CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 25/1998/CT-TTG
NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 1998 VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ – Xà HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1998, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách mới nhằm phát huy nội lực, tập trung chỉ đạo tháo gỡ các ách tắc trong từng khâu hoạt động cụ thể. Trong 6 tháng qua, với sự phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta đã bước đầu vượt qua những khó khăn thách thức gay gắt của thiên tai, của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong khu vực và những nhược điểm, yếu kém của chính mình, duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,64%, giữ vững ổn định chính trị và an ninh xã hội.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp; các chỉ tiêu quan trọng 6 tháng đầu năm nhìn chung đạt thấp so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch.
Nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề. Một mặt, phải tiếp tục tìm các giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong khu vực, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết; mặt khác, phải khắc phục có hiệu quả những yếu kém trong quản lý, điều hành kinh tế từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, phấn đấu giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Các Bộ, ngành, các địa phương và cơ sở cần tập trung thực hiện các quyết định của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 1998 về các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 1998.
I. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 1999
1. Tư tưởng chỉ đạo xây dựng kế hoạch năm 1999
Năm 1999 có nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt cần phải vượt qua để tạo tiền đề cho việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 1996-2000.
Do vậy, khi xây dựng kế hoạch năm 1999, cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo sau đây:
Một là, bám sát những tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch 5 năm 1996-2000, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế – xã hội đến năm 2000.
Hai là, duy trì tốc độ phát triển kinh tế phù hợp với khả năng và tình hình mới, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững.
Ba là, tạo động lực mới cho sự phát triển, giải phóng triệt để lực lượng sản xuất, khơi dậy tối đa nguồn lực trong nước cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, kiềm chế sự giảm sút trong một số ngành đồng thời với việc chú trọng, tăng năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Bốn là, lành mạnh hoá lĩnh vực tài chính, tiền tệ; hạn chế tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực; triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; nâng cao hiệu lực bộ máy nhà nước, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc xây dựng và điều hành kế hoạch.
2. Những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 1999
– Tiếp tục dành ưu tiên phát triển nông nghiệp để làm nền tảng ổn định và phát triển kinh tế – xã hội; tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, có giải pháp cụ thể đối với từng ngành, từng sản phẩm nhằm tăng sản lượng, tăng sức cạnh tranh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để tạo ra khả năng phát triển của nền kinh tế. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế không thấp hơn năm 1998.
– Tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu của các thành phần kinh tế. Thúc đẩy nghiên cứu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ. Thực hiện chế độ bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước phù hợp với tiến trình tham gia vào AFTA và các cam kết quốc tế khác của ta. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, áp dụng biện pháp dán tem với các mặt hàng mà sản xuất trong nước đã đủ khả năng cung ứng trên thị trường.
– Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chú trọng các nguồn vốn trong nước; đẩy mạnh tiến trình sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện việc cổ phần hoá theo chương trình đã định; tạo môi trường thuận lợi hơn để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài; điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng ưu tiên cho sản xuất hàng xuất khẩu, các công trình sớm phát huy hiệu quả kinh tế, thu hồi vốn nhanh và hỗ trợ đầu tư phát triển cho những vùng khó khăn. Bảo đảm các điều kiện về vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng để giải ngân nhanh các nguồn vốn ODA đã cam kết; đồng thời, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiểu quả sử dụng nguồn vốn này. Quản lý chặt chẽ việc vay nợ và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp.
– Phát triển và ổn định nền tài chính quốc gia, động viên đúng mức thuế và phí vào ngân sách. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng; huy động các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là vốn dài hạn, trung hạn. Thực hiện mở thí điểm thị trường chứng khoán tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. ổn định giá trị đồng tiền, giữ chỉ số lạm phát ở mức dưới 2 con số.
– Tiếp tục giải quyết những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực xã hội, chú trọng các biện pháp tạo thêm việc làm cho người lao động, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát triển giáo dục, văn hoá thông tin; nâng cao mức sống của dân cư; thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các xã nghèo; chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; ngăn ngừa có hiệu quả các tệ nạn xã hội.
– Thực hiện việc lồng ghép các mục tiêu của các chương trình quốc gia trên cùng địa bàn, bảo đảm hiệu quả thiết thực của từng chương trình. Chuyển các chương trình, mục tiêu từ năm 1999 không còn là chương trình quốc gia vào nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương.
– Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế và xã hội.
3. Ngân sách Nhà nước
– Dự toán thu ngân sách Nhà nước phải được xây dựng theo đúng chế độ thu hiện hành và các luật thuế có hiệu lực từ năm 1999.
Phấn đấu mức thu thuế và phí tăng hơn năm 1998 và đạt khoảng 19-20% GDP, phù hợp với mức tăng sản xuất, kinh doanh và tỷ lệ trượt giá. Dự toán thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải tính đến các yếu tố tiếp tục thực hiện tiến trình tham gia AFTA và các cam kết quốc tế khác của ta. Các khoản thu trong nước phải được xây dựng trên cơ sở tích cực khai thác mọi nguồn thu, chống thất thu.
Thu thuế và phí phải bảo đảm chi thường xuyên ở mức hợp lý, tiết kiệm và trả nợ các khoản đến hạn, tiếp tục dành tỉ lệ tích luỹ thích đáng cho đầu tư phát triển.
– Dự toán chi thường xuyên phải được tính toán chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm chi quản lý hành chính; ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ và môi trường theo các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).
Chi thường xuyên phải tăng thấp hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển và không vượt quá 70% mức thu thuế và phí. Giảm 50% mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước so với năm 1998 cho các hoạt động sự nghiệp khoa học, y tế và đào tạo của các doanh nghiệp Nhà nước.
Dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách Nhà nước năm 1999 ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm và vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA theo tiến độ đã ký kết; tập trung vốn cho các công trình hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng trong năm; không bố trí vốn cho các công trình chưa có đủ điều kiện theo quy định; hạn chế tối đa việc khởi công mới các công trình thuộc nhóm B, C; việc bố trí vốn cho vay các công trình nhóm C phải bảo đảm dành trên 70% cho các công trình chuyển tiếp và khởi công mới hoàn thành trong năm.
Phấn đấu để tiến tới đạt được mức dự phòng ngân sách theo Luật ngân sách Nhà nước, bố trí nguồn bổ sung Quỹ dự trữ tài chính ở mức cần thiết, hợp lý.
– Công tác lập và quyết định dự toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương phải theo đúng Luật ngân sách Nhà nước (đã sửa đổi, bổ sung); tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện ổn định như năm 1998; số bổ sung từ ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách địa phương (nếu có) được tính tăng thêm 6% so với mức bổ sung đã giao năm 1998.
Đối với các địa phương, khi thực hiện các luật thuế mới mà nguồn thu ngân sách địa phương không bảo đảm nhiệm vụ chi thì được ngân sách Trung ương bổ sung để bảo đảm mức chi năm 1999 không thấp hơn dự toán chi được giao năm 1998 và các khoản tăng chi do thực hiện các chính sách mới của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nếu số thu của các địa phương giảm quá lớn so với kế hoạch được giao, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xử lý từng trường hợp cụ thể.
II- TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Về tiến độ
– Trước ngày 15 tháng 8 năm 1998, các Bộ, ngành, Tổng công ty 91, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1999 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ.
– Cũng trong thời gian này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để kịp tổng hợp kế hoạch trình các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời, dự kiến phương án phân bổ các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1999.
2. Về phân công thực hiện
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, xây dựng các phương án, các cân đối lớn để làm cơ sở hướng dẫn cho các Bộ, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch năm 1999.
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về kế hoạch này; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn đầu từ xây dựng cơ bản.
– Bộ Tài chính thông báo số kiểm tra về dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 1999 và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước; chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các tỉnh, thành phố về dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước của địa phương, làm việc với các Bộ, ngành ở Trung ương về dự kiến phân bổ chi thường xuyên và tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước.
– Các Bộ, ngành khác phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Các Bộ, cơ quan chủ quản các chương trình quốc gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương liên quan về nhiệm vụ và dự toán kinh phí năm 1999 để thực hiện các chương trình thuộc lĩnh vực phụ trách.
– Các Bộ, cơ quan Nhà nước theo chức năng của mình, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và các chế độ, chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách hiện hành làm căn cứ tính toán kế hoạch và dự toán ngân sách thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, các cơ quan có liên quan trước thời điểm lập dự toán ngân sách.
– Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính – Vật giá phối hợp chặt chẽ với Sở, ban, ngành khác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước trình Hội đồng nhân dân quyết định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Reviews
There are no reviews yet.