NGHỊ ĐỊNH
SỐ 30-CP NGÀY 29 THÁNG 1 NĂM 1980 VỀ QUY CHẾ CHO
TÀU THUYỀN NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG TRÊN CÁC VÙNG BIỂN CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ do Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1960;
Căn cứ tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;
Để bảo vệ và thực hiện chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH
CHƯƠNG I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1 – Tàu thuyền nước ngoài nói trong nghị định này bao gồm các tàu thuyền quân sự, không quân sự và mọi phương tiện di chuyển đường thuỷ, không thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, tập thể hoặc công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2 – Mọi tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam (bao gồm việc vào, ra, qua lại, trú đậu, và làm các công việc khác) đều phải tôn trọng chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với từng vùng biển, phải chấp hành đầy đủ những quy định của nghị định này và những luật lệ, chế độ, quy định khác có liên quan của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam ban hành.
Tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Việt Nam phải chịu sự giám sát và sự kiểm soát của các lực lượng Việt Nam có thẩm quyền nhằm bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghị định này và những luật lệ, chếđộ, quy định khác có liên quan của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3 – Tàu thuyền nước ngoài khi muốn đi vào vùng biển Việt Nam phải theo các thủ tục sau đây:
a. Tàu thuyền không quân sự dùng vào mục đích vận tải và buôn bán muốn vào nội thuỷ hoặc các cảng của Việt Nam phải xin phép Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ít nhất bảy ngày trước, và sau khi được phép vào, phải thông báo cho Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hai mươi bốn giờ trước khi bắt đầu đi vào lãnh hải Việt Nam.
b. Tàu thuyền không quân sự không dùng vào mục đích vận tải và buôn bán muốn vào nội thuỷ hoặc các cảng của Việt Nam phải xin phép Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua đường ngoại giao ít nhất mười lăm ngày trước, và sau khi được phép vào, phải thông báo cho Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bốn mươi tám giờ trước khi bắt đầu đi vào lãnh hải Việt Nam.
c. Tàu thuyền quân sự (bao gồm cả tàu chiến và tàu bổ trợ) muốn vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam phải xin phép Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (qua đường ngoại giao) ít nhất ba mươi ngày trước, và sau khi được phép vào, phải thông báo cho các nhà đương cục quân sự Việt Nam (qua Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) bốn mươi tám giờ trước khi bắt đầu đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.
Điều 4 – Tàu thuyền nước ngoài đến nước ta theo lời mời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sẽ theo quy chế riêng, không thuộc phạm vi nghị định này.
Điều 5 – Tàu thuyền quân sự của cùng một nước được phép vào lãnh hải hoặc nội thuỷ Việt Nam không được trú đậu quá ba chiếc trong cùng một thời gian và thời gian trú đậu của mỗi tàu không được quá một tuần, trừ trường hợp được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.
Điều 6 – Tàu thuyền nước ngoài trong những trường hợp khẩn cấp không thể khắc phục được như gặp thiên tai, tai nạn uy hiếp đến an toàn của tàu thuyền và sinh mạng của những người đi trên tàu thuyền … bắt buộc phải dừng lại hoặc thả neo trong lãnh hải Việt Nam , thì phải tìm mọi cách liên lạc nhanh chóng và báo cáo lập tức với cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ở nơi gần nhất; phải chịu mọi sự kiểm soát của các nhà chức trách Việt Nam để làm rõ tính chân thực của lý do nêu ra, và phải tuân theo mọi hướng dẫn của các nhà chức trách Việt Nam.
Điều 7 – Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành riêng cho mình quyền cứu hộ các các tàu thuyền nước ngoài bị lâm nạn ở trong nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.
CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ CHO CÁC TÀU THUYỀN NƯỚC NGOÀI KHI HOẠT ĐỘNG TRÊN CÁC VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 8 – Tàu thuyền nước ngoài khi ở trong nội thuỷ Việt Nam, ngoài sắc cờ của nước mà tàu mang quốc tịch, phải treo quốc kỳ Việt Nam ở đỉnh cột tàu cao nhất phía trước; phải chấp hành đầy đủ các quy định về đèn tín hiệu phù hợp với các loại tàu và hoạt động của tàu, do các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ban hành và phù hợp với các quy định chung của luật quốc tế về giao thông trên biển.
Điều 9 – Trong nội thuỷ và lãnh hải Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài phải đi nhanh chóng, liên tục, theo đúng tuyến đường và đúng các hành lang quy định, không được vào các khu vực cấm.
