BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
—————- Số: 956/BNN-HTQT
V/v: Hoàn thiện đề cương Dự án “Nâng cao vai trò kiểm soát của người dân đối với các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới” do Thụy Điển tài trợ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ———————– Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2012
|
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phúc đáp công văn số 1945/BKHĐT-KTĐN ngày 27/3/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hoàn thiện đề cương Dự án “Nâng cao vai trò kiểm soát của người dân đối với các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình như sau:
1. Về thời gian dự kiến thực hiện dự án: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã điều chỉnh thời gian thực tế thực hiện Dự án sẽ diễn ra từ tháng 4/2012 đến tháng 6/2013 (có gửi đính kèm).
2. Về Ngân sách của Dự án: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bổ sung và làm rõ phần phân bổ nguồn lực (phần II.4) theo góp ý của Bộ Tài chính, như sau:
a) Về quy mô và địa điểm thực hiện các hoạt động tổ chức hội thảo cấp xã, cấp tỉnh và đào tạo thực nghiệm: Do đây là đề cương chi tiết dự án nên một số hoạt động đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết. Vì thế để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Dự án, địa điểm chính thức tổ chức một số hoạt động của dự án sẽ được thảo luận và lựa chọn khi triển khai dự án. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã dự kiến quy mô và địa điểm thực hiện các nội dung trong đề cương chi tiết, cụ thể như sau:
– 02 Hội thảo cấp xã: dự kiến sẽ chọn 01 xã thuộc khu vực phía Bắc (dự kiến tại tỉnh Thái Bình) và 01 xã tại khu vực phía Nam (dự kiến tại An Giang); hội thảo cấp xã với quy mô khoảng 40 đại biểu với mục đích thu thập nhu cầu, ý kiến góp ý vào đề cương của dự án.
– 05 Hội thảo cấp tỉnh về dự thảo tài liệu hướng dẫn: được tổ chức tại 05 vùng trên toàn quốc (miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ) với quy mô khoảng 70-80 đại biểu/1 hội thảo; mục đích góp ý vào dự thảo tài liệu hướng dẫn;
– 03 Hội thảo cấp tỉnh tổ chức tại 03 miền (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) về hoàn thiện tài liệu hướng dẫn: được tổ chức để lấy ý kiến của địa phương hoàn thiện tài liệu hướng dẫn.
– 05 Lớp đào tạo thử nghiệm và đánh giá: được tổ chức tại 05 vùng trên toàn quốc (miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ); quy mô khoảng 50-60 học viên/lớp.
b) Về ý kiến cụ thể hóa các hoạt động: hỗ trợ đánh giá nhu cầu đào tạo (112.000 SEK) và hoạt động chi phí đi lại, hội thảo đánh giá nhu cầu đào tạo (106.400 SEK). Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bổ sung trong đề cương chi tiết của Dự án, cụ thể:
– Hỗ trợ đánh giá nhu cầu đào tạo: thuộc mục “C2.1. Hỗ trợ kỹ thuật cho biên soạn một chương trình đào tạo để thực hiện”: đây là chi phí thuê chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện hoạt động đánh giá nhu cầu đào tạo của cán bộ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới.
– Chi phí đi lại và hội thảo đánh giá nhu cầu đào tạo: thuộc mục “C 2.2. Hỗ trợ hoạt động đào tạo thí điểm và truyền thông của Hướng dẫn”: kinh phí đi lại cho đoàn khảo sát và kinh phí tổ chức một số hội thảo đánh giá nhu cầu đào tạo tại một số địa phương.
3. Về việc bổ sung thêm nội dung về năng lực của chủ dự án và phần đánh giá tác động dự án theo ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bổ sung vào đề cương chi tiết, cụ thể như sau:
a) Năng lực của chủ dự án:
Văn phòng điều phối được thành lập tại Quyết định số 2501/QĐ-BNN-TCCB, ngày 17/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Văn phòng Điều phối Chương trình là một cơ quan liên Bộ, có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 trên cả nước. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối cũng thực hiện nhiệm vụ về đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp; tổ chức vận động, tuyên truyền về chương trình; điều phối hoạt động giữa các Bộ ngành liên quan; xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá Chương trình.
Về tổ chức bộ máy, nhân sự của Văn phòng Điều phối Chương trình bao gồm các thành viên chuyên trách (07 công chức), các thành viên kiêm nhiệm là cán bộ cấp Vụ do các Bộ, ngành có liên quan cử đến (21 công chức kiêm nhiệm) và 03 cán bộ hợp đồng. Văn phòng Điều phối có Chánh Văn phòng và 02 Phó Chánh văn phòng. Văn phòng Điều phối có kế toán viên. Văn phòng Điều phối có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
b) Phần đánh giá tác động của dự án: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bổ sung vào đề cương chi tiết (trang 22-23).
4. Về việc làm rõ khái niệm “các nguồn lực” cho xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bổ sung vào đề cương chi tiết, cụ thể như sau:
Tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về cơ cấu nguồn lực để triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới như sau: Vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn: khoảng 23%; Vốn trực tiếp cho chương trình MTQG nông thôn mới để thực hiện các nội dung: khoảng 17%; Vốn tín dụng (bao gồm tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng thương mại): khoảng 30%; Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác: khoảng 20%; Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư: khoảng 10%. Việc lựa chọn các nội dung triển khai sẽ do người dân tự quyết định nhưng phải theo quy hoạch và định hướng của Chính quyền các cấp theo phương châm “người dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Như vậy, đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nguồn ngân sách nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ, còn phần lớn là huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
Trên thực tế sau hơn 01 năm triển khai, việc tham gia của người dân dưới vai trò kiểm soát đối với các nguồn lực trên còn hạn chế, do đó cần thiết phải tăng cường vai trò kiểm soát của người dân đối với các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới để “cộng đồng dân cư trên mỗi địa bàn là chủ thể của Chương trình xây dựng nông thôn mới” theo như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, tại Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 23/2/2012.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi kèm theo 04 bộ Đề cương chi tiết Dự án (tiếng Việt) đã được chỉnh sửa theo góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao để Quý Bộ sớm xem xét, hoàn thiện các thủ tục có liên quan để trình Chính phủ phê duyệt danh mục dự án./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Ngoại giao; – Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; – Lưu VT, HTQT (NTH-08). |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Bùi Bá Bổng |
Reviews
There are no reviews yet.