CÔNG VĂN
SỐ 2634-CN NGÀY 14 THÁNG 8 NĂM 1990 CỦA VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG TRÍCH DẪN CÁC ĐIỀU LUẬT VÀ VĂN BẢN PHÁP QUY XỬ LÝ VI PHẠM LƯU THÔNG TRÁI PHÉP QUẶNG QUÝ HIẾM, VÀNG VÀ ĐÁ QUÝ KHAI THÁC TỪ LÒNG ĐẤT
Kính gửi:
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
– Toà án nhân dân tối cao,
– Thanh tra Nhà nước,
– Các Bộ: Công nghiệp nặng, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Giao thông vận tải và Bưu điện, Thương nghiệp,
– Tổng cục Hải quan,
– Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước,
– Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Thái, Hà Tuyên, Thanh Hoá, Nghệ an, Lâm Đồng, Đồng Nai, An Giang, Hoàng Liên Sơn,
– Ngân hàng Nhà nước,
Gần đây tình hình buôn bán trái phép các loại quặng quý hiếm (quặng thiếc, Vonfram), vàng và đá quý tăng lên, đặc biệt là việc buôn lậu đá quý thuộc nhóm I (Rubi, Sapia…) trên địa bàn Hoàng Liên Sơn và Hà Nội. Tình hình đó vi phạm nghiêm trọng luật pháp, làm thiệt hại lợi ích quốc gia. Nhiều khách du lịch người nước ngoài đã lợi dụng sơ hở trong việc quản lý sản phẩm đá quý khai thác từ lòng đất, đã mua trái phép đá quý thô để mang ra khỏi nước ta. Nhiều tổ chức và cá nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, tỉnh Đồng nai… đã ra các tỉnh phía Bắc để buôn bán đá quý.
Việc dấu tranh chống buôn lậu của các cơ quan nội vụ và Hải quan có mặt tích cực đã ngăn chặn và phát hiện dược nhiều vụ buôn bán trái phép đá quý, các kim loại quý và quặng quý hiếm. Tuy nhiên một số cơ quan cũng chưa vận dụng đầy đủ những điều luật, những quy định về việc vi phạm để xử lý các vụ việc mà còn có ý kiến cho rằng Nhà nước chưa có quy định gì về việc xử lý các vi phạm trong lưu thông các mặt hàng nói trên.
Trong khi chờ Hội đồng Bộ trưởng ban hành các quy định cụ thẻ thi hành Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đã được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 28-7-1989 và ngày 30-11-1989, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng xin trích những điều luật và văn bản pháp quy xử lý vi phạm lưu thông trái phép các quặng quý hiếm, vàng và đá quý khai thác từ lòng đất để các cơ quan vận dụng xử lý các vi phạm.
1/ Liên quan đến Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 97: Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.
Điều 166: Tội buôn bán hàng cấm.
Điều 179: Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong lòng đất, trong các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
2/ Liên quan đến Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản.
Mục 2 – Điều 22: Được chuyển, nhượng, bán hoặc sử dụng sản phẩm khai thác mỏ của mình theo quy định của Nhà nước về việc lưu thông loại sản phẩm đó sau khi đã nộp thuế tài nguyên và làm các nghĩa vụ khác theo quy định của Pháp luật.
3/ Liên quan đến Pháp lệnh xử phạt hành chính.
Điều 1: Vi phạm hành chính.
Điều 5: Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 14: Phạt tiền.
Điều 16: Tịch thu vật, tiền, phương tiện vi phạm.
Điều 17: Các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền xử phạt.
Điều 22: Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 23: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Điều 27: Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Điều 39: Khen thưởng.
Điều 40: Xử lý vi phạm.
4/ Liên quan đến Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về thăm dò, khai thác, chế biến và mua bán vàng, đá quý khai thác từ lòng đất.
(Quyết định 76-HĐBT ngày 13 tháng 5 năm 1987).
Điều 1: Tài nguyên khoáng sản vàng và đá quý trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân; Nhà nước thống nhất quản lý các công tác tìm kiếm – thăm dò, khai thác, thu mua và chế biến. Mọi tổ chức và cá nhân muốn tiến hành tìm kiếm – thăm dò, khai thác, thu mua, chế biến vàng và đá quý từ lòng đất đều phải xin phép và được phép của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nói trong Quyết định này. Mọi hành vi tự tiện xâm phạm vào tài nguyên và sản phẩm cũng như đá quý lấy từ lòng đất mà không được phép đều là trái pháp luật.
5/ Liên quan đến Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng, bạc, đá quý.
(Quyết định số 139-CT ngày 24-5-1989)
Điều 5: Các đơn vị kinh tế kinh doanh vàng bạc phải thực hiện mua bán có hoá đơn, có sổ sách kế toán theo quy định của Bộ Tài chính, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách thuế, luật pháp hiện hành; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Các trường hợp vi phạm những quy định trên đây tuỳ theo mức độ nặng nhẹ đều bị phạt tiền, thu hồi giấy phép kinh doanh, tịch thu tang vật hoặc truy tố trước pháp luật.
Ngoài các điều quy định trong Bộ luật hình sự, các Pháp lệnh và Quyết định nói trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng còn ban hành 2 chỉ thị riêng biệt về đá quý và về quặng thiếc và vonfram, đó là:
– chỉ thị số 355-CT ngày 23 tháng 12 năm 1987 về công tác tìm kiếm – thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đã quý ở huyện Lục Yên, Hoàng Liên Sơn.
– Chỉ thị số 241-CT ngày 11 tháng 9 năm 1989 về việc bảo vệ tài nguyên, lập lại trật tự trong việc mua bán, chế biến, xuất khẩu quặng thiếc và vôfram.
Công việc cụ thể hoá các luật, pháp lệnh của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước còn đòi hỏi Hội đồng Bộ trưởng và các bộ, Uỷ ban Nhà nước, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương theo chức năng và phạm vi quyền hạn của mình ban hành các quy định, các Thông tư hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Với những điều luật và quy định trích dẫn ở trên các Bộ, các ngành và địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để tăng cường việc kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với những hoạt động buôn bán trái phép các quặng quý hiếm, vàng và đá quý khai thác từ lòng đất.
Đề nghị các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố quán triệt và hướng dẫn nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Nhà nước.
Reviews
There are no reviews yet.