QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 18/2009/QĐ-TTg NGÀY 03 THÁNG 02 NĂM 2009
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI VÙNG BIỂN VÀ VEN BIỂN VIỆT NAM THUỘC VỊNH THÁI LAN THỜI KỲ ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 514/TTr-BKH ngày 22 tháng 01 năm 2008, ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. PHẠM VI CỦA QUY HOẠCH
Vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan bao gồm vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Vịnh Thái Lan cùng các hải đảo nằm trên đó và phần đất liền ven biển gồm 02 thành phố: Cà Mau, Rạch Giá; 13 huyện, thị ven biển: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau), thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, U Minh Thượng, An Biên, An Minh (Kiên Giang) và 02 huyện đảo: Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), có số dân 1.935 nghìn người, chiếm 67,3% số dân của 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
– Phát triển vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan thành khu vực kinh tế năng động, góp phần thịnh vượng chung của khu vực biển và ven biển Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời kết nối với các khu vực ven biển khác trong cả nước tạo thành một Vành đai kinh tế dọc ven biển từ Móng Cái đến Hà Tiên phát triển nhanh, thúc đẩy và lôi kéo các khu vực phía trong cùng phát triển.
– Hình thành Hành lang kinh tế ven biển Vịnh Thái Lan làm trụ cột thúc đẩy sự phát triển của cả Vùng, tạo tiền đề phát triển giao thương, mở rộng quan hệ với bên ngoài một cách chủ động và có hiệu quả.
– Xây dựng đảo Phú Quốc thành khu vực phát triểnnăng động, một trung tâm kinh tếbiển lớn và hiện đại (trước mắt là Khu du lịch sinh thái biển – đảo cao cấp), một “điểm sáng” về kinh tếcủa cả nước và khu vực Đông Nam Á.
– Hình thành và phát triển một số ngành kinh tếbiển mũi nhọn gồm: khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, du lịch biển, khai thác và chế biến khí… có trình độ phát triển tương đối hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực.
– Đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp từ 1,35 – 1,4 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Đến năm 2020 nâng mức sống vật chất của nhân dân trong Vùng lên gấp 5 lần hiện nay; đóng góp khoảng 5,0 – 5,5% vào GDP; khoảng 18 – 19% vào sản lượng thủy sản và 22 – 23% vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Giảm tỷ lệ đói nghèo (theo chuẩn mới) từ 14% hiện nay xuống dưới 10% năm 2010 và dưới 3% năm 2020.
– Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trước năm 2010 và phổ cập trung học phổ thông trước năm 2020; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 25% vào năm 2010 và 55 – 60% vào năm 2020; hoàn thành chương trình đạt chuẩn quốc gia về y tế trước năm 2015.
– Đến năm 2010, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã (trừ các xã cù lao), 85 – 90% số hộ được sử dụng điện, 95% dân số được xem truyền hình, 100% dân số đô thị trong Vùng được dùng nước sạch, 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đến năm 2015 có 100% số hộ được sử dụng điện và được xem truyền hình, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ
Để đạt được các mục tiêu trên, phương hướng phát triển và tổ chức không gian kinh tế của Vùng đến năm 2020 như sau:
1. Phương hướng tổ chức không gian kinh tế
a) Xây dựng Hành lang kinh tế ven biển Vịnh Thái Lan làm xương sống thúc đẩy sự phát triển của toàn Vùng:
– Tập trung xây dựng Hành lang kinh tế ven biển Vịnh Thái Lan (từ Năm Căn – Cà Mau đến Rạch Giá – Hà Tiên), từng bước hình thành vùng động lực quan trọng ở ven biển cực Nam của Tổ quốc có tốc độ tăng trưởng cao, hội nhập mạnh với các nước trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cả Vùng, đồng thời có tác động lan tỏa mạnh đến các khu vực nội địa.
– Triển khai xây dựng tuyến trục giao thông ven biển qua 3 nước Việt Nam – Campuchia – Thái Lan (trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng sông MêKông mở rộng), kết nối với trục kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn (Việt Nam) – Singapore để mở rộng hợp tác và giao thương hàng hóa giữa các nước trong khu vực. Trục giao thông ven biển qua ba nước Việt Nam – Cămpuchia – Thái Lan, trong đó đoạn trên lãnh thổ Việt Nam dài 244 km từ cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang) đến thành phố Cà Mau cơ bản trùng với quốc lộ 80 và quốc lộ 63 sẽ được nâng cấp đạt cấp III đồng bằng; đoạn qua các đô thị đạt cấp I hoặc xây dựng đường tránh.
– Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có ưu thế như công nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ biển… Đẩy mạnh hợp tác giữa các nước quanh Vịnh Thái Lan, nhất là trong các lĩnh vực: xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, khai thác nguồn lợi biển và vận tải biển… Mở rộng hợp tác giữa Hành lang kinh tế ven biển Vịnh Thái Lan với các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế và các tổ chức hợp tác khác trong khu vực, tạo điều kiện phát triển nhanh Hành lang kinh tế ven biển này.
b)Xây dựngđảo Phú Quốc thành Khu kinh tế biển tổng hợp làTrung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước và khu vực:
– Tập trung phát triển đảo Phú Quốc thành Khu kinh tế tổng hợp (đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương), một Trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Trước mắt, khẩn trương xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch sinh thái biển – đảo cao cấp hoàn chỉnh, có tầm cỡ trong khu vực. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên đảo và trên biển. Xây dựng một số trung tâm vui chơi giải trí phức hợp cao cấp (gồm cả casino) để thu hút mạnh khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác với các nước quanh Vịnh Thái Lan mở các tuyến du lịch bằng đường hàng không, đường biển từ Phú Quốc đến các trung tâm đô thị, các khu du lịch lớn của các nước trong khu vực.
– Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ cao cấp khác gắn với du lịch, từng bước xây dựng Phú Quốc thành Trung tâm thương mại, tài chính lớn trong khu vực. Xây dựng các trung tâm thương mại hiện đại tại Dương Đông, Dương Tơ, An Thới; phát triển dịch vụ Hội nghị, Hội thảo trong nước và quốc tế…
– Phát triển sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp trên đảo theo hướng sinh thái, tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch. Duy trì quy mô khai thác hải sản trong khu vực, mở rộng khai thác ra các vùng biển khơi. Đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, nhất là các loài có giá trị kinh tế cao, đặc sản, cá cảnh… quanh các đảo vừa phục vụ trực tiếp khách du lịch vừa kết hợp tham quan, du lịch và xuất khẩu. Nhanh chóng thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Khu bảo tồn biển phục vụ du lịch.
– Phát triển các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ trang sức, đồ lưu niệm, cơ khí sửa chữa phục vụ vận tải biển và đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản… Hình thành một số cụm công nghiệp quy mô phù hợp tại Dương Tơ, An Thới với các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao phục vụ du lịch và xuất khẩu. Nâng cấp mở rộng các đô thị hiện có; đầu tư xây dựng đô thị mới Dương Tơ trở thành Trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa, du lịch… của cả Vùng.
– Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển của Đảo mà trọng tâm là du lịch, dịch vụ trình độ cao và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Xây dựng nhanh hệ thống giao thông, sân bay trên đảo và hệ thống cảng biển… Tập trung xây dựng trục đường chính xuyên đảo từ An Thới – Dương Đông – Bãi Thơm; đường vòng quanh đảo và các tuyến nhánh đến các điểm du lịch, các khu dân cư. Xây dựng các cảng du lịch tại vịnh Đất Đỏ, cảng Dương Đông, Bãi Vòng; các cảng hàng hóa An Thới, Vịnh Đầm và một số cảng hành khách khác quy mô phù hợp phục vụ việc đưa, đón khách du lịch. Triển khai xây dựng sân bay quốc tế Dương Tơ (quy mô khoảng 2 triệu hành khách/năm) để đưa vào hoạt động sau năm 2010. Xây dựng Nhà máy phát điện diezen, phát triển điện gió, điện mặt trời, xây dựng tuyến cáp ngầm đưa điện ra Đảo và hệ thống lưới điện thống nhất trên toàn Đảo… Xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác như cấp thoát nước, bưu chính viễn thông… đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên Đảo.
c) Phát triển hệ thống đô thị ven biển:
– Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng một số đô thị ven biển thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, các trung tâm tiến ra biển và các hạt nhân tăng trưởng của từng khu vực để thúc đẩy kinh tế biển, đảo.
– Tập trung phát triển một số đô thị trung tâm của Vùng thành các trung tâm kinh tế biển mạnh để hướng ra biển và kết nối chặt chẽ với nội địa.
+ Xây dựng thành phố Rạch Giá thành Trung tâm kinh tế biển mạnh,Trung tâm nghề cá lớn và hiện đại của cả nước, đồng thời làm căn cứ vững chắc để thúc đẩy khai thác toàn diện vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
+ Phát triển thành phố Cà Mau trong sự gắn kết với khu công nghiệp (KCN) khí – điện – đạm Cà Mau và các đô thị vệ tinh, hình thành một cụm đô thị lớn, một trung tâm kinh tế mạnh ở phía Đông.
+ Xây dựng Hà Tiên trở thành trung tâm du lịch – dịch vụ lớn của Vùng; đồng thời là đô thị cửa khẩu hiện đại ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
– Xây dựng các đô thị khác ở những khu vực tập trung các hoạt động khai thác biển như Năm Căn, Sông Đốc, Kiên Lương – Hòn Chông, Phú Quốc… thành các đô thị đầu mối ven biển, các Trung tâm tiến ra biển mạnh để mở rộng khai thác toàn diện vùng biển Vịnh Thái Lan, kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nghiên cứu xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan nói chung.
– Quy hoạch phát triển hợp lý các đô thị khác. Kết hợp nâng cấp mở rộng các thị trấn huyện lỵ hiện có với xây dựng một số đô thị mới dọc ven biển như: Tân Ân, Đất Mũi, Hàm Rồng, Khánh Hội, Hòn Đá Bạc (Cà Mau), U Minh, Xẻo Nhàu, Ba Hòn (Kiên Giang)…, tạo các hạt nhân tăng trưởng của từng khu vực. Hình thành nhiều đô thị quy mô vừa và nhỏ, từng bước hình thành một mạng lưới các đô thị ven biển gắn kết chặt chẽ với nhau và kết nối vùng ven biển với vùng nội địa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển hệ thống đô thị trong Vùng phải có tầm nhìn xa (ngoài năm 2020) để có đủ không gian cho việc nâng cấp, mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo.
d) Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vai trò, chức năng và tiềm năng, lợi thế của từng đảo:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác di dân ra các đảo, đặc biệt đối với các đảo nằm ở vị trí tiền tiêu quan trọng như Thổ Chu, Nam Du và một số đảo ở cực Tây Nam giáp với vùng biển Campuchia… để phát triển kinh tế đảo kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo, nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu để khuyến khích dân ra định cư phát triển kinh tế đảo. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đảo theo hướng ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế như khai thác, nuôi trồng và dịch vụ nghề cá, du lịch và dịch vụ biển…
Xây dựng nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại đảo Hòn Tre, bảo đảm chức năng trung tâm huyện lỵ của huyện Kiên Hải. Đầu tư xây dựng đảo Thổ Chu thành Trung tâm dịch vụ nghề cá lớn của cả vùng. Quy hoạch một số đảo lớn, quan trọng như Hòn Tre, Hòn Rái, Hòn Nghệ, Nam Du, Hòn Khoai… thành các đảo có kinh tế phát triển, đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
a) Tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển
– Phát triển toàn diện và hiện đại hóa ngành thuỷ sản, xây dựng vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan thành Vùng kinh tế thuỷ sản trọng điểm của cả nước và đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Tiếp tục hiện đại hóa ngành thuỷ sản trên tất cả các lĩnh vực. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý giữa nuôi trồng và khai thác gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ nguồn lợi, bảo đảm phát triển bền vững. Đến năm 2020, sản lượng thủy sản trong vùng đạt khoảng từ 800 – 850 nghìn tấn, chiếm 18 – 19% sản lượng thủy sản cả nước, trong đó khai thác khoảng 400 – 420 nghìn tấn (riêng khai thác tại Vịnh Thái Lan khoảng 250 nghìn tấn), sản lượng xa bờ chiếm hơn 70%; diện tích nuôi trồng khoảng 350 nghìn ha (diện tích nuôi chuyên khoảng 300 nghìn ha), sản lượng nuôi đạt trên 400 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.
Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất từ nghề cá ven bờ sang nghề cá xa bờ gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Đầu tư phát triển các đội tầu lớn (trên 100 CV) và đồng bộ các cơ sở hậu cần nghề cá dọc ven biển và trên một số đảo để mở rộng khai thác các vùng biển khơi, nhất là các khu vực chồng lấn kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở tất cả các loại hình mặt nước theo hướng nuôi sinh thái, thân thiện với môi trường. Ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp và bán công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Phát triển nuôi nhuyễn thể vùng triều và nuôi cá, đặc sản trên biển kết hợp với du lịch. Tiếp tục đầu tư hiện đại hoá các cơ sở chế biến thủy sản hiện có, xây dựng một số cơ sở chế biến hiện đại tại các khu vực thuận tiện về kết cấu hạ tầng, về tiếp thị, thương mại và xử lý chất thải như ở các khu công nghiệp (KCN): Tắc Cậu, An Thới, Hòa Trung và một số KCN khác…, tạo các sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Hình thành 2 trung tâm chế biến thủy sản quy mô cấp vùng tại thành phố Cà Mau và Tắc Cậu (Kiên Giang).
– Phát triển nhanh và bền vững du lịch biển – đảo và ven biển để trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng. Tổ chức hợp lý không gian du lịch trong toàn Vùng. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch và các công trình vui chơi giải trí trên đảo Phú Quốc; phát triển đa dạng các loại hình du lịch, các khu vui chơi, giải trí phức hợp chất lượng cao cả trên biển và trên đảo, sớm xây dựng đảo Phú Quốc thành Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển – đảo cao cấp, hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới. Đẩy mạnh liên kết với các nước quanh Vịnh Thái Lan hình thành các tour du lịch quốc tế, nối du lịch vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan nói chung và đảo Phú Quốc nói riêng với các điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực, nhất là sau khi tuyến đường xuyên Á phía Nam và Trục kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Singapore được hoàn thành.
Xây dựng các cụm du lịch Hà Tiên – Kiên Lương, Năm Căn – Đất Mũi và các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng… để liên kết, phối hợp với du lịch đảo Phú Quốc, tạo sự phát triển nhanh và bền vững trong toàn Vùng. Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu du lịch trọng điểm như Mũi Nai, Hòn Trẹm, Thạch Động, Đông Hồ, Chùa Hang, Khai Long, Đất Mũi… và các điểm du lịch tại các thành phố Cà Mau, Rạch Giá. Xây dựng nhanh Khu du lịch Hà Tiên gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu. Hình thành các tam giác phát triển du lịch Cà Mau – Hà Tiên – Cần Thơ;Rạch Giá – Hà Tiên – Châu Đốc và Rạch Giá – Cà Mau – Phú Quốc để kết nối du lịch vùng ven biển với các vùng nội địa. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đặc thù ven biển.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch để kêu gọi đầu tư và thu hút du khách. Phấn đấu đến năm 2010 thu hút khoảng 1,3 – 1,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 350 – 400 nghìn lượt khách quốc tế và năm 2020 đạt trên 3 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9 – 10%/năm. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh trong những năm tới.
– Phát triển thăm dò, khai thác và chế biến khí. Đẩy mạnh công tác tự đầu tư và điều hành tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong khu vực nhằm khẳng định tính thương mại để có kế hoạch phát triển khai thác. Chủ động thực hiện công tác nghiên cứu khảo sát địa chấn nhằm đánh giá chính xác tiềm năng và trữ lượng dầu khí tại những lô, những cấu tạo còn ở dạng triển vọng.
Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các công ty dầu khí lớn vào đầu tư tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. Đẩy mạnh khai thác dầu khí tại các lô đã xác định trữ lượng và các vùng biển chồng lấn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp đồng dầu khí tại những phát hiện đã lập kế hoạch phát triển mỏ nhằm sớm đưa vào khai thác. Đặc biệt, đẩy mạnh khai thác các mỏ dầu khí thuộc vùng biển thỏa thuận hợp tác khai thác chung với Malaysia (PM-3) để khai thác có hiệu quả tài nguyên của khu vực này.
Xây dựng hoàn thiện đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau, đường ống khí Lô B, 52, 49 – Trà Nóc; tiếp tục xây dựng một số tuyến đường ống dẫn khí khác từ Vịnh Thái Lan vào bờ để cung cấp cho nhà máy điện Ô Môn, Trà Nóc… và các cơ sở chế biến khí khác trong khu vực. Triển khai xây dựng nhà máy phân đạm công suất 800.000 tấn urê/năm tại Khu công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau để đưa vào hoạt động sau năm 2010. Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy khí hoá lỏng và một số cơ sở hoá chất khác sử dụng nguồn khí áp thấp của Vịnh Thái Lan.
