CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 42-TTG NGÀY 31 THÁNG 1 NĂM 1980 VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC
XUẤT KHẨU TẠI CHỖ
Công tác xuấtkhẩu tại chỗ bao gồm việc cung ứng vật tư, hàng hoá, thực phẩm, bán hàng lưu niệm, làm công tác dịch vụ,… đối với các tàu biển, mày bay của nước ngoài và khác nước ngoài, góp phần đáng kể vào nguồn thu ngoại tệ của Nhà nước. Trong năm 1979, ta bắt đầu kinh doanh thêm hàng tiêu dùng cao cấp nhập khẩu, bán lẻ tại các cửa hàng đặc biệt ở Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và đã thu được một số ngoại tệ. Nhưng nhìn chung công tác xuất khẩu tại chỗ còn có nhược điểm: hàng sản xuất trong nước còn ít; phương thức bán hàng tiêu dùng nhập khẩu chưa chặt chẽ, một số phần tử xấu đã lợi dụng sở hở của ta để đầu cơ, buôn lậu, làm cho việc quản lý thị trường, quản lý trật tự an ninh thêm phức tạp.
Cần chấn chỉnh và tăng cường công tác xuất khẩu tại chỗ theo phương hướng sau đây:
1. Từng bước mở rộng diện bán các mặt hàng sản xuất trong nước tại các cửa hàng bán lẻ thu ngoại tệ.
2. Tăng cường quản lý việc bán các mặt hàng nhập khẩu nhằm ngăn chặn việc buôn bán ngoại tệ trái phép và việc mua đi bán lại các mặt hàng này.
Để đẩy mạnh việc xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng sản xuất ở trong nước, Bộ Ngoại thương bàn với các ngành và các địa phương để chỉ đạo các cơ sở sản xuất, tạo ra những mặt hàng mới có chất lượng tốt, đẹp, hợp với thị hiếu và hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Hàng sản xuất trong nước đem bán tại các cửa hàng xuất khẩu tại chỗ, được tính vào kế hoạch xuất khẩu hàng năm của đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất, các hoạ sĩ, nghệ nhân làm những mặt hàng độc đáo để xuất khẩu ngoài kế hoạch; điều chỉnh tỷ lệ hoa hồng dành cho các cửa hàng thu ngoại tệ, trên nguyên tắc bán hàng sản xuất trong nước được hưởng tỷ lệ hoa hồng cao hơn tỷ lệ bán hàng nhập khẩu.
Cần tăng cường chỉ đạo và quản lý chặt chẽ việc nhập hàng và quy định giá bán hàng cho hợp lý.
Về hoạch toán, cần sửa đổi cách ghi chép nhằm phân định rõ việc tiêu thụ hai loại hàng xuất khẩu tại chỗ: hàng sản xuất trong nước và hàng tái xuất (hàng nhập khẩu).
Để tăng cường quản lý công tác xuất khẩu tại chỗ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tổ chức thực hiện những biện pháp sau đây:
1. Tăng cường kiểm soát việc lưu hành ngoại tệ nhằm bảo đảm chính sách của Nhà nước độc quyền về ngoại hối, nhưng vẫn thu hút được ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ số ngoại tệ mà người nước ngoài hoặc Việt kiều đưa vào nước ta; phối hợp với các cơ quan an ninh có biện pháp ngăn chặn việc buôn bán và đổi chác ngoại tệ trái phép. Đối với những người được mua hàng và thanh toán các dịch vụ bằng ngoại tệ, cần nghiên cứu việc phát hành mua hàng và thanh toán các dịch vụ bằng ngoại tệ, cần nghiên cứu việc phát hành séc hoặc phiếu có giá trị ngoại tệ để vừa quản lý được các tổ chức kinh tế trong nước, vừa ngăn chặn việc lưu hành ngoại tệ giả,việc mua bán và sử dụng ngoại tệ trái với chế độ quản lý của Nhà nước.
Những người được mua hàng và thanh toán các dịch vụ bằng ngoại tệ gồm có:
– Khách nước ngoài (các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế thường trú tại nước ta, các đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm Việt Nam, những khách du lịch hoặc quá cảnh Việt Nam);
– Việt Kiều về nước thăm gia đình.
