CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 34/1999/CT/TTG
NGÀY 27 THÁNG12 NĂM 1999 VỀ ĐẨY NHANH VIỆC THỰC HIỆN
CÁC MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2000 VỀ TRẺ EM, TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VÌ TRẺ EM 1991-2000 VÀ XÂY DỰNG
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VÌ TRẺ EM 2001-2010
Sau gần 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em và Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 1991-2000, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, đạt được một số kết quả đáng khích lệ : đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em từng bước được nâng cao; công tác phổ cập giáo dục tiểu học đạt kết quả cao; các chỉ số về sức khoẻ trẻ em được cải thiện rõ rệt; có nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tuy vậy, còn một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến trẻ em cần phải tập trung giải quyết như sau : tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn cao; nhiều trẻ em lang thang, bị lạm dụng sức lao động, một số bị xâm hại tình dục, bị mua bán chưa được bảo vệ và chăm sóc đầy đủ; số lượng trẻ em vi phạm pháp luật chưa giảm; còn có những trẻ em nghiện hút ma tuý; cơ sở văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu nhiều. Nguyên nhân có phần do nước ta còn nghèo, sự phát triển kinh tế – xã hội không đồng đều giữa các vùng, miền, tình trạng thất học, sự thiếu trách nhiệm của một số bậc cha mẹ và cũng có phần do sự phối hợp và quan tâm đến công tác trẻ em của các ngành, các cấp có liên quan chưa đúng mức và đồng bộ.
Để thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, hoàn thành các chỉ tiêu về trẻ em do Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra, nhằm thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị :
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
– Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2000 về trẻ em, tăng cường đầu tư và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; rà soát và có kế hoạch cụ thể gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu khó đạt trên địa bàn.
– Tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 1991-2000, xây dựng Chương trình hành động Vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2001-2010.
2. Các Bộ, ngành Trung ương :
a) Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam :
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê hướng dẫn các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 1991 – 2000. Tổng hợp kết quả tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quí II năm 2000.
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Văn hoá – Thông tin, Tổng cục Thống kê, các cơ quan khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2001 – 2010 phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2001 – 2010, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2000.
b) Bộ Y tế:
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp tích cực, đồng bộ, huy động sự tham gia của toàn xã hội, mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước tập trung hỗ trợ cho những xã đặc biệt khó khăn, những đối tượng nghèo nhất và khó khăn nhất để hoàn thành các mục tiêu đến năm 2000 về chăm sóc sức khoẻ trẻ em, đặc biệt là giảm nhanh tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
– Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ trẻ em của Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giaiđoạn 1991 – 2000.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2000 về giáo dục cho trẻ em.
– Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá công tác phổ cập giáo dục tiểu học giai đoạn 1991 – 2000.
d) Bộ Văn hoá – Thông tin:
– Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2000 về chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ em.
– Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ em của Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giaiđoạn 1991 – 2000.
đ) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội :
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2000 về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
– Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 1991 – 2000.
e) Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các hoạt động nói trên trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2000 của các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Khi tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 1991 – 2000, các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu, rút ra những kinh nghiệm tốt, tìm nguyên nhân của những việc chưa làm được và đề xuất các giải pháp cần thiết trong giai đoạn tới. Các Bộ và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng kết, đồng gửi Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 năm 2000.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Reviews
There are no reviews yet.