THÔNG TƯ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 01/NH-TT
NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
"QUY CHẾ ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM" ĐỐI VỚI
CÁC NGÂN HÀNG VÀ TỔ CHỨC TÍN DỤNG NƯỚC NGOÀI
– Căn cứ Nghị định số 82/CP ngày 02/8/1994 của Chính phủ ban hành Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 179/CP ngày 2/11/1994 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Quy chế nói trên (sau đây gọi tắt là Quy chế),
– Sau khi trao đổi ý kiến với một số Bộ, ngành và địa phương có liên quan, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể về một số điểm trong Quy chế để thi hành thống nhất như sau:
1. Đối tượng được Ngân hàng Nhà nước xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:
1.1. Tổ chức tín dụng và Ngân hàng nước ngoài quy định tại Quy chế được hiểu là các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ – Ngân hàng theo giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền tại các nước cấp, gồm:
– Các ngân hàng thương mại;
– Các ngân hàng đầu tư;
– Các công ty tài chính;
– Các tổ chức khác hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
1.2. Các tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) nếu có yêu cầu đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam để thiết lập các mối quan hệ ngân hàng, thương mại và đầu tư với các tổ chức kinh tế Việt Nam và có đủ điều kiện quy định tại Điều 2 Quy chế và Thông tư hướng dẫn này được xét cấp giấy phép đặt tại Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Một TCTD có thể được đặt Văn phòng đại diện (sau đây gọi tắt là VPĐD) tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, nhưng tại một số tỉnh, thành phố mỗi TCTD chỉ được phép đặt một VPĐD và mỗi VPĐD phải có người phụ trách riêng.
2. Điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện (sau đây gọi tắt là Giấy phép):
2.1. Điều kiện để TCTD được cấp giấy phép quy định tại Điều 2 Quy chế được hiểu như sau:
– TCTD được thành lập phù hợp với pháp luật nước nguyên xứ, theo giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cấp;
– TCTD phải hoạt động không dưới 5 năm tại nước nguyên xứ và là một TCTD có uy tín;
– TCTD có nhu cầu tìm hiểu thị trường Việt Nam và thiết lập quan hệ hợp tác với Việt Nam và có tổ chức kinh tế của Việt Nam trên lĩnh vực ngân hàng, thương mại và đầu tư.
2.2. TCTD không được xét cấp giấy phép trong các trường hợp sau:
– TCTD không có đủ điều kiện quy định tại điểm 2.1 trên;
– TCTD đang có Chi nhánh hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố nơi xin đặt VPĐD;
– TCTD mẹ hoặc một TCTD khác cùng tập đoàn đang hoạt động tại địa bàn nơi TCTD xin đặt VPĐD. 3. Phạm vi hoạt động:
VPĐD của TCTD chỉ được thực hiện những công việc sau:
– Làm chức năng văn phòng liên lạc và nghiên cứu thị trường;
– Xúc tiến xây dựng các dự án của TCTD tại Việt Nam;
– Thúc đẩy và giám sát thực hiện các hợp đồng, thoả thuận đã ký giữa TCTD với các tổ chức tín dụng Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam, các dự án do TCTD tài trợ tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam.
– VPĐD không được kinh doanh, làm các dịch vụ sinh lợi tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.
4. Thủ tục xét cấp Giấy phép đặt VPĐD:
4.1. TCTD có yêu cầu đặt VPĐD tại Việt Nam phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước một bộ hồ sơ gồm có:
4.1.1. Đơn xin đặt VPĐD tại Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký (nội dung đơn theo mẫu số 1 ban hành kèm Thông tư này) và chữ ký phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ;
4.1.2. Bản sao giấy phép hoạt động của TCTD do cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cấp (có xác nhận của cơ quan công chứng có thẩm quyền ở nước nguyên xứ);
4.1.3. Bản tóm tắt quá trình hợp tác của TCTD với các tổ chức kinh tế Việt Nam trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và ngân hàng;
4.1.4. Điều lệ của TCTD (01 bản tiếng Anh);
4.1.5. Báo cáo thường niên của TCTD nguyên xứ trong 3 năm gần nhất (01 bộ tiếng Anh);
4.1.6. Những văn bản nêu tại điểm 4.1.1 đến 4.1.3 trên đây được lập thành hai bản: một bản tiếng Anh, một bản bằng tiếng Việt Nam. Bản dịch tiếng Việt Nam phải được xác nhận của cơ quan công chứng Việt Nam.
