CHỈ THỊ
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 151 – TTG NGÀY 6 THÁNG 5 NĂM 1980 VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VÀ CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC LIÊN HIỆP SẢN XUẤT
Ngày 1 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 302-CP (In trong Công báo 1978 – số 22 – trang 294 và 301) ban hành Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh và Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 548- TTg ngày 1 tháng 12 năm 1978(1) về việctổ chức Liên hiệp sản xuất trong các ngành kinh tế quốc dân.
Đến nay, ở một số ngành đã thành lập Liên hiệp các xí nghiệp, bước đầu hoạt động có kết quả. Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn bị hạn chế, một mặt do các ngành, các cấp chưa nghiên cứu, quán triệt các văn bản đã ban hành, mặt khác, do các chế độ quản lý các mặt đi theo Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh chậm được quy định cụ thể, làm cho việc thi hành Điều lệ chưa được thống nhất và đồng bộ.
Để triển khai việc thi hành Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp (sau đây gọi tắt là liên hiệp) và Chỉ thị số 548-TTg trong thời gian tới theo đúng tinh thần và nội dung các văn bản đã ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ những công việc sau đây.
1. Bản Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp áp dụng cho tất cả các ngành kinh tế kỹ thuật đã hình thành rõ rệt và đang đòi hỏi phải tổ chức liên hiệp toàn ngành để phát triển quy mô sản xuất, trước hết là đối với các ngành sản xuất công nghiệp, có nhiều xí nghiệp Trung ương có quy mô lớn, có khối lượng sản xuất nhiều và giá trị sản lượng lớn (chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản lượng toàn ngành). Các Bộ phải tuỳ theo đặc điểm sản xuất kinh doanh, trình độ tích tụ, chuyên môn hoá của từng ngành mà xác định cơ cấu tổ chức từng liên hiệp cho thích hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần mà không nên có tư tưởng cầu toàn, và ngược lại cũng không nên có tư tưởng nóng vội, máy móc thành lập các liên hiệp một cách tràn lan trong khi chưa có yêu cầu thiết thực hoặc chưa có các điều kiện vật chất cần thiết.
2. Đối với các liên hiệp các xí nghiệp đã được thành lập, các Bộ cần hướng dẫn thực hiện Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp, xây dựng kế hoạch toàn diện và các chế độ quản lý về các mặt. Cần tập trung chỉ đạo thí điểm xây dựng một, hai liên hiệp thực hiện tốt điều lệ, để rút kinh nghiệm mở rộng việc áp dụng cho các liên hiệp khác. Đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ các liên hiệp các xí nghiệp dệt và chè là hai liên hiệp đã được thành lập từ lâu.
Các Bộ cần bố trí cán bộ cân xứng với yêu cầu lãnh đạo của các liên hiệp, bộ máy quản lý các liên hiệp phải tinh giản, có hiệu lực.
Liên hiệp các xí nghiệp nào chưa có Điều lệ riêng phải sớm xây dựng Điều lệ riêng, dựa trên Điều lệ liên hiệp mẫu đã ban hành.
Đối với những liên hiệp nào gồm những xí nghiệp chủng loại khác nhau không thuộc cùng ngành sản xuất hoặc không có mối liên hệ mật thiết với nhau trong một ngành kinh tế kỹ thuật… cần được sắp xếp điều chỉnh lại tổ chức cho thích hợp. Việc tổ chức mới hoặc điều chỉnh lại các liên hiệp trước hết nhằm vào các ngành sản xuất có tính chất công nghiệp đối với các ngành khác như vận tải, xây lắp, nông, lâm nghiệp … có thể làm sau.
3. Từ nay, trong việc nghiên cứu thành lập liên hiệp các xí nghiệp (hoặc các hình thức liên hiệp sản xuất khác), nhất thiết phải xây dựng được phương án kinh tế – kỹ thuật, tính toán và chứng minh được hiệu quả kinh tế rõ rệt cao hơn khi các xí nghiệp chưa được tổ chức vào liên hiệp.
Đối với những ngành gồm nhiều cơ sở thuộc địa phương quản lý, sau khi thành lập liên hiệp cần phải tổ chức hội đồng sản xuất ngành và các nhóm sản phẩm trong ngành để có kế hoạch thống nhất giữa công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương, đồng thời có kế hoạch giúp đỡ về kỹ thuật, vật tư, thiết bị, đào tạo cán bộ, công nhân… cho các cơ sở địa phương.
4. Sau khi thành lập liên hiệp, các xí nghiệp trong liên hiệp càng phải được củng cố và tiếp tục thi hành đúng đắn điều lệ xí nghiệp đã ban hành để tạo cơ sở vững chắc cho tổ chức liên hiệp.
