CHỈ THỊ
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 108-HĐBT NGÀY 30-6-1988
VỀ VIỆC MỞ RỘNG HỢP TÁC LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA VỚI
NƯỚC NGOÀI
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết các Hội nghị Trung ương; nhằm thực hiện sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiềm năng lao động xã hội; Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị các ngành, các cấp thực hiện tốt những chủ trương và quy định sau đây:
1. Mở rộng hợp tác lao động và chuyên gia với nước ngoài là một nhiệm vụ kinh tế quan trọng có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Chủ trương của ta là hợp tác rộng rãi với các nước có yêu cầu hợp tác với ta, với quy mô ngày càng lớn theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trước hết là với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; chú ý phát triển quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông và Châu Phi.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải đặt vấn đề hợp tác lao động và chuyên gia với nước ngoài thành một nội dung quan trọng của kế hoạch, đưa nhiệm vụ này vào cân đối kế hoạch Nhà nước hàng năm và dài hạn. Tuỳ theo từng nước, cần đưa vấn đề hợp tác lao động và chuyên gia vào nội dung phối hợp kế hoạch với các nước đó.
2. Hợp tác lao động và chuyên gia chủ yếu nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề và tăng thu nhập cho người lao động. Vì vậy, các ngành, các địa phương và các tổ chức kinh tế được giao nhiệm vụ hợp tác với các nước phải tính toán chặt chẽ hiệu quả kinh tế của các phương án hợp tác, xác định rõ chỉ tiêu thu ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính cùng các Bộ liên quan có trách nhiệm tổ chức thu đúng, thu đủ, kịp thời, tập trung ngoại tệ về hợp tác lao động và chuyên gia vào ngân sách Nhà nước và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn ngoại tệ này; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Kinh tế đối ngoại trình Hội đồng Bộ trưởng quy định số ngoại tệ mà các tổ chức kinh tế làm dịch vụ hợp tác lao động và chuyên gia cần được sử dụng cho nhu cầu công tác.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan có trách nhiệm soát xét lại các hiệp định, hợp đồng đã ký với các nước, kiến nghị những điều cần bổ sung, sửa đổi và tiến hành đàm phán với các nước, theo tinh thần bảo đảm lợi ích chính đáng của lao động và chuyên gia, đặc biệt là trong các vấn đề tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc, các chế độ bảo hiểm, ăn, ở, đi lại, nghỉ ngơi, săn sóc sức khoẻ, mua hàng, gửi hàng, gửi tiền về cho gia đình. Việc đàm phán ký kết những Hiệp định, hợp đồng mới phải bảo đảm được nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hữu nghị, đáp ứng được quyền lợi thoả đáng của Nhà nước ta và lợi ích chính đáng của người lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với các ngành liên quan cải tiến việc tổ chức mua hàng, gửi hàng và việc kiểm soát của hải quan ở các cửa khẩu tạo thuận lợi cho người đi hợp tác lao động và chuyên gia.
3. Trong thời gian trước mắt, việc tuyển chọn lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cần chú trọng các đối tượng sau đây: những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong hoàn thành tốt nhiệm vụ, những người tạm thời dôi ra do sắp xếp lại sản xuất và tổ chức lại bộ máy quản lý, những học sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề ở trong nước và nước ngoài nhưng chưa có yêu cầu sử dụng. Ngoài những đối tượng nói trên, cần tuyển chọn những học sinh trong tuổi lao động đã thôi học trường phổ thông, những thanh niên chưa có việc làm.
Tiếp tục đưa lao động chưa có nghề hoặc có nghề giản đơn đi làm việc ở nước ngoài như hiện nay, đồng thời phải chủ động tranh thủ khả năng đưa đi ngày càng nhiều lao động có nghề, có trình độ nghề nghiệp cao đi làm những việc đòi hỏi trình độ nghề nghiệp tương xứng và đi theo tổ, đội có đủ cơ cấu cần thiết (kể cả cán bộ và công nhân) để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo hướng đó cần có kế hoạch đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng người đi hợp tác lao động và chuyên gia, đáp ứng quy mô hợp tác ngày càng lớn hơn, tiến tới xây dựng lực lượng chuyên môn đi làm việc ở nước ngoài.
Cần chấn chỉnh công tác tuyển chọn, tuỳ theo sự thoả thuận với từng nước mà quy định tiêu chuẩn cho thích hợp, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh cam kết với các nước; tăng cường quản lý, giáo dục lao động và chuyên gia khi làm việc ở nước ngoài phát huy phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, quan hệ hữu nghị với nhân dân nước sở tại và người nước khác cùng lao động ở nước sở tại.