– Phát triển đồng bộ kinh tế hàng hải. Tận dụng mọi khả năng có thể để phát triển kinh tế hàng hải bao gồm: hệ thống cảng biển, đội tầu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tầu biển, dịch vụ cảng và dịch vụ hàng hải…, tạo tiền đề để tiến ra biển, đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Phát triển hợp lý hệ thống cảng biển trong Vùng. Nâng cấp, mở rộng cảng Năm Căm (Cà Mau), Hòn Chông (Kiên Giang) đạt công suất từ 700 – 800 nghìn tấn/năm và cảng xi măng Bình Trị đạt từ 1,8 – 2 triệu tấn/năm. Xây dựng mới cảng Bãi Nò (Hà Tiên) quy mô 500 nghìn tấn/năm và cảng chuyên dùng Nam Du cho Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương. Xây dựng đồng bộ các cảng biển tại khu vực Phú Quốc gồm: cảng An Thới (tiếp nhận tầu 3.000 DWT và 1 bến nổi tiếp nhận tầu đến 30.000 DWT); cảng Vịnh Đầm (tiếp nhận tầu 3.000 DWT và tầu khách có sức chở 2.000 hành khách); cảng hành khách Dương Đông, Mũi Đất Đỏ (tiếp nhận tầu có sức chở 2.000 hành khách) và các bến đậu cho tầu du lịch, thuyền buồm… đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của Đảo. Từng bước xây dựng tại Phú Quốc một Trung tâm cảng biển và dịch vụ hàng hải lớn của khu vực Vịnh Thái Lan.
Xây dựng đội tầu biển có cơ cấu phù hợp, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách trong vùng. Đẩy mạnh vận tải ven biển đến các vùng trong cả nước; hình thành các tuyến vận tải biển ra các đảo, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các đảo và đất liền. Phát triển vận tải biển sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Mở các tuyến vận tải hành khách cao tốc từ Cà Mau, Năm Căn, Rạch Giá, Hà Tiên… ra Phú Quốc và từ Phú Quốc, Hà Tiên đến các đô thị lớn ven biển của các nước quanh Vịnh Thái Lan để thúc đẩy phát triển du lịch. Xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng dịch vụ khác như hệ thống hậu cần dịch vụ cảng, dịch vụ thủy thủ, cung ứng tầu biển, hệ thống thông tin an toàn hàng hải, hệ thống ra đa kiểm soát và cảnh giới biển, hệ thống đèn biển, phao tiêu, trục vớt cứu hộ… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển và an ninh, quốc phòng.
b) Phát triển các ngành kinh tế ven biển
– Phát triển mạnh công nghiệp ven biển, tạo sự vượt trội của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Vùng, đồng thời làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và hiệu quả. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, công nghiệp cơ bản, then chốt như chế biến khí, công nghiệp điện, công nghiệp đóng tầu, sản xuất xi măng, chế biến thủy sản công nghệ cao… để đến năm 2020 cơ bản vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan có một nền công nghiệp vững chắc với cơ cấu hiện đại.
Tập trung xây dựng hoàn chỉnh nhà máy điện Cà Mau 1 (750 MW); đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện Cà Mau 2 (750 MW) để đưa vào hoạt động theo kế hoạch. Xây dựng nhà máy phân đạm Cà Mau (800.000 tấn/năm) để đưa vào hoạt động sau năm 2010. Triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương quy mô 4.400 MW (giai đoạn I khoảng 1.200 MW). Xây dựng nhà máy điện diezen tại Phú Quốc đạt công suất 21,5 MW vào năm 2010, đáp ứng yêu cầu phát triển của Đảo. Phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời tại vùng ven biển và trên các đảo.
Nâng cấp mở rộng các cơ sở sản xuất xi măng hiện có; lắp đặt thêm một số dây chuyền mới, nâng năng lực sản xuất trong vùng lên 4,1 triệu tấn xi măng và 4,4 triệu tấn clinker vào năm 2010 và tiếp tục mở rộng công suất sau năm 2010. Phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng khác. Xây dựng trạm nghiền clinker và nhà máy gạch tuynen tại Phú Quốc để chủ động nguồn vật liệu xây dựng cho xây dựng Đảo.
Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở đóng mới và sữa chữa tầu cá hiện có. Xây dựng một số cơ sở sửa chữa và đóng mới tầu cá, chủ yếu đóng tầu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ tại Sông Đốc, Năm Căn, Hòn Khoai (Cà Mau), Rạch Giá, An Thới (Kiên Giang)… Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy đóng tầu Năm Căn (Cà Mau); thu hút đầu tư xây dựng nhà máy đóng tầu Hòn Chông (Kiên Giang), hình thành Trung tâm đóng tầu biển quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu đóng mới và sửa chữa các loại tầu trong Vùng.
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và du lịch. Đầu tư đổi mới thiết bị các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu hiện có; xây dựng mới một số cơ sở xay xát, đánh bóng gạo xuất khẩu quy mô từ 20.000 – 40.000 tấn/năm tại các khu vực trọng điểm như Trần Văn Thời (Cà Mau), Rạch Giá, Hòn Đất (Kiên Giang)… nâng công suất chế biến gạo toàn Vùng lên 2,7 – 2,8 triệu tấn vào năm 2010 và trên 3,5 triệu tấn vào năm 2020.
Phát triển các ngành công nghiệp khác như may mặc, da giầy, chế biến gỗ, điện tử, điện gia dụng, cơ khí sửa chữa, mộc gia dụng… phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và khai thác thủy sản góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển.