4.2. TCTD phải nộp 03 bộ hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước gồm 01 bộ như quy định tại điểm 4.1 và 02 bộ sao chụp của hồ sơ này.
4.3. Hồ sơ nói trên phải được TCTD gửi trực tiếp hoặc uỷ quyền (bằng văn bản) cho một tổ chức kinh doanh dịch vụ được thành lập theo pháp luật Việt Nam chuyển tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tại Thủ đô Hà Nội).
4.4. Ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như quy định tại điểm 4.1 và 4.2 sẽ được ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản cho TCTD.
4.5. Khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm 4.1 và 4.2 do TCTD gửi đến:
4.5.1. Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản xin ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan và với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD sẽ đóng trụ sở.
4.5.2. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày gửi văn bản trao đổi ý kiến, nếu chưa nhận được văn bản trả lời của các cơ quan liên quan, Ngân hàng Nhà nước vẫn xem xét, quyết định cấp hay không cấp Giấy phép cho TCTD để đảm bảo thời hạn quy định tại Điều 6 của Quy chế.
4.5.3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có thông báo về quyết định của mình cho TCTD có đơn đặt tại VPĐD tại Việt Nam.
4.6. Sau khi cấp Giấy phép cho TCTD, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi một bản sao Giấy phép này cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD được phép đóng trụ sở.
4.7. Giấy phép cấp cho TCTD (theo mẫu số 2 ban hành kèm Thông tư này) có giá trị 3 năm kể từ ngày cấp.
5. Về nghĩa vụ và quyền hạn của VPĐD:
5.1. Trong vòng 10 ngày sau khi nhận Giấy phép (cấp lần đầu, gia hạn) TCTD phải nộp một khoản lệ phí cho Ngân hàng Nhà nước theo mức do Bộ Tài chính Việt Nam quy định.
5.2. VPĐD chỉ được thực hiện những hoạt động theo nội dung và thời gian hoạt động quy định trong Giấy phép và giấy đăng ký hoạt động; VPĐD không được thuê lại trụ sở, nhà ở và không được thực hiện chức năng đại diện cho tổ chức khác tại Việt Nam; không được chuyển nhượng Giấy phép cho bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân nào khác.
5.3. Trưởng VPĐD và nhân viên làm việc tại VPĐD không có thẩm quyền ký kết các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp Việt Nam. Trưởng VPĐD chỉ được ký kết hợp đồng trong trường hợp có uỷ quyền hợp pháp (bằng văn bản) của người có thẩm quyền của TCTD và phải báo cáo và giao cho Ngân hàng Nhà nước bản sao giấy uỷ quyền đó (có xác nhận của cơ quan công chứng nước nguyên xứ) để theo dõi việc thực hiện.
5.4. VPĐD được thuê trụ sở, nhà ở và các phương tiện phục vụ hoạt động và sinh hoạt của mình theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
5.5. VPĐD phải đăng ký với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở về số người nước ngoài làm việc tại VPĐD (bao gồm người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài) theo số lượng quy định tại Giấy phép; Số người Việt Nam làm việc tại VPĐD và có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm việc tại VPĐD thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân theo luật định.
5.6. VPĐD phải mua các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Điều 14 của Quy chế và hướng dẫn của Bộ Tài chính Việt Nam.
5.7. VPĐD chỉ được mở tài khoản chuyên chi (bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ) tại một Ngân hàng được thành lập và hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này để phục vụ cho các chi phí hoạt động của VPĐD.
5.8. VPĐD được nhập khẩu vào Việt Nam các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của VPĐD, nhưng phải nộp thuế theo Luật thuế xuất khẩu nhập khẩu hiện hành tại Việt Nam và phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của Tổng cục Hải quan.
5.9. VPĐD của TCTD tại Việt Nam có con dấu riêng theo quy định của Bộ Nội vụ Việt Nam và chỉ được sử dụng con dấu này trong các văn bản giao dịch thuộc quyền hạn chức năng của VPĐD tại Việt Nam.
6. Về việc đăng ký và khai trương hoạt động của VPĐD:
6.1. Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép hoặc 15 ngày kể từ ngày ra hạn Giấy phép, TCTD phải gửi đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở hồ sơ đăng ký hoạt động gồm:
6.1.1. Giấy đăng ký hoạt động (theo mẫu số 3 của Thông tư này);
6.1.2. Hợp đồng thuê nhà và các văn bản liên quan;
6.1.3. Hợp đồng tuyển dụng nhân viên tại Việt Nam và các văn bản liên quan;
6.1.4. Văn bản bổ nhiệm Trưởng VPĐD của người có thẩm quyền của TCTD;
6.1.5. Sơ yếu lý lịch của Trưởng VPĐD và nhân viên làm việc tại VPĐD.
6.2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được sự chuẩn y đăng ký hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở, VPĐD phải gửi một bản sao giấy đăng ký này đến Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ các Định chế tài chính).
