CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 39/KHXX
NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT
CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 21-5-1996 và có hiệu lực từ ngày 1-7-1996. Để thi hành đúng và thống nhất các quy dịnh của Pháp lệnh, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số điểm như sau:
1. Về các quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
a) Theo quy định tại khoản1 Điều 4 của Pháp lệnh, thì quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan Nhà nước địa phương, các Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một số vấn đề cụ thể (cần lưu ý là các quyết đinh của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong khi thực hiện chức năng tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng khi có khiếu nại sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng. Chỉ có các quyết định hành chính như quyết định về buộc thôi việc cán bộ, nhân viên Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân hoặc quyết định sử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trật tự phiên toà, khi có khiếu kiện mới được xem là vụ án hành chính và được giải quyết theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính).
Để được coi là một quyết định hành chính, khi có khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, thì trước hết quyết định đó phải là của một trong các cơ quan này hoặc của Thủ trưởng, cán bộ, viên chức của một trong các cơ quan này và phải được làm bằng văn bản, trong đó ghi rõ đối tượng cụ thể được áp dụng quyết định hành chính và nội dung cụ thể của quyết định hành chính. Cần lưu ý rằng các quyết định hành chính của các cơ quan tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên Đoàn lao động… (tức là các cơ quan, tổ chức không được liệt kê tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh) cũng như các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các thành viên của các cơ quan, tổ chức này nếu có khiếu kiện thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
b) Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Pháp lệnh, thì hành vi hành chính là hành vi thực hiện hoặc không thực hiện công vụ của cán bộ, viên chức Nhà nước. Để được coi là một hành vi hành chính, khi có khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, thì trước hết hành vi đó phải là của cán bộ, viên chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan Nhà nước địa phuơng, các Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong khi thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật. Hành vi hành chính có thể là việc thực hiện hoặc có thể là việc không thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật và không được thể hiện bằng văn bản.
Ví dụ: Hành vi hành chính là việc thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật như một người theo quy định pháp luật được giao nhiệm vụ thi hành quyết định hành chính của người có thẩm quyền về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình phụ của một gia đình do có sự lấn chiếm đất của công, nhưng khi thi hành công vụ người đó không những tháo dỡ công trình phụ mà còn có hành vi phá bỏ một phần của ngôi nhà.
Ví dụ: Hành vi hành chính là việc không thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật như một cơ quan hoặc một người theo quy định của luật pháp sau khi nhận đủ hồ sơ về việc xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở, mặc dù hồ sơ đã đầy đủ các tài liệu cần thiết thế nhưng quá thời hạn do pháp luật quy định, cơ quan đó hoặc người đó vẫn không cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho người xin phép.
c) Cần chú ý là không phải tất cả các quyết định hành chính của cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh và cũng không phải tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, viên chức của cơ quan đó, nếu có khiếu kiện đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, mà chỉ có các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc các lĩnh vực quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 11 của Pháp lệnh nếu có khiếu kiện mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Ngoài ra khoản 8 Điều 11 còn quy định cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án “khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính khác theo quy định của pháp luật”. Điều này có nghĩa là hiện nay Toà án mới chỉ được giao thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 11 của Pháp lệnh còn các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc các lĩnh vực khác, thì chỉ khi đựơc Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao mới thuộc thẩm quyền giải quyết cuả Toà án. (Toà án nhân dân tối cao sẽ có thông báo kịp thời đến các Toà án nhân dân về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án mới được giao thêm này).
2. Về khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính.
a) Điều 2 của Pháp lệnh quy định: “Trước khi khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cá nhân, cơ quan Nhà nước, tổ chức phải khiếu nại với cơ quan nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà họ cho là trái pháp luật; trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, thì họ có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó hay khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền”. Do đó khi nhận được đơn kiện, khởi kiện vụ án hành chính, Toà án cần phải xem xét kèm theo đơn kiện đã có bản sao văn bản trả lời của cơ quan Nhà nước hoặc người đã ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính về việc giải quyết khiếu nại đốí với quyết định hành chính hay hành vi hành chính mà người khởi kiện cho là trái pháp luật hay chưa? Nếu chưa có bản sao văn bản trả lời, thì Toà án trả lại đơn kiện cho người khởi kiện và giải thích cho họ biết quy định tại Điều 2 và khoản 3 Điều 31 của Pháp lệnh.
Trong trường hợp đã có bản sao văn bản trả lời của cơ quan Nhà nước hoặc người đã ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính về việc giải quyết khiếu nại và nếu thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình (thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo loại khiếu kiện hành chính), thì thông báo cho người khiếu kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Chính ohủ và tiến hành thụ lý vụ án theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 32 của Pháp lệnh.
b) Theo quy định tại Điều 5 và Điều 30 của Pháp lệnh, thì người khởi kiện phải làm đơn kiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của cơ quan hoặc người đã ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính về việc giải quyết khiếu nại. Đơn kiện phải có các nội dung chính quy định tại khoản 3 Điều 30 của Pháp lệnh. Trong trường hợp người khởi kiện chưa làm đơn theo đúng quy định này, thì Toà án cần giải thích cho họ biết và yêu cầu họ làm lại đơn kiện có các nội dung chính theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 30 của Pháp lệnh.
