HIỆP ĐỊNH
THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA Xà HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CÔNG-GÔ NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 2003
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Công-gô dưới đây gọi là “các Bên ký kết”
Với lòng mong muốn tạo điều kiện thuận lợi và phát triển trao đổi thương mại giữa hai nước, trên cơ sở nguyên tắc, tập quán quốc tế và các thoả thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (OMC);
Tin tưởng sự hợp tác thương mại sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của hai nước;
Khẳng định lòng mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và củng cố sự hợp tác giữa hai quốc gia;
Xác định việc ký Hiệp định hợp tác Thương mại trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi;
đã thoả thuận như sau:
Điều 1
Các Bên ký kết cam kết khuyến khích sự hợp tác và trao đổi thương mại giữa hai nước.
Điều 2
1 – Các Bên ký kết dành cho nhau chế độ ưu đãi tối huệ quốc về thuế quan và các nghĩa vụ liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu cũng như các vấn đề liên quan đến quy định về thủ tục vận tải hàng hoá phù hợp với luật và các quy định của mỗi nước và phù hợp với các cam kết của mỗi Bên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (OMC).
2 – Mỗi Bên ký kết sẽ áp dụng chế độ đối xử quốc gia đối với hàng hoá của Bên kia theo những cam kết của mỗi Bên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (OMC).
3 – Các quy định ở khoản 1 của điều này không được coi là trách nhiệm của các Bên ký kết nhằm mở rộng các lợi thế, ưu đãi có đi có lại mà một trong hai Bên sẽ dành cho một nước thứ ba, đối với:
– Mọi thoả thuận về khu vực trao đổi tự do, liên minh quan thuế, thị trường chung hoặc khu vực đồng tiền chung mà Bên này hoặc Bên kia là hoặc sẽ là thành viên.
– Mọi thoả thuận hoặc cam kết ký với các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho biên mậu.
Điều 3
Các Bên ký kết cam kết khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các tổ chức Chính phủ của hai nước trực tiếp tiếp xúc nhằm thực hiện các dự án mà hai Bên cùng quan tâm.
Điều 4
Các Bên ký kết thoả thuận tạo điều kiện thuận lợi cần thiết để doanh nghiệp hai nước tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại, các hội nghị, hội thảo tổ chức ở mỗi nước phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành ở mỗi nước.
Điều 5
Việc thanh toán các hợp đồng thương mại thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định này sẽ được thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại bằng đồng tiền tự do chuyển đổi, hoặc bằng cách thanh toán khác do các doanh nghiệp quyết định trong một giao dịch cá biệt, phù hợp với quy định hiện hành ở mỗi nước.
Điều 6
Trong trường hợp tranh chấp liên quan đến các hợp đồng thương mại thực hiện trong khuôn khổ hợp tác thương mại giữa các Bên ký kết, bên bị thiệt hại có thể tham khảo ý kiến nhằm làm sáng tỏ bối cảnh dẫn đến tình trạng để đạt được các giải pháp thông qua đàm phán. Trong trường hợp đặc biệt nếu không đạt được thoả thuận, các Bên sẽ đưa ra trọng tài của nước Bên bị kiện.
Điều 7
Các Bên ký kết, phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành ở mỗi nước, sẽ cho phép nhập khẩu và xuất khẩu miễn thuế hải quan và các thuế tương đương đối với các hàng hoá nước kia:
– Hàng mẫu và vật tư dùng để triển lãm và tìm kiếm đơn đặt hàng và không để bán.
– Hàng hoá, dụng cụ tạm nhập cần thiết cho việc tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại với điều kiện không bán.
– Hàng hoá tạm nhập để nghiên cứu, thử nghiệm với điều kiện không dùng để bán.
Điều 8
Mỗi Bên ký kết sẽ cho phép quá cảnh tự do qua lãnh thổ của mình hàng hoá từ một Bên hoặc đến một Bên phù hợp với quy định và luật pháp hiện hành ở mỗi nước.
Điều 9
Hiệp định này, không loại trừ, đối với các Bên ký kết, việc cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hoặc xuất khẩu do:
– Lệnh của Chính phủ
– Bảo vệ thực vật
– Bảo vệ sức khoẻ và đời sống con người và súc vật
– Bảo vệ tài sản quốc gia như giá trị nghệ thuật, lịch sử hoặc khảo cổ học
– Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và thương mại
– Bảo vệ người tiêu dùng
– Đóng gói sản phẩm
– Quy định hải quan
– Việc kiểm soát quan hệ tài chính với nước ngoài
– Tôn trọng các điều ước quốc tế mà hai nước phê chuẩn
– Các lợi thế dành cho các khu miễn thuế trên lãnh thổ nước mình.
Điều 10
Việc cấm và hạn chế xuất nhập khẩu đề cập tại Điều 9 kể trên không được áp dụng tuỳ tiện hoặc phân biệt đối xử, hoặc gây cản trở buôn bán bình thường giữa các Bên ký kết.
Điều 11
Một Uỷ ban hỗn hợp riêng về thương mại giữa hai nước sẽ được thành lập, Uỷ ban này sẽ:
– Theo dõi việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định này
– Tìm các giải pháp để giải quyết các khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định này.
– Kiến nghị các biện pháp có thể để củng cố hoặc cải thiện quan hệ thương mại giữa hai nước.
Uỷ ban hỗn hợp này sẽ họp luân phiên ở Việt Nam và Công-gô theo yêu cầu của một trong các Bên ký kết.
Điều 12
Mọi sự khác biệt do sự giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua việc tham khảo và thương lượng giữa hai Bên.
Điều 13
Việc sửa đổi Hiệp định này sẽ được tiến hành thông qua việc nhất trí giữa hai Bên trên cơ sở yêu cầu của một trong các Bên ký kết. Các điều khoản sửa đổi sẽ có giá trị hiệu lực 30 ngày sau khi được hai Bên phê duyệt.
Điều 14
Hiệp định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày các Bên thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước mình.
Hiệp định này được ký kết cho thời hạn ba (3) năm và mặc nhiên được gia hạn tiếp với các thời hạn tương tự trừ phi một Bên ký kết thông báo cho Bên kia bằng văn bản ý định chấm dứt Hiệp định 3 tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.
Điều 15
Các điều khoản của Hiệp định này sẽ được tiếp tục áp dụng sau khi Hiệp định hết hiệu lực đối với tất cả các hợp đồng đã được ký kết trong thời gian Hiệp định còn hiệu lực cho đến khi hai Bên thực hiện xong các nghĩa vụ của mình.
Làm tại Brazzaville ngày 27 tháng 10 năm 2002 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Hai văn bản có giá trị như nhau.
Reviews
There are no reviews yet.