BỘ NỘI VỤ
———- Số: 2591/BNV-TCBC
V/v:Quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————————– Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2016
|
Kính gửi:
|
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 39-NQ/TW), Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (sau đây gọi tắt là Quyết định số 2218/QĐ-TTg) và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108/2014/NĐ-CP), Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ, ngành, địa phương) thực hiện việc quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là biên chế sự nghiệp) và tinh giản biên chế như sau:
I. VỀ QUẢN LÝ BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC
1. Về kế hoạch tinh giản biên chế công chức
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế công chức của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, trong đó phải xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế công chức được giao năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì Bộ, ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao.
2. Về tuyển dụng công chức
a) Hằng năm, căn cứ vào số biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao và số biên chế công chức giảm được trong năm (gồm số công chức đã được thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và số cán bộ, công chức đã được giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật), các Bộ, ngành, địa phương được quyền chủ động tuyển dụng mới như sau:
– Tuyển dụng trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao tăng thêm (nếu có).
– Tuyển dụng để thay thế không quá 50% số biên chế công chức giảm được trong năm (gồm số đã tinh giản và số nghỉ hưu, thôi việc).
b) Việc tuyển dụng công chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 24/2010/NĐ-CP) và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13/2010/TT-BNV), Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24/10/2012 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV.
3. Báo cáo về kế hoạch biên chế công chức hằng năm
Chậm nhất đến ngày 20/7 hằng năm, các Bộ, ngành, địa phương phải gửi kế hoạch biên chế công chức của năm sau liền kề theo quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BNV ngày 26/7/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức để Bộ Nội vụ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định giao biên chế công chức của các Bộ, ngành, địa phương trước ngày 01/12 hằng năm. Sau khi nhận được quyết định giao biên chế công chức hằng năm của Bộ Nội vụ:
a) Đối với Bộ, ngành: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định giao biên chế công chức đến các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc và trực thuộc Bộ, ngành trong phạm vi tổng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao.
b) Đối với địa phương:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định giao biên chế công chức đến các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi tổng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức đến các cơ quan, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
II. VỀ QUẢN LÝ BIÊN CHẾ SỰ NGHIỆP
1. Về kế hoạch tinh giản biên chế sự nghiệp
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế sự nghiệp của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, trong đó phải xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa để thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì Bộ, ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao.
Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế thực hiện như sau:
a) Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Trường hợp thành lập mới trường, tăng số lớp, tăng số học sinh, trước hết Bộ, ngành, địa phương phải tự cân đối trong tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã được cấp có thẩm quyền giao để bố trí đối với các trường thành lập mới, tăng số lớp, tăng số học sinh bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu không thể tự cân đối được thì Bộ, ngành, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ để giải quyết theo thẩm quyền, trong đó cần báo cáo rõ các nội dung sau:
– Vị trí việc làm của từng trường thành lập mới, tăng số lớp, tăng số học sinh; số viên chức ngành giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý thực tế có mặt tại thời điểm đề nghị bổ sung biên chế.
– Kết quả thực hiện các giải pháp điều chỉnh biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo từ nơi thừa sang nơi thiếu trong Bộ, ngành, địa phương.
– Số trường, số lớp, số học sinh, số người làm việc tại các trường ngoài công lập thuộc phạm vi quản lý.
b) Đối với lĩnh vực y tế: Trường hợp thành lập mới cơ sở y tế, tăng số giường bệnh thực tế sử dụng, trước hết Bộ, ngành, địa phương phải tự cân đối trong tổng số biên chế sự nghiệp y tế đã được cấp có thẩm quyền giao để bố trí đối với các đơn vị sự nghiệp y tế thành lập mới, tăng số giường bệnh thực tế sử dụng bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu không thể tự cân đối được thì Bộ, ngành, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ để giải quyết theo thẩm quyền, trong đó cần báo cáo rõ các nội dung sau:
– Vị trí việc làm của từng đơn vị sự nghiệp y tế thành lập mới, tăng số giường bệnh thực tế sử dụng; số viên chức ngành y tế thuộc phạm vi quản lý thực tế có mặt tại thời điểm đề nghị bổ sung biên chế.
– Kết quả thực hiện các giải pháp điều chỉnh biên chế sự nghiệp y tế từ nơi thừa sang nơi thiếu trong Bộ, ngành, địa phương.
– Số đơn vị sự nghiệp y tế, số giường bệnh, số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế ngoài công lập thuộc phạm vi quản lý.
