THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ Xà HỘI SỐ 20/1997/TT-BLĐTBXH NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VIỆC KHEN THƯỞNG HÀNG NĂM VỀ CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG
Để khuyến khích các tổ chức và cá nhân có nhiều thành tích trong việc quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác Bảo hộ lao động theo quy định của Bộ lao động; Sau khi trao đổi ý kiến với Viện thi đua khen thưởng Nhà nước và các cơ quan liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc khen thưởng hàng năm về công tác bảo hộ lao động như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG
1. Tập thể:
a. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm cả các tổ, đội sản xuất;
b. Các bộ phận chuyên trách bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.
2. Cá nhân:
a. Cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách công tác Bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh;
b. Giám đốc, Phó giám đốc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;
c. Người lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm cả lãnh đạo tổ, đội sản xuất kinh doanh.
Đối với tập thể và cá nhân trong khu vực hành chính sự nghiệp không tổ chức khen thưởng riêng về công tác bảo hộ lao động, nhưng nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc về công tác bảo hộ lao động trong năm thì cũng được xem xét để khen thưởng.
II. TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG:
1. Tập thể:
1.1. Đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh:
a. Hàng năm có kế hoạch đáp ứng được yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của đơn vị, có dự trù kinh phí cần thiết, nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã đề ra. Thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động gắn liền với phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động.
b. Có quy định rõ chế độ trách nhiệm đối với từng cấp, từng chức danh quản lý và nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với từng loại máy, thiết bị, công việc.
c. Có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách về bảo hộ lao động, có mạng lưới an toàn, vệ sinh viên đến từng tổ sản xuất, có lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và hoạt động có hiệu quả.
d. Có nhiều biện pháp tích cực và đầu tư thoả đáng để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
e. Thực hiện đầy đủ các chế độ Bảo hộ lao động theo pháp luật quy định, cụ thể:
– Huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ;
– Thực hiện kiểm định kỹ thuật và xin cấp phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;
– Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện phòng chống cháy nổ, phương tiện cấp cứu theo quy định và duy trì thường xuyên việc kiểm tra, đảm bảo sử dụng hiệu quả những trang bị đó;
– Thực hiện đầy đủ việc bồi dưỡng hiện vật chống độc hại, đúng đối tượng theo quy định;
– Tổ chức tốt việc khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động;
– Thực hiện đúng các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
f. Trong năm không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người, bị thương nhiều người, không xảy ra cháy nổ.
g. Thực hiện đầy đủ việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo định kỳ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
h. Đảm bảo môi trường và cảnh quan xanh, sạch đẹp.
1.2. Đối với tổ, đội sản xuất, kinh doanh:
a. Có đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn khi làm việc, thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm theo quy định của luật pháp và của doanh nghiệp.
b. Có an toàn viên, vệ sinh viên hoạt động tích cực và có hiệu quả.
c. Thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động sau:
– Hướng dẫn và giám sát việc sử dụng, bảo quản đầy đủ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện phòng chống cháy nổ, phương tiện cấp cứu theo quy định và duy trì thường xuyên việc kiểm tra, đảm bảo sử dụng có hiệu quả;
– Thực hiện đúng các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
d. Trong năm không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người, bị thương nhiều người, không xảy ra cháy nổ.
e. Khai báo và thống kê đầy đủ các trường hợp bị tai nạn lao động.
2. Cá nhân:
2.1. Đối với cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách công tác Bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh:
a. Tham mưu cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện đúng và đủ các văn bản pháp quy về Bảo hộ lao động. Lập kế hoạch Bảo hộ lao động hàng năm và dài hạn, dự trù kinh phí cần thiết, đề xuất với người sử dụng lao động các biện pháp thực hiện.
b. Lập và lưu giữ đầy đủ hồ sơ, sổ sách và tài liệu cần thiết có liên quan đến công tác Bảo hộ lao động theo quy định như: nội quy, quy trình, quy phạm về an toàn lao động; sổ theo dõi huấn luyện, sổ theo dõi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sổ theo dõi các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh lao động, sổ theo dõi tự kiểm tra, tài liệu huấn luyện…
c. Nắm chắc số lượng và tình trạng các loại máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh lao động thuộc phạm vi đơn vị quản lý, có kế hoạch kiểm tra định kỳ và xin cấp phép sử dụng.
d. Thường xuyên có mặt tại hiện trường và phối hợp tốt với các cá nhân, các tổ chức liên quan để đôn đốc, kiểm tra và nhắc nhở người lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, điều tra xác định nguyên nhân tai nạn lao động, sự cố sản xuất và thống kê báo cáo theo đúng quy định của pháp luật.
e. Có sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tổ chức quản lý, góp phần nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động.
2.2. Đối với Giám đốc, Phó giám đốc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh:
a. Lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt các nội dung tiêu chuẩn khen thưởng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nói tại điểm 1.1 mục II trên đây.
b. Có sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tổ chức quản lý, nhằm cải thiện điều kiện lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
2.3. Đối với người lao động (bao gồm cả Tổ trưởng, đội trưởng và tương đương):
a. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm an toàn theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tai nạn lao động;
b. Thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hộ lao động, như: Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện phòng chống cháy nổ, tự kiểm tra bảo đảm an toàn có hiệu quả;
c. Là hạt nhân tích cực trong phong trào an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; có thành tích trong việc phát hiện và tham gia xử lý loại trừ các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d. Có sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện lao động và ngăn ngừa tai nạn lao động.
III. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG:
1. Đối với tập thể:
– Giấy khen; – Bằng khen;
– Cờ thi đua xuất sắc hoặc cờ thi đua luân lưu;
– Huân chương lao động.
2. Đối với cá nhân:
– Giấy khen;
– Bằng khen;
– Huân chương lao động.
IV. THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC KHEN THƯỞNG:
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Căn cứ vào các tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng đã nêu trên và thẩm quyền, hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét đánh giá và khen thưởng cho các tập thể và cá nhân quy định tại mục I, đang hoạt động trên địa bàn của địa phương có nhiều thành tích trong việc quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ theo đúng pháp luật hiện hành.
Số lượng các tập thể và cá nhân được khen thưởng và thủ tục do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng bằng khen và cờ thi đua cho tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc:
2.1. Tặng bằng khen của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội:
Việc tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân được quy định theo số lượng đối đa như sau:
a. Các địa phương có dưới 200 doanh nghiệp, thì tặng bằng khen cho 1 tập thể, 1 cá nhân;
b. Các địa phương có từ 200 đến dưới 1000 doanh nghiệp, thì tặng bằng khen cho 2 tập thể, 2 cá nhân;
c. Các địa phương có từ 1000 doanh nghiệp trở lên thì tặng bằng khen cho 3 tập thể, 3 cá nhân.
Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn các tập thể và cá nhân hoạt động trên địa bàn địa phương báo cáo Uỷ ban nhân dân các tỉnh để đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng bằng khen. Khi đề nghị phải kèm theo ý kiến của Hội đồng thi đua khen thưởng của địa phương nếu là các đơn vị thuộc địa phương quản lý và ý kiến của Bộ, ngành chủ quản nếu là các đơn vị do Trung ương quản lý.
2.2. Tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
Hàng năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chọn một số tập thể đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Bảo hộ lao động thuộc các địa phương có khu công nghiệp tập trung và các ngành kinh tế có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số các tập thể được các địa phương đề nghị tặng bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và cờ thi đua luân lưu của Chính phủ:
3.1. Đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ:
Hàng năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ xét tặng Bằng khen của Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Bảo hộ lao động.
Các địa phương lựa chọn các đơn vị, cá nhân tiêu biểu, đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tặng bằng khen về công tác Bảo hộ lao động trong 5 năm liên tục, hoặc đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp và phối hợp với Viện thi đua khen thưởng Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3.2. Đề nghị tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ:
Hàng năm, trên cơ sở các đơn vị có những thành tích đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khen thưởng nhiều lần hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong năm. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chọn một tập thể xuất sắc nhất để đề nghị tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ.
4. Đề nghị Nhà nước tặng Huân chương lao động:
Là phần thưởng giành cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác Bảo hộ lao động đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc cờ thi đua luân lưu của Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tặng cờ, bằng khen về công tác Bảo hộ lao động trong 5 năm liên tục, đặc biệt lưu ý lựa chọn các tập thể và cá nhân đại diện tiêu biểu trong các ngành kinh tế có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: khai thác mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp nặng, hoá chất.
Uỷ ban nhân dân địa phương phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản có doanh nghiệp đóng trên địa bàn xem xét đề nghị Nhà nước tặng Huân chương lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp và phối hợp với Viện thi đua khen thưởng Nhà nước để trình Chính phủ xem xét quyết định.
5.- Khen thưởng đột xuất:
Những tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong công tác bảo hộ lao động thì các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội đề nghị tặng bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc Huân chương lao động ngay sau khi lập thành tích, không cần chờ tổng kết năm.
V. HỒ SƠ KHEN THƯỞNG:
1. Công văn đề nghị hoặc tờ trình có ghi rõ hình thức khen thưởng của cấp có thẩm quyền đề nghị khen thưởng;
2. Danh sách trích ngang tập thể và cá nhân được đề nghị khen thưởng (theo mẫu đính kèm);
3. Bản thành tích của tập thể và cá nhân ghi rõ các thành tích đạt được theo các nội dung của tiểu chuẩn khen thưởng (có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Các quy định tại Thông tư này được thực hiện để xét khen thưởng cho các tập thể và cá nhân từ năm 1997 trở đi.
2. Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng của địa phương phải gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 30 tháng 11 hàng năm. Riêng năm 1997 xin gửi về trước ngày 25 tháng 1 năm 1998.
Các tập thể và cá nhân thuộc lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân do Bộ quốc phòng và Bộ nội vụ tổng hợp để gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Các Bộ, ngành ở Trung ương có thể đề xuất với địa phương để xét khen thưởng hàng năm về Bảo hộ lao động đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý đóng trên địa bàn của địa phương.
3. Vụ Bảo hộ lao động chủ trì phối hợp với Phòng tuyên truyền thi đua có trách nhiệm tổng hợp trình Bộ trưởng quyết định khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị Thủ tướng Chính phủ để xem xét khen thưởng ở mức cao.
4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp cùng cơ quan thi đua khen thưởng của địa phương giúp Uỷ ban nhân dân tổ chức thực hiện việc khen thưởng ở địa phương.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết.
Reviews
There are no reviews yet.