tế và cho công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.
4. Phải bảo đảm tính thống nhất của chính sách giá và hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời có phân công, phân cấp hợp lý để phát huy tính chủ động sáng tạo của các ngành, các địa phương và thúc đẩy kinh doanh xã hội chủ nghĩa; kết hợp tính ổn định với tính linh hoạt cần thiết, phù hợp với điều kiện sản xuất, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của các ngành kinh tế và các vùng kinh tế khác nhau của đất nước.
CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC NGÀNH CÁC CẤP,
TRONG VIỆC QUẢN LÝ GIÁ
Điều 2 – Hội đồng Bộ trưởng:
1. Quyết định phương hướng nhiệm vụ, chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và thay đổi mức giá chung.
2. Quy định quyền hạn, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý giá.
3. Phê chuẩn kế hoạch giá do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan soạn thảo.
4. Quyết định giá những tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng và dịch vụ quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân (danh mục số 1 ban hành kèm theo điều lệ này).
5. Quyết định giá những sản phẩm và dịch vụ thuộc thẩm quyền chỉ đạo giá của Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, các tỉnh trong trường hợp có sự tranh chấp ý kiến giữa các cơ quan có liên quan.
Điều 3 – Uỷ ban Vật giá Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng có chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực giá cả:
1. Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá, danh mục phân công, phân cấp quản lý giá.
2. Nghiên cứu lập phương án giá những sản phẩm do Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá; thẩm tra và đề xuất ý kiến để Hội đồng Bộ trưởng quyết định về các phương án giá do các Bộ trình, sau khi đã đưa ra lấy ý kiến Hội đồng Vật giá của Chính phủ.
3. Được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền quyết định giá các sản phẩm và dịch vụ thuộc danh mục số 2 ban hành kèm theo điều lệ này.
4. Cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan soạn thoả các kế hoạch giá.
5. Hướng dẫn và kiểm tra các ngành, các địa phương, các đơn vị cơ sở lập phương án giá những sản phẩm do Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các ngành, các cấp chấp hành những quy định của Nhà nước về chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo của Nhà nước; tổ chức hệ thống kiểm tra và thanh tra Nhà nước về giá; xử lý các vụ vi phạm kỷ luật về giá; có quyền yêu cầu của các Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp sửa đổi hoặc bãi bỏ các quyết định về giá trái với quy định của Nhà nước; nếu yêu cầu đó không được chấp nhận thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
Điều 4 – Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng (sau đây gọi tắt là Bộ):
1. Xây dựng phương án giá những sản phẩm và dịch vụ thuộc các danh mục số 1 và số 2 do Bộ quản lý.
2. Quyết định giá các sản phẩm và dịch vụ thuộc danh mục số 3 ban hành kèm theo điều lệ này.
3. Cụ thể hoá giá (theo phẩm chất, chủng loại …) những sản phẩm và dịch vụ mà Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban Vật giá Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền đã quyết định giá chuẩn.
4. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thuộc ngành chấp hành chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo của Nhà nước.
Điều 5 – Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh):
1. Chỉ đạo các cơ quan, xí nghiệp do địa phương quản lý chấp hành chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo của Nhà nước.
Kiểm tra, thanh tra các cơ quan, xí nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chấp hành chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá, và giá chỉ đạo của Nhà nước.
2. Chỉ đạo các cơ sở kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể, cá nhân và tư nhân chấp hành chế độ đăng ký, niêm yết giá theo đúng chính sách, chế độ quản lý giá và quản lý thị trường của Nhà nước.
3. Quyết định giá các sản phẩm và dịch vụ thuộc danh mục số 4 ban hành kèm theo điều lệ này. Đối với những sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của các ngành trung ương hoặc của các địa phương khác, nếu là những mặt hàng thuộc quyền quyết định giá của địa phương thì Uỷ ban nhân dân tỉnh phải trao đổi ý kiến với bên đặt hàng trước khi quyết định giá.
Uỷ ban Vật giá tỉnh là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác giá ở địa phương và được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quyết định một số giá sau khi đã lấy ý kiến của Hội đồng Vật giá tỉnh hoặc đã bàn bạc với các cơ quan có liên quan. Mặt khác, với tư cách là cơ quan của Uỷ ban Vật giá Nhà nước tại địa phương, Uỷ ban Vật giá tỉnh chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban Vật giá Nhà nước về việc thực hiện và vận dụng chính sách giá, về chế độ và nghiệp vụ công tác giá; có trách nhiệm chấp hành các chỉ thị.
Điều 6 – Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện):
1. Chỉ đạo các cơ quan, xí nghiệp do huyện quản lý chấp hành chính sách giá nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo của Nhà nước.
2. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chế độ đăng ký, niêm yết giá đối với các cơ sở kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể, cá thể và tư nhân trên địa bàn huyện.
3. Được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quyết định giá một số dịch vụ và một số sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu khai thác trong huyện và tiêu dùng chủ yếu trong phạm vi huyện.
Điều 7 – Các đơn vị sản xuất, kinh doanh quốc doanh và công tư hợp doanh (hạch toán kinh tế độc lập):
1. Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, giá chỉ đạo của Nhà nước và chế độ quản lý, đăng ký, niêm yết giá.