4. Trong những năm 1988 – 1990, đi đôi với việc thực hiện các hình thức hợp tác đã ký kết với các nước, cần chuyển dần sang các hình thức hợp tác có hiệu quả hơn như nhận thầu khoán việc, nhận thầu toàn bộ công trình xây dựng, hợp tác sản xuất chia sản phẩm, v.v… coi đây là những hình thức chủ yếu. Tuỳ theo tình hình cụ thể có thể thực hiện hợp tác hai bên hoặc hợp tác đi làm ở nước thứ ba, ký Hiệp định giữa Chính phủ với Chính phủ hoặc ký kết các văn bản thoả thuận giữa ngành với ngành, địa phương với địa phương và giữa các tổ chức kinh tế với nhau.
5. Về tổ chức, lấy việc hợp tác lao động và chuyên gia theo ngành là chủ yếu (như các ngành xây dựng, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, v.v… hiện đã hình thành) vừa nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của bạn, vừa tạo điệu kiện nâng cao tay nghề của lao động và chuyên gia, đồng thời cũng dễ bố trí công việc làm khi họ trở về nước.
Do đó, cần tổ chức dịch vụ hợp tác lao động và chuyên gia do các công ty hoặc tổ chức kinh tế thích hợp của các ngành có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tài chính; các tổ chức này cùng với người lao động ký kết hợp đồng, chịu trách nhiệm đưa người lao động đi làm việc và giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ tìm công ăn việc làm khi về nước.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý Nhà nước về hợp tác lao động với nước ngoài; đàm phán ký kết các Hiệp định giữa Chính phủ ta và Chính phủ các nước về hợp tác lao động theo uỷ nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng; phối hợp hoạt động của các ngành và các địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch hợp tác lao động, chủ trì nghiên cứu các chính sách, chế độ đối với lao động và chuyên gia hợp tác đi làm việc ở nước ngoài trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện những chính sách, chế độ đó.
Bộ Kinh tế đối ngoại quản lý việc hợp tác chuyên gia với nước ngoài; đàm phán, ký kết Hiệp định giữa Chính phủ ta và Chính phủ nước ngoài về hợp tác chuyên gia theo uỷ nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng; phối hợp các ngành liên quan thực hiện các Hiệp định đó; cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chính sách, chế độ đối với chuyên gia.
Một số địa phương có điều kiện có thể trực tiếp quan hệ và tổ chức việc hợp tác lao động với nước ngoài.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế đối ngoại ngoài nhiệm vụ quản lý Nhà nước, được thành lập tổ chức làm dịch vụ đưa đi làm việc ở nước ngoài những lao động và chuyên gia không thuộc Bộ, ngành, địa phương nào ký kết với nước ngoài hoặc trực tiếp làm dịch vụ này. Những tổ chức này cũng hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Các Bộ, các ngành, các địa phương được trực tiếp giao dịch, đàm phán ký kết với nước ngoài để thực hiện chủ trương mở rộng hợp tác lao động và chuyên gia nhưng phải bàn bạc thống nhất trước với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế đối ngoại; có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức hợp tác lao động và chuyên gia của Bộ và địa phương hoạt động theo đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chế độ hạch toán kinh doanh đối với các tổ chức kinh tế làm công việc hợp tác lao động và chuyên gia.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế chính thức đối với lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, quy định rõ nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức kinh tế đối với lao động và chuyên gia.
6. Tăng cường bộ máy quản lý lao động và chuyên gia ở nước ngoài đủ sức giúp các Đại sứ thống nhất quản lý toàn bộ lực lượng lao động và chuyên gia của nước ta làm việc ở nước sở tại, phù hợp với tình hình, đặc điểm, quy mô hợp tác ở từng nước. Bộ máy quản lý này vừa chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ nước ta ở nước sở tại, vừa chịu sự lãnh đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với hợp tác lao động và Bộ Kinh tế đối ngoại đối với hợp tác chuyên gia. Các tổ chức kinh tế làm nhiệm vụ hợp tác lao động và chuyên gia ở nước ngoài tuỳ theo sự cần thiết có thể cử đại diện của mình ở nước đó tham gia vào Ban Quản lý lao động hoặc Ban Quản lý chuyên gia (và tự chịu mọi chi phí). Bộ máy quản lý lao động và chuyên gia ở nước ngoài là một đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Kinh tế đối ngoại, tách khỏi ngân sách của Sứ quán.
Kinh phí hoạt động cho các Ban Quản lý lao động và chuyên gia nói trên (bằng ngoại tệ) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kinh tế đối ngoại bàn với Bộ Tài chính để xác định.
Ở những nước số lượng lao động và chuyên gia của ta làm việc còn ít thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kinh tế đối ngoại bàn với Bộ Ngoại giao để sắp xếp cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách giúp Đại sứ quản lý.
7. Các Bộ, các ngành có liên quan như Ngoại giao, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Hải quan, Hàng không dân dụng, tuỳ theo chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế đối ngoại cùng chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện.
8. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
9. Hội đồng Bộ trưởng đề nghị Tổng Công đoàn Việt Nam, Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, chế độ về hợp tác lao động và chuyên gia với nước ngoài và đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hợp tác lao động và chuyên gia giữa nước ta và các nước.
Reviews
There are no reviews yet.