Các Bộ phải nắm vững và làm tốt nhiệm vụ quản lý hành chính kinh tế, thực hiện phân cấp cho liên hiệp thực sự đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chấm dứt tình trạng các Vụ, Cục bao biện công việc quản lý sản xuất kinh doanh của Giám đốc các liên hiệp, trái với Điều lệ liên hiệp đã quy định.
5. Các Bộ quản lý tổng hợp về các lĩnh vực kế hoạch, tài chính, tín dụng, vật tư, lao động, xuất, nhập khẩu, khoa học kỹ thuật, thống kê, kế toán, hợp đồng kinh tế… có trách nhiệm cùng với các Bộ hữu quan hướng dẫn, giúp đỡ các liên hiệp thi hành các chế độ quản lý cụ thể, nghiên cứu sửa đổi bổ sung các chế độ quản lý cho phù hợp với hoạt động của các liên hiệp, theo dõi sát các liên hiệp làm thí điểm để rút kinh nghiệm cải tiến các chế độ quản lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các liên hiệp để các liên hiệp hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ ngoại thương phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế xúc tiến việc nghiên cứu và ban hành sớm các chế độ quản lý kỹ thuật, quản lý xuất, nhập khẩu của các liên hiệp. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế nghiên cứu Điều lệ tổ chức nhóm sản phẩm và Điều lệ tổ chức hội đồng sản xuất ngành để trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt.
6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố cần tổ chức nghiên cứu để quán triệt trong các cán bộ lãnh đạo và cán bộ phụ trách các ngành quản lý kinh tế của địa phương những tư tưởng và nội dung cơ bản trong Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp cũng như trong Chỉ thị số 548 – TTg về tổ chức liên hiệp sản xuất.
Kết hợp với việc xây dựng cơ cấu kinh tế cấp huyện, các tỉnh, thành phố tiếp tục việc nghiên cứu tổ chức lại sản xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố, xây dựng các đề án liên hiệp sản xuất trong tỉnh, thành phố nhằm tận dụng tốt nhất các năng lực sản xuất của địa phương. Cần vận dụng các hình thức liên hiệp sản xuất thích hợp với quy mô sản xuất của địa phương như xí nghiệp liên hợp công nghiệp, xí nghiệp liên hợp nông công nghiệp, nhóm sản phẩm (chủ yếu là hình thức xí nghiệp liên hợp) để tổ chức lại sản xuất, phân công, phân cấp quản lý sản xuất trong tỉnh, thành phố.
Các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo làm thí điểm một vài xí nghiệp liên hợp trọng yếu để rút kinh nghiệm trước khi mở rộng tổ chức lại sản xuất. Việc tổ chức lại sản xuất và liên hiệp sản xuất phải căn cứ vào yêu cầu khách quan của sản xuất, và phải phù hợp với những điều kiện cụ thể của địa phương nên cần được nghiên cứu kỹ, tránh làm tràn lan, thiếu căn cứ vững chắc, ảnh hưởng không tốt đến nhiệm vụ thực hiện kế hoạch Nhà nước và tăng cường quản lý theo Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.
Ngoài việc tổ chức lại sản xuất và liên hiệp sản xuất ở địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào quy hoạch phát triển ngành, vào việc tổ chức lại sản xuất, phân công và hợp tác sản xuất giữa các đơn vị trong ngành, phân cấp quản lý và điều chỉnh các đơn vị kinh tế giữa các Bộ, Tổng cục và địa phương.
7. Để thực hiện tốt việc tổ chức lại sản xuất và liên hiệp sản xuất, thi hành đúng đắn điều lệ liên hiệp các xí nghiệp và điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải kiện toàn bộ phận chuyên trách giúp việc chỉ đạo và phân công một Thứ trưởng, Tổng cục phó hay Phó chủ tịch phụ trách.
Ban chỉ đạo Trung ương cải tiến quản lý xí nghiệp có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tiến hành công tác này, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, phối hợp với các ngành trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chế độ quản lý có liên quan.
Ban chỉ đạo Trung ương cải tiến quản lý xí nghiệp chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế và Ban tổ chức của Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm tra các đề án của các Bộ về việc thành lập liên hiệp các xí nghiệp và các xí nghiệp liên hợp, các phương án tổ chức lại các ngành kinh tế kỹ thuật, trước khi trình ra Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định.
Các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần triển khai thực hiện Chỉ thị này vào cuối quý III năm nay, cần kiểm điểm sơ kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện.
Reviews
There are no reviews yet.