CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 69 TC/NSNN NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 1997
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỤC LỤC
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Kính gửi: – Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhà nước, các cơ quan trực thuộc
Chính phủ (Vụ Tài chính kế toán),
– Các cơ quan Đảng, đoàn thể ở Trung ương,
– Sở Tài chính Vật giá, Kho bạc nhà nước, Cục Đầu tư và phát triển, Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
Mục lục ngân sách nhà nước ban hành theo Quyết định số 280 TC/QĐ/NSNN ngày 15/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1997. Để tạo điều kiện cho các đơn vị dự toán Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các cơ quan Tài chính, cơ quan Kho bạc nhà nước, cơ quan thu các cấp thống nhất hạch toán, kế toán và quyết toán số thu, chi ngân sách nhà nước theo đúng Mục lục ngân sách, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Mục lục ngân sách nhà nước như sau:
A. QUY ĐỊNH CHUNG
I. Chương: Thể hiện tên đơn vị đứng đầu thuộc các cấp quản lý (hay còn gọi là đơn vị cấp I); số thu, chi phát sinh của các đơn vị trực thuộc đơn vị cấp I đều được hạch toán, kế toán và quyết toán vào mã số chương của đơn vị cấp I.
Trong Chương có quy định một số Chương đặc biệt để theo dõi và hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các khu vực kinh tế, các thành phần kinh tế, các khoản thu không xác định được chủ sở hữu là ai; các quan hệ thanh toán của ngân sách các cấp cho những nhiệm vụ chung không thể hạch toán vào Chương của đơn vị nào và các khoản thanh toán chuyển giao giữa các cấp ngân sách.
1. Chương A: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc Trung ương quản lý.
2. Chương B: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị chính quyền cấp tỉnh quản lý.
3. Chương C: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc chính quyền cấp huyện quản lý.
4. Chương D: Quy định để hạch toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc chính quyền cấp xã quản lý.
II. Loại – Khoản: là hình thức phân loại ngân sách nhà nước theo ngành kinh tế quốc dân.
1. Loại: Quy định để hạch toán ngành kinh tế quốc dân cấp I được ban hành theo Nghị định số 73/CP ngày 27/10/1993 của Chính phủ (có 20 ngành kinh tế quốc dân cấp I).
2. Khoản: Quy định để hạch toán ngành kinh tế quốc dân cấp II, cấp III và cấp IV ban hành theo Quyết định số 143/TCKT-PPQD ngày 22/12/1993 của Tổng cục Thống kê. Nhưng do yêu cầu quản lý và theo dõi số chi của ngân sách nhà nước cho các chương trình, mục tiêu, Bộ Tài chính quy định một số Khoản có tính chất đặc thù trong các Loại để hạch toán và quyết toán số chi của ngân sách nhà nước cho các chương trình, mục tiêu; chương trình mục tiêu của Loại nào thì mở Khoản trong Loại đó để hạch toán.
III. Nhóm, Tiểu nhóm, Mục và Tiểu mục: Là hình thức phân loại theo nội dung kinh tế; căn cứ vào nội dung kinh tế các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước để tiến hành phân tổ và nhóm hoá.
1. Nhóm và Tiểu nhóm: là hình thức phân loại theo nội dung kinh tế ở cấp độ cao để phục vụ cho công tác quản lý, dự báo và phân tích kinh tế, tài chính ở tầm vĩ mô.
2. Mục và Tiểu mục: là hình thức phân loại theo nội dung kinh tế ở cấp độ thấp hơn để phục vụ cho công tác lập và phân bổ dự toán ngân sách; cấp phát, quản lý và kiểm soát các khoản thu, chi của ngân sách; kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Việc quy định mã Mục liên tục nhằm mục đích phục vụ cho việc ứng dụng tin học trong công tác lập, chấp hành, kế toán và quyết toán ngân sách. Vì vậy khi hạch toán, kế toán số thu, chi ngân sách nhà nước chỉ cần hạch toán chính xác đến Mục là có kết quả số thu, chi ngân sách nhà nước theo Nhóm và Tiểu nhóm.
Trong Mục có Tiểu mục; tuỳ thuộc vào nội dung của Mục mà quy định số lượng Tiểu mục trong Mục cho phù hợp; Tiểu mục 15 trong các Mục để phản ánh các nội dung thu, chi của Mục nhưng chưa được phản ánh trong Tiểu mục nào của Mục đó.
* Các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, cơ quan Tài chính, cơ quan Kho bạc nhà nước và cơ quan thu các cấp không được mở thêm Chương, Loại, Khoản, Nhóm, Tiểu nhóm, Mục và Tiểu mục khi chưa có ý kiến của Bộ Tài chính.