Điều 10 – Tàu ngầm nước ngoài (bao gồm tàu ngầm quân sự và dân sự) khi được phép vào vùng tiếp giáp lãnh hải, lãnh hải và nội thuỷ Việt Nam, và khi đậu trong các cảng Việt Nam, nhất thiết phải ở tư thế nổi, phải treo cờ của nước mà tàu đó mang quốc tịch. Tàu ngầm nước ngoài cũng phải chấp hành đầy đủ các quy định cho các loại tàu nổi nước ngoài đi trong vùng tiếp giáp lãnh hải, lãnh hải và nội thuỷ Việt Nam và khi trú đậu trong các cảng Việt Nam.
Điều 11 – Tàu thuyền nước ngoài không được tiến hành mọi hoạt động điều tra thăm dò hoặc nghiên cứu các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam, nhằm mục đích kinh tế hoặc mục đích khoa học, trừ trường hợp được phép của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 12 – Tàu thuyền nước ngoài tuyệt đối không được tiến hành các hoạt động đánh bắt, khai thác, mua bán dưới mọi hình thức bất cứ loại sản vật gì trong lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam, trừ trường hợp được phép của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khi đi lại trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam, tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải thu cất lưới và các dụng cụ đánh bắt khác trong khoang, phải đưa về trạng thái bảo quản tất cả các loại máy thăm dò, phát hiện, dụ dẫn cá, v.v…
Điều 13 – Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Việt Nam (trừ tàu thuyền nước ngoài theo quy chế riêng nói trong điều 4 trên đây) không được làm những việc sau đây:
a. Diễn tập quân sự, dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực uy hiếp an ninh, làm rối trật tự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ở vùng tiếp giáp lãnh hải, lãnh hải, nội thuỷ Việt Nam;
b. Tiến hành những công việc có hại cho việc phòng thủ, cho hoà bình, an ninh, trật tự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tuyên truyền chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c. Gây nhiễu đối với mọi hệ thống thông tin liên lạc, mọi loại máy, thiết bị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
d. Sử dụng các loại máy ra-đa, máy phát sóng siêu âm, máy quan trắc, máy đo đạc, các khí tài lặn và các loại máy khác, để đo đạc, khảo sát, thăm dò tình hình địa lý, khí tượng thuỷ văn, chất đáy, độ sâu hoặc bất kể mục tiêu thăm dò nào khác trong nội thuỷ và lãnh hải Việt Nam;
e. Quay phim, chụp ảnh, sử dụng các khí tài điện tử, âm học, quang học, thu thanh, truyền hình và các phương tiện, trang bị kỹ thuật khác nhằm thu thập tình báo, ghi chép số liệu, tài liệu có liên quan đến an ninh, quốc phòng, kinh tế của Việt Nam, khi ở trong nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam, quay phim, chụp ảnh, vẽ hoặc ghi chép lên những thiết bị, hàng hoá ở cảng, những thiết bị quân sự, những cơ sở kinh tế, cơ sở nghiên cứu khoa học trên đường dẫn tới cảng hoặc trong cảng;
g. Phóng lên, hạ cánh hoặc đưa lên tàu thuyền mọi loại phương tiện bay; đưa ra khỏi tàu thuyền, dỡ xuống hoặc bốc lên tàu thuyền mọi loại phương tiện quân sự trong nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam mà không được phép trước của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
h. Xả khói mù, bắn các loại súng, phóng các tín hiệu, và dùng các vật liệu nổ trong nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam vào bất cứ mục đích gì, trừ trường hợp bắn đạn tín hiệu khi cấp cứu và bắn súng chào nếu là tàu thuyền quân sự đã được phép vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
i. Dỡ xuống, bốc lên tàu thuyền và mua bán, đổi chác mọi sản phẩm, hàng hoá, tiền bạc, kim loại quý, đá quý, v.v… trái với những quy định trong luật lệ tài chính, hải quan, kiểm dịch … của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
k. Đưa người ra khỏi tàu thuyền hoặc đưa người xuống tàu thuyền mà không theo đúng luật lệ xuất nhập cảnh của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chứa chấp, đồng loã, bao che hoặc tiếp tay cho những người vi phạm luật pháp của Việt Nam trong nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.