2. Lập phương án giá các sản phẩm do đơn vị sản xuất hoặc kinh doanh để trình các cơ quan có thầm quyền quyết định giá.
3. Ký kết hợp đồng kinh tế, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ với giá được công bố theo đúng những quy định trong điều lệ này. Đơn vị sản xuất giao hàng cho cơ quan tiêu thụ theo giá bán buôn xí nghiệp; cơ quan tiêu thụ chịu trách nhiệm nộp thu quốc doanh hoặc được cấp bù lỗ (nếu có) khi nhận hàng của đơn vị sản xuất.
Trường hợp chưa có giá chỉ đạo chính thức, nếu được cơ quan có thẩm quyền quyết định giá cho phép, thì được áp dụng giá tạm tính trong thời hạn tối đa là 3 tháng; khi có giá chính thức thì phải thanh toán lại theo giá chính thức.
4. Được quyết định giá những thành phẩm hoặc nửa thành phẩm sản xuất làm mẫu, sản xuất thử, sản xuất để sử dụng trong nội bộ xí nghiệp vào mục đích tiếp tục quá trình sản xuất.
Nếu do cải tiến kỹ thuật sản xuất mà chất lượng sản phẩm được nâng cao, nhưng chưa được cấp dấu (hoặc giấy chứng nhận) chất lượng Nhà nước, thì xí nghiệp được quyền thoả thuận với bên đặt hàng định một khoản phụ giá tạm thời cộng vào giá bán buôn xí nghiệp, đồng thời gửi phương án giá đến cơ quan có thẩm quyền xét duyệt việc cấp dấu chất lượng và cơ quan có thẩm quyền quyết định giá bán buôn sản phẩm mới.
Đối với sản phẩm thuộc phần sản xuất phụ thì xí nghiệp được quyền bán sản phẩm cho thương nghiệp quốc doanh theo giá cả do hai bên thoả thuận, giá này phải dựa trên cơ sở chi phí sản xuất thực tế, hợp lý, và lợi nhuận thoả đáng; bên sản xuất phải đăng ký (báo cáo) giá tiêu thụ với cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp và Uỷ ban Vật giá tỉnh. Trong trường hợp bên sản xuất và bên tiêu thụ không đạt được sự nhất trí thì báo cáo với cơ quan chủ quản của xí nghiệp (Bộ đối với xí nghiệp trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với xí nghiệp địa phương) xử lý.
5. Được quyết định giá những sản phẩm và dịch vụ ngoài các danh mục số 1, số 2, số 3 và số 4.
Điều 8 – Sản phẩm là hàng dân dụng do các xí nghiệp thuộc các lực lượng vũ trang sản xuất, tiêu thụ trong nội bộ các lực lượng vũ trang hay tiêu thụ ra ngoài các lực lượng vũ trang đều phải do các cấp có thẩm quyền quyết định giá theo những quy định trong điều lệ này.
CHƯƠNG III
TRÌNH TỰ LẬP PHƯƠNG ÁN GIÁ, QUYẾT ĐỊNH
VÀ CÔNG BỐ GIÁ
Điều 9 – Cơ quan lập và trình phương án giá phải chứng minh bằng số liệu các yếu tố cấu thành giá thành và giá cả dựa trên các định mức kinh tế – kỹ thuật do cấp có thẩm quyền quyết định, đồng thời thuyết minh rõ các mối quan hệ về kinh tế, xã hội có liên quan.
Đối với sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong nước, trong phương án, phải so sánh giá đề nghị với giá hiện hành của các sản phẩm cùng loại, các sản phẩm thay thế, đặc biệt chú ý khuyến khích sản xuất và sử dụng sản phẩm mới có chất lượng cao hơn.
Đối với sản phẩm xuất khẩu, trong phương án phải đối chiếu với giá tiêu thụ trong nước, có luận chứng về tỷ lệ lãi thích đáng để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu.
Đối với sản phẩm nhập khẩu, của trung ương cũng như của địa phương, nếu là sản phẩm nhập khẩu lần đầu, trong nước chưa sản xuất và cũng chưa có sản phẩm nhập khẩu tương tự thì trong phương án phải có luận chứng về chi phí nhập khẩu và căn cứ vào chính sách giá trong nước mà kiến nghị mức giá.
Riêng đối với giá sản phẩm xây dựng (vốn đầu tư công trình trong luận chứng kinh tế – kỹ thuật, tổng dự toán công trình theo thiết kế kỹ thuật, dự toán hạng mục công trình theo bản vẽ thi công) thì việc lập và trình duyệt phương án giá tiến hành theo các quy định của Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Nghị định số 232-CP ngày 6-6-1981 của Hội đồng Chính phủ.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống giá trong quá trình tái sản xuất ra sản phẩm, cơ quan lập và trình phương án giá phải dự kiến tất cả các loại giá mua vào, bán ra của sản phẩm có liên quan đến giá kiến nghị xét duyệt trong phương án, và phải trao đổi ý kiến với các ngành có liên quan trước khi trình phương án giá; nếu không đạt được sự nhất trí thì phải thuyết trình rõ những ý kiến khác nhau.
