BỘ NỘI VỤ
Số: 2432/BNV-VP V/v Cung cấp thông tin cho báo chí |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2007 |
Kính gửi: – Website Chính phủ
Vừa qua, Bộ Nội vụ nhận được đề nghị cung cấp thông tin hoặc trả lời phỏng vấn về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII. Để các cơ quan báo chí thuận lợi trong việc tuyên truyền những nội dung này, thực hiện Quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ xin thông tin về những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm như sau:
1. Về việc sắp xếp, tổ chức và giải quyết công tác cán bộ sau khi tiến hành sáp nhập các Bộ.
Tại phiên họp thứ nhất Chính phủ khóa XII, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì để các thành viên Chính phủ thảo luận và ra Nghị quyết để triển khai cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 của Quốc hội. Trong đó, Chính phủ đã giao các Bộ trưởng của các Bộ mới (Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) có trách nhiệm phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ nhiệm kỳ khóa XI có liên quan để tiến hành bàn giao nguyên trạng tổ chức, biên chế, tài chính và tài sản của các cơ quan, đơn vị được chuyển giao vào Bộ mình. Đến thời điểm này cơ bản công việc bàn giao đã hoàn thành.
Đồng thời, Chính phủ giao cho Bộ trưởng các Bộ mới chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành mình trình Chính phủ trong tháng 8/2007. Theo đó, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Tổng cục trực thuộc Bộ mình và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Sau khi ổn định tổ chức, Bộ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp lại tổ chức; sắp xếp, phân loại, đánh giá cán bộ công chức để từ đó có kế hoạch sử dụng, bố trí và giải quyết chính sách phù hợp.
2. Sau khi tiến hành sáp nhập thì số lượng Thứ trưởng, Vụ trưởng ở các Bộ sáp nhập tăng lên. Vậy việc bố trí này có đi ngược với chủ trương giảm cấp phó đã được đề ra hay không?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần quán triệt chủ trương, quan điểm của Trung ương Đảng, Quốc hội, trong đó có việc giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian, số lượng Thứ trưởng và Phó thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tuy nhiên, để thực hiện nguyên tắc tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thì cấp có thẩm quyền sẽ căn cứ vào khối lượng và tính chất mức độ phức tạp của nhiệm vụ để quyết định cụ thể số lượng cấp phó cho phù hợp, đảm bảo chỉ đạo điều hành được thông suốt, có hiệu quả.
3. Việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể mới chỉ được tiến hành ở Trung ương. Còn ở các tỉnh, thành phố thì việc sáp nhập các cơ quan, sở, ngành sẽ giải quyết thế nào?
Có 2 vấn đề được đặt ra đối với địa phương khi Chính phủ thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan Trung ương, cụ thể là:
Thứ nhất, Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thay thế cho Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định 172/2004/NĐ-CP trong tháng 10/2007 để bảo đảm hệ thống hành chính được vận hành thông suốt và thống nhất từ Trung ương và địa phương.
Thứ hai, trong khi chờ các Nghị định mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1076/TTg-TCCB ngày 6/8/2007 yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố duy trì và bảo đảm cho bộ máy chính quyền địa phương hoạt động liên tục, bình thường và giải quyết kịp thời các công việc thuộc thẩm quyền của cấp mình, nhất là đối với các yêu cầu, kiến nghị của tổ chức, công dân; chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ổn định về công tác tổ chức, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở, Ban, ngành và các Phòng, Ban thuộc UBND cấp huyện theo các quy định của pháp luật, kể cả đối với các cơ quan sắp tới sẽ tiến hành sáp nhập, chia tách, giải thể.
Như vậy, sau khi Chính phủ ban hành 2 Nghị định nêu trên thì địa phương sẽ tổ chức, sắp xếp lại cơ quan chuyên môn.
4. Về việc thực hiện Nghị định số 132/2007//NĐ-CP về tinh giản biên chế.
Thời gian qua, việc tinh giản biên chế đã được thực hiện theo Nghị quyết 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết 09/2003/NQ-CP của Chính phủ. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết 09/2003/NQ-CP. Tuy việc thực hiện tinh giản biên chế chưa đạt được đầy đủ mục tiêu của Nghị quyết đề ra nhưng cũng đạt được khá nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cơ bản chọn được những người có năng lực, phẩm chất giữ lại làm việc ổn định bảo đảm chất lượng hoạt động của cơ quan đơn vị; cùng với những chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên và tạo điều kiện cho những người trong diện sắp xếp giảm biên chế sau khi nghỉ việc thoải mái về tư tưởng và có thêm một khoản kinh phí để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm và khắc phục một số hạn chế khi triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2000/NQ-CP, 09/2003/NQ-CP, Chính phủ đã quy định rõ hơn phạm vi, đối tượng, trình tự thực hiện tinh giản biên chế; trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế và thời hạn giải quyết tinh giản biên chế trong Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định trình tự tiến hành thực hiện tinh giản biên chế, từ việc rà soát, chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức, sắp xếp, phân loại đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất để giữ lại làm việc ổn định lâu dài và xác định những người dôi dư do sắp xếp tổ chức và những người yếu kém phẩm chất và năng lực. Đối với những người trong diện tinh giản biên chế được giải quyết chính sách tinh giản cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Khi triển khai thực hiện tinh giản biên chế thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan, công khai đề án tinh giản biên chế và danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản và bảo đảm thời hạn giải quyết tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định này.
Trong tháng 9/2007, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị quán triệt và hướng dẫn nghiệp vụ triển khai tinh giản biên chế để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng và kịp thời các quy định về tinh giản biên chế tại Nghị định này.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII và thực hiện tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ xin thông tin đến các cơ quan báo chí. Xin cảm ơn sự quan tâm và hợp tác của các nhà báo và cơ quan báo chí./.
Nơi nhận: – Như trên; – Bộ trưởng (để b/c); – Lưu VT, TH |
TL. BỘ TRƯỞNG CHÁNH VĂN PHÒNG (Đã ký) Nguyễn Xuân Bình |
Reviews
There are no reviews yet.