BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ ——————- Số: 3649/TCT-TNCN
V/v: trả lời vướng mắc thuế TNCN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————- Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2011
|
Kính gửi: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
(Địa chỉ: Tầng 8, 141 Lê Duẩn, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
(Địa chỉ: Tầng 8, 141 Lê Duẩn, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trả lời công văn số 099/HHBH/2011 ngày 24/6/2011 của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam về thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Câu hỏi 1: Đối với các khoản thưởng, phúc lợi mà các đại lý nhận bằng hiện vật, khi mua doanh nghiệp đã phải chịu thuế GTGT trên mỗi hóa đơn mua hàng nhưng vẫn phải chịu thuế TNCN theo Thông tư 84 và Thông tư 10, có quá nhiều loại thuế. Ngoài ra, các khoản chi bằng tiền mặt hiếu hỷ (tiền mừng đám cưới, tiền phúng viếng) cho cán bộ của doanh nghiệp, cho đại lý không nên tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Trả lời:
– Theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản pháp quy hướng dẫn hiện hành thì thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá chịu thuế GTGT nộp. Còn thuế TNCN là loại thuế trực thu tính trên thu nhập của cá nhân. Như vậy, hai loại thuế này hoàn toàn khác nhau về bản chất, về đối tượng chịu thuế và căn cứ tính thuế.
– Tại tiết 2.1.5 và tiết 2.1.6, điểm 2, mục II, phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm:
“2.1.5 Các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động, cụ thể như sau:
a) Tiền nhà ở, tiền điện, tiền nước và các loại dịch vụ khác kèm theo….
b) Tiền mua bảo hiểm đối với các hình thức bảo hiểm mà pháp luật không quy định trách nhiệm bắt buộc người sử dụng phải mua cho người lao động
c) Các khoản phí hội viên phục vụ cho cá nhân…
d) Các dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ;
đ) Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê kê khai thuế; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng, trừ các khoản khoán chi như: văn phòng phẩm, điện thoại, công tác phí, trang phục.
2.1.6. Các khoản thưởng như tháng, quý, năm, thưởng đột xuất, thưởng tháng lương thứ 13 bằng tiền hoặc không bằng tiền (kể cả thưởng bằng chứng khoán), trừ một số khoản tiền thưởng quy định tại điểm 2.3 dưới đây.”
– Tại khoản 2, Điều 1 Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Đối với các khoản lợi ích khác mà người lao động được hưởng thì chỉ tính vào thu nhập chịu thuế đối vơi các trường hợp xác định được đối tượng được hưởng; không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân đối với các khoản lợi ích không xác định được cụ thể người được hưởng.”
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, các khoản thưởng, phúc lợi bằng tiền hoặc bằng hiện vật mà cá nhân nhận được từ tổ chức trả thu nhập là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Đối với khoản trợ cấp tuất, mai táng phí phù hợp với quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Bộ luật lao động phù hợp với hướng dẫn tại tiết 2.2.4, điểm 2, mục II, phần A Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Câu hỏi 2: Quyết toán thuế cho cán bộ làm việc một nơi và nhận thu nhập ở nơi khác: Theo công văn số 486/TCT-TNCN ngày 11/2/2011 của Tổng cục Thuế về việc quyết toán thuế TNCN thì: “Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập mà cá nhân có ký hợp đồng lao động từ trên 3 tháng và đăng ký giảm trừ gia cảnh cùng với các chứng từ khấu trừ thuế ở nơi khác”. Như vậy, trong năm 2010, các cán bộ của Bảo Việt Life có thu nhập tại Tổng Công ty ở Hà Nội lẫn tại Công ty thành viên vẫn có thể quyết toán thuế TNCN tại cơ quan thuế nơi quản lý Công ty Bảo Việt Life mà họ đang kí hợp đồng lao động. Tuy nhiên hiện nay có một số Cục thuế (VD: Lâm Đồng, Sóc Trăng,…) đã không thực hiện quyết toán thuế cho cán bộ của Bảo Việt Life khi cán bộ đã có đầy đủ biên lai khấu trừ thuế do Tổng công ty lẫn Công ty thành viên cấp.
Trả lời:
Tại tiết c, điểm 3.2, khoản 3, mục V công văn số 486/TCT-TNCN ngày 11/02/2011 hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2010 hướng dẫn:
“c. Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên:
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức cá nhân trả thu nhập mà cá nhân có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng và đăng ký giảm trừ gia cảnh cùng với các chứng từ khấu trừ thuế ở nơi khác;
– Nếu cá nhân đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một tổ chức trả thu nhập thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý đơn vị trả thu nhập đó;
– Nếu cá nhân chưa đăng ký giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở tổ chức trả thu nhập thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.”
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, trong năm 2010, các cán bộ của Bảo Việt Life có thu nhập tại Tổng công ty ở Hà Nội và Công ty thành viên sẽ trực tiếp thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế quản lý tổ chức trả thu nhập mà cá nhân có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng và đăng ký giảm trừ gia cảnh. Trường hợp cá nhân chưa đăng ký giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở tổ chức trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
Tổng cục Thuế trả lời để Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam biết và hướng dẫn đơn vị thành viên./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Vụ PC, (BTC); – Vụ PC-TCT; – Lưu: VT, TNCN. |
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Cao Anh Tuấn |
Reviews
There are no reviews yet.