Toà án cần kiểm tra xem người khởi kiện, bên bị kiện cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã cung cấp đây đủ các văn bản, tài liệu quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh hay chưa. Nếu chưa, thì yêu cầu họ có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án.
c) Theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 37 của Pháp lệnh thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bên bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải gửi cho Toà án ý kiến của mình bằng văn bản về đơn kiện và các tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết các vụ án; hết thời hạn này mà không nhận được ý kiến bằng văn bản thì Toà án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Điều đó có nghĩa là, hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bên bị kiện không cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án áp dụng các quy định của Pháp lệnh để tiếp tục giải quyết vụ án. Ví dụ như áp dụng quy định tại đoạn 4 Điều 5 của Pháp lệnh để xác minh, thu thập chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết buộc bên bị kiện phải cung cấp các tài liệu thì có thể áp dụng khoản 2 Điều 33 và khoản 2 Điều 34 của Pháp lệnh ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc đương sự, tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu cụ thể nào đó. Trong thời hạn sáu mươi ngày (đối với vụ án phức tạp thì trong thời hạn không quá chín mươi ngày), kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên toà phải ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 Điều 37 của Pháp lệnh; cụ thể là: đưa vụ án ra xét xử; tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; đình chỉ việc giải quyết vụ án.
d) Trong trường hợp, Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do “nguyên đơn rút đơn kiện” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 của Pháp lệnh nếu sau đó họ khởi kiện lại, thì Toà án vẫn thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung, nếu kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của người hoặc cơ quan Nhà nước đã ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính về việc giải quyết khiếu nại đến ngày khởi kiện lại chưa quá ba mươi ngày.
3. Về thẩm quyền của Toà án:
a) Điều 12 của Pháp lệnh quy định cụ thể thẩm quyền của Toà án các cấp, đồng thời cũng quy định cụ thể những truờng hợp mà Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện và những trường hợp mà Toà án nhân dân tối cao có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh. Do đó, cần lưu ý là:
– Đối với Toà án cấp dưới, khi thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình theo thủ tục sơ thẩm, nhưng thuộc một trong các trường hợp mà Toà án cấp trên có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm (hoặc theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm) và xét thấy việc Toà án cấp trên giải quyết là cần thiết, thì chủ động yêu cầu Toà án cấp trên lấy lên để giải quyết.
– Đối với Toà án cấp trên khi thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Toà án cấp dưới, nhưng thuộc một trong các trường hợp mà mình có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm (hoặc theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm) và tự xét thấy việc lấy lên để giải quyết là cần thiết hoặc khi có yêu cầu của Toà án cấp dưới, thì mới lấy lên để giải quyết.
Cần chú ý là Toà án cấp trên chỉ có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Toà án cấp dưới, nếu vụ án đó thuộc một trong các trường hợp đã được quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh.
b) Khi xem xét thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính, cần chú ý các quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh về phân biệt thẩm quyền giữa Toà án và cấp trên trực tiếp mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trước hết cần xem xét quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó liên quan đến một người hay liên quan đến một số ngườì mà giải quyết như sau:
– Nếu quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính chỉ có liên quan đến một người, thì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh việc giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Toà án mặc dù người khởi kiện vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, vừa khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Trong trường hợp này Toà án thụ lý vụ án và giải quyết theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho cấp trên trực tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính biết và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Toà án (nếu có).
– Nếu quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính có liên quan nhiều người, căn cứ vào quy dịnh tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh, thì trong mọi trường hợp sau khi nhận được đơn kiện, Toà án cần có văn bản gửi cấp trên trực tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó, yêu cầu cho Toà án biết bằng văn bản có người nào trong số những người có liên quan khiếu nại lên cấp trên trực tiếp đó hay không. Trong tường hợp nhận được văn bản trả lời cho biết có người khiếu nại, thì Toà án trả lại đơn kiện cho người khởi kiện hoặc chuyển đơn kiện cùng các tài liệu kèm theo đơn kiện mà Toà án nhận được cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và thông báo cho người khởi kiện biết. Trong trường hợp nhận được văn bản trả lời cho biết không có người nào khiếu nại, thì Toà án thụ lý vụ án và giải quyết theo thủ tục chung. Nếu sau khi thụ lý vụ án mới phát hiện có người khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó, thì Toà án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 13; điểm e khoản 1 Điều 41 của Pháp lệnh ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ngay sau khi phát hiện việc giải quyết vụ án không thuộc thẩn quyền của mình.
4. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Khi xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạn thời“Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu kiện” quy định tại khoản 1 Điều 34 của Pháp lệnh, cần thi hành đúng quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 33 của Pháp lệnh: “nếu có đủ căn cứ pháp luật và xét thấy cần thiết chấp nhận yêu cầu, thì Toà án ra ngay quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời”, cụ thể là:
a) Cần xem xét việc ra quyết định hành chính căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào. Nếu văn bản quy phạm pháp luật là Bộ luật, Luật trong đó có quy định quyết định hành chính đó vẫn có hiệu lực thi hành, mặc dù có khiếu nại, khiếu kiện, thì trong trường hợp này không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu kiện”. Ngược lại, nếu văn bản quy phạm pháp luật là Bộ luật, Luật trong đó không quy định: “quyết định hành chính vẫn có hiệu lực thi hành, mặc dù có khiếu nại, khiếu kiện” hoặc quy định “quyết định hành chính chưa có hiệu lực thi hành, nếu có khiếu nại, khiếu kiện”, thì Toà án được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu kiện”. Riêng đối với quyết định hành chính căn cứ vào Pháp lệnh hay văn bản quy phạm pháp luật dưới Pháp lệnh, mặc dù trong Pháp lệnh hay văn bản quy phạm pháp luật dưới Pháp lệnh có quy định vẫn có hiệu lực thi hành, mặc dù có khiếu nại, khiếu kiện, thì nếu xét thấy cần thiết , Toà án được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu kiện”.
b) Khoản 1 Điều 33 của Pháp lệnh quy định đương sự có quyền làm đơn yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩm cấp tạm thời để bảo vệ lợi ích cấp thiết của đương sự, bảo đảm việc thi hành án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, nếu có lỗi trong việc gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi có đơn yêu cầu của đương sự là Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, mà phải căn cứ vào khoản 3 Điều 33 của Pháp lệnh, tức là phải trong truờng hợp có đủ căn cứ phápluật và xét thấy cần thiếtchấp nhận yêu cầu, thì Toà án mới ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
c) Đối với yêu cầu của Viện kiểm sát thì khoản 2 Điều 33 quy định: “… Toà án tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Nếu do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường”. Theo tinh thần của quy định này, thì Toà án phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; do đó, khi có yêu cầu của Viện kiểm sát, Toà án cần phải xem xét một cách đầy đủ, toàn diện và có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của mình. Trong trường hợp Toà án không chấp nhận, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án hành chính đó. Chánh án Toà án phải xem xét và trả lời trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.
5. Về sự tham gia phiên toà của đương sự và Viện kiểm sát.
a) Theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 43 của Pháp lệnh thì đối với phiên toà sơ thẩm được tiến hành với sự có mặt của các đương sự, nhưng trong trường hợp người bị kiện đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, thì Toà án vẫn có thể tiến hành xét xử, không cần phải biết lý do vắng mặt của bên bị kiện có chính đáng hay không chính đáng.
Đối với vụ án mà nội dung đã rõ ràng, có đủ chững cứ được các bên thừa nhận và không có yêu cầu tham gia phiên toà, thì Tòa án tiến hành phiên toà sơ thẩm không cần sự có mặt của đương sự và những người tham gia tố tụng khác.
Đối với vụ án thuộc trường hợp này cũng như vụ án khi xét xử sơ thẩm mặc dù có sự tham gia của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, nhưng do có kháng cáo, kháng nghị, khi xét xử phúc thẩm họ không có yêu cầu tham gia phiên toà, thì Toà án tiến hành phiên toà phúc thẩm không cần có sự có mặt của người tham gia tố tụng.
b) Theo quy định tại khoản 3 Điều 43, Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát khởi tố vụ án và trong trường hợp có đương sự là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất, tâm thần hay đối với các vụ án về khiếu kiện quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Trong trường hợp không tham gia phiên toà sơ thẩm được thì phải có ý kiến bằng văn bản. Do đó, khi có vụ án thuộc một trong các trường hợp này nếu vắng mặt Kiểm sát viên mà cũng chưa có ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát, thì Toà án cấp sơ thẩm phải hoãn phiên toà.
6. Về căn cứ pháp luật để xem xét quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng hay sai.
Khi giải quyết vụ án hành chính, căn cứ để xem xét quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng hay sai là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất quy định về lĩnh vực đó đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính mà bị khiếu kiện.
