BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN ——- Số: 5749/TCHQ-VNACCS
V/v: Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 22/2014/TT-BTC
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————————— Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2014
|
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Trong quá trình triển khai Thông tư 22/2014/TT-BTC có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/4/2014 và Quyết định 988/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2014, Tổng cục Hải quan chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:
1. Hướng dẫn khai báo đối với lô hàng có nhiều dòng hàng:
Hệ thống VNACCS chỉ cho phép khai tối đa 50 dòng hàng trên một tờ khai và số tờ khai nhánh tối đa là 99 tờ khai. Như vậy, tổng số dòng hàng tối đa thuộc một hóa đơn mà hệ thống hỗ trợ khai báo là 4.950 dòng hàng. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh nhiều trường hợp hóa đơn có trên 4.950 dòng hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc khai báo. Đối với trường hợp này, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tờ khai thủ công. Thủ tục thủ công thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 4110/TCHQ-GSQL ngày 16/4/2014 của Tổng cục Hải quan.
2. Việc khai báo và nộp tiền thuế đối với trường hợp đưa hàng về bảo quản:
Tại thời điểm cơ quan Hải quan quyết định lô hàng được phép đưa về bảo quản chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan thì hệ thống VNACCS chưa xuất Chứng từ ghi số thuế phải thu. Vì vậy, hệ thống kế toán tập trung chưa có thông tin số thuế phải nộp của tờ khai được phép mang hàng về bảo quản.
Trường hợp người nộp thuế nộp tiền thuế cho tờ khai được mang hàng về bảo quản, cơ quan Hải quan sẽ phải cập nhật, theo dõi và quản lý đối với số tiền thuế của các tờ khai này. Tuy nhiên, tại hệ thống kế toán tập trung không tìm thấy tờ khai để cập nhật thông tin nộp thuế cho người nộp thuế.
Để cập nhật thông tin đã nộp thuế, các Chi cục Hải quan giao cho công chức xử lý về thủ tục và quản lý thuế thực hiện như sau:
– Công chức xử lý về thủ tục:
+ Sau khi quyết định cho tờ khai được mang hàng về bảo quản phải lập bảng kê cung cấp thông tin những tờ khai được mang hàng về bảo quản cho đội quản lý thuế.
+ Xác định chính xác thông tin tờ khai được phép hàng mang về bảo quản theo các cách sau:
(1) Tham chiếu và khai thác thông tin tờ khai được phép hàng mang về bảo quản do Đội thủ tục cung cấp.
(2) Tạo thông tin tờ khai mang hàng về bảo quản: vào chức năng “2. Nhập liệu/1. Tờ khai mậu dịch” để tạo tờ khai mới đầy đủ các thông tin như tờ khai trên VNACCS.
Trường hợp hệ thống kế toán tập trung đã cập nhật được thông tin của các tờ khai thì không phải thực hiện bước “Tạo thông tin tờ khai mang hàng về bảo quản” mà thực hiện ngay bước tiếp theo.
– Công chức xử lý về thuế: căn cứ thông tin của tờ khai và thông tin trên giấy nộp tiền của tờ khai được mang hàng về bảo quản thực hiện cập nhật tiền thuế đã nộp trên hệ thống kế toán tập trung theo trình tự sau: vào chức năng “2. Nhập liệu”, vào mục “5. Biên lai thu thuế hàng mậu dịch” (nếu thu tiền mặt tại đơn vị) hoặc mục “9. Giấy nộp tiền thuế, phạt chậm nộp” (nếu có bảng kê giấy nộp tiền vào NSNN do KBNN chuyển/Giấy nộp tiền vào NSNN (tại các điểm thu của Kho bạc Nhà nước đặt tại Chi cục) để tìm kiếm tờ khai và cập nhật số tiền thuế doanh nghiệp đã nộp và các thông tin hạch toán của tờ khai.
Trường hợp hệ thống VNACCS chưa chuyển Chứng từ ghi số thuế phải thu sang hệ thống kế toán tập trung thì thực hiện tạo đầu tờ khai và cập nhật chứng từ nộp tiền tương tự như đối với hàng mang về bảo quản để chuyển thông tin nộp thuế sang hệ thống VNACCS.
3. Về việc thực hiện nghiệp vụ RCC:
Tại Bước 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 988/QĐ-TCHQ ngày 28/3/2014 của Tổng cục Hải quan đã quy định: trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng thông tin về việc thanh toán thuế chưa được cập nhật kịp thời trên Hệ thống thì công chức hải quan căn cứ bản chính chứng từ chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ thuế do người khai hải quan xuất trình để thực hiện nghiệp vụ RCC trên Hệ thống VNACCS (xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu). Chi cục trưởng nơi đăng ký tờ khai giao cho một hoặc một nhóm công chức hải quan thực hiện nghiệp vụ RCC và mở sổ theo dõi số lượng tờ khai đã thực hiện nghiệp vụ này.
