CHỈ THỊ
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ – THÔNG TIN SỐ 26/VH-CT NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 1997 VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN
NGHỊ ĐỊNH 87/CP, 88/CP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHỈ THỊ 814/TTg
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Tháng 12 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 87/CP, 88/CP; Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 814/TTg mở cuộc vận động về việc tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.
Dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Bộ ngành, các tổ chức quần chúng ở Trung ương và địa phương, có sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng, liên tục đạt nhiều kết quả trên các phương diện quản lý nhà nước, xây dựng các công trình văn hoá đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, kiểm tra thanh tra xử lý các sai phạm tạo hướng chuyển biến mới trong nhận thức của nhân dân, đẩy lùi và làm giảm bớt những hiện tượng không lành mạnh, làm thay đổi dần bộ mặt văn hoá xã hội ở cả đô thị và nông thôn trên cả nước.
Tuy vậy những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa vững chắc. Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện cuộc vận động có chiều hướng giảm sút. Nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân nhất là của thanh thiếu niên, sinh viên học sinh ngày càng cao trong khi các công trình văn hoá và sản phẩm văn hoá mới chưa sản xuất và xây dựng được nhiều. Những hiện tượng không lành mạnh trong hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và tệ nạn xã hội vẫn còn.
Cuộc vận động cần được tăng cường thường xuyên, liên tục nhằm giữ vững những kết quả đã có và tạo bước chuyển biến tốt hơn trong năm 1997.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin chỉ thị:
1. Tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng là cuộc vận động xã hội rộng lớn lâu dài, do Chính phủ phát động có ý nghĩa sâu sắc, là nội dung quan trọng trong tiến trình bảo vệ nền văn hoá Việt Nam, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. Các cấp uỷ Đảng, Uỷ ban nhân dân các cấp, tổ chức chính trị xã hội, thủ trưởng các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao nhận thức, tạo lập phong trào xã hội rộng lớn, thường xuyên, nhằm thực hiện tốt hơn Nghị định 87/CP, 88/CP của Chính phủ và Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước, các Viện nghiên cứu, các đơn vị sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, các cơ sở dịch vụ của ngành Văn hoá Thông tin, các hãng phim, các đoàn nghệ thuận trên cả nước có kế hoạch chương trình cụ thể để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao như sách báo, ấn phẩm, phim truyện, phim video, vở diễn nghệ thuật, tổ chức các phong trào văn hoá văn nghệ cơ sở, các hội thi, lễ hội truyền thống. Đề xuất với Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng các công trình, các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao du lịch ở địa phương có sức thu hút lớn, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên.
3. Tiếp tục kiện toàn, bổ sung và chỉ đạo lực lượng Thanh tra Văn hoá Thông tin các cấp đủ sức làm nòng cốt trong việc thực hiện kiểm tra kiểm soát trên địa bàn. Bố trí cán bộ văn hoá ở các phường, thị xã, thị trấn có phẩm chất năng lực giúp Uỷ ban nhân dân trong việc quản lý công tác văn hoá ở địa phương. Phối hợp với các ngành Công an, Quản lý thị trường, lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội để các hoạt động liên ngành đạt hiệu quả tốt hơn trong kiểm tra kiểm soát.
Tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên để phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trên các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ điện ảnh, âm nhạc, sách báo, quảng cáo và sinh hoạt văn hoá nơi công cộng.
Những loại băng hình, băng nhạc, sách báo, ấn phẩm có nội dung độc hại, nhập khẩu lưu hành trái phép phải tịch thu và phạt vi phạm hành chính đối với các chủ hàng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ hàng vi phạm pháp luật. Những vũ trường, quán karaoke có hành vi kinh doanh gái mãi dâm phải kiên quyết xử lý.
Thực hiện tốt hơn chế độ thông tin, báo cáo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích, xử lý kỷ luật những cán bộ nhân viên có sai phạm.
4. Đồng chí Chánh thanh tra Bộ chịu trách nhiệm giúp Bộ về việc chỉ đạo tổ chức việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động trong phạm vị ngành, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ và các ngành có liên quan ở Trung ương trong các hoạt động liên ngành. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo, sơ kết tổng kết.
Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dụng thuộc chức năng quản lý của địa phương. Tăng cường công tác thanh tra của Sở nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động này.
5. Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin; các đồng chí Cục trưởng Cục Điện ảnh, Cục Xuất bản, Cục Văn hoá Thông tin cơ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn; các đồng chí Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình cụ thể để thực hiện, báo cáo kết quả về Bộ định kỳ hàng tháng, ba tháng và cả năm.
Reviews
There are no reviews yet.