NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 83/2003/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2003
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU
TỔ CHỨC CỦA ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ;
Theo đề nghị của Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài Phát thanh quốc gia thuộc Chính phủ thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình phát thanh; thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Đài Tiếng nói Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá – Thông tin về hoạt động báo chí và quản lý nhà nước của Bộ Bưu chính, Viễn thông về tần số truyền dẫn, phát sóng phát thanh.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan sự nghiệp quy định tại Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam; tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt;
2. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của Đài Tiếng nói Việt Nam;
3. Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển của hệ thống phát thanh Việt Nam;
4. Chủ trì, phối hợp với các Đài Phát thanh, Đài Phát thanh – Truyền hình địa phương về kế hoạch sản xuất các chương trình phát trên sóng phát thanh quốc gia;
5. Quyết định chương trình và thời lượng phát sóng hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam;
6. Hướng dẫn các Đài địa phương về nghiệp vụ và kỹ thuật phát thanh;
7. Quản lý trực tiếp hệ thống kỹ thuật chuyên dùng của Đài Tiếng nói Việt Nam để sản xuất chương trình, truyền dẫn tín hiệu và phát sóng phát thanh trong nước và nước ngoài;
8. Trình Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn, nghiệp vụ và định mức kinh tế – kỹ thuật về phát thanh được áp dụng trong phạm vi cả nước;
9. Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực phát thanh theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
10. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của Đài Tiếng nói Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
11. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành phát thanh;
12. Tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát thanh;
13. Thực hiện hợp tác quốc tế về phát thanh theo quy định của pháp luật;
14. Tổ chức các hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật;
15. Thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước của Đài Tiếng nói Việt Nam theo quy định của pháp luật;
16. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương; thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Đài Tiếng nói Việt Nam;
17. Quản lý tài chính, thiết bị, vật tư, cơ sở vật chất của Đài Tiếng nói Việt Nam theo quy định của pháp luật và quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước giao;
18. Thực hiện chế độ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy
a) Các tổ chức giúp việc Tổng giám đốc:
1. Ban Thư ký biên tập;
2. Ban Tổ chức cán bộ;
3. Ban Kế hoạch – Tài vụ;
4. Ban Hợp tác quốc tế;
5. Ban Kiểm tra;
6. Văn phòng.
b) Các tổ chức sản xuất nội dung chương trình:
1. Ban Thời sự;
2. Ban Văn hoá – Xã hội;
3. Ban Âm nhạc;
4. Ban Phát thanh tiếng dân tộc;
5. Ban Biên tập đối ngoại;
6. Ban Kinh tế, Khoa học và Công nghệ;
7. Ban Văn học – Nghệ thuật;
8. Ban Bạn nghe Đài;
9. Ban Kỹ thuật phát thanh;
10. Trung tâm Âm thanh;
11. Cơ quan thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh;
12. Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên;
13. Cơ quan thường trú khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
14. Cơ quan thường trú khu vực Tây Bắc;
15. Cơ quan thường trú khu vực miền Trung.
c) Các tổ chức khác:
1. Trung tâm ứng dụng tin học và Phát triển công nghệ phát thanh;
2. Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ phát thanh;
3. Báo Điện tử VOV News;
4. Báo Tiếng nói Việt Nam.
Các cơ quan thường trú nước ngoài do Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập;
Các đơn vị sự nghiệp khác hiện có giao Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức và sắp xếp theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 53/CP ngày 16 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Reviews
There are no reviews yet.