2. Về tuyển dụng viên chức
a) Hằng năm, căn cứ vào số biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm cả biên chế bổ sung đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế, nếu có) và số biên chế sự nghiệp giảm được trong năm (gồm số viên chức đã được thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và số viên chức đã được giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật), các Bộ, ngành, địa phương được quyền chủ động tuyển dụng mới như sau:
– Tuyển dụng trong phạm vi số biên chế được bổ sung đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế (nếu có).
– Tuyển dụng để thay thế không quá 50% số biên chế sự nghiệp giảm được trong năm (gồm số đã tinh giản và số nghỉ hưu, thôi việc).
b) Việc tuyển dụng viên chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
3. Báo cáo về kế hoạch biên chế sự nghiệp hằng năm
Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập đã bãi bỏ những quy định về biên chế sự nghiệp tại Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước, Nghị định số 112/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp. Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện như sau:
a) Báo cáo về biên chế sự nghiệp giai đoạn 2012-2015
– Các Bộ, ngành gửi báo cáo tổng hợp về biên chế sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền giao (kèm theo các bản sao Quyết định giao biên chế sự nghiệp) từ năm 2012 (khi thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP) đến năm 2015 (khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị) về Bộ Nội vụ trước ngày 30/6/2016.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo tổng hợp về biên chế sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao (kèm theo các bản sao Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc phê duyệt tổng biên chế sự nghiệp và các Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc giao biên chế sự nghiệp) từ năm 2012 (khi thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP) đến năm 2015 (khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị) về Bộ Nội vụ trước ngày 30/6/2016.
Trường hợp Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tổng biên chế sự nghiệp hằng năm của địa phương mình từ năm 2012 đến năm 2015 lớn hơn số biên chế sự nghiệp được Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo, giải trình cụ thể để Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Từ năm 2016 trở đi, căn cứ vào tổng biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao năm 2015 và kết quả thực hiện tinh giản biên chế sự nghiệp hằng năm của từng Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cùng với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giao biên chế sự nghiệp như sau:
– Đối với Bộ, ngành: Bộ Nội vụ giao biên chế sự nghiệp theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 01/12 hằng năm. Sau khi nhận được quyết định giao biên chế sự nghiệp của Bộ Nội vụ, Bộ, ngành quyết định giao biên chế sự nghiệp đối với từng đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý, nhưng không được vượt quá số biên chế sự nghiệp được Bộ Nội vụ giao.
– Đối với địa phương: Bộ Nội vụ có ý kiến thẩm định biên chế sự nghiệp theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 01/12 hằng năm. Sau khi nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện:
+ Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt tổng biên chế sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng không vượt quá tổng biên chế sự nghiệp được Bộ Nội vụ thẩm định.
+ Quyết định giao biên chế sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thuộc Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
III. VỀ TINH GIẢN BIÊN CHẾ
1. Báo cáo về kế hoạch tinh giản biên chế
Kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương tại Khoản 1 Mục I và Khoản 1 Mục II nêu trên đề nghị gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 30/7/2016 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế và tuyển dụng công chức, viên chức
Định kỳ vào ngày 31/12 hằng năm, các Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế gồm các nội dung sau:
a) Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế, trong đó: Báo cáo rõ kết quả thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ hưu đúng tuổi và thôi việc theo quy định của pháp luật của Bộ, ngành, địa phương mình theo biểu số 3, biểu số 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
b) Báo cáo kết quả tuyển dụng mới công chức, viên chức trong năm theo quy định của pháp luật. Riêng các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng không qua thi tuyển phải báo cáo kịp thời trước khi quyết định tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật, sau khi được tuyển dụng thì tổng hợp chung vào báo cáo kết quả tuyển dụng trong năm của Bộ, ngành, địa phương.
IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Người đứng đầu các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định về quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế. Trong đó, lưu ý không thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ) của Bộ, ngành chịu trách nhiệm tham mưu, giúp người đứng đầu Bộ, ngành thực hiện việc quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế theo đúng quy định của pháp luật.
3. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế theo đúng quy định của pháp luật.
4. Trường hợp Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Trưởng ban Ban tổ chức cán bộ), Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu không đúng các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế thì phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phải xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật.
5. Đề nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm việc quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quyết định số 2218/QĐ-TTg và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Trên đây là ý kiến của Bộ Nội vụ về việc quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu thực hiện, nếu có vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); – Bộ trưởng (để báo cáo); – Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng; – Lưu: VT, TCBC (05b). |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Nguyễn Duy Thăng |
Reviews
There are no reviews yet.