CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 91/TTg NGÀY 05 THÁNG 2 NĂM 1997 VỀ CÁC BIỆN PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 99/TTg NGÀY 9 THÁNG 2 NĂM 1996 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN THUỶ LỢI, GIAO THÔNG VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có vị trí hết sức quan trọng trong việc bảo đảm chiến lược an toàn lương thực Quốc gia, giữ vững và tăng cường vị trí, uỷ tín xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thế giới; nhưng hàng năm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị lũ lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải vật chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân trong vùng.
Sau một năm thực hiện Quyết định số 99/TTg, ngày 9 tháng 2 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã làm được nhiều việc, triển khai được một số công trình cấp bách, nhưng vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Xây dựng và các tỉnh, dẫn đến chưa đạt được mục tiêu đề ra, hiệu quả đầu tư thấp, có công trình phải điều chỉnh, bổ sung mới phù hợp và phát huy được tác dụng. Nhất là, mùa lũ trong năm 1996 do sự thiếu gắn bó, thiếu đồng bộ trong quá trình xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng và việc làm đê bao tràn lan nên đã ảnh hưởng đến việc di chuyển thoát lũ, làm tăng thêm diện ngập lụt, mức độ ngập úng và tăng mức độ thiệt hại cho các công trình cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân.
Để phòng ngừa, né tránh và cùng chung sống với lũ, tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, thay đổi bộ mặt đồng bằng sông Cửu Long thì việc phát triển giao thông, thuỷ lợi, xây dựng các cụm dân cư vẫn là yêu cầu rất bức xúc hiện nay và là bước mở đầu quyết định cho sau năm 2000 để đi lên công nghiệp hoá hiện đại hoá mà mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đặt ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Việc phát triển giao thông, nhất là giao thông đường bộ, thuỷ lợi và xây dựng các cụm dân cư các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau trong quy hoạch tổng thể về phát triển giao thông, thuỷ lợi và cần phải được quán triệt và thống nhất cao về quan điểm, cách làm ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư và thi công các công trình, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực bền vững và phù hợp với vị trí địa lý, diễn biến lũ lụt, tập quán và tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Phát triển giao thông đường bộ, thuỷ lợi, xây dựng các cụm dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện nền đất yếu, nhiều kênh rạch, phải làm nhiều cầu cống, gắn liền với các chương trình khai hoang mở rộng diện tích, tăng vụ, ngọt hoá, thau chua rửa mặn để thâm canh phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành cho được hệ thống đường bộ liên tỉnh, liên huyện thông suốt và các cụm dân cư phòng chống lũ, nhưng các công trình này không được làm ảnh hưởng đến việc thoát lũ, không bị phá huỷ sau mùa lũ nhất là các tuyến đường bộ. Đối với đường giao thông hiện đang có (quốc lộ, liên tỉnh lộ, tỉnh lộ…) sớm có đánh giá tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm của các mùa lũ lụt vừa qua (tốt và chưa tốt) để có dự án cụ thể về việc nâng cấp tuyến đường, mở rộng cầu cống hoặc làm thêm cống để thoát lũ, kết hợp giữa việc thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 1A với hệ thống các công trình thuỷ lợi và các hệ thống tràn để thoát lũ, tuyệt đối không để tình trạng khảo sát, quy hoạch, phê duyệt các dự án và thi công các công trình giao thông, thuỷ lợi và xây dựng các cụm dân riêng rẽ nhau như hiện nay.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc phối kết hợp các ngành chức năng trên địa bàn về các dự án cụ thể ở địa phương theo hướng trên. Rà soát lại hệ thống đê bao cho sản xuất và khu dân cư. Những đê bao làm ảnh hưởng đến thoát lũ, tăng diện ngập, úng, gây thiệt hại đến các công trình cơ sở hạ tầng thì phải sửa chữa hoặc phá bỏ.
