CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 03/2006/CT-TTG
NGÀY 25 THÁNG 01 NĂM 2006 VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TIẾP TỤC
XỬ LÝ NỢ VAY VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỂ ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU ĐÁNH BẮT VÀ TÀU DỊCH VỤ ĐÁNH BẮT
HẢI SẢN XA BỜ
Sau hơn hai năm thực hiện Quyết định số 89/2003/QĐ-TTg ngày 08tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ việc xử lý nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ đã có chuyển biến tích cực. Các Bộ, ngành và địa phương đã tiến hành phân loại các chủ đầu tư, định giá và bán đấu giá các tàu do chủ đầu tư sản xuất không có hiệu quả. Đến nay, đã được chuyển đổi được gần 340 tàu cho các chủ đầu tư mới sản xuất có hiệu quả hơn. Việc điều chỉnh hạ lãi suất và gia hạn nợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp tục tổ chức khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ.
Tuy nhiên, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn thiếu kiên quyết và sự phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn chưa chặt chẽ, thậm chí một số nơi lãnh đạo còn sợ trách nhiệm; nên tiến độ thực hiện ở nhiều tỉnh chậm, so với yêu cầu đề ra; nhiều chủ đầu tư còn ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, chây ỳ không trả nợ vốn vay của Nhà nước. Bên cạnh đó, các tổ chức cho vay cũng chưa có biện pháp tích cực và phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để thu hồi nợ.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Thủy sản:
– Qua kết quả điều tra nguồn lợi hải sản, dự báo về ngư trường, nguồn lợi, thông báo kịp thời cho ngư dân với nhiều hình thức thiết thực, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các địa phương có biện pháp sắp xếp, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đánh bắt hải sản trên từng địa bàn;
– Có giải pháp hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, huấn luyện tay nghề, kể cả giới thiệu nghề mới cho ngư dân; tổ chức dịch vụ hậu cần nhằm giảm chi phí sản xuất và mở rộng hệ thống tiêu thụ sản phẩm giúp cho ngư dân làm ăn có hiệu quả;
– Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cho vay tại địa phương theo dõi và yêu cầu các chủ dự án đã vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phải mua bảo hiểm thân tàu và trả nợ vốn vay cho Nhà nước đúng quy định.
2. Bộ Tài chính:
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Thủy sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức cho vay có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 89/2003/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ;
– Chỉ đạo các Công ty bảo hiểm tăng cường giới thiệu và bán các sản phẩm bảo hiểm cho ngư dân; khi có rủi ro xảy ra phải khẩn trương làm các thủ tục, lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm kịp thời cho chủ tàu.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho ngư dân đang hoạt động sản xuất có hiệu quả được vay vốn theo các quy định cho vay thương mại.
4. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ven biển phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp ở địa phương và các tổ chức cho vay trong và ngoài địa phương theo dõi, hỗ trợ việc thu hồi tàu và quản lý các con tàu đã thu hồi được.
5. Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm:
– Quản lý và thu nợ kịp thời hạn; phối hợp với Hội đồng phân loại chủ đầu tư, định giá bán đấu giá tài sản để bán tàu và thu nợ được kịp thời; điều chỉnh thời hạn trả nợ cho các chủ đầu tư cũ (phần nhận số nợ chênh lệch do bán tàu) theo nguyên tắc không quá 12 năm, kể từ ngày rút vốn vay;
– Phối hợp với các địa phương liên quan tổng hợp số lãi treo của các dự án phải chuyển đổi chủ tàu và sốnợ (cả gốc và lãi) của các chủ đầu tư gặp rủi ro bất khả kháng (tàu bị đắm, mất tích do thiên tai; bị tàu nước ngoài đâm chìm hoặc bị bắt giữ không trả; chủ tàu bị chết, mất tích, không có người thừa kế, hoặc ốm đau lâu ngày không có người thay thế để sản xuất) gửi Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ có trách nhiệm:
– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách ưu đãi, mục đích cho vay (theo các Quyết định số 393/TTg ngày 09 tháng 6 năm 1997, Quyết định số 159/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 1998 và Quyết định số 64/2000/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2000) và trách nhiệm trả nợ vốn vay cho nhà nước đến từng hộ ngư dân bằng các hình thức thích hợp, để nhân dân hiểu đúng chính sách của Nhà nước và tự giác trả nợ;
– Tiếp tục rà soát, phân loại chủ đầu tư bảo đảm sát, đúng đối tượng, đúng yêu cầu theo Quyết định số 89/2003/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2003 và tổng hợp các chủ đầu tư nghèo, không có khả năng trả được nợ, báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý;
– Thực hiện các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thu hồi và bán đấu giá những con tàu của các chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, chây ỳ, sản xuất kinh doanh không có hiệu quả (nhất là là các tàu đang để nằm bờ, đang xuống cấp, hư hỏng) cho các chủ đầu tư mới có điều kiện sản xuất, hiệu quả hơn. Thực hiện việc cưỡng chế đối với các chủ tàu thuộc diện phải thu tàu, nhưng cố ý không chịu giao tàu, để tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn cho nhà nước;
– Tổ chức thu hồi nợ đối với các chủ đầu tư mới mua tàu qua bán đấu giá, nhưng chưa trả phần nhận nợ theo thời hạn quy định, tránh tình trạng phát sinh nợ kéo dài; kiên quyết thu hồi nợ vay của các chủ đầu tư có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, không trả nợ cho Nhà nước, kể cả việc thực hiện cưỡng chế đối với đối tượng này. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ vay; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;
– Rà soát lại thành phần Hội đồng phân loại chủ đầu tư, định giá và bán đấu giá tài sản, bổ sung các thành viên (nếu thấy cần thiết) và cho phép các Hội đồng được tổ chức thực hiện định giá, bán đấu giá các tàu đã thu hồi (trong trường hợp Trung tâm bán đấu giá không đáp ứng được yêu cầu tiến độ bán đấu giá). Quy trình bán đấu giá thực hiện phù hợp theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 về bán đấu giá tài sản. Đối với các tàu không bán đấu giá được lần đầu, phải tổ chức bán đấu giá ngay các lần sau. Trường hợp những con tàu hư hỏng không bán đấu giá được, cho phép Hội đồng tiến hành định giá và bán tàu theo cơ chế thanh lý tài sản;
– Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương và chính quyền cấp xã phối hợp chặt chẽ với tổ chức cho vay theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất của các chủ đầu tư và thực hiện các biện pháp xử lý nợ vay theo quy định tại Quyết định số 89/2003/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này.
7. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Thuỷ sản, Quốc phòng, Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Ngày 15 tháng đầu hàng quý, Hội đồng phân loại chủ đầu tư, định giá và bán đấu giá tàu báo cáo tiến độ và kết quả thu nợ và bán tàu gửi cho Bộ Tài chính, Bộ Thủy sản và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Phan Văn Khải
Reviews
There are no reviews yet.