Về phát triển các khu công nghiệp: tập trung xây dựng hoàn chỉnh khu công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau. Phát triển nhanh khu vực tập trung công nghiệp nặng Bình An – Kiên Lương, từng bước hình thành 2 trung tâm công nghiệp lớn và hiện đại, tạo sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Vùng. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Xúc tiến thành lập một số khu công nghiệp mới như Thạnh Lộc, U Minh, Thuận Yên (Kiên Giang); Hòa Trung, Sông Đốc, Năm Căn (Cà Mau)… đáp ứng yêu cầu phát triển của Vùng.
– Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ để thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển và phục vụ đời sống nhân dân. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ biển và các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông…, đưa dịch vụ thực sự trở thành khu vực kinh tế năng động, tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho nền kinh tế của Vùng.
Phát triển đồng bộ hệ thống thương mại trong vùng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hình thành 2 trung tâm thương mại đầu mối của Vùng ở thành phố Cà Mau và thành phố Rạch Giá. Xây dựng một số trung tâm thương mại hiện đại tại Phú Quốc và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên gắn với phát triển du lịch. Xây dựng các trung tâm thương mại khác tại các thị xã, các trung tâm huyện lỵ, các cụm kinh tế ven biển… làm chức năng đầu mối cho từng khu vực. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống các chợ, các điểm thương mại ở các thị tứ và các vùng nông thôn… từng bước hình thành thị trường thông suốt, lưu thông hàng hóa thuận tiện trong toàn Vùng.
Đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu. Xây dựng hoàn chỉnh Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên gắn với đầu tư cửa khẩu quốc tế Xà Xía; nâng cấp cửa khẩu Giang Thành để mở rộng giao thương hàng hóa giữa vùng biển vàven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan với Campuchia và các nước trong khu vực.
Phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các Công ty tài chính lớn đầu tư tài chính và mở chi nhánh hoạt động trong Vùng, nhất là ở Phú Quốc.Vận động các nước quanh Vịnh Thái Lan và các tổ chức quốc tế xây dựng Quỹ phát triển vùng Vịnh Thái Lan để phát triển nhanh, gắn kết với các hành lang kinh tế, các trục kinh tế trong khu vực.
Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ cảng, dịch vụ hàng không, dịch vụ nghề cá, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và các dịch vụ khác. Hình thành một số ngành dịch vụ mới như dịch vụdầu khí, dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ… tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế biểntrong Vùng.
– Phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp sinh thái ven biển theo hướng năng suất, chất lượng cao và bền vững.Đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh cao gắn với chế biến, tạo bước chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các vùng lúa cao sản, lúa đặc sản phục vụ xuất khẩu. Chuyển một phần diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản và cây công nghiệp, cây ăn trái, cây thực phẩm… phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở từng địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất. Mở rộng các mô hình sản xuất hiện đại, hiệu quả như kinh tế trang trại, Khu nông nghiệp công nghệ cao… để tạo ra các sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao phục vụ du lịch và xuất khẩu. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với 6 tiểu vùng nông nghiệp sinh thái ven biển của Vùng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 20 – 21% bảo đảm yêu cầu phòng hộ ven biển kết hợp với phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng. Đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đặc biệt là các vườn quốc gia Phú Quốc, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Mũi Cà Mau, các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng trên các đảo. Phát triển trồng rừng sản xuất, khuyến khích đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh năng suất cao, gắn với chế biến lâm sản và kinh doanh du lịch.
3. Phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của Vùng
Xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là trục giao thông ven biển và các tuyến kết nối với nội địa, tạo điều kiện giao thương thuận tiện trong toàn Vùng và tiền đề cần thiết để thu hút mạnh đầu tư phát triển nhanh trong giai đoạn tới.
Triển khai xây dựng tuyến trục giao thông chính ven biển phía Nam từ Năm Căn – Cà Mau – Rạch Giá – Hà Tiên trong phạm vi Hành lang kinh tế ven biển Vịnh Thái Lan. Xây dựng mới tuyến đường giao thông sát bờ biển từ Năm Căn qua Sông Đốc đến Rạch Giá để phát triển kinh tế ven biển kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến kết nối vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan với vùng nội địa (quốc lộ 1A, 61, 63, 80 và N1, N2) đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằngvà toàn bộ đường giao thông đến các trung tâm huyện, các khu công nghiệp, khu đô thị mới và các cụm kinh tế ven biển đạt cấp IV hoặc cấp III, tạo mạng kết nối liên hoàn trong toàn Vùng thúc đẩy giao thương và sản xuất hàng hoá phát triển.
Huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn. Đếnnăm 2010 toàn bộ các xã trong vùng có đường ôtô đến trung tâm xã (trừ các xã cù lao), tỷ lệ đường được trải mặt cứng đạt 70%; cơ bản xóa bỏ cầu khỉ. Sau năm 2010 tiếp tục đầu tư nâng cấp đường đến các trung tâm xã đạt cấp V đồng bằng, trong đó một số tuyến quan trọng về kinh tế và an ninh, quốc phòng đạt cấp IV.
Duy trì và cải tạo các tuyến đường sông, nhất là các tuyến đường sông liên vùng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau và Rạch Giá – Kiên Lương để phát huy có hiệu quả lợi thế về vận tải thủy nội địa của Vùng.
