BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN ——————– Số: 348/TCHQ-TXNK
V/v: ban hành Danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu và mức giá kèm theo.
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————————– Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2011
|
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, Thành phố.
Để phục vụ tốt công tác quản lý giá tính thuế, ngăn chặn và hạn chế các hiện tượng gian lận thương mại đồng thời sử dụng thống nhất thông tin dữ liệu giá có độ tin cậy cao trong công tác kiểm tra, tham vấn và xác định giá, xử lý đối với các trường hợp khai báo trị giá không phù hợp với giá thực tế phải thanh toán.
Căn cứ Điều 6 Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 của Chính phủ quy định về việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá;
Căn cứ Điều 21, Điều 23 Mục II Chương III Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính quy định đối tượng, thẩm quyền tiêu chí xây dựng Danh mục rủi ro hàng hóa xuất khẩu, hàng nhập khẩu.
Căn cứ Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21/05/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá.
1. Tổng cục Hải quan ban hành, hướng dẫn sử dụng kèm theo công văn này Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kiểm tra kèm theo Danh mục này, cụ thể như sau:
1.1. Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kiểm tra kèm theo Danh mục này là một bộ phận trong cơ sở dữ liệu giá được sử dụng để:
– So sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của doanh nghiệp, xác định dấu hiệu nghi vấn và thực hiện tham vấn theo quy định;
– Phân loại, đánh giá mức độ tin cậy của các thông tin dữ liệu giá có sẵn trên chương trình GTT22.
1.2. Các mức giá kèm theo Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, phân tích từ các nguồn thông tin sau:
– Mức giá khai báo của doanh nghiệp theo trình tự và các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 của Chính phủ đã được cơ quan Hải quan chấp nhận làm trị giá tính thuế, nhưng không sử dụng trị giá khai báo của những lô hàng nghi ngờ, chưa được xử lý.
– Mức giá tính thuế do cơ quan Hải quan xác định khi bác bỏ mức giá khai báo theo trình tự và các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 của Chính phủ.
– Thông tin khác có liên quan đến trị giá do cơ quan Hải quan thu thập được như: Giá bán trên thị trường, giá do các nhà sản xuất trong nước cung cấp, giá do nhà xuất khẩu cung cấp, …
1.3. Phương pháp kiểm tra: So sánh mức giá khai báo hoặc mức giá khai báo sau khi trừ đi các khoản giảm giá (đối với trường hợp nhập khẩu có yếu tố giảm giá) của lô hàng nhập khẩu với mức giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong Danh mục, nếu mức giá khai báo hoặc mức giá khai báo sau khi trừ đi khoản giảm giá thấp hơn thì xác định dấu hiệu nghi vấn trên hệ thống GTT22 (đánh dấu đỏ), đồng thời thực hiện việc tham vấn theo đúng quy định tại Điều 26 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn tham vấn, xác định trị giá.
Trường hợp không tìm được hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự theo quy định để so sánh, kiểm tra trị giá khai báo thì áp dụng linh hoạt, mở rộng hơn khái niệm hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự quy định tại điểm b.4.6 tiết 1.3.2.2 khoản 1 Điều 24 mục II Chương III Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính.
1.4. Trình tự sử dụng các nguồn dữ liệu khi xác định trị giá: Nguồn dữ liệu được sử dụng để xác định trị giá sau khi bác bỏ mức giá khai báo phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản b mục 3 phần II Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các dữ liệu sử dụng để xác định trị giá phải là những dữ liệu đã được kiểm tra, xác định độ tin cậy. Cụ thể:
– Dữ liệu về mức giá khai báo của Doanh nghiệp đã được cơ quan Hải quan chấp nhận làm trị giá tính thuế có mức khai báo bằng hoặc cao hơn mức giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục.
– Dữ liệu về mức giá tính thuế do cơ quan Hải quan xác định sau khi bác bỏ trị giá khai báo có mức giá xác định bằng hoặc cao hơn mức giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục.
– Các dữ liệu về mức giá khai báo của doanh nghiệp hoặc mức giá tính thuế do cơ quan Hải quan xác định có mức giá thấp hơn mức giá mặt hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự có trong Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục chỉ sử dụng để tham khảo trong quá trình kiểm tra, tham vấn, không sử dụng làm dữ liệu xác định trị giá tính thuế.