Trong trường hợp khẩn cấp cần đưa lên tàu, thuyền những người bị nạn gặp trong vùng nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam, phải thông báo ngay cho nhà chức trách Việt Nam biết để xử lý.
l. Gây cản trở cho các hoạt động giao thông hàng hải, cho các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản và khai thác các nguồn lợi biển của Nhà nước, tập thể hoặc công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên các vùng biển Việt Nam;
m. Sử dụng tín hiệu báo tai nạn không đúng sự thật, để tuỳ tiện đứng lại, neo đậu trong lãnh hải hoặc nội thuỷ Việt Nam;
n. Cập mạn và tiếp xúc với tàu thuyền khác; đưa người và hàng hoá lên, xuống tàu thuyền không đúng nơi đã quy định trong phạm vi lãnh hải, nội thuỷ và các cảng Việt Nam. Những ca nô, xuồng máy và các phương tiện đi lại khác của tàu thuyền thả xuống để làm nhiệm vụ liên lạc chỉ được phép đi lại trong phạm vi những khu vực do nhà chức trách địa phương quy định.
Điều 14 – Tàu thuyền nước ngoài có trang bị vũ khí cố định và vũ khí lưu động ở trên tàu, trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải, lãnh hải và nội thuỷ Việt Nam, phải đưa toàn bộ các vũ khí đó về tư thế bảo quản, cụ thể là:
– Đạn phải tháo khỏi nòng súng, cất vào hòm đạn có khoá;
– Nòng súng, khoá súng phải bôi đầy mỡ và cất trong bao hoặc phủ vải bạt.
Điều 15 – Tàu thuyền nước ngoài khi ở trong nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phải niêm phong tất cả các loại máy, khí tài thông tin liên lạc, quan sát kỹ thuật điện tử … Mọi việc liên lạc với bất cứ nơi nào, kể cả liên lạc về nước mà tàu thuyền mang quốc tịch, đều phải qua trung tâm liên lạc của cảng Việt Nam mà tàu thuyền trú đậu. Các hoạt động liên lạc bằng vô tuyến điện, ký hiệp truyền tin, cờ tay, v.v. .. với bất cứ đối tượng nào, đều coi là hành động vi phạm chủ quyền, an ninh của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 16 – Khi đi qua lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam, các tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử và các tàu chuyên chở các chất phóng xạ hoặc mang theo các khí tài có dùng chất phóng xạ, chuyên chở hoặc sử dụng các chất nguy hiểm hay độc hại khác, phải sẵn sàng cung cấp cho các nhà chức trách Việt Nam các tài liệu kỹ thuật cần thiết và phải áp dụng các biện pháp chuyên môn phòng ngừa nguy hiểm và độc hại theo đúng các quy định về phòng ngừa độc hại và bảo vệ môi trường và theo đúng các hiệp định quốc tế.
Điều 17 – Tàu thuyền nước ngoài không được vứt các chất thải và các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường sống ở các vùng biển và đất liền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phải áp dụng đầy đủ các biện pháp để chống và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường sống, gây hại trước mắt hoặc lâu dài cho người và sinh vật.
Trường hợp có nguy cơ xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp xử lý để ngăn chặn hậu quả, cứu tính mạng những người trên các tàu thuyền hoặc bảo vệ con người và sinh vật trong khu vực bị đe doạ. Tàu thuyền gây ô nhiễm sẽ chịu trách nhiệm và phải đền bù mọi thiệt hại trước mắt và lâu dài do việc ô nhiễm gây ra theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 18 – Tàu thuyền nước ngoài khi đi vào hoặc khi rời các cảng Việt Nam, bắt buộc phải dùng hoa tiêu Việt Nam dẫn đường theo thể lệ hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phải chấp hành đầy đủ nội quy của cảng mà mình đang trú đậu.
Điều 19 – Ngoài các tàu dịch vụ đã được phép, tàu thuyền nước ngoài không được ra vào vùng an toàn rộng 500 mét (tính từ điểm ngoài cùng) của các công trình, thiết bị, đảo nhân tạo, v.v… dùng để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà Việt Nam đặt hoặc cho phép đặt ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Những tàu thuyền đi ngang bên ngoài vùng an toàn này cũng phải tuân thủ những quy tắc bảo đảm an toàn hàng hải để không làm tổn hại đến an toàn của các công trình đó.
Điều 20 – Ngoài các quy định trong nghị định này, tàu thuyền nước ngoài phải tuân thủ đầy đủ các luật lệ hiện hành khác quy định cho các vùng biển, các cảng và phần đất trên bờ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
CHƯƠNG III
KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ
Điều 21 – Việc kiểm soát trên biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được giao cho các lực lượng sau đây:
a. Hải quân nhân dân và các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo;
b. Bộ đội biên phòng Việt Nam;
c. Cảnh sát nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tuần tra trên biển;
d. Các lực lượng nửa vũ trang trên các tàu thuyền vận tải và tàu thuyền đánh cá của Việt Nam được trao trách nhiệm kiểm soát theo từng yêu cầu công tác và có mang dấu hiệu rõ ràng;
e. Các lực lượng kiểm soát chuyên môn của các ngành hải quan, y tế, kiểm dịch của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm nhiệm vụ kiểm soát từng mặt công tác của ngành mình.