Cải tạo nâng cấp các sân bay Cà Mau, Rạch Giá đạt quy mô 300.000 hành khách/năm, duy trì sân bay Dương Đông (Phú Quốc) công suất 300.000 hành khách/năm phục vụ các tuyến bay nội địa. Triển khai xây dựng sân bay quốc tế Dương Tơ (Phú Quốc) đạt cấp 4E, có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như B767 hoặc tương đương; quy mô giai đoạn đầu khoảng 2 triệu hành khách/năm, sau năm 2020 tiếp tục đầu tư mở rộng phù hợp với tiến độ phát triển của Khu kinh tế.
Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới cấp điện trong Vùng. Đầu tư xây dựng mới các tuyến đường dây quan trọng như: Kiên Giang – Thốt Nốt, Kiên Giang – Đức Hòa, Cà Mau – Rạch Giá, Cà Mau – Bạc Liêu, Cà Mau – Cái Nước, Rạch Giá – Kiên Lương và các trạm hạ thế cho các thành phố, thị xã, các trung tâm công nghiệp… Phát triển lưới điện đến các cụm kinh tế ven biển. Đến năm 2010 có khoảng 90% số hộ trong Vùng được sử dụng điện và đạt 100% trước năm 2015. Triển khai xây dựng tuyến cáp ngầm đưa lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc, để có thể đưa vào sử dụng sau năm 2010.
Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong Vùng. Hoàn thành các nhà máy nước ở Rạch Giá, Cà Mau, Tân Hiệp, Châu Thành… Nâng cấp nhà máy nước Dương Đông (Phú Quốc). Xây dựng một số hồ trữ nước và trạm cấp nước tập trung ở các đảo nhỏ lẻ. Phát triển hiện đại hệ thống thông tin duyên hải và trên biển, bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh khai thác biển và bảo đảm an ninh, quốc phòng các vùng biển đảo.
4. Xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cao nhất cho phát triển kinh tế – xã hội
Đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển kết hợp với xây dựng mới đường giao thông sát bờ biển từ Năm Căn đến Rạch Giá, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai ở mức an toàn cao, kết hợp với phát triển kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng. Nâng cấp, cải tạo các cảng cá kết hợp với khu neo đậu tầu, thuyền hiện có; xây dựng một số khu neo đậu cấp vùng tại cửa sông Ông Đốc, Rạch Gốc, Hòn Tre và các khu neo đậu khác, hình thành đồng bộ hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tầu thuyền dọc ven biển và trên các đảo, bảo đảm an toàn cao nhất cho các phương tiện và tính mạng của ngư dân hoạt động trong Vịnh Thái Lan và một số khu vực thuộc vùng biển Đông Nam Bộ.
Xây dựng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đồng bộ cả về kỹ thuật và nguồn nhân lực; cả trên bờ và trên các tầu, thuyền, bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển. Sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị và nguồn lực sẵn có của các ngành kinh tế và quốc phòng vào công tác TKCN. Xây dựng các lực lượng ứng phó tại chỗ ở tất cả các địa phương trong Vùng. Phối hợp chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị và nguồn lực sẵn có trong Vùng như Trung tâm phối hợp TKCN khu vực miền Nam, Trung tâm TKCN hàng hải, Trung tâm TKCN thủy sản, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam, lực lượng TKCN của Bộ đội Biên phòng… vào công tác TKCN.
Phát triển đồng bộ hệ thống phương tiện và cơ sở hạ tầng TKCN trong Vùng. Đầu tư xây dựng 01 trạm thông tin hiện đại sử dụng công nghệ vệ tinh; 01 Trung tâm TKCN cấp vùng tại đảo Hòn Khoai và một số trạm phối hợp TKCN khác trên các đảo Thổ Chu, Phú Quốc… đáp ứng yêu cầu của công tác TKCN trong toàn Vùng. Nghiên cứu xây dựng tại vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan một Trung tâm cảnh báo sớm thiên tai quốc gia, từng bước hình thành hệ thống TKCN trong toàn Vùng mang tính khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu mở rộng công tác TKCN và hội nhập quốc tế và khu vực trong lĩnh vực này.
5. Phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế
a) Về khoa học – công nghệ: đẩy mạnh các hoạt động khoa học – công nghệ, áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, tạo các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình nông – ngư nghiệp sinh thái, mô hình Khu nông nghiệp công nghệ cao… Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của Vùng. Áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
b) Về giáo dục – đào tạo: phát triển giáo dục – đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hóa. Hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở trước năm 2010, tiến tới phổ cập trung học phổ thông trong toàn Vùng trước năm 2020. Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp gắn với chuẩn hóa, tăng cường cơ sở vật chất; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp để tăng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, các nhà doanh nghiệp và lực lượng lao động trong Vùng, nhất là trong các lĩnh vực có ưu thế như khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, du lịch, thủy thủ, thợ máy, cơ khí sửa chữa, xây dựng, kỹ thuật điện… đáp ứng yêu cầu phát triển của Vùng. Triển khai xây dựng trường Đại học Kiên Giang; thành lập trường Cao đẳng cộng đồng ở Cà Mau và các trường Cao đẳng, trường chuyên nghiệp dạy nghềở các tỉnh. Xây dựng một số trường dạy nghề tại Phú Quốc. Đếnnăm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo trong Vùng đạt khoảng 25% và năm 2020 đạt trên 50%.
c) Về y tế: phát triển đồng bộ mạng lưới y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đến năm 2010 có 100% số xã trong Vùng đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xây dựng hoàn chỉnh các bệnh viện tỉnh, nâng cấp các bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm các bệnh xã hội… đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Xây dựng 01 bệnh viện đa khoa cấp vùng tại Châu Thành (Kiên Giang) và 01 bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh tại Phú Quốc với trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, nhất là khách du lịch quốc tế. Chú trọng phát triển y học biển. Từng bước xây dựng mạng lưới y tế biển đồng bộ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh khai thác biển trong thời gian tới.
d) Về văn hóa, thông tin, thể thao: xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin cơ sở. Ưu tiên đầu tư các thiết chế phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng như các trung tâm văn hóa – thể thao, nhà văn hóa, công viên, khu vui chơi giải trí… Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các thành phố, các huyện, thị xã và từ 40 – 45% số xã, phường trong Vùng có trung tâm văn hóa – thể thao; 100% số hộ trong Vùng được nghe đài phát thanh, 85 – 90% số hộ được xem truyền hình. Tăng cường hệ thống cung cấp thông tin, tuyên truyền sách báo tới các xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đẩy mạnh xã hội hóa văn hoá, thể thao; phát triển thể thao quần chúng, làm tốt công tác giáo dục thể chất trong nhà trường.
