CHỈ THỊ
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 90-CT NGÀY 20/4/1989
VỀ THANH TOÁN NỢ GIỮA CÁC NGÀNH, CÁC ĐỊA PHƯƠNG
VÀ CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ KINH TẾ
Công tác thanh toán giữa các ngành, các địa phương, giữa các tổ chức và đơn vị kinh tế trong thời gian qua bị buông lỏng; nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau phát sinh rất lớn và trầm trọng, gây ách tắc về vốn, thiếu vốn, ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông và làm rối loạn về tài chính, tiền tệ, tăng thêm áp lực lạm phát.
Để khắc phục những thiếu sót trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức và đơn vị kinh tế thuộc phạm vi quản lý, thực hiện ngay một đợt thanh toán nợ nần dây dưa chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các ngành, các địa phương, giữa các tổ chức và đơn vị kinh tế. Các tổ chức và đơn vị kinh tế phải đối chiếu xác minh các loại nợ, các loại chiếm dụng vốn của các đơn vị khác và bị các đơn vị khác chiếm dụng, trên cơ sở đó có biện pháp đòi nợ để thu hồi vốn; đồng thời trả nợ chiếm dụng vốn của đơn vị khác, chấm dứt tình trạng nợ nần, chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các tổ chức và đơn vị kinh tế với nhau, giữa các đơn vị kinh tế với ngân sách Nhà nước, giữa ngành này và ngành khác, giữa ngành với địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Việc đối chiếu xác minh nợ lẫn nhau phải làm khẩn trương, đối chiếu xác minh đến đâu phải thanh toán ngay đến đó.
Những khoản nợ thuộc trách nhiệm của tổ chức và đơn vị kinh tế thì các tổ chức và đơn vị kinh tế phải tự tạo nguồn vốn như tiêu thụ sản phẩm tồn kho; bán vật tư hàng hoá ứ đọng; thu hồi tạm ứng, tạm vay để trả nợ; trường hợp chưa trả được nợ hoặc trả chậm, kể cả nộp ngân sách thì phải chịu phạt chậm trả bằng với mức lãi suất cho vay của Ngân hàng đối với đơn vị đó.
Đối với khoản nợ mà các tổ chức và đơn vị kinh tế nợ hoặc chiếm dụng của ngân sách, phải nộp kịp thời đầy đủ cho ngân sách; nếu chậm, cũng phải chịu phạt chậm trả. Những khoản nợ thuộc nguồn thanh toán do ngân sách Nhà nước cấp như bù lỗ, vốn xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp… thì thuộc ngân sách cấp nào do tài chính cấp đó cấp phát vốn cho các tổ chức và đơn vị kinh tế để có vốn thanh toán.
2. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban Vật giá Nhà nước phải hình thành ngay một Ban thanh toán nợ đủ mạnh do Bộ Tài chính chủ trì, đặt trụ sở tại Bộ Tài chính để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thanh toán nợ trong phạm vi cả nước.
Nhiệm vụ của Ban thanh toán nợ:
– Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thanh toán nợ nần dây dưa chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các tổ chức đơn vị kinh tế, giữa các ngành và các địa phương.
– Tổ chức chỉ đạo việc thanh toán nợ giữa các ngành, giữa các địa phương với nhau hoặc giữa ngành với địa phương; buộc các ngành, các địa phương này phải chấp nhận việc thanh toán công nợ đã được xử lý.
– Bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy về công tác thanh toán.
– Hướng dẫn việc khôi phục, củng cố các tổ chức làm chức năng thanh toán thuộc hệ thống tài chính và Ngân hàng.
Thành phần Ban thanh toán:
– 1 đồng chí lãnh đạo Bộ Tài Chính làm trưởng ban.
– 1 đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm Uỷ viên.
– 1 đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước làm Uỷ viên.
– 1 đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Vật giá Nhà nước làm Uỷ viên.
– Ban thanh toán nợ được huy động một số chuyên viên của cơ quan Tài chính, Ngân hàng và của các ngành khác nếu cần để tiến hành công tác.
Các Bộ, tỉnh, thành phố thành lập Ban thanh toán nợ để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thanh toán nợ giữa các tổ chức đơn vị kinh tế thuộc phạm vị quản lý của mình và thanh toán nợ giữa các ngành trong địa phương.
3. Ngân hàng Nhà nước phải cải tiến công tác thanh toán, áp dụng rộng rãi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, khôi phục sự tín nhiệm và tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, đơn vị kinh tế và dân cư thanh toán qua Ngân hàng. Các tổ chức và đơn vị kinh tế phải thanh toán qua Ngân hàng, không được thanh toán bằng tiền mặt trái với quy định của Nhà nước; mọi trường hợp thanh toán chậm trễ kể cả Ngân hàng và đơn vị kinh tế gây nên đều phải chịu phạt chậm trả theo quy định hiện hành của Nhà nước. Những đơn vị có thu tiền mặt phải nộp kịp thời tiền mặt vào Ngân hàng theo các quy định hiện hành, các trường hợp nộp thiếu hoặc nộp chậm đều phải chịu phạt theo lãi suất cho vay tương ứng của Ngân hàng.
4. Việc tổ chức thanh toán nợ lẫn nhau hiện nay rất bức bách, các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần trực tiếp chỉ đạo triển khai ngay không để chậm trễ, bảo đảm trong quý II năm 1989 phải thanh toán xong công nợ giữa các tổ chức và đơn vị kinh tế, giữa các ngành và địa phương.
Các Bộ, tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cứ 10 ngày một lần báo cáo kết quả tổ chức thanh toán và xử lý nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau của Bộ và địa phương về Ban thanh toán nợ Trung ương, Ban thanh toán nợ Trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo thường xuyên cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thanh toán nợ trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn và triển khai ngay Chỉ thị này.
Reviews
There are no reviews yet.