B. NỘI DUNG HẠCH TOÁN
Bộ Tài chính hướng dẫn hạch toán một số Chương, Loại, Khoản, Mục và Tiểu mục có tính chất đặc thù như sau:
I. Về Chương
1. Chương 014A “Bộ Tư pháp” quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tư pháp và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp trong đó có cả số thu, chi của Toà án nhân dân tỉnh và Toà án nhân dân huyện.
2. Chương 150 (A,B,C,D) “Các đơn vị khác” quy định để hạch toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc cùng cấp chính quyền quản lý nhưng chưa có tên trong danh mục Chương quy định, như: các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội và xã hội – nghề nghiệp; các đơn vị mới thành lập…
3. Chương 151A “Các đơn vị kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài” quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các dự án đầu tư hoặc của các Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty… có 100% vốn nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư (không phân biệt đơn vị thuộc Trung ương hay đơn vị thuộc địa phương quản lý).
4. Chương 152A: Quy định để hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị liên doanh có một phần vốn đầu tư nước ngoài thuộc Trung ương quản lý.
5. Chương 152B: Quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị kinh tế có một phần vốn đầu tư của Nhà nước thuộc các cấp chính quyền địa phương quản lý.
6. Chương 154 (A,B,C,D) “Kinh tế hỗn hợp” quy định để hạch toán số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị kinh tế liên doanh có một phần vốn nước ngoài bao gồm: các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Căn cứ vào tỷ trọng góp vốn của các xí nghiệp quốc doanh thuộc các cấp quản lý để hạch toán vào Chương A,B,C,D tương ứng. Ví dụ: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… trong đó cổ phần của các đơn vị quốc doanh Trung ương chiếm tỷ trọng lớn thì hạch toán vào Chương 154A, cổ phần của các đơn vị quốc doanh tỉnh chiếm tỷ trọng lớn thì hạch toán vào Chương 154B…
7. Chương 155B, 156B, 157B “Kinh tế tư nhân”, “Kinh tế tập thể”, “Kinh tế cá thể”. Để thuận lợi cho việc hạch toán, kế toán và lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, nhưng không ảnh hưởng đến việc theo dõi quản lý và phân chia tỷ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách nhà nước cho các cấp ngân sách; tất cả các khoản thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và kinh tế cá thể; không phân biệt đơn vị đó thuộc cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã quản lý đều hạch toán và quyết toán vào Chương B tương ứng. Riêng thu các loại lệ phí phường, xã không hạch toán ở các Chương 155B, 156B, 157B mà hạch toán vào Chương 018D-Loại, Khoản, Mục và Tiểu mục tương ứng.
8. Chương 160 (A,B,C,D) “Các quan hệ khác của ngân sách” quy định để hạch toán các khoản thu viện trợ; các khoản thu vay nợ; thu kết dư ngân sách năm trước; thu huy động; các khoản thu không xác định được chủ sở hữu là ai; các khoản thu, chi chuyển giao giữa các cấp ngân sách; các khoản chi bổ sung của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; chi trả nợ của Nhà nước; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính và các khoản chi ngân sách thuộc nhiệm vụ được giao của các cấp chính quyền địa phương cho các đơn vị thuộc cấp chính quyền khác quản lý đóng trên địa bàn địa phương thực hiện.
II. Về Loại – Khoản:
1. Đối với các khoản thu của đơn vị, tổ chức và cá nhân cùng một lúc có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc nhiều ngành nghề, khi nộp ngân sách nhà nước; căn cứ vào ngành nghề chính ghi trong đăng ký kinh doanh của đơn vị để xác định Loại – Khoản tương ứng để hạch toán (trừ số thu về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã được hạch toán vào Loại 07-Khoản 01).
2. Đối với các khoản kinh phí của ngân sách nhà nước cấp phát cho một đơn vị dự toán để thực hiện các nhiệm vụ chi khác nhau; khi chi căn cứ vào dự toán kinh phí được phân bổ để hạch toán theo Loại, Khoản tương ứng.