Mỗi lực lượng kiểm soát trên biển của Việt Nam hoạt động trong phạm vi thẩm quyền và lĩnh vực chuyên trách của mình đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kiểm soát khác để tiến hành các biện pháp kiểm soát, giám sát cần thiết.
Trong khi làm nhiệm vụ, tàu thuyền của các lực lượng kiểm soát trên biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải mang quốc kỳ Việt Nam cùng với cờ hiệu ngành chuyên môn của mình. Các nhân viên phải mang huy hiệu, phù hiệu theo quy định. Nhân viên các lực lượng kiểm soát không chính quy phải có giấy uỷ nhiệm của nhà chức trách có thẩm quyền và phải mang dấu hiệu rõ ràng.
Điều 22 – Các lực lượng kiểm soát trên biển của Việt Nam có nhiệm vụ:
a. Bảo vệ chủ quyền và các quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên các vùng biển, chống lại mọi âm mưu và hành động xâm phạm dưới mọi hình thức các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;
b. Giám sát, kiểm soát các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam, trong việc chấp hành nghị định này và các luật lệ, quy định hiện hành về hải quan, y tế, tài chính, xuất cảnh, nhập cảnh, di cư, nhập cư, v.v… của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c. Giúp đỡ các cơ quan khác có nhiệm vụ quản lý trên biển thực hiện tốt chức năng kiểm soát đã được Nhà nước giao phó.
Điều 23 – Để thực hiện nhiệm vụ quy định trong điều 22 của nghị định này, các lực lượng kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền:
a. Ra lệnh cho tàu thuyền nước ngoài kéo quốc kỳ của Việt Nam hoặc của nước mà tàu mang quốc tịch và trả lời những câu hỏi cần thiết để xác minh quốc tịch của tàu thuyền đó, lý do và tính hợp pháp của các tàu thuyền đó hoạt động trong nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam hoặc trả lời về những dấu hiệu khả nghi xâm phạm đến các quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam;
b. Ra lệnh cho các tàu thuyền nước ngoài phải dừng lại để kiểm tra, khám xét khi có dấu hiệu khả nghi xâm phạm đến chủ quyền và các quyền khác của Việt Nam trong các vùng biển Việt Nam.
Nếu cần thiết có thể cảnh cáo hoặc ra lệnh buộc các tàu thuyền nước ngoài đó phải thay đổi hướng đi, hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam;
c. Lập biên bản, bắt giữ tàu thuyền và người phạm pháp, thu thập mọi tang chứng của các vụ vi phạm và dẫn giải tàu thuyền đó về các cảng hoặc bến đậu để giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý;
d. Khi cần thiết, dùng biện pháp quân sự đối với những tàu thuyền phạm pháp không chịu tuân theo mệnh lệnh, hoặc có ý định chống lại mệnh lệnh bằng vũ lực; áp dụng quyền truy đuổi những tàu phạm pháp bỏ chạy.
Điều 24 – Tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của nghị định này hoặc các quy định được đặt ra để thực hiện nghị định này sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam xử phạt bằng các hình thức sau đây:
a. Cảnh cáo;
b. Thu hồi giấy phép, trục xuất tàu thuyền và thuyền viên ra khỏi các vùng biển và lãnh thổ Việt Nam;
c. Phạt một số tiền có thể lên đến 10000 đồng Việt Nam (tính bằng một ngoại tệ thông dụng theo tỷ giá hối đoái hiện hành ).
Nếu tái phạm hoặc nếu những vi phạm nói trên gây thiệt hại đáng kể hoặc gây ra những hậu quả trầm trọng khác, thì những kẻ phạm tội sẽ bị truy tố trước toà án Việt Nam và xét xử theo luật pháp hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 25 – Các vụ vi phạm của tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam sẽ do các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xử lý.
Quyền hạn xử lý này bao gồm việc tạm giữ tàu thuyền phạm pháp, các tang vật, người bị can để điều tra và xử lý theo các hình thức của điều 24 nói trên hoặc lập hồ sơ truy tố trước toà án tuỳ theo mức độ của hành vi phạm pháp.
Điều 26 – Các đồng chí Bộ trưởng các Bộ Giao thông vận tải, Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại thương, Ngoại giao phối hợp với các Bộ có liên quan và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
Reviews
There are no reviews yet.