Điều 10 – Phương án giá của sản phẩm mới đưa vào sản xuất và lưu thông phải bao gồm các tài liệu sau đây:
1. Đơn xin duyệt giá (tờ trình) do thủ trưởng đơn vị ký và đóng dấu.
2. Giấy phép sản xuất hoặc quyết định sản xuất; hợp đồng mua bán, gia công; tiêu chuẩn hoặc các quy định về chất lượng và trình độ kỹ thuật của sản phẩm do cấp có thẩm quyền ban hành; giấy xác nhận chất lượng của sản phẩm do cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cấp (kèm theo các tài liệu này, phải có hàng mẫu hoặc bản vẽ, ảnh chụp phản ánh kích thước, hình dạng của sản phẩm).
3. Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó nêu rõ năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như những năm sau.
4. Giá thành sản phẩm, trong đó nêu chi tiết các khoản chi phí; khả năng giảm giá thành.
5. Kiến nghị về mức giá, trong đó phân tích rõ các yếu tố cấu thành giá, so sánh với giá của sản phẩm tương tự đang có trong lưu thông và phân tích tác động của giá đề nghị được duyệt đối với sản xuất, lưu thông, đời sống, tài chính xí nghiệp và ngân sách Nhà nước.
Trường hợp yêu cầu thay đổi mức giá hiện hành thì phương án giá phải phân tích hệ thống giá hiện hành của sản phẩm và yêu cầu mục đích thay đổi giá, tác động của việc thay đổi giá đến các hệ thống giá khác, đến sản xuất, lưu thông, đời sống, tài chính xí nghiệp và ngân sách Nhà nước; đồng thời đề xuất các biện pháp khắc phục những tác động không tốt có thể xảy ra.
Điều 11 – Phương án giá các sản phẩm thuộc danh mục số 1 và số 2 phải do đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng, thủ trưởng Bộ chủ quản thẩm tra và gửi cho Hội đồng Bộ trưởng qua Uỷ ban Vật giá Nhà nước (nếu là sản phẩm thuộc danh mục số 1) và gửi cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước (nếu là sản phẩm thuộc danh mục số 2). Các phương án giá trình Bộ trưởng phải gửi qua vụ (hoặc phòng) vật giá của Bộ. Các phương án giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phải gửi qua Uỷ ban Vật giá tỉnh. Cơ quan vật giá có trách nhiệm thẩm tra phương án, đưa ra nhận xét và kiến nghị của mình.
Phương án giá những sản phẩm thuộc danh mục số 1 phải đưa ra xem xét ở Hội đồng Vật giá của Chính phủ, là cơ quan tư vấn của Hội đồng Bộ trưởng. Nếu các thành viên Hội đồng Vật giá có ý kiến khác nhau thì Uỷ ban Vật giá Nhà nước phải báo cáo rõ các ý kiến đó lên Hội đồng Bộ trưởng, kèm theo kiến nghị của mình để Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
Đối với phương án giá những sản phẩm thuộc danh mục số 2, trước khi quyết định, Uỷ ban Vật giá Nhà nước cần trao đổi ý kiến với các Bộ và tỉnh có liên quan; trường hợp có những vấn đề phức tạp thì đưa ra lấy ý kiến Hội đồng Vật giá của Chính phủ. Nếu còn tranh chấp ý kiến thì trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Trong khi chờ đợi quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì quyết định của Uỷ ban Vật giá Nhà nước vẫn có hiệu lực thi hành.
Đối với phương án giá những sản phẩm thuộc các danh mục số 3 và số 4, hoặc đối với những giá nhằm cụ thể hoá giá chuẩn thuộc các danh mục số 1 và số 2, trước khi quyết định, các bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, cần trao đổi ý kiến với các Bộ và tỉnh có liên quan. Nếu còn tranh chấp ý kiến thì báo cáo Uỷ ban Vật giá Nhà nước xử lý; trường hợp Uỷ ban Vật giá Nhà nước xử lý mà vẫn không đạt được sự nhất trí thì trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Trong khi chờ đợi quyết định của Uỷ ban Vật giá Nhà nước hoặc của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì quyết định của các Bộ, của Uỷ ban nhân dân các tỉnh vẫn có hiệu lực thi hành.
Ở cấp tỉnh cũng thành lập Hội đồng Vật giá là cơ quan tư vấn của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 12 – Kể từ khi nhận được phương án giá đúng thể thức và nội dung quy định, cơ quan có thẩm quyền quyết định giá phải duyệt giá trong thời hạn:
1. Không quá 30 ngày đối với những sản phẩm và dịch vụ thuộc các danh mục số 1 và số 2.
2. Không quá 15 ngày đối với những sản phẩm và dịch vụ thuộc các danh mục số 3 và số 4.
Đối với những phương án giá cần có thêm thời gian nghiên cứu thì cơ quan có thẩm quyền quyết định giá có thể quyết định kéo dài thời hạn duyệt giá, nhưng phải thông báo cho cơ quan trình phương án giá biết. Thời hạn kéo dài tối đa không quá một lần thời hạn nói trên.
Nếu quá thời hạn quy định mà cơ quan có thẩm quyền quyết định giá chưa xét duyệt xong thì cơ quan trình phương án giá có quyền tạm thời cho thực hiện mức giá đã kiến nghị trong phương án.