Ví dụ: Đơn vị dự toán X được phân bổ dự toán chi ngân sách năm 1997 để thực hiện những nhiệm vụ sau:
– Chi hành chính Hạch toán vào Loại 13-Khoản 01
– Chi nghiên cứu khoa học Hạch toán vào Loại 11-Khoản tương ứng
– Chi đào tạo Hạch toán vào Loại 14-Khoản tương ứng
– Chi các chương trình, mục tiêu Hạch toán Loại-Khoản tương ứng
…
3. Đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở, địa phương nào chưa tách riêng thì khi cấp phát kinh phí căn cứ vào tỷ trọng kinh phí của trường nào nhiều hơn để hạch toán vào Loại 14-Khoản tương ứng. Ví dụ: Kinh phí cấp cho giáo dục tiểu học chiếm tỷ trọng nhiều hơn thì hạch toán vào Loại 14-Khoản 02.
4. Kinh phí cấp phát cho các chương trình, mục tiêu: Căn cứ vào nội dung chi của chương trình, mục tiêu để hạch toán theo Loại- Khoản tương ứng.
Ví dụ:
– Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (327) |
Loại 01-Khoản 11 |
– Chương trình khai thác sử dụng đất hoang hoá bãi bồi ven biển, ven sông (773) |
Loại 01-Khoản 12 |
– Chương trình phát triển công nghệ thông tin |
Loại 11-Khoản 04 |
– Chương trình biển đông, hải đảo |
Loại 13-Khoản 10 |
– Mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ |
Loại 14-Khoản 14 |
– Mục tiêu tăng cường chính sách giáo dục miền núi và vùng dân tộc |
Loại 14-Khoản 15 |
– Mục tiêu bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị các trường sư phạm |
Loại 14-Khoản 16 |
– Mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị các trường học |
Loại 14-Khoản 17 |
– Chi sách báo cho thiếu nhi |
Loại 14-Khoản 18 |
– Chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình |
Loại 15-Khoản 04 |
– Chương trình chăm sóc và bảo vệ bà mẹ trẻ em |
Loại 15-Khoản 07 |
– Mục tiêu chống sốt rét |
Loại 15-Khoản 11 |
– Mục tiêu chống bệnh bướu cổ |
Loại 15-Khoản 12 |
– Mục tiêu tiêm chủng mở rộng |
Loại 15-Khoản 13 |
– Mục tiêu chống bệnh lao |
Loại 15-Khoản 14 |
– Mục tiêu chống bệnh phong |
Loại 15-Khoản 15 |
– Mục tiêu xoá xã trắng về y tế |
Loại 15-Khoản 16 |
– Mục tiêu tăng cường trang thiết bị bệnh viện |
Loại 15-Khoản 17 |
– Chương trình chống bệnh HIV/AIDS |
Loại 15-Khoản 18 |
– Chương trình chống nạn mại dâm |
Loại 15-Khoản 19 |
– Chương trình chống ma tuý |
Loại 15-Khoản 20 |
– Chương trình sắp xếp lao động và giải quyết việc làm |
Loại 15-Khoản 21 |
– Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn |
Loại 15-Khoản 22 |
– Mục tiêu trùng tu di tích lịch sử |
Loại 16-Khoản 13 |
– Mục tiêu phát triển điện ảnh |
Loại 16-Khoản 14 |
– Mục tiêu đưa văn hoá, thông tin về cơ sở |
Loại 16-Khoản 15 |
– Chương trình phủ sóng phát thanh về cơ sở |
Loại 16-Khoản 16 |
– Chương trình phủ sóng truyền hình vùng lõm thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo |
Loại 16-Khoản 17 |
– Chương trình đưa truyền hình về vùng núi, vùng cao, biên giới, hải đảo |
Loại 16-Khoản 19 |
5. Đối với số thu, chi ngân sách nhà nước của các đơn vị thuộc ngành kinh doanh bảo hiểm hạch toán vào Loại 10-Khoản 02; các đơn vị hoạt động thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hạch toán vào Loại 13-Khoản 08.
III. Về Mục và Tiểu mục
– Mục 001 – Tiểu mục 15 “Thu nhập không thường xuyên” phản ánh những khoản thu nhập của những cá nhân có thu nhập đột xuất như: trúng xổ số, quà tặng, quà biếu… phải nộp thuế theo quy định của Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
– Mục 002 – Tiểu mục 01 “Thuế lợi tức thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh” trừ thuế lợi tức của dầu thô đã được phản ánh ở Mục 027 – Tiểu mục 02.
– Mục 009 “Thu tiền sử dụng đất” phản ánh số tiền thu nộp ngân sách nhà nước của người được cấp quyền sử dụng đất theo chế độ quy định.
– Mục 012 – Tiểu mục 01 “Dầu khí” trừ thuế tài nguyên thu của dầu thô đã được phản ánh ở Mục 027 – Tiểu mục 01.
