CHỉ THị
CủA CHủ TịCH HộI đồNG Bộ TRưởNG Số 95-CT NGàY 4-4-1991
Về CôNG TáC THôNG TIN KHOA HọC Và CôNG NGHệ.
Ngày 4-5-1972, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89-CP về tăng cường công tác thông tin khoa học và kỹ thuật. Từ đó đến nay, được sự quan tâm thường xuyên của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, công tác này đã dần dần được đẩy mạnh, hệ thống các cơ quan thông tin khoa học được hình thành từ trung ương đến các địa phương và bao quát hầu kết các ngành kinh tế – xã hội, các lĩnh vực khoa học và công nghệ, với một vốn tư liệu thông tin ngày càng phong phú. Hoạt động thông tin khoa học và kỹ thuật đã góp phần mở rộng và nâng cao kiến thức của toàn dân, đáp ứng một phần yêu cầu của công tác nghiên cứu khoa học, bước đầu cung cấp thêm tư liệu làm cơ sở cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của các cấp lãnh đạo, quản lý và điều hành.
Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả của hoạt động thông tin khoa học và công nghệ còn chưa cao, chưa phục vụ được nhiều cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược và các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như của các ngành, các địa phương. Nguyên nhân tình trạng này là do các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ về vị trí và vai trò của thông tin khoa học và công nghệ, chưa quan tâm chỉ đạo công tác này. Bản thân hệ thống thông tin khoa học và công nghệ cũng chưa xây dựng được quy hoạch phát triển, còn lúng túng về phương thức hoạt động, chưa phối hợp tốt với hệ thống thông tin kinh tế và xã hội, chưa bám thật sát yêu cầu của người sử dụng thông tin, của các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực tiễn, từ trung ương đến cơ sở. Mặt khác, vốn đầu tư cho thông tin khoa học và công nghệ còn thấp, nhất là về ngoại tệ để mua tư liệu thông tin từ các nước phát triển, tiềm lực của hệ thống thông tin khoa học và công nghệ còn yếu, cơ sở vật chất – kỹ thuật còn lạc hậu, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Để thúc đẩy công tác thông tin khoa học và công nghệ phát triển nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị:
1. Nhiệm vụ của hệ thống thông tin khoa học và công nghệ là phải thường xuyên bám sát và phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, hoạch định các chủ trương, chính sách về kinh tế – xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của cả nước cũng như của từng ngành, từng địa phương, phục vụ thông tin cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, triển khai kỹ thuật và công nghệ; đồng thời, cung cấp thông tin cho mọi cơ sở và cá nhân có nhu cầu.
Các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường việc phổ biến rộng rãi các kiến thức khoa học và công nghệ, giới thiệu kinh nghiệm và các mô hình ứng dụng thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất và đời sống xã hội có hiệu quả cao, nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng và góp phần nâng cao dân trí.
2. Uỷ ban Khoa học Nhà nước cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thông tin khoa học và công nghệ, kết hợp với hệ thống thông tin kinh tế – xã hội, hình thành các mạng lưới trao đổi thông tin phục vụ lãnh đạo và quản lý, phục vụ nghiên cứu và triển khai, phát triển công nghệ; từng bước hiện đại hoá công nghệ thông tin tạo khả năng tiếp nối với hệ thống thông tin khoa học quốc tế.
3. Để nhanh chóng xây dựng đội ngũ cán bộ thông tin khoa học và công nghệ có trình độ cao, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các cơ quan khác có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo “kỹ sư thông tin khoa học và công nghệ” và đào tạo cán bộ trên đại học cho ngành này. Trước mắt, giao cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ thông tin khoa học và công nghệ hiện đang công tác tại các ngành, các địa phương. Các ngành, các cấp cần chọn cử những cán bộ khoa học có kinh nghiệm và thông thạo ngoại ngữ bổ sung cho các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ còn yếu kém của ngành mình, cấp mình.
4. Uỷ ban Khoa học Nhà nước trích 3% ngân sách Nhà nước dành cho khoa học để đầu tư cho hoạt động thông tin khoa học và công nghệ. Uỷ ban Khoa học Nhà nước bàn với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính dành một quỹ ngoại tệ thích đáng để mua các tư liệu thông tin cần thiết về khoa học và công nghệ từ nước ngoài, nhất là từ các nước có trình độ phát triển cao theo một kế hoạch thống nhất (do Uỷ ban Khoa học Nhà nước quản lý), phù hợp với định hướng phục vụ, tránh trùng lắp, lãng phí.
5. Uỷ ban Khoa học Nhà nước, các ngành và các địa phương cần tổ chức khai thác có hiệu quả tiềm lực thông tin khoa học và công nghệ hiện có, đồng thời có kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hệ thống đó; trang bị thêm thiết bị hiện đại và ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại ở một số cơ quan thông tin quan trọng để có đủ khả năng thu thập và xử lý tổng hợp các nguồn tin trong nước cũng như khai thác từ nước ngoài, phục vụ tốt hơn các yêu cầu thông tin, nhất là thông tin cho lãnh đạo.
6. Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan khác cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ nước ta, bằng nhiều con đường và nhiều hình thức khác nhau, hợp tác với các cơ quan thông tin nước ngoài, và các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn tin, bổ sung trang thiết bị thông tin hiện đại và đào tạo cán bộ thông tin.
7. Uỷ ban Khoa học Nhà nước, các ngành, các địa phương cần cải tiến cơ chế quản lý hoạt động của các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ theo hướng gắn hoạt động thông tin khoa học và công nghệ với thông tin kinh tế – xã hội, gắn hoạt động thông tin với thực tiễn sản xuất và đời sống, thông qua hợp đồng hoặc đơn đặt hàng giữa cơ quan và người có nhu cầu thông tin với cơ quan thông tin. Có hình thức khuyến khích thoả đáng cho những đơn vị và cá nhân cung cấp kịp thời những thông tin khoa học và công nghệ có giá trị, cả tin trong nước và tin nước ngoài.
Các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ được phép trong phạm vi pháp luật hiện hành, xuất bản các ấn phẩm thông tin và thực hiện các dịch vụ thông tin để có thêm kinh phí hoạt động, ngoài phần được cấp từ ngân sách.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này trong phạm vi ngành và địa phương mình có hiệu quả thiết thực.
Reviews
There are no reviews yet.