Nếu phương án giá lập và trình không đúng quy định, thiếu những căn cứ để quyết định hoặc trong đó có những nội dung không chính xác, thì trong phạm vi 10 ngày, kể từ ngày nhận được phương án, cơ quan có thẩm quyền quyết định giá có quyền gửi trả lại phương án kèm theo những yêu cầu bổ sung hoặc yêu cầu xây dựng lại phương án.
Điều 13 – Quyết định về giá phải viết thành văn bản, kèm theo các bảng giá, do cơ quan có thẩm quyền quyết định giá ký ban hành; văn bản này phải gửi cho tất cả các ngành, các địa phương, các cơ quan có liên quan. Các quyết định về giá phải định rõ ngày công bố và ngày áp dụng giá mới; cơ quan có trách nhiệm công bố giá phải công bố giá đúng quyết định.
Tất cả các quyết định về giá của các Bộ, của Uỷ ban nhân dân các tỉnh đều phải gửi cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước để lập các bảng giá chỉ đạo hiện hành của Nhà nước.
Các văn bản về phương án giá phải được quản lý theo chế độ tài liệu mật của Nhà nước. Các văn bản về quyết định giá phải được quản lý theo chế độ tài liệu mật của Nhà nước cho đến sau ngày công bố công khai.
Trước khi công bố giá, các cơ quan, xí nghiệp quản lý hàng hoá phải kiểm kê hàng hoá tồn kho và giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc thay đổi giá để bảo đảm hạch toán rành mạch, tránh tham ô, lợi dụng.
CHƯƠNG IV
KIỂM TRA, THANH TRA, KỶ LUẬT NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ
Điều 14 – Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm tổ chức hệ thống thanh tra Nhà nước về giá, và chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc chấp hành chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo của Nhà nước. Các Bộ quản lý sản xuất kinh doanh và Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo việc kiểm tra tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc mình về việc chấp hành chính sách giá, nguyên tắc và phương pháp hình thành giá, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo của Nhà nước. Các ngành, các cấp, các cơ sở kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể, cá thể và tư nhân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, báo cáo trung thực tình hình và số liệu theo yêu cầu của Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền khi các cơ quan này tiến hành kiểm tra, thanh tra giá.
Điều 15 – Những đơn vị hoặc cá nhân vi phạm kỷ luật về giá của Nhà nước theo các trường hợp sau đây thì tuỳ theo lỗi nhẹ, nặng mà bị xử lý bằng biện pháp hành chính, bị truy cứu trách nhiệm về vật chất hoặc bị truy tố trước pháp luật:
1. Quyết định giá không đúng thẩm quyền, không đúng chế độ quy định.
2. Tự ý thay đổi mức giá, tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá hoặc địa điểm giao nhận hàng hoá đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
3. Báo cáo không trung thực chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, làm cho giá thành, phí lưu thông và giá cả bị sai lạc (tăng lên hoặc hạ xuống) gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.
4. Cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời những tài liệu và số liệu cần thiết cho việc lập phương án giá, xét duyệt và quyết định giá, kiểm tra và thanh tra giá, trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc kiểm tra, thanh tra giá.
5. Làm chậm trễ việc xét duyệt và công bố giá, không công bố thi hành giá đúng thời hạn đã ghi trong văn bản quyết định giá.
6. Không thi hành đúng chế độ đăng ký, niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết.
7. Lợi dụng, tham ô, móc ngoặc hối lộ trong việc xây dựng phương án giá, xét duyệt giá, công bố giá.
8. Tiết lộ bí mật về giá của Nhà nước.
Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không làm tròn trách nhiệm được giao thì xử phạt theo Điều 25 bản Quy định về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công, chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 217-CP ngày 8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ.
Đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể, cá thể và tư nhân không thi hành đúng chế độ đăng ký niêm yết giá, bán hàng không đúng giá quy định của Nhà nước hoặc không đúng giá niêm yết thì xử phạt theo Điều 7 của Nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 và Điều 8 Nghị định số 19-HĐBT ngày 23-3-1983 của Hội đồng Bộ trưởng.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh quốc doanh và công tư hợp doanh bán sai giá quy định của Nhà nước hoặc sai giá niêm yết nếu làm thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho khách hàng thì phải hoàn trả lại cho ngân sách Nhà nước hoặc cho khách hàng khoản thu nhập bất hợp pháp do vi phạm kỷ luật về giá của Nhà nước, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý; phần phải hoàn trả lại cho khách hàng nếu không xác định được khách hàng thì phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Nếu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật về giá của Nhà nước thì người vi phạm bị truy tố trước pháp luật.
Điều 16 – Cho phép trích một tỷ lệ tối đa là 3% số tiền chênh lệnh bán sai giá nộp vào ngân sách Nhà nước và từ 5% đến 10% số tiền phạt (trong trường hợp có phạt) để khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý những vụ vi phạm kỷ luận Nhà nước về giá.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17 – Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ này, đôn đốc và kiểm tra các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện điều lệ này.
Điều 18 – Điều lệ này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.