2. Cần sớm có kết luận khoa học và thực tiễn về thoát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long để lập dự án tổng thể và quy hoạch chi tiết việc thoát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm thoát lũ, giảm lũ nhanh, không gây ngập úng cục bộ, bảo vệ các công trình giao thông, thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng, chống được xói mòn và rửa trôi đất, tăng lượng phù sa theo hướng:
– Lập phương án thoát lũ ra biển phía Tây, thoát lũ ra sông Vàm Cỏ, nạo vét các cửa sông, mở rộng luồng lạch, các kênh mương ngang, dọc để khai thông dòng chảy thoát lũ nhanh; có thể nghiên cứu hình thành hồ chứa nước ở đồng bằng sông Cửu Long để điều hoà nước trong mùa lũ mùa khô.
Giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì cùng các Bộ ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở các công trình nghiên cứu khoa học và thực tiễn để có kết luận khoa học và xây dựng dự án thoát lũ về phía biển Tây, gắn việc thoát lũ với các công trình ngọt hoá và rửa phèn ở đồng bằng sông Cửu Long trình Thủ tướng Chính phủ quý I/1997.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ ngành liên quan phải hoàn thành quy hoạch tổng thể về hệ thống thuỷ lợi, tiêu thoát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long trong quý I/1997 và các dự án nạo vét cửa sông, các tuyến kênh ngang, kênh xuôi hoàn thành trong tháng 2 năm 1997 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Việc xây dựng các tuyến dân cư và cụm dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long phải được xem xét gắn liền với tập quán sinh hoạt của nhân dân theo hướng điều chỉnh lại tuyến dân cư, cụm dân cư gắn liền với xây dựng và phát triển thuỷ lợi, giao thông, san ủi tạo thành mặt bằng các khu dân cư, phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá.
Việc xây dựng nhà ở các cụm dân cư, tuyến dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long từ nay trở đi phải bảo đảm đồng bộ 3 yếu tố: nền nhà cao không bị ngập về mùa lũ, bảo đảm có nước sạch, phục vụ sinh hoạt, xung quanh nhà phải có cây xanh bóng mát để có thể chung sống và tránh né với lũ. Ba yếu tố này cần phải được tiêu chuẩn hoá trong các dự án xây dựng cụm dân cư và tuyến dân cư, làm nhà tránh lũ.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải rà soát ngay tình hình hộ gia đình không có đất ở và nhà ở phải đi ở nhờ, nhất là đối với các hộ thuộc diện chính sách, để có phương án điều chỉnh đất ở dọc các tuyến giao thông, tuyến dân cư hiện có và sẽ làm mới, nhất thiết từ nay trở đi không được để bất cứ hộ nào không có đất ở.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông – vận tải, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải có trách nhiệm phối hợp từ khảo sát, xây dựng dự án, duyệt dự án, tổ chức thi công đồng bộ đồng thời với 3 nội dung thuỷ lợi, giao thông, xây dựng các cụm dân cư, không để lắp lại tình trạng mạnh ai nấy làm thiếu phối hợp và hợp tác với nhau trên một địa bàn. Trên một địa bàn chỉ một dự án với 3 nội dung thuỷ lợi, giao thông và cụm dân cư.
5. Tất cả các dự án thuộc về thuỷ lợi, giao thông, xây dựng cụm dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long phải được duyệt và thực hiện đấu thầu theo đúng Nghị định 42/CP và 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ và cần ưu tiên đối với chủ thầu có kết hợp sử dụng lao động thủ công và thi công cơ giới với chủ thầu chỉ dùng phương tiện cơ giới, và chủ thầu ở địa phương có công trình khi đầu thầu cùng bằng điểm nhau.
6. Thành lập Ban quản lý các dự án về thuỷ lợi, giao thông, xây dựng cụm dân cư để giúp Ban chỉ đại đồng bằng sông Cửu Long tham gia thẩm định và chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện các dự án đó ở đồng bằng sông Cửu Long (Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định riêng).
7. Huy động mọi nguồn lực (vốn và lao động…) Trung ương và địa phương, trong nước và ngoài nước để phát triển giao thông, thuỷ lợi. Uỷ ban nhân dân các cấp cần chuẩn bị tốt việc hướng dẫn thực hiện ở địa phương mình Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích và huy động các nguồn lực để xây dựng đất nước khi được ban hành. Trước mắt phải phát động một cao trào quần chúng làm thuỷ lợi, giao thông với phong trào: “Đồng khởi xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp hoá” ở mỗi địa phương.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp ở đồng bằng sông Cửu Long có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Reviews
There are no reviews yet.