Tuy nhiên, sau một tháng triển khai tại các đơn vị, một số cán bộ công chức tại các Cục Hải quan địa phương chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc thực hiện nghiệp vụ RCC trên hệ thống VNACCS; mặt khác, do hệ thống kế toán tập trung chưa thiết kế chức năng cập nhật thông tin đã nộp thuế nên dẫn đến việc các công chức lạm dụng nghiệp vụ RCC để xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của lô hàng, chưa kiểm soát chặt chẽ đối với nghiệp vụ này.
Trường hợp người khai hải quan nộp tiền mặt, cơ quan Hải quan viết biên lai thu tiền thì cập nhật ngay biên lai vào hệ thống kế toán tập trung để hệ thống tự động chuyển thông tin sang hệ thống VNACCS thông quan lô hàng.
Trường hợp người khai hải quan đã nộp thuế tại ngân hàng hoặc Kho bạc nhưng trên hệ thống kế toán tập trung chưa có thông tin và chuyển tự động thông tin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của tờ khai chờ thông quan sang hệ thống VNACCS. Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện cập nhật thông tin nộp thuế tại hệ thống kế toán tập trung (KTTT) như sau:
a. Trường hợp hệ thống kế toán tập trung có kết nối với hệ thống VNACCS:
– Công chức chịu trách nhiệm xử lý tờ khai thực hiện:
+ Kiểm tra các thông tin trên Giấy nộp tiền vào NSNN có xác nhận của Ngân hàng/Kho Bạc Nhà nước do người khai hải quan cung cấp. Nếu chấp nhận Giấy nộp tiền vào NSNN do người khai cung cấp thì thực hiện các bước tiếp theo.
+ Cập nhật thông tin vào hệ thống kế toán tập trung: vào mục “2. Nhập liệu/ K. Chứng từ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế /1. Nhập chứng từ” để nhập các thông tin liên quan.
+ Lưu chứng từ nộp tiền (bản photo) đã cập nhật vào hệ thống kế toán tập trung vào tờ khai, bản chính sẽ trả lại người khai sau khi kiểm tra thông tin nộp tiền từ Kho bạc Nhà nước đã được cập nhật vào hệ thống kế toán tập trung.
Trường hợp có nghi ngờ về chứng từ nộp tiền thì liên hệ với Kho bạc Nhà nước /ngân hàng chuyển tiền xác minh thông tin về chứng từ nộp tiền do doanh nghiệp xuất trình.
– Công chức quản lý thuế: hàng ngày kiểm tra thông tin các chứng từ nộp tiền do đội thủ tục cập nhật vào hệ thống.
Trường hợp hệ thống kế toán tập trung chưa hỗ trợ chức năng bảng kê các chứng từ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, hàng ngày đội thủ tục sẽ tổng hợp bảng kê các chứng từ nộp tiền đã cập nhật vào hệ thống KTTT chuyển bộ phận quản lý thuế.
b. Trường hợp hệ thống kế toán tập trung không kết nối với hệ thống VNACCS: Công chức được giao thực hiện nghiệp vụ RCC có trách nhiệm:
– Kiểm tra các thông tin trên Giấy nộp tiền vào NSNN có xác nhận của Ngân hàng/Kho Bạc Nhà nước do người khai hải quan cung cấp. Nếu chấp nhận Giấy nộp tiền vào NSNN do người khai cung cấp thì thực hiện các bước tiếp theo.
– Vào sổ, lập bảng kê các chứng từ nộp tiền do người khai xuất trình. Thực hiện nghiệp vụ RCC trên hệ thống VNACCS để thông quan lô hàng.
– Lưu chứng từ nộp tiền (bản photo) đã cập nhật vào hệ thống kế toán tập trung vào hồ sơ lô hàng, bản chính sẽ trả lại người khai sau khi kiểm tra thông tin nộp tiền từ Kho bạc Nhà nước đã được cập nhật vào hệ thống kế toán tập trung.
Trường hợp có nghi ngờ về chứng từ nộp tiền thì liên hệ với Kho bạc Nhà nước/ngân hàng chuyển tiền xác minh thông tin về chứng từ nộp tiền do doanh nghiệp xuất trình.
– Kết thúc ngày làm việc chuyển bảng kê các chứng từ nộp tiền sang bộ phận quản lý thuế để kiểm tra thông tin các chứng từ nộp tiền đã cập nhật vào hệ thống.
Sau khi Kho bạc Nhà nước có bảng kê giấy nộp tiền vào NSNN chuyển sang, cán bộ quản lý thuế thực hiện cập nhật, hạch toán theo quy định.
Đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên hệ với Ban Triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Nhóm CNTT) để tiến hành phân quyền những cán bộ, công chức được sử dụng nghiệp vụ RCC thực hiện theo nhóm quyền riêng.
Tổng cục Hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Lưu: VT, VNACCS (3b). |
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Vũ Ngọc Anh |
Reviews
There are no reviews yet.