DANH MỤC SỐ 1
SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ DO HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG QUYẾT ĐỊNH GIÁ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 33-HĐBT ngày 27/2/1984 của Hội đồng Bộ trưởng)
I. GIÁ GIAO NỘP, GIÁ THU MUA
(GIÁ, GIÁ CHUẨN, KHUNG GIÁ)
1. Giá giao nộp, giá thu mua nghĩa vụ:
– Lương thực: thóc tẻ, ngô, sắn lát khô, khoai lang khô;
– Thịt lợn hơi.
– Sản phẩm cây công nghiệp: đậu tương, lạc vỏ, mía cây, đường thủ công, thuốc lá lá, cà phê, chè búp tươi, cói, đay, quế, hoa hồi, cao su, anh túc và nhựa anh túc, dừa quả, sơn ta.
– Gỗ tròn, tre nứa làm nguyên liệu giấy.
– Cá biển tươi và khô, tôm xuất khẩu, mực xuất khẩu.
– Muối.
– Nước mắm.
2. Khung giá mua khuyến khích đối với thóc tẻ.
II. GIÁ BÁN BUÔN VẬT TƯ, GIÁ CƯỚC VẬN TẢI HÀNG HOÁ, GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN (GIÁ, GIÁ CHUẨN)
1. Giá bán buôn vật tư các loại máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sử dụng trong nhiều ngành kinh tế quốc dân:
– Quặng các loại, đất cao lanh, thạch cao.
– Kim loai đen, kim loại mầu, gỗ tròn, nguyên liệu làm giấy, cao su, xi măng, hoá chất cơ bản (axít sunfuarích, xút cốt tích), thuốc nổ, hoá dược chủ yếu (Peni-xilin, Tetraxyclin, Ganidan, Aspirin, Vita-mmin B1, Vitamin C), bông xơ và sợi bông, xơ và sợi hoá học, bột giấy, giấy in, gạch ngói, đá, cát, sỏi.
– Than, dầu mỏ, khi thiên nhiên và khí khai thác cùng với dầu mỏ, xăng, đi-ê-đen (DO), ma-dút (FO), dầu hoả.
– Điện.
– Máy cắt gọt kim loại, máy nổ.
– Phương tiện vận tải: ô-tô, đầu máy xe lửa, toa xe lửa, tàu thuỷ, xà lan và đầu kéo, máy bay.
2. Giá bán buôn vật tư các loại tư liệu sản xuất quan trọng phục vụ nông nghiệp, ngư nghiệp:
– Phân hoá học.
– Thuốc trừ sâu.
– Máy kéo, máy bơm nước.
– Tầu và thuyền đánh cá, lưới, sợi, dây và nguyên liệu để sản xuất và sửa chữa lưới, nguyên liệu để sản xuất và sợi dây, vải buồm.
3. Tiền công làm đất bằng máy, thủy lợi phí.
4. Cưới vận tải hàng hoá của các ngành vận tải đường sắt, ô-tô, đường sông, đường biển, máy bay, đường ống cước vận tải quá cảnh, cước cảng biển. 5. Chiết khấu lưu thông toàn ngành của các Bộ Vật tư, Nội Thương, Thuỷ sản, Ngoại thương, Lương thực, Y tế, Văn hoá…
6. Giá thiết bị toàn bộ sản xuất trong nước và nhập khẩu; tổng dự toán (trong luận chứng kinh tế – kỹ thuật và trong thiết kế kỹ thuật) các công trình xây dựng quan trọng đặc biệt của Nhà nước theo các Điều 11 và 18 Nghị định số 232-CP ngày 6-6-1981 của Hội đồng Chính phủ.
III. GIÁ BÁN LẺ, GIÁ CƯỚC, GIÁ DỊCH VỤ
(GIÁ, GIÁ CHUẨN, KHUNG GIÁ)
1. Giá bán lẻ:
a. Hàng lương thực, thực phẩm: gạo, bột mỳ, thịt lợn, cá biển tươi và khô, nước mắm, muối ăn, mỳ chính, đường sữa hộp, cá hộp, thịt hộp, rượu, bia, thuốc lá điếu, chè gói.
b. Hàng không phải lương thực, thực phẩm:
– Những loại vải chủ yếu: phin, pôpơlin, kaki, lụa đen, sa tanh, thun, sơviốt, vải màn, chăn sợi, áo rét sợ.
– Giấy viết, sách, báo Nhân dân.
– Một số loại thuốc thông dụng: APC, Penixxilin, Streptomyxin, Tetraxyclin, Cloroxit, Sulfathiazôn, Ganidan, Vitamin B1, Vitamin C.
– Xe đạp nguyên chiếc.
– Xăng cho xe máy.
– Nồi nhôm, chiếu cói, quạt bàn, quạt trần, bóng đèn điện thắp sáng, diêm, xà phòng giặt, bột giặt.
– Than, củi, dầu hoả làm chất đốt và thắp sáng.
– Xi-măng, gỗ, gạch, ngói, thép xây dựng.
2. Giá cho thuê nhà ở, giá điện và nước sinh hoạt.
3. Cước vận tải hành khách của các ngành vận tải đường sắt, ôtô, đường sông, đường biển, máy bay, cước vé tháng bán cho công nhân, viên chức đi làm và học sinh đi học.
4. Giá cước: thư, điện báo, điện thoại.
IV. GIÁ MUA VÀ BÁN: VÀNG, BẠC, KIM KHÍ QUÝ, ĐÁ QUÝ
V. TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ GIÁ HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU
– Các loại tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam.