– Tiểu mục 15 của Mục 019 “Thuế xuất khẩu” và Mục 020 “Thuế nhập khẩu” không phản ánh số thu khác của ngành Hải quan (số thu khác của ngành Hải quan được hạch toán ở Mục và Tiểu mục tương ứng).
– Mục 021 – Tiểu mục 01 “Thu sự nghiệp” phản ánh các khoản thu của các đơn vị hoạt động sự nghiệp có thu sau khi đơn vị đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các khoản được trích lập quỹ theo chế độ quy định hiện hành, số còn lại phải nộp NSNN và các khoản thu do bán các sản phẩm của các đơn vị như: thu tiền bán các sản phẩm sau khi thực hiện nhiệm vụ sản xuất thử, chế thử của các đơn vị nghiên cứu khoa học và sản phẩm sản xuất thử nghiệm của các trường…
– Mục 025 “Thu hồi vốn của các doanh nghiệp” bao gồm thu hồi vốn lưu động thừa, thu hoàn vốn của các doanh nghiệp nhà nước trừ tiền bán hàng hoá, vật tư dự trữ chuyên ngành đã hạch toán ở Mục 064.
– Mục 044 – Tiểu mục 06 “Lệ phí cà phê xuất khẩu để đóng niên liễm” phản ánh khoản lệ phí thu ngay làm thủ tục xuất khẩu (theo Công văn số 591 TC/TCĐN ngày 22/02/1997 của Bộ Tài chính).
– Mục 051 – Tiểu mục 02 “Phạt vi phạm giao thông” bao gồm thu tiền phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đô thị, đường sắt, đường thuỷ theo các Nghị định 36, 39, 40 của Chính phủ.
– Mục 052 “Thu tịch thu” bao gồm cả tịch thu bằng tiền và tịch thu bằng hiện vật quy tiền.
– Mục 053 – Tiểu mục 01 “Xây dựng kết cấu hạ tầng” bao gồm cả thu huy động quỹ công ích.
– Mục 056 “Thu ngân sách cấp dưới nộp lên”. Các khoản thu năm trước của ngân sách cấp dưới nộp trả ngân sách cấp trên do thực hiện sai tỷ lệ điều tiết, khi ngân sách cấp trên nhận được không hạch toán ở Mục này.
– Mục 062 “Thu khác”
+ Tiểu mục 02 “Thu hồi các khoản chi năm trước” bao gồm các thu hồi các khoản chi của ngân sách nhà nước đã cấp phát cho các đơn vị dự toán đã được quyết toán vào niên độ năm trước, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có quyết định xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước của cấp có thẩm quyền và thu tiền bán vật tư, hàng hoá tồn kho không sử dụng nữa đã được quyết toán vào chi ngân sách năm trước (trừ thu hồi thanh lý tài sản cố định đã được hạch toán ở Mục 067, 068).
+ Tiểu mục 03 “Thu ngân sách các cấp trả các khoản thu của năm trước” bao gồm các khoản thu ngân sách năm trước do thực hiện sai tỷ lệ điều tiết sang năm sau được ngân sách cấp trên hoặc cấp dưới nộp trả.
– Mục 063 “Thu tiền bán hàng hoá, vật tư dự trữ nhà nước” dành riêng cho Cục Dự trữ quốc gia hạch toán tiền bán hàng hoá, vật tư dự trữ phải nộp NSNN.
– Mục 064 “Thu tiền bán hàng hoá, vật tư dự trữ nhà nước chuyên ngành” phản ánh tiền bán hàng hoá, vật tư dự trữ nhà nước của các ngành.
– Mục 067 “Thu tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước”
+ Tiểu mục 01 “Thu tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước” trong đó bao gồm cả tiền thu về thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất.
+ Tiểu mục 02 “Thu tiền thanh lý nhà làm việc” phản ánh tiền thanh lý trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, nhà kho, trạm, trại.. . trong đó không có thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất.
– Mục 102 – Tiểu mục 08 “Phụ cấp đặc biệt của các ngành” bao gồm phụ cấp lương của ngành giáo dục, y tế, khí tượng thuỷ văn; phụ cấp độc hại của quốc phòng, an ninh và các ngành khác (nếu có).
– Mục 103 “Học bổng học sinh sinh viên” bao gồm cả phụ cấp ngành nghề đào tạo.
– Mục 104 “Tiền thưởng” chỉ áp dụng cho các đơn vị có chế độ thưởng theo quy định của nhà nước và được ngân sách nhà nước cấp kinh phí; Nếu thưởng lấy từ nguồn khác được chế độ quy định thì cũng hạch toán vào mục này, nhưng phải theo dõi và báo cáo quyết toán riêng theo nguồn kinh phí đã sử dụng.
