NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/2001/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2001
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, nhằm đáp ứng yêu cầu việc bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế – xã hội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Nghị định này quy định việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ trong các lĩnh vực sau đây:
a) Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ con người;
b) Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ tài sản và hàng hóa;
c) Sản xuất, sửa chữa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ.
2. Những đối tượng, mục tiêu thuộc danh mục nhà nước quy định do lực lượng Quân đội và Công an nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ và những đối tượng mà pháp luật quy định do lực lượng bảo vệ của các cơ quan, doanh nghiệp đảm nhiệm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Điều 2.
1. Chỉ những doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan mới được tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
2. Những tổ chức, cá nhân sau đây không được thành lập và quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ:
a) Tổ chức, cá nhân mà Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;
b) Người đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế hoặc bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
c) Người có tiền án về các tội do lỗi cố ý hoặc người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác mà theo quy định của pháp luật chưa được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;
d) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Những tổ chức, cá nhân sau đây không được trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ bảo vệ:
a) Tổ chức, cá nhân được quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trừ một số hoạt động sản xuất, sửa chữa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Nghị định này.
Điều 3. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều phải tuân theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 4. Nghiêm cấm thành lập các doanh nghiệp để điều tra bí mật, tiến hành các hoạt động vũ trang bảo vệ hoặc các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mọi hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ THỂ THAM GIA HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
Điều 5.
1. Việc thành lập và đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ hoặc mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động, bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan đối với mỗi loại hình doanh nghiệp.
2. Trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc xin bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự” do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cấp đăng ký kinh doanh hoặc cho phép bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự” của Công an cấp tỉnh.
Điều 6.
1. Hồ sơ xin cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự” gồm:
a) Đơnxin cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự”;
b) Hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ hoặc xin bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
c) Danh sách và lý lịch (có ảnh và xác nhận của Công an cấp xã nơi cư trú) của sáng lập viên và những người dự kiến giữ các chức vụ chủ chốt của doanh nghiệp;
d) Quy chế về tổ chức và hoạt động, phạm vi, quy mô kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Công an cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết việc cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự” cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp không đủ điều kiện hoặc hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Điều 6 Nghị định này, thì cơ quan Công an phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết rõ lý do hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ.
3. Người xin cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự” phải nộp lệ phí. Mức thu lệ phí và chế độ quản lý, sử dụng lệ phí do Bộ Tài chính quy định.
Điều 7. Chậm nhất là 10 ngày trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, người đứng đầu doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Công an cấp tỉnh biết nơi đặt trụ sở, địa bàn và thời gian bắt đầu hoạt động, đồng thời phải sao gửi kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và danh sách những người trong ban lãnh đạo, ban quản lý.
Điều 8.Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ đăng ký kinh doanh ở tỉnh này mà được phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc thường xuyên hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ ở tỉnh khác, thì chậm nhấtlà 10 ngày trước khi hoạt động phải thông báo bằng văn bản và gửi kèm theo danh sách những nhân viên sẽ đến làm việc tại tỉnh đó cho Công an cấp tỉnh nơi đến biết.
Điều 9. Người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải là người có lý lịch rõ ràng, có kiến thức cần thiết về pháp luật và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với doanh nghiệp do mình quản lý, có kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
Điều 10.
1. Nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải là người có lý lịch rõ ràng (có xác nhận của Công an cấp xã nơi cư trú) và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
2. Nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ phải đeo biển hiệu nhân viên bảo vệ và phải có “Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ” do Giám đốc doanh nghiệp cấp để xuất trình khi cần thiết.
Điều 11. Trong khi tiến hành hoạt động dịch vụ bảo vệ, nếu phát hiện các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra trong khu vực bảo vệ như: cháy, nổ, tai nạn gây thương tích hoặc chết người; gây rối trật tự hoặc những hành vi khác có dấu hiệu phạm tội, thì người đang thực hiện nhiệm vụ tại nơi đó có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, cấp cứu nạn nhân và tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, đồng thời phải báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điều 12.
1. Việc nhập khẩu, xuất khẩu các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ phải được Bộ Công an đồng ý bằng văn bản trước khi xin phép nhập khẩu, xuất khẩu.
2. Cơ sở sản xuất phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ phải ghi rõ tên cơ sở sản xuất trên sản phẩm và phải đăng ký, lưu mẫu tại Công an cấp tỉnh.
CHƯƠNG III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
Điều 13. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ trong phạm vi cả nước và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quy định các điều kiện cụ thể về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
2. Chỉ đạo Công an các cấp kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ; kiểm tra chương trình, nội dung đào tạo nghiệp vụ bảo vệ; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
3. Kiến nghị với Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Điều 14. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an để quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức vàhoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo thẩm quyền và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
CHƯƠNG IV. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 16. Cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ có thành tích đóng góp tích cực vào việc bảo vệ an ninh, trật tự thì được xét khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 17. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải chấp hành các quy định về an ninh, trật tự theo hướng dẫn của cơ quan Công an.
Mọi hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ cóngười không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 2 của Nghị định này, thì cơ quan Công an có quyền yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt ngay việc sử dụng người đó.
Điều 18. Mọi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật trong việc cấp đăng ký kinh doanh, cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự” hoặc có các hành vi vi phạm khác trong quản lýhoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
CHƯƠNG V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19.
1. Doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã được phép tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ trước khi ban hành Nghị định này, thì không phải làm lại thủ tục đăng ký kinh doanh, nhưng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, phải bổ sung những thủ tục còn thiếu theo quy định của Nghị định này.
2. Doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ trước khi ban hành Nghị định này, được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn ghi trong giấy phép, nhưng không được mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Trong thời gian được tiếp tục hoạt động phải tuân theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải đình chỉ hoạt động.
Điều 20. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bộ Công an hướng dẫn chi tiết việc thi hành Nghị định này.
Điều 21. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Reviews
There are no reviews yet.