CHÍNH PHỦ
Số: 797/CP-CN V/v: các dự án điện khởi công năm 2003 – 2004 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2003 |
Kính gửi: |
– Các Bộ: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, – Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Trị, Nghệ An, ĐăkLăk, |
Xét đề nghị của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (công văn số 2371/CV-EVN-KH ngày 9/6/2003) về cơ chế thực hiện các dự án điện khởi công năm 2003 – 2004; ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các Tổng công ty dự họp ngày 10 tháng 6 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Điện năng có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Do đó việc phát điện phải đi trước một bước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện V (Quyết định số 95/2001/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2001); Quy hoạch phát triển điện V hiệu chỉnh (Quyết định số 40/2003/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2003) nhằm mục tiêu đáp ứng đủ nguồn điện cho phát triển inh tế- xã hôi của đất nước; phát huy các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực trong nước để xây dựng các dự án nguồn điện; các doanh nghiệp trong nước thông qua việc xây dựng sẽ nâng cao khả năng tư vấn, xây lắp và chế tạo.
2. Một số cơ chế áp dụng cho các dự án thuỷ điện: Pleikrông, A Vương, Quảng Trị, Bản Lả, Buôn Kướp dự kiến khởi công trong năm 2003 – 2004 như sau:
a. Đồng ý hình thức Tổng thầu xây lắp do các tổ hợp hình thành từ các Tổng công ty xây dựng, lắp máy, chế tạo cơ khí trong nước có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các dự án này theo đề nghị của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tại công văn nêu trên. Tổ hợp có một nhà thầu chính, đứng đầu tổ hợp để đàm phán ký hợp đồng với chủ đầu tư. Do không phải đấu thầu nên giá trị hợp đồng phải thấp hơn từ 3 – 5% phàn dự toán xây lắp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b. Đối với thiết bị công nghệ của các dự án: Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm xác định và tổ chức chỉ đạo phần chế tạo trong nước. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện đấu thầu quốc tế rộng rãi để nhập khẩu các thiết bị công nghệ của nước ngoài mà trong nước chưa sản xuất được.
c. Phương án thu xếp vốn đầu tư: Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện theo khoản 4, Điều 1 Quyết định số 40/2003/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện V hiệu chỉnh.
d. Cho phép Hội đồng quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam căn cứ Quy chế đấu thầu hiện hành để chỉ định tư vấn trong nước có năng lực và kinh nghiệm làm tư vấn thiết kế chính. Những vấn đề thực sự cần thiết, cho phép thuê tư vấn nước ngoài làm tư vấn phụ theo hợp đồng.
đ. Cho phép Tổng thầu xây lắp căn cứ Quy chế đấu thầu hiện hành chỉ định tư vấn trong nước có năng lực và kinh nghiệm làm tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công. Những vấn đề thực sự cần thiết, cho phép thuê tư vấn nước ngoài làm tư vấn phụ theo hợp đồng.
e. Cho phép triển khai thi công trước các hạng mục công trình thuộc giai đoạn chuẩn bị xây dựng như: đường vào công trường, điện nước, thông tin liên lạc, nhà ở và nhà làm việc của ban A, giải phóng mặt bằng, tái định cư, rà phá bom mìn.
Giao Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chỉ định thầu tư vấn thiết kế; phê duyệt thiết kế – dự toán; chỉ định các nhà thầu có năng lực trong nước thi công các hạng mục công trinh nêu trên đảm bảo chất lượng, tiến bộ và phù hợp với báo cáo nghiên khả thi được duyệt.
f. Cho phép Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện phân cấp đầu tư theo công văn số 26/CP-CN ngày 10 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
– Giao Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức rút kinh nghiệm việc phân cấp đầu tư nêu trên, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm 2004.
g. Cho phép Tổng Công ty Điện lực Việt Nam triển khai thiết kế kỹ thuật các dự án nêu trên làm 2 giai đoạn và chỉ được khởi công công trình chính sau khi Bộ Công nghiệp phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1.
3. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan:
a. Bộ Công nghiệp:
– Hoàn chỉnh Đề án Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 để báo cáo Bộ Chính trị trong quý III năm 2003.
– Chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư không thuộc EVN khẩn trương triển khai nhiệm vụ theo các Quyết định của Chính phủ số: 95/2001/QĐ-TTG ngày 22 tháng 6 năm 2001 và số 40/2003/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2003 về Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 có xét triển vọng đến năm 2020.
– Phê duyệt thiết kế kỹ thuật- tổng dự toán các dự án theo quy định.
– Thực hiện công tác kiểm tra và xử lý kịp thời các vướng mắc để bảo đảm tiến độ xây dựng các công trình, trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b. Bộ Xây dựng:
– Có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hình thức Tổng thầu xây lắp để các Tổng công ty Nhà nước tham gia thực hiện các dự án nguồn điện khi được cấp có thẩm quyền chỉ định có căn cứ thực hiện, xem xét sửa đổi bổ sung các định mức, đơn giá xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
– Chủ trì phối hợp với Bộ Công nghiệp, rút kinh nghiệm với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam hình thức Tổng thầu EPC từ các dự án thuỷ điện Sê San 3, Tuyên Quang, nhiệt điện Uông Bí mở rộng để áp dụng cho các dự án nguồn điện dự kiến khởi công từ năm 2005.
c. Bộ Tài chính xét cấp bảo lãnh cho từng dự án theo đề nghị của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam để vay vốn nước ngoài nhập khẩu thiết bị công nghệ cho dự án.
d. Các ngân hàng thương mại được phép cho tổng Công ty Điện lực Việt Nam vay mượn vượt 15% vốn tự có của từng ngân hàng để thực hiện các dự án điện nêu trên.
đ. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tư vấn thuộc Tổng Công ty có biện pháp nâng cao năng lực tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
e. Các Tổng Công ty xây dựng, lắp máy, chế tạo cơ khí có biện pháp nâng cao năng lực tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn quản lý dự án và năng lực xây lắp, chế tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
f. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Tổng thầu xây lắp các dự án thuỷ điện nêu trên hàng quý báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Thủ tướng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh liên quan; Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và các Tổng Công ty liên quan có trách nhiệm thực hiện và phối hợp thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên./.
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Reviews
There are no reviews yet.