THANH TRA CHÍNH PHỦ
——- Số: 1671/CT-TTCP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, GÓP PHẦN THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI 05 NĂM (2016-2020) THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và Kế hoạch 05 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ phát động phong trào thi đua 05 năm (2016-2020) với chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm và đổi mới”.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Thanh tra; các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2016 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các văn bản pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; nâng cao nhận thức và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể đối với công tác thi đua, khen thưởng, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của ngành Thanh tra.
2. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực. Phát động các phong trào thi đua bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra:
– Công tác thanh tra: Xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm; tăng cường thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Chú trọng hoạt động thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất các lĩnh vực mà dư luận quan tâm. Thực hiện tốt việc thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thanh tra các vụ việc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Từng bước đổi mới công tác thanh tra, không ngừng nâng cao hiệu quả thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời; tăng cường hoạt động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra diện rộng, thanh tra đột xuất được giao; thực hiện việc xử lý sau thanh tra đạt từ 75% trở lên.
– Công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tập trung tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ 85% trở lên và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 80%; tiếp tục kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của ngành và các cơ quan Thanh tra. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
– Công tác phòng, chống tham nhũng: tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng làm căn cứ sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản thi hành. Tập trung tham mưu cho các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có chiến lược truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng; triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tích cực thực thi Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
– Công tác xây dựng thể chế: triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trọng tâm là đổi mới tổ chức và hoạt động ngành Thanh tra theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, nhà nước giao. Tập trung tổng kết, nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra; nghiên cứu ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong ban hành các quy chế phối hợp, các văn bản về tổ chức và hoạt động của thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Tiếp tục làm tốt công tác chính trị tư tưởng; xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực, trình độ chuyên môn vững vàng; phấn đấu xây dựng cơ quan, xây dựng Ngành trong sạch vững mạnh.
– Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu khoa học và công tác thông tin, tuyên truyền.
– Thực hiện tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong thực hiện các phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị và trong toàn Ngành; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.
3. Tiếp tục tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng. Phải có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm, trong cả giai đoạn, được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: phát hiện – bồi dưỡng – tổng kết – nhân điển hình tiên tiến. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền về cơ quan, đơn vị, về ngành. Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trung tâm Thông tin mở các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, đăng tải các bài viết về các tập thể, cá nhân là gương điển hình tiên tiến của ngành Thanh tra. Công tác khen thưởng phải kịp thời, công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Khen thưởng phải lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Chú trọng khen thưởng đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, người lao động trực tiếp.
4. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Thanh tra cũng như của Thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đảm bảo ổn định để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Bố trí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất chính trị, có năng lực, tinh thần trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
5. Tổ chức thực hiện:
– Thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
– Vụ Tổ chức Cán bộ, Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Thanh tra làm tốt vai trò tham mưu cho Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Thanh tra trong phát động phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, hàng năm; xây dựng tiêu chí thi đua, thang điểm thi đua phù hợp; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của ngành Thanh tra và báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ kết quả việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
– Ban Thi đua – Khen thưởng TW; – Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; – Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; – Chánh Thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Cổng thông tin điện tử TTCP; – Lưu: VT, TCCB (TĐKT). |
TỔNG THANH TRA
Phan Văn Sáu |
Reviews
There are no reviews yet.