CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 21/2003/CT-TTG
NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2003 VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC
ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
Sau khi Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm được ban hành, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đã bước đầu đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả quan trọng. Việc đăng ký với mục tiêu công khai hoá các giao dịch bảo đảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tìm hiểu thông tin về tài sản, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xác định chính xác thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh. Qua đó, hoạt động đăng ký đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong giao dịch dân sự, kinh tế, lành mạnh hoá môi trường đầu tư, tạo lập đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm chưa được triển khai thực hiện đồng đều ở các địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Việc hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đăng ký giao dịch bảo đảm cho cán bộ đăng ký chưa được thực hiện kịp thời. Các giao dịch bảo đảm đã đăng ký là nguồn thông tin quan trọng để các bên xem xét, quyết định về việc đầu tư, xác lập các giao dịch dân sự, kinh tế, đặc biệt đối với hoạt động tín dụng, ngân hàng và công tác quản lý nhà nước về các loại tài sản có liên quan của một số cơ quan, nhưng chưa được khai thác, sử dụng triệt để. Vì vậy, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm chưa thực sự phát huy hết ý nghĩa, vai trò trong thực tế.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và đẩy mạnh công tác quản lý, đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, từng bước xây dựng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm theo mô hình đăng ký tập trung, tin học hoá, nối mạng giữa các cơ quan đăng ký và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ:
a) Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Chủ động nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng, thi hành án theo hướng cải tiến trên cơ sở khai thác giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm.
Khẩn trương xây dựng Pháp lệnh Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Đăng ký bất động sản nhằm tạo ra mô hình tổ chức và hoạt động đăng ký có hiệu quả, theo hướng giảm bớt đầu mối các cơ quan quản lý, đăng ký quyền sở hữu tài sản và giao dịch bảo đảm, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm, bao gồm cả thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, trình Thủ tướng Chính phủ trong qúy III năm 2004.
c) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thủy sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan đăng ký, quản lý các loại tài sản, quyền tài sản nhằm khai thác thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoàn thành trong quý II năm 2004.
d) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành hữu quan khác nghiên cứu và triển khai việc chuẩn bị cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hệ thống đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; chuẩn hoá cấu trúc dữ liệu về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm theo Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2005.
đ) Định kỳ tổng kết công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong phạm vi toàn quốc để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ:
a) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay, tàu biển và bảo đảm cung cấp thông tin cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu theo quy định của pháp luật hiện hành.
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện pháp luật về đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay, tàu biển; xây dựng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển phù hợp với các tiêu chuẩn chung về cấu trúc dữ liệu nhằm bảo đảm cho việc xây dựng, quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm.
c) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ sáu tháng và hàng năm cho Bộ Tư pháp về việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay, tàu biển.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
4. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng chức danh, tiêu chuẩn đăng ký viên của các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, hoàn thành trong qúy III năm 2004.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ: Đôn đốc, chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm của các tổ chức tín dụng thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm tại các cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trước khi quyết định nhận tài sản để bảo đảm khoản vay.
6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:
a) Bố trí cán bộ, trang bị phương tiện làm việc cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phạm vi biên chế được giao và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, bảo đảm cho các cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo thẩm quyền.
b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân kiểm tra việc thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ sáu tháng và hàng năm cho Bộ Tư pháp về việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa phương.
c) Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
7. Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trong việc nâng cao kiến thức pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm cho cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực có liên quan; phối hợp với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giao dịch bảo đảm, về mục đích, ý nghĩa, nội dung của hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trong các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và trong nhân dân.
8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này và báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và thường kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Reviews
There are no reviews yet.