đ) Các lĩnh vực xã hội khác: tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn, đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn mới) và năm 2020 xuống dưới 3%. Xây dựng kế hoạch cụ thể về xóa đói, giảm nghèo phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng khu vực. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn vào công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho dân cư, nhất là cho các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo… Thực hiện tốt chính sách xã hội đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công và các đối tượng xã hội khác.
6. Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh cả về lực lượng và phương tiện để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. Đẩy lùi nguy cơ xung đột vũ trang, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các hoạt động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Phát triển đồng bộ và hiện đại các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo cùng hệ thống phòng thủ, cảnh giới ven biển. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang và dân quân, tự vệ… hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để bảo vệ vững chắc vùng biển đảo của Tổ quốc.
Xây dựng lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ biển, đảo (Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, không quân…) đồng, bộ, hiện đại, bố trí phù hợp để sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xảy ra. Nâng cấp và xây dựng mới những công trình quốc phòng, an ninh ven bờ và trên các đảo phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến trên biển. Việc xây dựng các cơ sở quốc phòng ven biển, trên các đảo (như cầu cảng, cơ sở sửa chữa tàu thuyển, hệ thống bảo đảm hàng hải, quân y…) nghiên cứu để có thể vừa phục vụ cho quốc phòng, an ninh vừa phục vụ phát triển kinh tế biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trên biển và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, góp phần tích cực vào đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan nói riêng.
7. Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Từ nay đến năm 2020 vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan sẽ được đầu tư phát triển mạnh nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của Vùng, nhất là tiềm năng, lợi thế của biển và ven biển. Để bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đòi hỏi phải có các giải pháp tích cực và đồng bộ cả về kỹ thuật và cơ chế, chính sách. Cụ thể là:
– Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản, nhất là ở vùng triều và khu vực ven bờ. Quy định cụ thể về số lượng tầu thuyền, loại nghề và sản lượng khai thác tối đa cho từng khu vực, từng mùa vụđể bảo vệ và phát triển nguồn lợi.
– Thiết lập hệ thống rừng phòng hộ ổn định và bền vững. Khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, đặc biệt là ở các khu vực U Minh, Đầm Dơi và bán đảo Cà Mau. Bảo vệ nghiêm ngặt các vườn Quốc gia hiện có; xây dựngmột số Khu bảo tồn khác để bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái đặc thùcủa Vùng.
– Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để hạn chế ô nhiễm. Kiện toàn hệ thống các trung tâm, các trạm bảo vệ thực vật, đảm bảo khả năng kiểm soát đầu vào và đầu ra của thức ăn, phân bón và các hóa chất bảo vệ thực vật.
– Tăng cường công tác bảo vệ môi trường đô thị và khu công nghiệp. Nhanh chóng di dời các công trình, xí nghiệp gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực trung tâm các thành phố lớn như Cà Mau, Rạch Giá; đồng thời xử lý triệt để chất thải để bảo vệ môi trường, xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hệ thống thoát và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu du lịch, bảo đảm toàn bộ nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung. Quy hoạch vị trí và quy mô các khu xử lý rác thải phù hợp cho các thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp… Đối với rác thải của các bệnh viện bắt buộc phải có lò đốt với quy mô phù hợp để xử lý tại chỗ.Có chính sách và quy chế đặc biệt về bảo vệ tài nguyên, môi trường khu vực đảo Phú Quốc, bảo đảm phát triển bền vững.
– Đẩy mạnh bảovệ môi trường biển và venbiển.Quản lý chặt chẽ việc xả thải của các tầu vận tải hoạt động trên biển. Xây dựng một lực lượng chuyên trách về ứng cứu tràn dầu trên biển, vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. Tăng cường công tác phòng chống xói lở bờ biển và trên các đảo, nhất là khu vực từ Gành Hào đến Rạch Gốc… Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê biển. Có kế hoạch hộ đê, di dân, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân sinh sống ở những đoạn bờ biển xung yếu trước mùa mưa bão.
– Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp, các ngành. Quy định chặt chẽ việc thẩm định, luận chứng các phương án bảo vệ môi trường trong quá trình xét duyệt các dự án phát triển, nhất là đối với các công trình có thể gây ô nhiễm lớn như hóa chất, cảng biển, đóng tầu, nhiệt điện… Tăng cường và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Huy động các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đóng góp kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý chất thải trên nguyên tắc “người được hưởng lợi phải trả tiền, người gây ô nhiễm phải đầu tư để khắc phục ô nhiễm”. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường.
8. Phát triển hợp tác quốc tế về biển
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác và các lĩnh vực hợp tác. Tăng cường hợp tác trên biển với các quốc gia láng giềng trong các lĩnh vực như:
– Trong lĩnh vực phân định biển: đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết các tranh chấp về biển, xác lập các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam tại Vịnh Thái Lan. Xây dựng cơ chế đàm phán hợp tác với Campuchia trên vùng nước lịch sử hai nước bảo đảm ổn định, phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước làm ăn; phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Malaysia và phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ba nước Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, tạo sự ổn định cho phát triển.