– Tỷ giá kết hối ngoại thương và tỷ lệ thu bù đối với từng nhóm hàng xuất khẩu và nhập khẩu.
– Giá giới hạn xuất khẩu và nhập khẩu (tính bằng ngoại tệ) đối với một số mặt hàng quan trọng (danh mục mặt hàng và mức giá do Bộ Ngoại thương cùng Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng ngoại thương đề nghị).
DANH MỤC 2
SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ DO HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG UỶ QUYỀN CHO UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC QUYẾT ĐỊNH GIÁ.
(Ban hành kèm theo Nghị định số 33-HĐBT ngày 27-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng)
I. GIÁ GIAO NỘP, GIÁ THU MUA
1. Khung giá mua khuyến khích đối với những sản phẩm mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giá thu mua nghĩa vụ nhưng không quyết định khung giá mua khuyến khích.
2. Giá giao nộp, giá thu mua nghĩa vụ, khung giá mua khuyến khích: trâu bò thịt, cơm dừa và dầu dừa, đậu xanh, tinh dầu quế, chè sơ chế, bông, cam và dứa xuất khẩu ở những vùng sản xuất tập trung.
II. GIÁ BÁN BUÔN, GIÁ CƯỚC VẬN TẢI HÀNG HOÁ,
GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN
1. Cụ thể hoá giá bán buôn vật tư những máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, cước vận tải hàng hoá… mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giá chuẩn.
Đối với những sản phẩm mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giá bán buôn vật tư, giá bán lẻ đối với những sản phẩm mà Uỷ ban Vật giá Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền đã quyết định giá bán kẻ thì Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, giá bán buôn hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu.
2. Giá bán buôn (giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, giá bán buôn vật tư, giá bán buôn hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu):
a. Các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu:
– Dầu mỡ, mỡ máy, dây điện.
– Nhựa hoá học, nhựa thông, dầu thông, tùng hương, đất sét, các-tông, thuốc nhuộm, que hàn, phim sống, mực in, sơn tổng hợp, nước đá, nước dùng trong sản xuất, hơi nước.
– Các loại hoá chất chủ yếu ngoài những thứ trong danh mục số 1 (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng tổng cục Hoá chất quy định).
– Các loại hoá dược chủ yếu ngoài những thứ trong danh mục số 1 (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Y tế quy định).
– Gỗ trụ mỏ, gỗ xẻ, cấu kiện bằng bê-tông đúc sẵn và bằng sắt thép, Fibrô xi-măng.
– Tấm cám thu được từ xay xát thóc.
– Các phế liệu từ bông, sợi, kim loại mầu, dầu thải, than qua lửa.
b. Các loại máy móc thiết bị có công dụng liên ngành, các phương tiện vận tải và bốc xếp cơ giới (ngoài những thứ trong danh mục số 1).
– Máy pháp động lực, máy phát điện, máy công cụ, máy biến thế.
– Ắc quy, vòn bi và hàng quy chế (mặt hàng chuẩn).
– Máy tăng âm, loa và dây thông tin.
– Phụ tùng chủ yếu của các loại máy móc thiết bị (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng các Bộ có liên quan quy định).
c. Các loại máy móc thiết bị dùng trong công nghiệp khai khoáng, xây dựng và trong sản xuất nông nghiệp.
d. Các sản phẩm là bao bì có công dụng liên ngành (trừ bao bì đóng gói hàng xuất khẩu đo các xí nghiệp trực thuộc Bộ Ngoại thương sản xuất và sử dụng cho các công ty trực thuộc Bộ).
đ. Tôm, mực và cá đông lạnh xuất khẩu.
3. Tham gia Hội đồng thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật của Nhà nước đối với các công trình xây dựng do Chủ tích Hội đồng Bộ trưởng quyết định vốn đầu tư.
Tham gia với Bộ chủ quản đầu tư và Bộ Tài chính thẩm tra và quyết định quyết toán giá trị các công trình quan trọng đặc biệt do Hội đồng Bộ trưởng quyết định tổng dự toán.
Hướng dẫn các nguyên tắc xác định giá đền bù tài sản, hoa màu để giải phóng mặt bằng xây dựng.
4. Giá cho người nước ngoài thuê nhà, thuê đất; giá bán vật tư dịch vụ cho các công trình xây dựng của người nước ngoài và cho các công trình liên doanh giữa nước ta và nước ngoài.
5. Các phụ giá bổ sung vào giá bán buôn hiện hành đối với các sản phẩm do Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá trong trường hợp các sản phẩm đó được cấp dấu chất lượng Nhà nước.
III. GIÁ BÁN LẺ, GIÁ CƯỚC, GIÁ DỊCH VỤ
(GIÁ CHUẨN, KHUNG GIÁ)
1. Hướng dẫn các Bộ cụ thể hoá giá bán lẻ, giá cước, giá dịch vụ đối với những mặt hàng và dịch vụ mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giá chuẩn hoặc khung giá.
2. Giá bán lẻ: may ô, khăn mặt, vải nhựa che mưa, vở học sinh, bút máy, bút máy, bút chì, khung xe đạp, săm lốp, xích và líp xe đạp, đồng hồ, máy thu hình, máy thu thanh, pin đèn thông dụng một số loại nông cụ chủ yếu (cuốc xẻng).