Ngoài hai đối tượng kể trên, cán bộ và nhân viên Việt Nam ra nước ngoài công tác, nếu không sử dụng hết số ngoại tệ của Nhà nước cấp theo chế độ, thì khi trở về nước, sau khi đã thanh toán với Bộ Tài chính, cũng được phép sử dụng số ngoại tệ còn lại (đã đăng ký với ngân hàng khi về nước) để mua hàng tại các cửa hàng thu ngoại tệ.
2. Chấn chỉnh phương thức kinh doanh và các tổ chức kinh doanh thu ngoại tệ, nhằm ngăn chặn việc mua đi bán lại các loại hàng do cửa hàng này bán ra, nhất là hàng khan hiếm trên thị trường, hàng do Nhà nước quản lý. Cần áp dụng biện pháp định lượng bán ra cho từng đối tượng mua để tiêu thụ trong nội địa Việt Nam; giá bán không nên quá cao so với giá bán lẻ ở thị trường của các nước gần Việt Nam.
Về những tổ chức được phép bán hàng và cung ứng dịch vụ thu ngoại tệ, nay quy định như sau:
a. Tổng cục Dầu khí: Tổ chức bán hàng và cung ứng dịch vụ cho các chuyên gia dầu khí nước ngoài tại khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo.
b. Tổng cục Hàng không dân dụng: tổ chức bán hàng tại các sân bay quốc tế cho khách đi máy bay và cung ứng dịch vụ cho các hãng hàng không quốc tế (kể cả bán thực phẩm và khẩu phần ăn cho khách đi máy bay).
c. Công ty Cung ứng tàu biển ở các cảng: tổ chức bán hàng và cung ứng dịch vụ cho các tàu biển và thuyền viên nước ngoài.
d. Công ty Liên hiệp xuất khẩu ở những địa phương có nhiều người nước ngoài (thường trú, quá cảnh và du lịch): tổ chức bán hàng và cung ứng dịch vụ cho các đối tượng kể trên.
e. Các khách sạn du lịch quốc tế: tổ chức bán thực phẩm, hàng lưu niệm và những hàng hoá cần thiết khác cho khách nước ngoài tại khách sạn.
Công ty xuất khẩu và chuyển khẩu (Bộ Ngoại thương) chỉ làm nhiệm vụ cung ứng hàng nhập khẩu cho các tổ chức kể trên theo phương thức bán buôn, không tổ chức cửa hàng tại các thành phố cũng như không trực tiếp bán cho các cơ quan đại diện của nước ngoài.
Các cơ sở sản xuất tại các địa phương không có cửa hàng thu ngoại tệ, có thể bán hoặc gửi bán sản phẩm cho cửa hàng thu ngoại tệ ở nơi khác, nhưng với điều kiện là phải hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu do Nhà nước giao và thực hiện đầy đủ các hợp đồng về giao hàng xuất khẩu ký với các tổ chức chuyên doanh ngoại thương.
Các nghệ nhân, hoạ sĩ làm những mặt hàng độc đáo, có thể gửi tác phẩm của mình đến các cửa hàng thu ngoại tệ để bán. Trong trường hợp bán cho cửa hàng, thì giá do hai bên thoả thuận. Trong trường hợp gửi bán, thì giá do người gửi bán xác định; sau khi bán được, cửa hàng sẽ trả lại người chủ tác phẩm số tiền thu được bằng ngoại tệ quy ra tiền Việt Nam theo tỷ giá khuyến khích, sau khi trừ một tỷ lệ về chi phí và hoa hồng dành cho cửa hàng (do Bộ Ngoại thương quy định).
Để khuyến khích các địa phương tích cực tham gia công tác xuất khẩu tại chỗ, trong trường hợp gửi bán hàng (không kể là cơ sở quốc doanh, tập thể, cá thể), địa phương có cơ sở hoặc cá nhân gửi bán, được hưởng một tỷ lệ về ngoại tệ thu được theo chế độ chung của Nhà nước.
Bộ Ngoại thương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này và hướng dẫn quản lý, chỉ đạo công tác xuất khẩu tại chỗ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Reviews
There are no reviews yet.