6.3. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép, VPĐD phải khai trương hoạt động và phải thông báo ngày khai trương hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan biết. Trong trường hợp đặc biệt không kịp khai trương hoạt động, VPĐD có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn ngày khai trương hoạt động.
7. Thay đổi nội dung Giấy phép, gia hạn Giấy phép và chấm dứt hoạt động của VPĐD:
7.1. Việc đổi tên gọi của VPĐD:
VPĐD được đổi tên gọi trong trường hợp TCTD đã thay đổi tên gọi phù hợp với pháp luật của nước thành lập TCTD. VPĐD phải báo cáo xin phép Ngân hàng Nhà nước và chỉ được đổi tên gọi khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
Trường hợp TCTD sáp nhập hoặc góp vốn để thành lập một TCTD mới với tên gọi và chức năng, nhiệm vụ mới, nếu TCTD muốn đặt VPĐD tại Việt Nam phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.
7.2. Việc bổ sung số lượng nhân viên làm việc tại VPĐD: VPĐD chỉ được bổ sung số người nước ngoài làm việc tại VPĐD khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. VPĐD cần làm thủ tục đăng ký với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về số người Việt Nam làm việc tại VPĐD.
7.3. Việc gia hạn Giấy phép:
Khi có nhu cầu gia hạn Giấy phép, TCTD phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước 30 ngày trước ngày Giấy phép hết hạn, bộ hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép do Chủ tịch Hội đồng quản trị của TCTD ký (01 bản tiếng Anh, 01 bản tiếng Việt);
– Báo cáo tóm tắt hoạt động của VPĐD trong thời gian Giấy phép có hiệu lực do Trưởng VPĐD ký (01 bản tiếng Anh, 01 bản tiếng Việt);
– Báo cáo thường niên của TCTD nguyên xứ trong năm trước (01 bản tiếng Anh);
– Ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở về việc gia hạn này.
7.4. Việc thay đổi Trưởng VPĐD và nhân viên làm việc tại VPĐD:
Khi có nhu cầu thay đổi Trưởng VPĐD hoặc nhân viên làm việc tại VPĐD, VPĐD có văn bản yêu cầu gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở và chỉ được thay đổi khi có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Trường hợp thay đổi Trưởng VPĐD, VPĐD phải báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (kèm theo sơ yếu lý lịch của Trưởng VPĐD mới) trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
7.5. Về việc thay đổi trụ sở của VPĐD:
Khi có yêu cầu thay đổi trụ sở của VPĐD trong phạm vi một tỉnh, thành phố, VPĐD phải có văn bản xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở và chỉ được thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, VPĐD phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước về việc thay đổi trụ sở nói trên.
7.6. Về việc chấm dứt hoạt động của VPĐD: VPĐD được chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
1. Hết thời hạn ghi trong Giấy phép;
2. Theo đề nghị của TCTD;
3. Khi chi nhánh của TCTD khai trương hoạt động trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố;
4. Khi TCTD bị tuyên bố phá sản;
5. Khi VPĐD bị thu hồi Giấy phép.
Trong trường hợp VPĐD chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm 1, 3, 4 và 5 trên, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo cho TCTD và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở biết.
Riêng trường hợp VPĐD chấm dứt hoạt động theo điểm 2 nói trên, TCTD phải gửi văn bản đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước 60 ngày trước ngày TCTD dự định chấm dứt hoạt động tại Việt Nam và chỉ được chấm dứt hoạt động sau khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
7.7. Trong các trường hợp VPĐD chấm dứt hoạt động, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở là cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các nghĩa vụ của VPĐD theo quy định tại Điều 11 của Quy chế.