– Nghiêm cấm sử dụng các mức giá có trong Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục để xác định hoặc áp giá tính thuế.
2. Giao Cục trưởng Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố:
– Tổ chức thu thập, phân tích và tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất xây dựng mức giá bổ sung đối với các mặt hàng thuộc Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục nhưng chưa được quy định mức giá cụ thể khi có hàng thực nhập, báo cáo về Tổng cục theo mẫu “Báo cáo xây dựng cơ sở dữ liệu giá những mặt hàng quản lý rủi ro” ban hành kèm theo Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
– Đề xuất, kiến nghị sửa đổi tên hàng, mức giá có trong Danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu cấp Tổng cục khi có sự biến động tăng, giảm trên 10% theo mẫu “Báo cáo đề xuất điều chỉnh các mức giá trong danh mục quản lý rủi ro về giá” ban hành kèm theo Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:
Xây dựng Danh mục quản lý rủi ro hàng hóa xuất khẩu cấp Cục, Danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu cấp Cục và mức giá kèm theo đúng quy định tại Điều 21, Điều 23 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính.
4. Công văn này thay thế các công văn số: 5931/TCHQ-KTTT ngày 02/10/2009; số 6499/TCHQ-KTTT ngày 29/10/2009; số 745/TCHQ-KTTT ngày 8/02/2010 và áp dụng đối với tờ khai Hải quan đăng ký kể từ ngày 29 tháng 01 năm 2011.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố biết và triển khai thực hiện.
Nơi nhận:
– Như trên; – Lãnh đạo Bộ (để b/cáo); – Vụ Pháp chế (BTC); – Các Vụ, Cục thuộc cơ quan Tổng cục; – Lưu VT, TXNK (30b) |
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Hoàng Việt Cường |
DANH MỤC
CÁC NHÓM MẶT HÀNG QUẢN LÝ RỦI RO HÀNG NHẬP KHẨU CẤP TỔNG CỤC
(Ban hành theo công văn số 348/TCHQ-TXNK ngày 21 tháng 01 năm 2011)
(Ban hành theo công văn số 348/TCHQ-TXNK ngày 21 tháng 01 năm 2011)
1. Rượu, bia (nhóm 2203, 2204, 2205, 2206, 2208).
2. Vải các loại:
+ Chương 52: nhóm 5208, 5209, 5210, 5211, 5212.
+ Chương 54: nhóm 5407, 5408.
+ Chương 55: nhóm 5512, 5513, 5514, 5515.
+ Chương 58: nhóm 5801, 5802.
3. Kính xây dựng (nhóm 7004; 7005).
4. Sắt thép.
+ Sắt thép không hợp kim dạng thanh que, dạng cuộn cuốn không đều (nhóm 7213).
+ Sắt thép cốt bê tông (nhóm 7213, 7214, 7215, 7228)
+ Sắt thép có răng khía, rãnh, gân (nhóm 7213)
+ Sắt thép không hợp kim dạng góc, khuôn hình L, T, U, I, H … (nhóm 7216).
5. Bếp ga (nhóm 7321).
6. Động cơ hoàn chỉnh (nhóm 8407; 8408 – Trừ động cơ máy bay).
7. Điều hòa nhiệt độ (nhóm 8415).
8. Tủ lạnh (nhóm 8418).
9. Máy giặt (nhóm 8450).
10. Tổ máy phát điện với động cơ đốt trong (nhóm 8502).
11. Điện thoại di động (nhóm 8517).
12. Ôtô chở người các loại:
+ Xe chở khách, xe bus (nhóm 8702 – Trừ: loại xe được thiết kế đặc biệt dùng cho sân bay loại từ 30 chỗ trở lên).
+ Xe chở người đến 16 chỗ (nhóm 8703).
+ Xe tải các loại (nhóm 8704, 8705 – Trừ: xe thu gom phế thải, xe chở bùn; xe cần cẩu; xe cần trục; xe cứu hỏa; xe cứu hộ; xe thang hành khách dùng trong sân bay; xe nâng người làm việc trên cao).
13. Xe hai bánh gắn máy (nhóm 8711).
Reviews
There are no reviews yet.