– Mục 105 “Phúc lợi tập thể” phản ánh các khoản chi có tính chất phúc lợi cho cán bộ viên chức nhà nước theo chế độ quy định của Nhà nước hiện hành. Chi tiền nước uống, tiền thuốc chữa bệnh thông thường của cơ quan hạch toán vào Tiểu mục 15.
– Mục 106 “Các khoản đóng góp” chỉ phản ánh phần kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị sử dụng lao động để nộp các quỹ; phần do người lao động nộp cho các quỹ trích từ lương, đơn vị chỉ là người nộp thay vì vậy không hạch toán vào Mục này.
– Mục 107 “Chi cho cán bộ xã” chỉ phản ánh các khoản chi sinh hoạt phí cho cán bộ xã đương chức theo chế độ và các khoản phụ cấp (phụ cấp tái cử, công tác phí cán bộ thôn bản miền núi, phụ cấp tập huấn…).
– Mục 108 “Các khoản thanh toán khác cho cá nhân” bao gồm các khoản chi của ngân sách nhà nước để thanh toán cho cán bộ viên chức nhà nước và các đối tượng khác được hưởng theo chế độ quy định được bố trí trong dự toán ngân sách nhưng chưa được hạch toán ở các Mục chi của Tiểu nhóm 20 “Chi thanh toán cho cá nhân”.
+ Tiểu mục 01 “Tiền ăn” bao gồm các khoản chi ngân sách nhà nước cho các đối tượng được hưởng chế độ tiền ăn theo chế độ quy định như: hạ sĩ quan, chiến sĩ, vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ viên chức nhà nước làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt… (không kể tiền ăn của các trường, trại xã hội tập trung và tiền ăn của phạm nhân, can phạm trong các trại giam).
+ Tiểu mục 02 “Trợ cấp, phụ cấp khác” bao gồm các khoản chi ngân sách nhà nước cho các đối tượng là cán bộ viên chức nhà nước được giao thực hiện nhiệm vụ cụ thể; khi thực hiện nhiệm vụ này ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp lương và công tác phí… theo quy định còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp, phụ cấp khác theo các quyết định của cấp có thẩm quyền như: phụ cấp cho kiểm sát viên ngồi ghế công tố của phiên toà, phụ cấp cho cán bộ làm công tác chống thất thu, phụ cấp tiền tiêu vặt cho hạ sĩ quan, chiến sĩ, phụ cấp quân hàm, niên hạn và các khoản phụ cấp của ngành khác (nếu có).
– Mục 109 “Thanh toán dịch vụ công cộng” bao gồm các khoản chi thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền nhiên liệu, tiền vệ sinh môi trường cho các cơ quan làm dịch vụ công cộng có liên quan.
+ Tiểu mục 04 “Thanh toán tiền vệ sinh môi trường” phản ánh các khoản thanh toán cho công ty vệ sinh môi trường, như dọn vệ sinh cống rãnh, rác, phân… (tiền vệ sinh cơ quan không hạch toán ở Mục và Tiểu mục này mà được hạch toán ở các Mục và Tiểu mục tương ứng).
– Mục 110 “Vật tư văn phòng” bao gồm các khoản chi ngân sách nhà nước để mua văn phòng phẩm, sách báo, tài liệu, sổ sách, công cụ, dụng cụ và vật rẻ tiền mau hỏng phục vụ cho hoạt động của văn phòng.
– Mục 111 “Thông tin, tuyên truyền, liên lạc” bao gồm các khoản chi ngân sách nhà nước để thanh toán tiền cước phí bưu chính, điện thoại, tiền thuê bao kênh vệ tinh, các khoản chi liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, biên dịch tài liệu, xuất bản ấn phẩm truyền thông; mua báo, tạp chí, sách cho thư viện, lưu trữ, bảo tàng sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động truyền thống của các ngành, chi mua và phục chế hiện vật của nhà bảo tồn, bảo tàng… (không kể các khoản chi của ngân sách nhà nước cho việc kỷ niệm các ngày lễ lớn đã được hạch toán ở Mục 134 – Tiểu mục 04).
– Mục 112 “Hội nghị” bao gồm các khoản chi cho hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề…
Tiểu mục 03 và Tiểu mục 04: chi tiền vé máy bay, ôtô, tàu; tiền thuê phòng ngủ cho các đại biểu mời không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (nếu đại biểu mời hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hạch toán ở Mục 113 theo các Tiểu mục tương ứng).
