QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 184/1998/QĐ-TTG
NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 1998 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH
TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – Xà HỘI VÙNG TÂY NGUYÊN
GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 1896 NN-KH/TTr ngày 7 tháng 5 năm 1998 và của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư tại Công văn số 3408/HĐTĐ ngày 20 tháng 5 năm 1998,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên (4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng) giai đoạn từ nay đến năm 2010 với những nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:
1. Về kinh tế:
– Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ nay đến năm 2000 đạt từ 7 đến 8%/năm, giai đoạn 2001 – 2010 đạt từ 8 đến 9%. GDP bình quân đầu người đến năm 2000 đạt 260 USD, đến năm 2010 đạt từ 600 đến 900 USD.
– Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2010: Công nghiệp, xây dựng đạt từ 35 đến 40%, nông, lâm nghiệp đạt từ 25 đến 30%, du lịch, dịch vụ đạt từ 30 đến 35%.
– Phấn đấu thực hiện tỷ lệ tích luỹ từ GDP đạt từ 10 đến 11% thời kỳ từ nay đến năm 2000 và đạt 14 đến 15% thời kỳ 2001 – 2010.
– Thực hiện đổi mới thiết bị và công nghệ đối với các cơ sở hiện có, trang bị công nghệ tiên tiến hiện đại cho cơ sở xây dựng mới, nhất là những có sở phục vụ chế biến nông, lâm sản tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và hướng về xuất khẩu.
– Tăng cường đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ lên từ 65-70% vào năm 2010.
– Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên giải quyết vấn đề nước, giao thông, điện, xây dựng trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình.
2. Về xã hội và môi trường.
– Thực hiện có hiệu quả chương trình định canh, định cư, từng bước quy hoạch, bố trí sắp xếp hợp lý dân cư tại chỗ và người từ các vùng khác chuyển đến Tây Nguyên, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc.
– Tạo việc làm, mở rộng diện người trong độ tuổi lao động có việc làm, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tiếp cận với phương thức sản xuất và công nghệ mới.
– Phấn đấu đến năm 2000 xoá đói, từng bước giảm nghèo, đảm bảo nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập và chữa bệnh nhằm nâng cao đời sống của đồng bào. Thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
– Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ và giữ gìn nguồn nước, tăng độ phì nhiêu của đất, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, các loài động, thực vật quý hiếm.
– Chú trọng cải thiện điều kiện sống cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Xây dựng xã hội công bằng văn minh, cộng đồng xã hội lành mạnh, xoá bỏ các hủ tục tệ nạn xã hội.
3. Về an ninh quốc phòng.
Thực hiện chiến lược xây dựng kinh tế gắn kết với củng cố an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia. Đặc biệt chú trọng những trọng điểm phòng thủ chiến lược và căn cứ hậu cần trọng yếu của vùng và chung cả nước.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:
1. Về nông nghiệp và lâm nghiệp:
– Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp đạt khoảng 6% giai đoạn từ nay tới năm 2000 và khoảng 7% giai đoạn từ 2001 đến 2010.
– Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy ưu thế và tiềm năng hiện có, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Chú trọng giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo vệ hệ sinh thái, phát triển bền vững.
– Thực hành đầu tư thâm canh cao, có hiệu quả, kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước hiện đại hoá những khâu quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh và xuất khẩu.
– Từng bước mở rộng diện tích theo quy hoạch trồng cây cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, cây dược liệu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Mở rộng diện tích và thâm canh ngô; hạn chế tiến tới xoá bỏ việc phá rừng làm nương, rẫy. Chú trọng sử dụng hợp lý quỹ đất và cơ cấu quỹ đất thay đổi theo hướng đa dạng hoá sản phẩm; mở rộng các vùng cây chuyên canh tạo ra tỷ suất hàng hoá nông sản với chất lượng cao.
– Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, lấy chăn nuôi gia đình là chính nhằm tạo ra nguyên liệu thịt, sữa, da… phục vụ công nghiệp chế biến.
Phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng cường công tác bảo vệ, cải tạo tu bổ rừng tự nhiên hiện có, nhất là rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đẩy mạnh việc trồng rừng mới, từng bước khôi phục diện tích rừng nhằm tăng độ che phủ. Thực hiện giao đất, giao và khoán rừng để kết hợp làm vườn và sản xuất nông lâm nghiệp. Khai thác hợp lý vốn rừng gắn với chương trình định canh, định cư, đẩy mạnh trồng cây phân tán, coi trọng lợi ích bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp lợi ích lâm sinh.