3. Giá cước: ấn phẩm, thư chuyển tiền, bưu kiện.
4. Giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chủ yếu phục vụ chuyên gia, ngoại giao đoàn và khách du lịch, thu bằng tiền Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Ngoại giao và các ngành có liên quan quy định).
DANH MỤC SỐ 3
SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ DO CÁC BỘ QUYẾT ĐỊNH GIÁ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 33-HĐBBT ngày 27/2/1984
của Hội đồng Bộ trưởng)
I. GIÁ GIAO NỘP THU MUA, GIÁ GIAO CÔNG
1. Cụ thể hoá giá giao nộp, giá thu mua những sản phẩm mà Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền đã quyết định giá chuẩn hoặc khung giá.
2. Giá giao nộp, giá thu nghĩa vụ, giá khuyến khích hoặc khung giá mua khuyến khích những nông sản, lâm sản, thuỷ sản lưu thông trong phạm vi toàn quốc hoặc nhiều tỉnh nhưng chưa báo gồm trong các danh mục số 1 và số 2. Giá thu mua, giá gia công những sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp lưu thông trong phạm vi toàn quốc hoặc nhiều tỉnh.
Danh mục những mặt hàng nói trên được phân công giữa các Bộ như sau:
– Bộ Nông nghiệp: sản phẩm của nông trường quốc doanh, công ty xí nghiệp, trạm trại… do Bộ quản lý. Đối với những sản phẩm của nông trường, trạm trại do Bộ quản lý thuộc các danh mục số 1 và số 2 trồng trên vùng đất mới khai hoang hoặc đang sản xuất thủ thì Bộ có thể quyết định phụ giá.
– Bộ lương thực: thóc nếp, thóc đặc sản, khoai lang tươi, sắn tươi, khoai tây, cao lương.
– Bộ Công nghiệp thực phẩm: sản phẩm mà Bộ thu mua cho các nhà máy chế biến trực thuộc Bộ (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Công nghiệp thực phẩm quy định).
– Bộ Y tế: các loại dược liệu chủ yếu mà Bộ thu mua (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Y tế quy định).
– Bộ Văn hoá: các sản phẩm văn hoá như đồ cổ, tranh tượng, gốm nghệ thuật, sơn mài nghệ thuật… mà Bộ thu mua.
– Bộ Lâm nghiệp: sản phẩm của lâm trường quốc doanh Trung ương trực thuộc Bộ.
– Bộ Thuỷ sản: các loại hải sản, đặc sản chủ yếu, thủy sản nuôi trồng ở những vùng sản xuất tập trung mà Bộ thu mua (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Thuỷ sản quy định).
– Bộ Ngoại thương: các loại nông sản, lâm sản, dược liệu chủ yếu ở những vùng sản xuất tập trung và các hàng tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp mà Bộ thu mua hoặc gia công để xuất khẩu (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Ngoại thương quy định).
– Bộ Nội thương: các loại thực phẩm, nông sản, lâm sản, thuỷ sản, hàng tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp mà Bộ thu mua hoặc gia công (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Nội thương quy định).
– Bộ Công nghiệp nhẹ: giá gia công dệt vải và hàng may mặc sẵn.
II. GIÁ BÁN BUÔN, GIÁ CƯỚC VẬN TẢI HÀNG HOÁ,
GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN
1. Cụ thể hoá giá những máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mà Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền đã quyết định giá chuẩn.
2. Cụ thể hoá các mức chiết khấu lưu thông vật tư, hàng hoá mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định chiết khấu toàn ngành.
3. Giá bán buôn (giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, giá bán buôn vật tư, giá cước vận tải hàng hoá, giá dịch vụ sửa chữa) những sản phẩm, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa, bao bì đóng gói do các xí nghiệp trực thuộc Bộ sản xuất, tiêu dùng chủ yếu trong nội bộ ngành (ngoài những thứ trong các danh mục số 1 và số 2). Trường hợp bán ra ngoài ngành thì Bộ phải trao đổi với bên đặt hàng trước khi quyết định giá.
4. Đối với những mặt hàng tiêu dùng thuộc danh mục số 3 thì Bộ sản xuất quyết định giá bán buôn xí nghiệp; Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn công nghiệp sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và Bộ kinh doanh bán lẻ.
5. Đối vơi các loại phế liệu thu được trong quá trình sản xuất (ngoài các phế liệu trong danh mục số 2) thì Bộ phụ trách cung ứng nguyên liệu cụ thể hoá giá các phế liệu căn cứ vào giá chuẩn hoặc khung giá đó.
6. Đối với sản phẩm xây dựng cơ bản, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước thống nhất quản lý về đơn giá và dự toán. Các Bộ chủ quản đầu tư xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, gái dự toán và giá quyết toán các công trình xây dựng theo quy định ở các Điều 11, 18 và 42 của Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành theo Nghị định số 232-CP ngày 6-6-1981 của Hội đồng Chính phủ và các văn bản kèm theo.