8. Xử lý vi phạm:
8.1. VPĐD bị cảnh cáo trong những trường hợp sau:
8.1.1. Vi phạm ở mức bị cảnh cáo theo quy định tại Điều 20 của Quy chế;
8.1.2 Sau 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép hoặc hết thời hạn được Ngân hàng Nhà nước cho phép gia hạn mà không khai trương hoạt động;
8.1.3. Không nộp lệ phí cấp Giấy phép đúng thời hạn quy định tại điểm 5.1 của Thông tư này;
8.1.4. Vi phạm chế độ báo cáo theo quy định tại điểm 9.2 của Thông tư này.
8.2. VPĐD bị phạt tiền theo các quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Quy chế.
8.3. VPĐD không được xét gia hạn Giấy phép trong những trường hợp sau:
– Nộp hồ sơ xin gia hạn Giấy phép sau thời gian quy định tại điểm 7.3 của Thông tư này;
– Bị cảnh cáo do vi phạm cùng một quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam từ 3 (ba) lần trở lên;
8.4. VPĐD bị thu hồi Giấy phép trong những trường hợp sau:
8.4.1. Tổng số tiền phạt theo quy định tại Điều 20 của Quy chế từ 20.000 (hai mươi nghìn) đôla Mỹ trở lên (không kể số tiền bị phạt do tái phạm);
8.4.2. Vi phạm lần thứ hai các quy định về phạm vi hoạt động của VPĐD đã ghi trong Giấy phép.
9. Trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm và việc báo cáo định kỳ:
9.1. Trách nhiệm quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm:
9.1.1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:
– Thống nhất quản lý hành chính Nhà nước, định kỳ kiểm tra các mặt hoạt động của VPĐD tại Việt Nam.
– Làm đầu mối phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra hoạt động của VPĐD trong những trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Bộ, ngành hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan.
– Ra quyết định xử lý các vi phạm ở mức đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động và phạt tiền từ mức 10.000 đôla Mỹ trở lên.
– Kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định xử lý vi phạm dưới mức quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước.
9.1.2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở có trách nhiệm:
– Quản lý hành chính đối với các VPĐD trên địa bàn lãnh thổ như việc cho thuê nhà, tuyển dụng (thuê) lao động, đăng ký theo quy định và mọi hoạt động của VPĐD tại địa phương;
– Kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của VPĐD tại địa phương;
– Trong những trường hợp xét thấy cần thiết, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động của VPĐD tại địa phương theo quyết định bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
– Ra quyết định xử lý vi phạm ở mức dưới mức quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước.
9.2. Việc báo cáo định kỳ:
– VPĐD phải báo cáo bằng văn bản các hoạt động của mình trong 6 tháng đầu năm và cả năm (theo mẫu số 4 của Thông tư này) cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Định chế tài chính) và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi VPĐD đóng trụ sở. Báo cáo 6 tháng đầu năm phải gửi trước ngày 15/7 và báo cáo cả năm phải gửi trước ngày 20/01 năm tiếp theo.
– Trong các trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở có thể yêu cầu VPĐD báo cáo đột xuất ngoài các báo cáo định kỳ nói trên, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề liên quan đến hoạt động của mình.
10. Quy định về thực hiện:
10.1. VPĐD của các TCTD đã được Bộ Thương mại cấp Giấy phép trước đây phải gửi đơn xin cấp lại Giấy phép tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
10.2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Quyết định số 188/QĐ-NH8 ngày 02/10/1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về VPĐD Ngân hàng và Công ty Tài chính nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hết hiệu lực thi hành.
Mẫu số 1
TÊN NGÂN HÀNG/CÔNG TY
Ngày… tháng… năm…
ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP
ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM
Kính gửi: Ngài Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thưa Ngài Thống đốc,
Ngân hàng/Công ty………….. trân trọng gửi ngài Thống đốc một (01) thư bày tỏ nguyện vọng được đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam cùng với các chi tiết sau đây:
a. Ngân hàng/Công ty nguyên xứ:
– Tên Ngân hàng/Công ty (tên đầy đủ và tên viết tắt):
– Quốc tịch:
– Địa chỉ nơi đóng trụ sở chính: số nhà, phố, quận, thành phố, nước, số điện thoại, telex, fax.
– Ngày thành lập:
– Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngày cấp và số của giấy chứng nhận.
– Cơ quan cấp giấy phép hoạt động, ngày cấp và số của giấy phép.
– Nội dung và hoạt động chủ yếu:
– Vốn pháp định:
Vốn thực góp:
– Cổ đông chính:
b. Văn phòng đại diện xin mở tại Việt Nam:
– Tên của VPĐD tại Việt Nam: Thành phố xin đặt Văn phòng đại diện;
– Mục đích chủ yếu để đặt Văn phòng đại diện để:
– Số người làm việc tại VPĐD là: người, trong đó:
+ Số người nước ngoài (tối đa):
+ Số người Việt Nam (tối thiểu):
– Họ tên, năm sinh, quốc tịch của người Trưởng VPĐD (đính kèm sơ yếu lý lịch).
