CHỈ THỊ
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 88-HĐBT NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 1982 VỀ VIỆC ĐÁP ỨNG NHU CẦU THUỐC PHÒNG BỆNH,
CHỮA BỆNH CHO NHÂN DÂN
Trong những năm qua, ngành y tế đã cố gắng trong việc sản xuất thuốc trong nước, nhưng mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.
Tình trạng thiếu thuốc hiện nay là do ngành y tế còn ỷ lại vào thuốc nhập khẩu vàthuốc viện trợ, chưa đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước, nhất là thuốc dân tộc; phần nguyên liệu trong nước chưa được cung ứng đủ; phần nguyên liệu và biệt dược phải nhập khẩu, ngành dược chưa chủ động tìm cách tự giải quyết cân đối bằng con đường xuất khẩu; công tác quản lý, phân phối, sử dụng thuốc chưa chặt chẽ, chưa hợp lý.
Để thực hiện Nghị quyết số 200-CP ngày 21-8-1978 của Hội đồng Chính phủ, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Ngành Y tế phải có kế hoạch phấn đấu đáp ứng đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân theo hướng khai thác mạnh mẽ khả năng nguyên liệu dược liệu trong nước, kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu thuốc để nhập khẩu nguyên liệu. Từ nay đến năm 1985 ngành y tế phải phấn đấu cân bằng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu làm thuốc, tiến tới có thêm kim ngạch nhập khẩu trang bị cho y tế. Mỗi địa phương đều phải có kế hoạch nuôi trồng, sản xuất nguyên liệu, dược liệu bảo đảm yêu cầu thuốc chữa bệnh cho nhân dân địa phương mình, có thêm hàng hoá cung ứng cho trung ương, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
2. Theo phương hướng, mục tiêu trên đây, Bộ Y tế cần thực hiện một số công tác cụ thể:
a) Sớm xác định danh mục cây con làm thuốc cần nuôi, trồng ở từng vùng kinh tế và xây dựng bản đồ dược liệu hoàn chỉnh, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp bảo vệ tái sinh, nuôi trồng, khai thác các nguồn dược liệu.
b) Cùng với Bộ Quốc phòng và các địa phương có kế hoạch xây dựng ngay một số nông trường cây thuốc do quân đội và các tỉnh, thành phố quản lý, bán sản phẩm cho ngành y tế theo hợp đồng kinh tế.
c) Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành sớm các chính sách đòn bẩy kinh tế, nhằm khuyến khích nuôi, trồng, khai thác cây, con làm thuốc; đề xuất với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành liên quan đến danh mục và khối lượng hàng hoá đối lưu cần thiết để giao cho cơ quan kinh doanh thu mua dược liệu.
d) Có kế hoạch mở rộng quy mô các xí nghiệp hoá dược hiện có và sắp xếp lại các xí nghiệp bào chế để có thêm cơ sở sản xuất hoá dược; giúp đỡ hướng dẫn các viện nghiên cứu, các trường dược kết hợp công tác nghiên cứu, công tác giảng dạy để sản xuất một số hoá dược.
đ) Xúc tiến hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là với Liên Xô và Hung-ga-ri để chuẩn bị cho việc xây dựng các nhà máy kháng sinh. Trước mắt cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và sản xuất thử một số loại thuốc kháng sinh ở quy mô nhỏ, để chuẩn bị điều kiện kỹ thuật và cán bộ cho việc mở rộng sản xuất với quy mô lớn.
e) Chỉ đạo cụ thể các xí nghiệp bào chế của trung ương và địa phương đẩy mạnh sản xuất thuốc bằng nguyên liệu trong nước, kể cả sản xuất từ hoá dược và từ thực vật, động vật và nước suối khoáng; coi trọng việc sản xuất thuốc nam, phổ biến rộng rãi các bài thuốc cổ truyền để các địa phương và cơ sở đưa vào sản xuất.
g) Chỉ đạo tốt việc kết hợp đông y với tây y, xây dựng nền y học dân tộc theo đúng Nghị quyết 266-CP ngày 19-10-1978 của Hội đồng Chính phủ; phát động rộng rãi phong trào trồng thuốc nam và dùng thuốc nam; phổ biến rộng rãi các kinh nghiệm tốt trong việc dùng thuốc nam ở cơ sở y tế phường, xã và gia đình.
h) Quản lý chặt chẽ việc phân phối và sử dụng thuốc, bảo đảm phát thuốc đúng đối tượng, sử dụng thuốc phù hợp với khả năng của ta.
3. Các ngành có liên quan và địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện các công việc nói trên, cụ thể là:
a) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Y tế xác định lại các chỉ tiêu kế hoạch về nuôi, trồng cây, con làm thuốc; sản xuất, phân phối thuốc; xuất, nhập khẩu thuốc từ năm 1982 đến năm 1985, theo tinh thần và nội dung chỉ thị này; giải quyết các cân đối về vật tư thiết yếu cho sản xuất thuốc như thuỷ tinh, đường, cồn, hoá chất, tinh dầu, gỗ, giấy làm bao bì, lương thực, chăn nuôi súc vật làm thuốc v.v…
b) Ngành nông nghiệp và ngành lâm nghiệp ở các cấp thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã ghi trong Nghị quyết số 200-CP ngày 21-8-1978 của Hội đồng Chính phủ, hoàn thành điều tra cơ bản, khoanh vùng bảo vệ, tái sinh, nuôi, trồng cây, con làm thuốc, ký hợp đồng sản xuất và cung cấp dược liệu cho yêu cầu của ngành y tế.
c) Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho một số đơn vị quân đội làm kinh tế tổ chức nông trường trồng cây thuốc và xây dựng cơ sở nuôi động vật làm thuốc. Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế giúp đỡ cho các đơn vị nói trên về kỹ thuật nuôi, trồng, về kỹ thuật chế biến dược liệu, sản phẩm làm ra được ưu tiên phân phối cho ngành quân y, số còn lại cung ứng cho Bộ Y tế.
d) Tổng cục Hoá chất có nhiệm vụ sản xuất và cung ứng cho ngành y tế các loại hoá chất, dung môi cơ bản và các dư phẩm khác trong ngành để sản xuất hoá dược.
đ) Bộ Công nghiệp nhẹ bảo đảm cung ứng đủ thuỷ tinh làm ống tiêm, chai lọ đựng thuốc, bông dùng cho y tế.
e) Bộ Công nghiệp thực phẩm bảo đảm cung ứng đủ cồn y tế, đường để sản xuất thuốc và các dư phẩm khác của công nghiệp thực phẩm cần cho sản xuất thuốc.
g) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các huyện, quận và xã, phường dành một số diện tích đất và lao động thích đáng để sản xuất cây, con làm thuốc, đưa việc sản xuất thuốc và dược liệu của địa phương vào quy hoạch trên địa bàn tỉnh, huyện, nhằm bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân địa phương, và cung ứng dược liệu cho trung ương.
Bộ Y tế có trách nhiệm làm việc với các Bộ có liên quan, và với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố để giải quyết những vấn đề cụ thể nhằm thực hiện tốt Chỉ thị này, đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân về thuốc phòng bệnh và chữa bệnh.
Reviews
There are no reviews yet.