CÔNG VĂN
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 6003/BTM-QLTT
NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN XỬ LÝ
VI PHẠM TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU
Kính gửi: – Sở Thương mại,
– Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương
Để thực hiện Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu; Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 về việc ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu và Chỉ thị số 10/2003/CT-BTM ngày 19/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc triển khai các Quyết định nóitrên, Bộ Thương mại hướng dẫn việc xử lý đối với các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu như sau:
– Tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm các quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu thì tùy theo hành vi vi phạm, tính chất và mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng gồm: cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả……. theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính 2002 và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ trong các lĩnh vực có liên quan.
1. Về xử lý đối với hành vi không có hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu:
1.1. Từ trước ngày 01/1/2004: các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa ký hợp đồng đại lý theo Quyết định 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ Thương mại với doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hoặc tổng đại lý xăng dầu thì yêu cầu phải ký kết hợp đồng đại lý. Riêng đối với hộ kinh doanh yêu cầu trong vòng 15 ngày kể từ ngày kiểm tra phải làm thủ tục thành lập doanh nghiệp mới được phép làm đại lý kinh doanh xăng dầu.
1.2. Từ 01/1/2004 đến 15/1/2004: nếu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu không có hợp đồng đại lý với doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hoặc tổng đại lý xăng dầu thì lập biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ: nếu từ 15/1/2004 trở đi vẫn không có hợp đồng đại lý sẽ bị đình chỉ kinh doanh, đồng thời áp dụng tiết b khoản 1 Điều 11 Nghị định 01/CP của Chính phủ ngày 3/1/1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 01/CP) để xử phạt.
1.3. Từ 15/1/2004 trở đi: nếu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu không có hợp đồng đại lý với doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hoặc tổng đại lý xăng dầu thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 01/CP để xử phạt, đồng thời buộc đình chỉ kinh doanh và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nếu xét thấy việc đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu không ảnh hưởng đến cung cầu xăng dầu trên địa bàn.
Trường hợp xét thấy trên địa bàn còn khá nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa có hợp đồng đại lý theo quy định, nếu áp dụng biện pháp đình chỉ kinh doanh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của các cơ sở đó sẽ ảnh hưởng đến cung cầu xăng dầu trên địa bàn thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 01/CP để xử phạt, nhưng không buộc đình chỉ kinh doanh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trong trường hợp này buộc doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu vi phạm sau 15 ngày phải ký hợp đồng đại lý.
Sở Thương mại (Thương mại và Du lịch) phải nắm chắc tình hình xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nhất là đối với các trường hợp phải áp dụng biện pháp buộc đình chỉ kinh doanh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu, không để xảy ra tình trạng khan hiểm và ách tắc cung cầu xăng dầu trên địa bàn.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý từ01/1/2004 trở đi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu không có hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hoặc tổng đại lý xăng dầu mà vẫn bán xăng dầu ra thị trường thì tập trung xem xét nguồn xăng dầu để xử lý những trường hợp vi phạm nêu tại điểm 2.7 dưới đây.
2- Việc xử lý đối với các hành vi vi phạm khác về kinh doanh xăng dầu:
2.1. Những hành vi vi phạm về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc của hộ kinh doanh cá thể thì áp dụng Điều 4 và Điều 5 sửa đổi của Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03/1/2002 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 01/CP ngày 03/1/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại để xử phạt.
2.2. Hành vi kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hết thời hạn hiệu lực thì áp dụng Điều 7 Nghị định 01/CP để xử phạt.
2.3. Hành vi kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn (gian lận về chất lượng, pha trộn các chủng loại xăng dầu, không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn) thì áp dụng khoản 3 và 4 Điều 14 Nghị định số 57/CP ngày 31/5/1997 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 57/CP) để xử phạt.
2.4. Đối với hành vi gian lận về số lượng gây thiệt hại cho khách hàng, người tiêu dùng có sự phân biệt về hành vi vi phạm:
2.4.1. Nếu là hành vi cân, đong, đo không đủ số lượng, trọng lượng thì áp dụng tiết a khoản 2 Điều 10 Nghị định 01/CP để xử phạt.
2.4.2. Nếu là hành vi sử dụng dụng cụ đo lường không chính xác thì áp dụng Điều 9 Nghị định 57/CP để xử phạt.
2.5. Hành vi không niêm yết giá tại nơi bán lẻ xăng dầu thì áp dụng Khoản 1 Điều 9 Nghị định 44/2002/NĐ-CP ngày 01/9/2000 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá cả (gọi tắt là Nghị định 44/CP) để xử phạt.
2.6. Hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng giá do bên đại lý quy định hoặc mua, bán xăng dầu không đúng giá niêm yết, giá quy định thì áp dụng Điều 10 Nghị định 44/CP để xử phạt.
2.7. Hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, xăng dầu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể mà áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý: nếu lợi dụng danh nghĩa đại lý kinh doanh xăng dầu để mua, bán trái phép xăng dầu trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ hoặc bán vượt mức tồn kho (đã được kiểm kê trước ngày 01/1/2004 trong khi chưa ký hoặc chưa được cung ứng xăng dầu theo hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hoặc tổng đại lý xăng dầu) thì áp dụng khoản 2 Điều 11 Nghị định 01/CP để xử phạt; nếu xăng dầu có nguồn gốc nhập lậu thì áp dụng khoản b Điều 21 Nghị định 01/CP để xử phạt, số xăng dầu nhập lậu bị tịch thu và bán đấu giá theo quy định cho 1 trong 9 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu; nếu xăng dầu là hàng trốn thuế trong nội địa thì phối hợp với cơ quan thuế để xử lý theo quy định tại tiết a khoản 2 Điều 3 Nghị định 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế để xử phạt.
2.8. Hành vi ngừng bán không có lý do chính đáng: nếu có đủ căn cứ vi phạm về tội đầu cơ thì chuyển cơ quan có trách nhiệm để truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì yêu cầu đương sự phải tiến hành bán hàng ngay, nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu.
2.9. Hành vi không treo biển hiệu hoặc biển hiệu không đúng quy định của Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu tại nơi bán lẻ xăng dầu thì áp dụng Điều 49 Nghị định số 31/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá – thông tin để xử phạt.
2.10. Hành vi không bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy trong kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ và Thông tư 14/1999/TT-BTM ngày 07/7/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn kinh doanh mặt hàng xăng dầu thì áp dụng Điều 15 Nghị định số 49/CP ngày 15/8/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự để xử phạt.
2.11. Hành vi không bảo đảm vệ sinh môi trường trong kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày03/3/1999 của Chính phủ và Thông tư 14/1999/TT-BTM ngày 07/7/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn kinh doanh mặt hàng xăng dầu thì áp dụng Điều 9 Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để xử phạt.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1. Giám đốc các Sở Thương mại (Sở Thương mại – Du lịch) có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các đại lý, các cửa hàng bán lẻ, trạm xăng dầu đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc những quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu được ban hành theo Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
3.2. Các Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường căn cứ thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002, các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan và hướng dẫn nói trên để kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
3.3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo ngay về Bộ Thương mại để kịp thời điều chỉnh bổ sung.
Reviews
There are no reviews yet.