– Thời hạn của VPĐD dự kiến là: năm.
Chúng tôi xin cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Văn phòng đại diện và các nhân viên Văn phòng đại diện sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam và hoạt động đúng với nội dung cho phép.
c. Người làm đơn: Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng/người đứng đầu công ty nguyên xứ – Họ và tên – Ký tên.
Hồ sơ kèm theo:
1. Giấy phép hoạt động của TCTD/Công ty
2. Điều lệ của TCTD/Công ty
3. Báo cáo thường niên của TCTD/Công ty trong 3 năm gần nhất.
4. Bản tóm tắt quá trình hợp tác của TCTD/Công ty với các tổ chức kinh tế Việt Nam.
5. Sơ yếu lý lịch của người Trưởng VPĐD.
Mẫu số 2
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
VIỆT NAM |
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: /NH-GP |
Hà Nội, ngày… tháng… năm… |
GIẤY PHÉP ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN NGÂN HÀNG
(CÔNG TY) NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
– Căn cứ Nghị định số 82/CP ngày 02 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam;
– Căn cứ Nghị định số 179/CP ngày 02 tháng 11 năm 1994 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam;
Xét đơn xin cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện của…..
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.-Cho phép………………………………………………….
Địa chỉ……………………………………………………..
Quốc tịch………………………………………………….
Được đặt Văn phòng đại diện tại………………….
Điều 2.- Tên gọi của Văn phòng đại diện……………………..
Điều 3.- Số người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện là:
Điều 4.- Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện:
Điều 5.- Giấy phép này có giá trị 03 (ba) năm kể từ ngày cấp.
Mọi hoạt động của Văn phòng đại diện và tất cả các nhân viên của Văn phòng phải tuân thủ Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 82/CP ngày 02 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ, Nghị định sửa đổi bổ sung số 179/CP ngày 02 tháng 11 năm 1994 của Chính phủ và các quy định hiện hành khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
KT. Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước
Phó thống đốc
Mẫu số 3
TÊN NGÂN HÀNG/CÔNG TY
Ngày… tháng… năm…
GIẤY ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG
Kính gửi: Ngài Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố)……..
– Căn cứ Điều 8 Quy chế và hoạt động của VPĐD tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 82/CP ngày 02/8/1994 của Chính phủ CHXHCN Việt Nam;
– VPĐD Ngân hàng (Công ty)…. tại tỉnh (thành phố)….. được thành lập theo Giấy phép số…. ngày…. tháng… năm… của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đăng ký hoạt động như sau:
1. Tên VPĐD:
2. Trụ sở đặt tại số nhà: đường (phố)…………
quận (huyện)……………. tỉnh (thành phố)……
Điện thoại
Telex Fax
3. Tên, địa chỉ của người chủ sở hữu nhà cho thuê:…….
4. Nội dung hoạt động của VPĐD: đã được quy định trong giấy phép
5. Số người làm việc tại VPĐD là:…… trong đó:
– Số người nước ngoài (tối đa):
– Số người Việt Nam (tối thiểu):
(ghi rõ họ tên, quốc tịch, chức danh nhiệm vụ được giao)
6. Họ tên người Trưởng VPĐD:……..
Quốc tịch:……..
Số hộ chiếu:…..
Ngày cấp:………
7. Thời gian Giấy phép và Giấy đăng ký hết hiệu lực.
UBND tỉnh, thành phố….. |
Trưởng Văn phòng đại diện |
chuẩn y việc đăng ký hoạt động |
Ký tên |
số… ngày… tháng… năm |
(ghi rõ họ và tên) |
Chủ tịch UBND (hoặc người |
|
được uỷ quyền) |
|
Ký tên và đóng dấu |
|
Mẫu số 4
BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN NGÂN HÀNG
(CÔNG TY)……
I. CƠ CẤU TỔ CHỨC:
1. Văn phòng;
2. Nhân sự
II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH:
1. Tiếp cận thị trường;
2. Thúc đẩy đầu tư, quan hệ tín dụng giữa Ngân hàng (Công
ty) mẹ với các tổ chức kinh tế Việt Nam;
3. Quan hệ đại lý, thanh toán giữa Ngân hàng mẹ với các Ngân
hàng thương mại Việt Nam;
4. Công tác tư vấn;
5. Đào tạo;
6. Các hoạt động khác.
III. TỰ ĐÁNH GIÁ:
IV. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI:
Trưởng Văn phòng đại diện
(Ký tên và đóng dấu)
Reviews
There are no reviews yet.