– Mục 114 “Chi phí thuê mướn” bao gồm các khoản chi trả liên quan đến việc thuê mướn để phục vụ hoạt động và thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyên môn của đơn vị, (trừ các khoản thuê mướn đã hạch toán ở các Mục 112, Mục 117, Mục 118, Mục 119).
+ Tiểu mục 01 “Thuê phương tiện vận chuyển” bao gồm thuê xe ôtô, xe môtô, xe chuyên dùng, tàu, thuyền…
+ Tiểu mục 02 “Thuê nhà” bao gồm thuê trụ sở làm việc, thuê lớp học, thuê hội trường, thuê kho tàng, trạm, trại…
+ Tiểu mục 07 “Thuê lao động trong nước” phản ánh tiền thuê lao động trong nước để làm các công việc phục vụ công tác chuyên môn như bốc vác, vận chuyển…
+ Tiểu mục 08 “Thuê đào tạo lại cán bộ viên chức nhà nước” bao gồm các khoản chi phí liên quan đến công tác đào tạo lại cán bộ như: tiền thuê phòng học; mua tài liệu, dụng cụ học tập; thuê giáo viên hoặc thanh toán chuyển trả tiền đào tạo cán bộ cho các trường đào tạo tập trung.
– Mục 117 “Sửa chữa thường xuyên tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng” bao gồm các khoản chi như mua nguyên vật liệu, nhiên liệu; mua thiết bị phụ tùng thay thế; thuê nhân công và thuê phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sửa chữa thường xuyên tài sản cố định và công trình cơ sở hạ tầng (kể cả các khoản thanh toán cho các hợp đồng thuê ngoài để sửa chữa thường xuyên và duy tu bảo dưỡng).
+ Tiểu mục 09 “Nhà cửa” bao gồm nhà ở, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, kho tàng, trạm, trại…
– Mục 118: “Sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn và các công trình cơ sở hạ tầng” bao gồm các khoản chi để mua nguyên vật liệu, nhiên liệu, mua thiết bị, phụ tùng; thuê nhân công và thuê phương tiện, máy móc, thiết bị để thực hiện việc sửa chữa lớn tài sản cố định và các công trình cơ sở hạ tầng (kể cả các khoản thanh toán cho các hợp đồng thuê ngoài để sửa chữa lớn tài sản cố định và các công trình cơ sở hạ tầng).
– Mục 119 “Chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành” bao gồm các khoản chi phí để mua sắm vật tư, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng không phải là tài sản cố định (tài sản cố định được hạch toán ở Mục 145) và khoản chi phí khác phục vụ hoạt động chuyên môn của từng ngành chưa được hạch toán vào các Mục của Tiểu nhóm 21 “Chi về hàng hoá dịch vụ”.
+ Tiểu mục 01 “Vật tư” bao gồm chi để mua sắm các vật tư phục vụ công tác chuyên môn riêng của ngành như: mua thuốc phòng và chữa bệnh, hoá chất… của các bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, phòng khám, viện điều dưỡng; chi mua vật tư kê lót kho, hoá chất dùng để bảo quản vật tư, hàng hoá dự trữ của ngành dự trữ, tiền mua nước ngọt phục vụ cán bộ, chiến sĩ công tác ngoài hải đảo… và vật tư của các ngành khác (nếu có).
+ Tiểu mục 02 “Trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng” bao gồm chi mua sắm các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác chuyên môn nhưng không phải là tài sản cố định như: thiết bị trường học, dụng cụ thể thao, thiết bị y tế, thiết bị của ngành an ninh, quốc phòng (kể cả chó, ngựa nghiệp vụ) và thiết bị kỹ thuật chuyên dụng của các ngành khác (nếu có).
+ Tiểu mục 13 “Chi nuôi phạm nhân, can phạm” bao gồm các khoản chi liên quan đến ăn, mặc của phạm nhân (các khoản chi khác liên quan đến chi của trại giam đã được hạch toán ở các mục chi tương ứng).
+ Tiểu mục 14 “Chi thanh toán hợp đồng thuê ngoài về điều tra, khảo sát, quy hoạch, nghiên cứu khoa học” phản ánh các khoản thanh toán chi trả theo các hợp đồng thuê ngoài (nếu đơn vị tự làm thì được hạch toán vào các Mục và Tiểu mục tương ứng). Các khoản thanh toán chi trả theo các hợp đồng với bên ngoài liên quan đến việc sửa chữa thường xuyên, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định không hạch toán ở Mục này mà hạch toán ở các Tiểu mục tương ứng của Mục 117 và Mục 118.