2. Về công nghiệp:
– Chú trọng phát triển công nghiệp có sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: chế biến cà phê, cao su, mía đường, công nghiệp thực phẩm, vật liệu xây dựng, giấy, sành sứ… Từng bước phát triển ngành cơ khí sữa chữa, khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
– Từng bước đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, đặc biệt là công nghiệp chế biến sản phẩm các vùng cây chuyên canh, sản phẩm lâm nghiệp nhằm tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Gắn công nghiệp với nông, lâm nghiệp để thúc đẩy sản xuất phát triển.
– Khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài. Chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc hình thành các khu công nghiệp tập trung nhằm phát huy ưu thế, tiềm năng của vùng Tây Nguyên.
– Tập trung phát triển công nghiệp với quy mô thích hợp, ưu tiên việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi ít vốn nhưng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và góp phần công nghiệp hoá nông thôn. ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
3. Phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ:
Phát triển ngành thương mại, du lịch và dịch vụ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng nhằm phát huy được lợi thế, thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng về thương mại, du lịch và dịch vụ bình quân thời kỳ từ nay tới năm 2010 đạt từ 10-15%/năm.
– Phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại đa dạng, phù hợp với địa bàn Tây Nguyên, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia lưu thông nhằm tạo động lực cho sản xuất phát triển. Từng bước xây dựng các trung tâm thương mại tập trung ở các thành phố, thị xã để trao đổi hàng hoá, giới thiệu sản phẩm với các vùng khác và các nước Lào, Cămpuchia, Thái Lan.
– Hình thành, phát triển mạng lưới chợ nhằm mở rộng dịch vụ, giao lưu hàng hoá. Chú trọng việc hướng dẫn, tổ chức và quản lý tốt mạng lưới thương nghiệp liên kết, tư nhân để cung cấp và thu mua hàng hoá cho đồng bào ở vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc ít người.
– Khai thác lợi thế về địa lý, khí hậu, cảnh quan môi trường… để phát triển cơ sở du lịch hiện có. Đồng thời xây dựng mới các trung tâm du lịch tại Đà Lạt, Suối Vàng, Lạc Thiện, Buôn Hồ…, hình thành các tuyến du lịch nội vùng gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm và du lịch liên vùng: Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu… Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, khai thác gắn với tôn tạo và bảo tồn thiên nhiên, duy trì và phát triển tài nguyên du lịch, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tiến tới chiến lược phát triển du lịch quốc tế trong tương lai.
– Chuyển dịch cơ cấu ngành thương mại, du lịch và dịch vụ theo hướng ưu tiên Du lịch, Viễn thông, Tài chính, Chuyển giao công nghệ… khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động này.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị;
– Xây dựng và phân bố hợp lý các đô thị trung bình và nhỏ giữ chức năng trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ của khu vực, phù hợp với mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020.
– Phát triển mạng lưới đô thị gắn với việc cải tạo và nâng cấp các tuyến đường giao thông và quá trình hình thành các vùng sản xuất hàng hoá. Nâng cấp, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ của các tỉnh trong vùng.
– Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không… theo quy hoạch. Chú trọng mạng lưới giao thông nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tạo điều kiện phát triển cho vùng khó khăn, căn cứ kháng chiến cũ và vùng có vị trí chiến lược trọng yếu. Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các xã có đường ô tô đến trung tâm cụm xã.
– Coi trọng việc xây dựng hệ thống thủy lợi, nhất là đập thuỷ điện, đập chứa nước gắn với hệ thống kênh mương của các vùng sản xuất tập trung. Kết hợp xây dựng giao thông với hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, cầu cống và các công trình phục vụ sản xuất và đời sống.
– Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cấp, thoát nước các đô thị, các khu công nghiệp; chú trọng giải quyết các nhu cầu nước sạch của dân cư nông thôn. Coi trọng việc bảo vệ, khai thác nguồn nước.
– Từng bước thực hiện điện khí hoá Tây Nguyên, phấn đấu đến năm 2000 có 60% số dân được sử dụng điện và đến năm 2010 có 80% dân cư được cung cấp điện. Trước mắt đầu tư phát triển lưới điện đến các vùng dân cư tập trung, vùng có khả năng khai thác và phát triển nông, lâm nghiệp để tăng tỷ suất hàng hoá. Chú trọng phát triển các trạm nhỏ cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, căn cứ kháng chiến cũ và trung tâm cụm xã.
– Xây dựng kết hợp với nâng cấp hệ thống các trường học, trạm xá, bệnh viện, điểm sinh hoạt văn hoá, vui chơi, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh.