III. GIÁ BÁN LẺ, GIÁ CƯỚC, GIÁ DỊCH VỤ
1. Cụ thể hoá giá bán lẻ, giá cước, giá dịch vụ những mặt hàng và dịch vụ mà Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền đã quyết định giá chuẩn hoặc khung giá.
2. Giá bán lẻ, giá bán lẻ chuẩn hoặc khung giá bán lẻ những sản phẩm lưu thông trong phạm vi toàn quốc hay nhiều tỉnh, những dịch vụ thiết yếu đối với đời sống nhân dân cả nước, nhưng chưa bao gồm trong các danh mục số 1 và số 2.
Danh mục những mặt hàng và dịch vụ nói trên được phân công giữa các Bộ như sau:
– Bộ Nội thương: những mặt hàng tiêu dùng lưu thông trong phạm vị toàn quốc, ngoài những mặt hàng thuộc phạm vi chuyên doanh của các Bộ khác (danh mục cụ thể do Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Nội thương quy định).
– Bộ Y tế: các loại thuốc tân dược, các dịch vụ y tế.
– Bộ Văn hoá: giá vé chuẩn hoặc khung giá các loại vé xem biểu diễn, chiếu bóng, xiếc, sân khấu, hoà nhạc, tham quan bảo tàng và triển lãm; các loại báo, tạp chí, ấn phẩm, đĩa hát, băng nhạc, nhạc cụ, tranh, tượng; giá cho thuê hoặc bán phim điện ảnh, đèn chiếu.
– Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng): Báo Quân đội nhân dân.
– Tổng cục thể dục thể thao: giá vé chuẩn hoặc khung giá các loại vé thi đấu thể dục thể thao.
– Tổng cục Bưu điện: giá cước thu phát vô tuyến điện trong nước và giá cước các nghiệp vụ bưu điện chiều đi ra nước ngoài.
DANH MỤC SỐ 4
SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ DO UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUYẾT ĐỊNH GIÁ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 33-HĐBT ngày 27-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng).
I. GIÁ CƯỚC GIAO NỘP, GIÁ THU MUA, GIÁ GIA CÔNG
1. Cụ thể hoá giá thu mua nghĩa vụ, giá mua khuyến khích những sản phẩm mà Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ đã quyết định giá chuẩn hoặc khung giá.
2. Đối với những nông sản, lâm sản, hải sản, những hàng công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong các danh mục số 1, số 2 và số 3, ngoài phần giao nộp cho Trung ương, nếu địa phương, thu mua thêm cho nhu cầu của địa phương thì địa phương vẫn phải chấp hành giá chuẩn hoặc khung giá của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ; trường hợp Trung ương không giao chỉ tiêu thu mua, gia công và giao nộp, nếu địa phương thu mua hoặc gia công cho nhu cầu của địa phương thì địa phương được quyền quyết định giá.
3. Giá giao nộp, giá thu mua nghĩa vụ, giá mua khuyến khích các loại nông sản, lâm sản, thuỷ sản, đặc sản, hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất tại địa phương và tiêu dùng chủ yếu tại địa phương (ngoài những thứ thuộc các danh mục số 1, số 2 và số 3).
II. GIÁ BÁN BUÔN, GIÁ CƯỚC VẬN TẢI HÀNG HOÁ,
GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN
1. Cụ thể hoá giá bán buôn, giá cước vận tải hàng hoá, giá dịch vụ sửa chữa, giá phế liệu những sản phẩm và dịch vụ mà các Bộ đã quyết định giá chuẩn hoặc khung giá.
2. Giá bán buôn vật tư, giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, giá cước, giá phế liệu, giá dịch vụ sửa chữa những sản phẩm và dịch vụ do các xí nghiệp quốc doanh địa phương sản xuất và tiêu dùng chủ yếu tại địa phương (ngoài những thứ thuộc các danh mục số 1, số 2 và số 3).
Đối với những sản phẩm thuộc danh mục số 3 do công nghiệp quốc doanh địa phương sản xuất, nếu các bộ không giao chỉ tiêu thu mua, giao nộp thì địa phương quyết định giá bán buôn xí nghiệp và giá bán buôn công nghiệp.
3. Cước vận tải hàng hoá bằng phương tiện sơ giới đướng sông khu vực III và các khu vực IV do địa phương quản lý; cước vận tải hàng hoá bằng phương tiện thô sơ; cước bốc xếp ở các bến bãi do địa phương quản lý.
4. Đơn giá xây dựng cơ bản khu vực áp dụng thống nhất cho tất cả các công trình xây dựng tại địa phương (trừ những công trình được phép lập đơn giá riêng do Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước duyệt), giá dự toán và quyết toán các công trình xây dựng mà địa phương được phân cấp xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kỹ thuật; giá đến bù tài sản, hoa màu để giải phóng mặt bằng xây dựng.
III. GIÁ BÁN LẺ, GIÁ CƯỚC, GIÁ DỊCH VỤ
1. Cụ thể hoá giá bán lẻ, giá cước hành khách, giá dịch vụ những mặt hàng và dịch vụ mà Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ đã quyết định giá chuẩn hoặc khung giá.
2. Giá bán lẻ những sản phẩm và dịch vụ ngoài những thứ thuộc các danh mục số 1, số 2 và số 3.
3. Giá cước vận tải hành khách trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
Reviews
There are no reviews yet.