+ Tiểu mục 15 “Chi phí nghiệp vụ khác của từng ngành” bao gồm các khoản chi về hàng hoá, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn riêng của từng ngành thuộc Mục 119 nhưng chưa được hạch toán ở các Tiểu mục trên.
– Mục 120 “Chi hỗ trợ kinh tế tập thể và dân cư” phản ánh các khoản chi NSNN để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể và dân cư.
+ Tiểu mục 01 “Chi di dân” phản ánh khoản chi đưa, đón dân; các khoản chi phí vận chuyển và các khoản trợ cấp cho dân theo chế độ quy định.
+ Tiểu mục 02 “Chi hỗ trợ các loại hình hợp tác xã” phản ánh các khoản chi NSNN hỗ trợ về vốn, về thuốc sâu, phân bón… cho sản xuất (kể cả hỗ trợ các hợp tác xã để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra).
+ Tiểu mục 03 “Chi trợ cấp dân cư” phản ánh các khoản chi của NSNN trợ cấp cứu tế, cứu đói cho dân cư (kể cả chi cho dân cư để khắc phục hậu quả thiên tai).
– Mục 122 “Chi cho công tác xã hội” phản ánh các khoản chi cho các đối tượng xã hội được hưởng chính sách của Nhà nước theo các chế độ quy định hiện hành (kể cả cán bộ xã khi nghỉ việc được hưởng chế độ phụ cấp thường xuyên và một lần).
+ Tiểu mục 03 “Tàu xe khám chữa bệnh” bao gồm chi tiền tàu xe cho thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh đi khám, chữa bệnh, giám định thương tật, về thăm gia đình theo quy định của Nhà nước.
+ Tiểu mục 04 “Dụng cụ chỉnh hình” bao gồm chi về dụng cụ chỉnh hình cho thương binh và người tàn tật: chân tay giả, nẹp chỉnh hình, áo chỉnh hình, xe lăn, xe lắc và các dụng cụ chỉnh hình khác…
+ Tiểu mục 06 “Sinh hoạt phí trại viên” bao gồm các khoản chi theo chế độ tiêu chuẩn định mức quy định kể cả tiền ăn cho các đối tượng xã hội thuộc các cơ sở quản lý tập trung.
+ Tiểu mục 07 “Chi phí quy tập mồ mả” bao gồm chi phí quy tập, xây vỏ mộ, sửa chữa mộ và khảo sát tìm kiếm mộ liệt sĩ.
+ Tiểu mục 08 “Sửa chữa nâng cấp và đài tưởng niệm” bao gồm chi sửa chữa nâng cấp hỗ trợ xây dựng nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ.
+ Tiểu mục 10 “Chi quà lễ, tết cho các đối tượng chính sách” bao gồm chi tặng quà, chi tiền ăn thêm ngày lễ, tết cho đối tượng chính sách.
+ Tiểu mục 14 “Điều trị điều dưỡng” bao gồm các khoản chi về điều trị điều dưỡng và thuốc đặc trị cho đối tượng chính sách theo quy định.
+ Tiểu mục 15 “Khác” bao gồm các khoản chi hỗ trợ thương binh về gia đình; mai táng phí cho các đối tượng chính sách; thăm viếng mộ liệt sĩ; trang cấp cho thương, bệnh binh theo tình trạng thương tật; mua sắm tư trang ban đầu cho các đối tượng được đưa vào cơ sở chữa bệnh; in hồ sơ, giấy tờ phục vụ các đối tượng chính sách…
– Mục 127 “Chi viện trợ” phản ánh các khoản chi của NSNN cho công tác đào tạo, y tế, văn hoá, chi mua sắm, máy móc, thiết bị… cho Lào (C), cho Campuchia (K) và các nước khác.
– Mục 131 “Chi xử lý tài sản được xác lập sở hữu Nhà nước” phản ánh các khoản chi để bảo quản, vận chuyển, khai thác… các tài sản vô thừa nhận, các di sản khảo cổ được tìm thấy…
– Mục 133 “Chi nộp ngân sách cấp trên”. Chi trả ngân sách cấp trên hoặc ngân sách cấp dưới do thực hiện sai tỷ lệ điều tiết không hạch toán ở Mục này, mà được hạch toán ở Mục 132.
