CÔNG VĂN
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 3033/BKH-QLĐT
NGÀY 19 THÁNG 5 NĂM 2004 VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH
THỰC HIỆN QUY CHẾ ĐẤU THẦU
Kính gửi: – Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian qua, với sự quan tâm của các Bộ, ngành và địa phương, công tác đấu thầu nói chung đã và đang đạt được những thành tích khả quan, góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả thực hiện các dự án. Tuy nhiên, qua kiểm tra công tác đấu thầu và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin lưu ý một số vấn đề sau:
I. MỘT SỐ TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
1. Về hồ sơ mời thầu
Hồ sơ mời thầu của một số gói thầu có những nội dung quy định chưa phù hợp với Quy chế đấu thầu, như:
+ Hồ sơ mời thầu vẫn nêu yêu cầu cụ thể về nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá, vật tư, thiết bị hoặc ký mã hiệu của thiết bị.
Trong khi Quy chế Đấu thầu quy định là trong hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về thương hiệu hoặc nguồn gốc cụ thể đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, không được nêu yêu cầu về thương hiệu hoặc nguồn gốc vật tư, thiết bị đối với gói thầu xây lắp (điểm 2 khoảng 12 và khoản 14 Điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày 12/06/2003 của Chính phủ);
+ Quy định thời gian tối thiểu chuẩn bị hồ sơ dự thầu ngắn hơn so với quy định của Quy chế Đấu thầu.
Trong Quy chế Đấu thầu quy định thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 15 ngày đối với đấu thầu trong nước, 7 ngày đối với gói thầu quy mô nhỏ và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế (khoản 1 Điều 12 Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01/09/1999 của Chính phủ);
+ Quy định giá bán hồ sơ mời thầu cao hơn 500.000 đồng/bộ
Trong Quy chế Đấu thầu quy định đối với đấu thầu trong nước, giá bán một bộ hồ sơ mời thầu không được quá 500.000 đồng (khoản 1 Điều 57 Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01/09/1999 của Chính phủ);
+ Một số nội dung khác
Việc quy định quá nhiều điều kiện tiên quyết để loại bỏ hồ sơ dự thầu (có trường hợp đưa tới trên 20 điều kiện tiên quyết) hoặc đưa ra yêu cầu quá cao gây khó khăn cho việc lựa chọn nhà thầu thậm chí dẫn đến việc không thể lựa chọn được nhà thầu trúng thầu theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thống nhất giữa tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu gây khó khăn cho việc đánh giá hồ sơ dự thầu, không đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu vẫn tồn tại ở một số trường hợp.
2. Về đánh giá hồ sơ dự thầu
Việc đánh giá hồ sơ dự thầu của tổ chuyên gia/tư vấn xét thầu trong một số trường hợp chưa bám sát các yêu cầu cũng như tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời thầu từ đó đưa ra các kết luận thiếu căn cứ xác đáng. Việc xử lý các tình huống trong đấu thầu (thông qua các đề nghị của tổ chuyên gia, cơ quan thẩm định cũng như quyết định của người/cấp có thẩm quyền) ở một số trường hợp chưa phù hợp với Quy chế Đấu thầu.
3. Về áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu
Việc lạm dụng hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu là nguyên nhân cơ bản của tình trạng đấu thầu hình thức, do vậy làm giảm hiệu quả của công tác đầu thầu. Ngoài ra, trong một số trường hợp quy trình tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu còn đơn giản, thiếu cơ sở pháp lý.
Trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế Đấu thầu quy định quy trình chỉ định thầu được thực hiện tương tự theo quy trình đấu thầu cho một gói thầu. Cụ thể, khi thực hiện chỉ định thầu đã được người có thẩm quyền cho phép trong kế hoạch đấu thầu, chủ dự án phải đưa ra các yêu cầu đối với gói thầu (tương tự như hồ sơ mời thầu), đơn vị được đề nghị chỉ định thầu căn cứ yêu cầu của chủ dự án chuẩn bị các giải pháp thực hiện, các đề xuất về tài chính, thương mại (tương tự như hồ sơ dự thầu) để chủ dự án đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá (mục I phần 8 Thông tư 01/2004/TT-BKH ngày 02/02/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
4. Về trình độ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu
Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu ở một số nơi còn hạn chế, chưa nắm vững các quy định về đấu thầu của Nhà nước (Quy chế Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thực hiện) do chưa tích cực nghiên cứu, tìm hiểu Quy chế Đấu thầu, chưa có điều kiện tham gia các lớp tập huấn, có nơi còn sử dụng theo suy nghĩ chủ quan hơn là các cơ sở pháp lý (quy chế Đấu thầu, hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá…).
II. CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai các biện pháp sau đây:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về đấu thầu
– Áp dụng chủ yếu là hình thức đấu thầu rộng rãi trong các dự án thuộc phạm vi và trách nhiệm quản lý của mình;
– Không được nêu yêu cầu cụ thể về nguồn gốc, ký mã hiệu, thương hiệu của hàng hoá, vật tư, thiết bị trong hồ sơ mời thầu;
– Đảm bảo các mốc thời gian trong đấu thầu như: đấu thầu rộng rãi phải được thông báo 10 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 15 ngày đối với đấu thầu trong nước, 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế;
– Không được bán hồ sơ mời thầu vượt quá mức 500.000 đồng/bộ (đối với đấu thầu trong nước);
– Không sử dụng giá xét thầu, giá sàn trong đánh giá hồ sơ dự thầu;
– Sau khi đóng thầu, nhà thầu không được pbép bổ sung nội dung hồ sơ dự thầu, kể cả thư giảm giá;
– Tư vấn không được tham dự thực hiện các gói thầu mua sắm hàng hoá và xây lắp do mình làm tư vấn;
– Chuyên gia xét thầu không được tham gia thẩm định kết quả đấu thầu trong cùng một gói thầu.
– Đánh giá hồ sơ dự thầu theo đúng hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu.
2. Tăng cường năng lực thực hiện công tác đấu thầu
Tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện Quy chế Đấu thầu thông qua tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu cho các tổ chức/cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đấu thầu, đồng thời lựa chọn và bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và am hiểu các quy định của Nhà nước về đấu thầu để tham gia thực hiện công tác đấu thầu.
3. Tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu
Các cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ, ngành và địa phương cần cử một cấp phó trực tiếp chỉ đạo công tác đấu thầu theo quy định của Quy chế Đấu thầu (khoản 3 và 4 Điều 49 Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01/09/1999 của Chính phủ). Nâng cao chất lượng công tác thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu của các đơn vị thẩm định. Đối với các dự án cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải là cơ quan thẩm định kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi người có thẩm quyền phê duyệt; trong trường hợp thẩm định hồ sơ mời thầu, cơ quan thẩm định có thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc một đơn vị chuyên ngành của địa phương (điểm 2 khoản 20 Điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày12/06/2002 của Chính phủ và mục V phần 8 Thông tư 01/2004/TT-BKH ngày 02/02/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Riêng đối với việc thực hiện công tác đấu thầu tại các công ty cổ phần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 2035/BKH-QLĐT ngày 07/04/2004 gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc yêu cầu chấn chỉnh kịp thời các hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực này.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đấu thầu
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập Thanh tra Sở tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu của Chỉ thị 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ (về việc chấn chỉnh quản lý đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước) và văn bản hướng dẫn số 1895 BKH/TTr-TCCB ngày 02/04/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác đấu thầu trong phạm vi ngành, địa phương mình để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm (nếu có).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo chấn chỉnh công tác đấu thầu trong phạm vi ngành và địa phương mình, đảm bảo mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Reviews
There are no reviews yet.