Ví dụ: Nghị định của Chính phủ quy định về thu thuế đối với một loại hoạt động nào đó với mức tối đa là 5% tổng giá trị lợi nhuận thu được. Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng chỉ hướng dẫn cụ thể hơn và cũng hướng dẫn mức tối đa là 5% tổng giá trị lợi nhuận thu được. Uỷ ban nhân dân tỉnh X căn cứ vào địa phương mình cho rằng phải thu cao hơn nên ra văn bản hướng dẫn việc thu thuế đối với loại hoạt động này ở địa phương mình với mức tối đa là 8% tổng giá trị lợi nhuận. Khi thu thuế, cán bộ có thẩm quyền chỉ căn cứ vào văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh nên ra quyết định thu thuế 7% tổng giá trị lợi nhuận. Quyết định về thu thuế này bị khiếu kiện. Trong trường hợp này Nghị định của Chính phủ có giá trị pháp lý cao nhất và căn cứ vào nghị định của Chính phủ, thì quyết định về thu thuế của cán bộ có thẩm quyền là không đúng; do đó, khi xét xử Toà án quyết định huỷ bỏ quyết định về thu thuế nói trên và yêu cầu cơ quan đã ra quyết định thu thuế phải sửa lại quyết định của mình cho đúng pháp luật.
Cần lưu ý là trong các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cấp dưới trái với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên (như trong ví dụ trên), thì đồng thời việc ra quyết định huỷ bỏ quyết địnhhành chính hay kết luận hành vi hành chính là trái pháp luật, Toà án cần kiến nghị với cơ quan đã ra văn bản quy phạm pháp luật trái với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên để cơ quan đó tự huỷ bỏ. Nếu trong một thời gian nhất định mà vẫn chưa huỷ bỏ, thì yêu cầu Viện kiểm sát áp dụng các quy định tại Chương II Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị văn bản nói trên.
Tuy nhiên, để việc ra quyết định được đúng đắn, Toà án phải xác minh tại thời điểm ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính mà bị khiếu kiện thì gồm có bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật của những cơ quan nào quy định về lĩnh vực đó đang có hiệu lực thi hành để xác định văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất.
7. Về hiệu lực thi hành của Pháp lệnh
a) Theo quy định tại điều 73 của Pháp lệnh, thì trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia không có quy định khác, thì các quy định này cũng được áp dụng đối với việc giải quyết vụ án hành chính, có đương sự là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; cụ thể là không phân biệt người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan Nhà nước, tổ chức của Việt Nam hay là cá nhân, pháp nhân nước ngoài, việc phân biệt thẩm quyền của Toà án được thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 13 của Pháp lệnh và việc giải quyết vụ án hành chính vẫn theo thủ tục chung.
b) Đối với các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trước ngày 1-7-1996 nay có khiếu kiện, nếu kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính về việc giải quyết khiếu nại cho đến ngày khởi kiện chưa quá ba mươi ngày, thì Toà án vẫn thụ lý giải quyết theo quy định của Pháp lệnh. Ví dụ một người bị sử phạt vi phạm hành chính ngày 1-6-1996 và không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó, nên đã khiếu nại với người đã ra quyết định xử phạt. Ngày 20-6-1996 họ nhận được văn bản trả lời của người đã ra quyết định xử phạt và họ vẫn không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại, nên ngày 9-7-1996 họ khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, thì trong trường hợp này Toà án thụ lý giải quyết theo theo thủ tục chung, bởi vì kể từ ngày nhận được văn bản trả lời đến ngày khởi kiện mới 20 ngày.
Trong trường hợp quá ba mươi ngày thì Toà án trả lại đơn kiện và giải thích cho họ biết họ có quyền khiếu nại theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân. Ví dụ một người bị xử phạt vi phạm hành chính ngày1-5-1996 và không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó, nên đã khiếu nại với người ra quyết định xử phạt. Ngày 1-6-1996 họ nhận được văn bản trả lời của người ra quyết định xử phạt và họ vẫn không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại nên ngày 5-7-1996 họ khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, thì trong trường hợp này Toà án trả lại đơn kiện, bởi vì kể từ ngày nhận được văn bản trả lời đến ngày khởi kiện đã quá 30 ngày. Đồng thời Toà án giải thích cho họ biết quyền khiếu nại theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân.
c) Đối với các khiếu kiện về buộc thôi việc cán bộ, viên chức Nhà nước trước ngày 1-7-1996 theo quy định của pháp luật được coi là vụ án lao động và được giải quyết theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, nếu đã được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thì Toà án tiếp tục giải quyết theo quy định của Pháp lệnh này, không đặt vấn đề chuyển sang giải quyết theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Đối với các vụ án loại này đã được giải quyết xong và đúng với các quy định của pháp luật trước ngày 1-7-1996, thì không đặt vấn đề căn cứ theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp trái với các quy định của Pháp luật trước ngày 1-7-1996 cho nên bị kháng nghị, xét xử theo thủ tục giám đốc thảm hoặc tái thẩm và bị huỷ để giải quyết lại từ giai đoạn sơ thẩm, thì vụ án được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các Toà án nhân dân các cấp báo về Toà án nhân dân tối cao, để có hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Reviews
There are no reviews yet.