– Hiện đại hoá mạng lưới bưu chính viễn thông theo hướng đồng bộ hoá, tự động hoá, số hoá đáp ứng yêu cầu thông tin trong nước và giao lưu quốc tế.
5. Giáo dục, Khoa học, Văn hoá, Y tế và Xã hội:
– Chú trọng phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống. Phấn đấu toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Mở rộng hệ thống trường đào tạo nội trú và bán trú cho con em đồng bào dân tộc ít người.
– Nghiên cứu vận dụng khoa học công nghệ tiên tiến làm nền tảng và động lực phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Đặc biệt là phải đưa nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống nhằm thúc đẩy nông, lâm nghiệp phát triển.
– Coi trọng hiệu quả công tác văn hoá, truyền thanh, truyền hình và các hoạt động thể dục thể thao. Giữ gìn và phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc xứng đáng với vai trò là nguồn động lực phát triển. Từng bước xoá bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, phát triển các hình thức văn hoá quần chúng, văn hoá dân gian, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp dân cư được hưởng thụ văn hoá nghệ thuật.
– Cải tạo và xây dựng mới cơ sở y tế; củng cố và phát triển hệ thống trạm y tế xã, phường, phòng khám đa khoa, bệnh viện… phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống dịch, khám chữa bệnh cho nhân dân. Phấn đấu từng bước, tiến tới thanh toán các bệnh xã hội. Tuyên truyền, giáo dục công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả, giáo dục vệ sinh môi trường sống. Từng bước xã hội hoá công tác y tế, nâng cao chất lượng phục vụ đồng bào các dân tộc.
– Phấn đấu hoàn thành định canh, định cư; nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng căn cứ cách mạng và vùng biên giới; từng bước ổn định đời sống cho nhân dân, trước hết là 1 triệu đồng bào dân tộc. Tiến hành xây dựng các vùng kinh tế mới theo quy hoạch. Xúc tiến tích cực chương trình xoá đói giảm nghèo; phấn đấu để các hộ có điều kiện tự lực vươn lên, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc, các gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với cộng đồng.
– Lồng ghép có hiệu quả các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu và các dự án cụ thể nhằm đạt hiệu quả thiết thực về kinh tế – xã hội.
– Phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia. Đưa lực lượng quân đội tham gia có hiệu quả vào các chương trình kinh tế kết hợp với quốc phòng như: trồng cao su, bảo vệ và trồng rừng, mở và xây dựng đường, xoá mù chữ…
III. NHỮNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU:
Căn cứ vào nội dung của Quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, cần phải có những giải pháp đồng bộ, phù hợp, có hiệu quả nhằm huy động được nội lực và nguồn lực từ nước ngoài phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên.
Phải có giải pháp hợp lý sử dụng nguồn tài nguyên quý giá là quỹ đất, nguồn lao động, tài nguyên rừng, tài nguyên nước… phát triển kinh tế, giữ gìn môi trường và tăng độ che phủ.
– Thực hiện các giải pháp khuyến khích để từng bước thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tạo điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường.
– Ưu tiên đầu tư tập trung, dứt điểm nhằm đạt hiệu quả thiết thực, tạo động lực phát triển kinh tế và cải thiện đời sống.
– Thực hiện chính sách khuyến khích kinh tế cao đối với những doanh nghiệp, ngành tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường nhằm tăng thị phần và hướng về xuất khẩu.
– Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài.
Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể của vùng đã được phê duyệt, các tỉnh trong vùng phải rà soát lại Quy hoạch tổng thể của từng địa phương, có sự sắp xếp ưu tiên và điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch của vùng.
Để thực hiện được Quy hoạch tổng thể vùng, các tỉnh phải vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực cho sự phát triển. Trên địa bàn từng tỉnh, Uỷ ban nhân dân phải cụ thể hoá phương hướng phát triển kinh tế – xã hội của Quy hoạch bằng các chương trình, dự án cụ thể, bằng các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn nhằm điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện theo định hướng đã đề ra.
Điều 2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên có trách nhiệm tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch này theo đúng nội dung đã được phê duyệt.
Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên trong quá trình rà soát lại Quy hoạch của từng tỉnh, tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo sự phát triển thống nhất giữa kế hoạch, Quy hoạch của từng tỉnh với Quy hoạch vùng và chung cả nước.
Quá trình thực hiện Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kết hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên tiến hành tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để có bổ sung điều chỉnh kịp thời nhằm làm cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội đúng định hướng và đạt hiệu quả cao.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nganh Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Reviews
There are no reviews yet.