– Mục 134 “Chi khác” bao gồm các khoản chi khác của ngân sách nhà nước các cấp và các khoản chi mua phí, lệ phí, bảo hiểm tài sản, phương tiện, chi tiếp khách… của đơn vị dự toán các cấp chưa được hạch toán ở các Mục chi thuộc Nhóm 6 “Chi thường xuyên”.
– Mục 147 “Chi xây lắp”
+ Tiểu mục 15 “Chi khác” bao gồm các khoản chi phí sau: Chi phí san lấp mặt bằng xây dựng; chi phí xây dựng công trình tạm; chương trình phụ trợ phục vụ khâu thi công (đường thi công, điện, nước, nhà xưởng, nhà ở tạm để điều hành thi công…); chi phí di chuyển thiết bị thi công, lực lượng thi công (nếu có).
– Mục 148 “Chi thiết bị”
+ Tiểu mục 01 “Chi mua sắm thiết bị” bao gồm các khoản chi mua thiết bị theo giá hoá đơn.
+ Tiểu mục 02 “Chi phí gia công lắp đặt thiết bị phi tiêu chuẩn” bao gồm các khoản chi phí để sửa lại thiết bị cho đủ tiêu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng.
+ Tiểu mục 15 “Chi khác” bao gồm chi phí vận chuyển, bảo quản bảo dưỡng máy móc tại hiện trường, chi phí bảo hiểm thiết bị công trình…
– Mục 149 “Chi khác”
+ Tiểu mục 01 “Các khoản chi theo tỷ lệ đơn giá quy định” bao gồm các khoản chi: Chi phí tư vấn đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nhóm A) hoặc khả thi (nhóm B,C); chi thiết kế kỹ thuật và bảo vệ thi công, thẩm định và xét duyệt hồ sơ thiết kế tổng dự toán công trình; chi phí quản lý dự án (chi cho bộ máy quản lý dự án, lập hồ sơ mời thầu và xét thầu; chi phí lập và thẩm định đơn giá dự toán công trình…); chi phí thẩm định và quyết toán công trình, thu dọn vệ sinh công trình, tổ chức nghiệm thu, khánh thành, bàn giao công trình và chi phí bảo hiểm công trình.
+ Tiểu mục 02 “Chi phí điều tra, khảo sát, thu thập số liệu” bao gồm chi phí điều tra, khảo sát, thu thập số liệu cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư.
+ Tiểu mục 15 “Khác” bao gồm các khoản chi cho công tác tuyên truyền, quảng cáo các dự án; chi tháo dỡ vật kiến trúc cũ và thu dọn mặt bằng xây dựng trước khi xây dựng và sau khi xây dựng (trừ giá trị thu hồi); chi cho khởi công công trình…
IV. Những điểm cần lưu ý khi hạch toán một số khoản thu-chi sau:
1. Các khoản nộp ngân sách nhà nước của cá nhân theo luật định dù đơn vị nộp thay hay cá nhân tự nộp đều phải hạch toán Chương 157B – Loại 10 – Khoản 5 – Mục và Tiểu mục tương ứng (riêng các loại lệ phí phường, xã hạch toán Chương 018D để theo dõi riêng vì số thu về các loại lệ phí phường, xã không tính trong dự toán thu ngoài quốc doanh).
2. Các khoản truy thu về thuế, phí, khấu hao cơ bản… của các năm trước theo quyết định của cấp có thẩm quyền, khi nộp ngân sách nhà nước hạch toán Chương – Loại – Khoản – Mục và Tiểu mục tương ứng.
3. Chi ngân sách của cấp chính quyền để thực hiện các nhiệm vụ chi được giao cho các đơn vị dự toán thuộc cấp chính quyền khác quản lý đóng trên địa bàn hạch toán Chương 160 (ABCD) – Loại – Khoản – Mục – Tiểu mục tương ứng.
Ví dụ: Ngân sách cấp tỉnh chi:
– Huấn luyện cán bộ dân quân tự vệ hạch toán Chương 160B – Loại 13 – Khoản 06 – Mục 119 – Tiểu mục 15.
– Chi hỗ trợ sửa chữa thường xuyên nhà tạm giam, tạm giữ cho ngành an ninh hạch toán Chương 160B – Loại 13 – Khoản 07 – Mục 117 – Tiểu mục 09.
Các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, các cơ quan Tài chính, cơ quan Kho bạc nhà nước, cơ quan thu các cấp có trách nhiệm phổ biến hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện việc hạch toán, kế toán và quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại công văn này. Mọi hướng dẫn của các công văn trước trái với công văn này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, để nghiên cứu và hướng dẫn tiếp.
Reviews
There are no reviews yet.