– Trong lĩnh vực hải sản:đẩy mạnh hợp tác với các nước quanh Vịnh Thái Lan trong điều tra nghiên cứu ngư trường; khai thác, quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản, nhất là nguồn lợi ở các vùng biển khơi và nuôi trồng hải đặc sản trên biển. Nhanh chóng thỏa thuận ký kết Hiệp định nghề cá với các nước quanh Vịnh Thái Lan để mở rộng khai thác ở các vùng biển nước ngoài.
– Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí: tiếp tục phối hợp với các quốc gia liên quan thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở các vùng biển chồng lấn. Đẩy mạnh hợp tác với Malaysia phát triển khai thác các mỏ dầu khí thuộc khu vực hợp tác khai thác chung (PM-3) và tìm kiếm thăm dò các mỏ khác trong khu vực chồng lấn giữa hai nước. Mở rộng hợp tác với các công ty dầu khí khác trên thế giới, nhất là các công ty dầu khí lớn để phát triển thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô biển của Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan theo hình thức phân chia sản phẩm.
– Trong phát triển du lịch biển và ven biển:tăng cường hợp tác với bên ngoài để phát triển du lịch biển – đảo, nhất là phát triển Khu du lịch sinh thái cao cấp đảo Phú Quốc nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch cao cấp, chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á. Đẩy mạnh hợp tác với các nước quanh Vịnh Thái Lan trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển du lịch. Xây dựng các tuyến du lịch quốc tế giữa các nước và tuyến du lịch vòng quanh Vịnh Thái Lan nối liền các nước trong khu vực.
– Trong khoa học – công nghệ biển:mở rộng hợp tác trong lĩnh vực điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học – công nghệ biển. Xây dựng Chương trình hợp tác thường xuyên và lâu dài với các nước xung quanh Vịnh Thái Lan để phối hợp thực hiện các Chương trình chung về Điều tra tổng hợp biển Vịnh Thái Lan nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, đồng bộ và đủ tin cậy phục vụ cho việc quản lý và khai thác biển Vịnh Thái Lan một cách hiệu quả và bền vững.
– Đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác khác như quản lý và bảo vệ môi trường biển; tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo thiên tai; bảo đảm an toàn, an ninh trên biển… Phát triển hợp tác với các nước quanh Vịnh Thái Lan trong xây dựng kết cấu hạ tầng (nhất là trục giao thông ven biển nối với các nước), thương mại, tài chính, ngân hàng, vận tải biển, bưu chính, viễn thông, văn hóa, giáo dục… để phát triển nhanh, đồng thời góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Vịnh Thái Lan.
IV. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1.Giai đoạn từ nay đến 2010:hình thành cho được Hành lang kinh tế ven biển Vịnh Thái Lan và Đặc khu hành chính – kinh tế đảo Phú Quốc; xây dựng một bước cơ bản hệ thống kế cấu hạ tầng trong Vùng; xúc tiến thu hút đầu tư vào các công trình trọng điểm… tạo điều kiện để phát triển nhanh trong cácgiai đoạn sau.
2.Giai đoạn 2011 – 2020:tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trong Vùng; xây dựng xong và đưa vào hoạt động những hạng mục quan trọng của Vùng theo quy hoạch; phát triển Khu hành chính – kinh tế đảo Phú Quốc theo quy hoạch.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ về cơ chế chính sách
– Tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóacác chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển nhanh, hiện đại hóamột số ngànhquan trọng và các khu vực lãnh thổ động lực. Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, khu vực mang tính đột phá và cấp thiết.
– Ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư thỏa đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Phú Quốc. Trên cơ sở Quy chế tổ chức và hoạt động của Đảo đã ban hành tại Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển nhanh trong thời gian tới.
– Xây dựng các chính sách đặc biệt để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển (hải sản, dầu khí, khoáng sản…) ở các vùng biển chồng lấn và các khu vực khai thác chung. Bổ sung, cụ thể hóa các chính sách hiện hành và xây dựng mới các chính sách đặc thù nhằm xây dựng vùng nông thôn ven biển và hải đảo trên 3 mặt: dân trí, dân sinh, dân chủ.
– Bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo quan trọng. Có chính sách đầu tư thỏa đáng để thực hiện chương trình xây dựng các đảo trong Vùng vừa mạnh về kinh tế, vừa là tiền tiêu, là hậu cần vững chắc về quốc phòng, an ninh. Khuyến khích, hỗ trợ dân ra định cư phát triển kinh tế đảo. Có cơ chế đặc biệt cho việc đầu tư xây dựng các công trình cố định ngoài khơi để khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Trang bị với mức cần thiết cho các lực lượng bảo vệ biển, đặc biệt là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển… để đủ sức kiểm soát và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
2. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính
– Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tổ chức lại bộ máy hành chính tinh giản, gọn nhẹ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến nhà đất, cấp giấy phép đầu tư, cấp phép xây dựng… Công khai, minh bạch các chính sách của Nhà nước cũng như của địa phương.
– Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý ở địa phương. Tiếp tục rà soát, sửa đổi thủ tục hành chính, loại bỏ những quy định, quy chế không còn phù hợp, những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới tư duy và phương pháp điều hành, quản lý kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
3. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
– Có chính sách tích cực để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với các ngành kinh tế biển, từng bước xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của Vùng trong giai đoạn tới. Nghiên cứu ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi cụ thể để thu hút nhiều lao động có kỹ thuật, các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp giỏi… từ các vùng khác đến làm việc lâu dài tại vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan.
– Mở rộng đào tạo, dạy nghề bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung vào các ngành nghề biển và các ngành có lợi thế của Vùng. Đẩy mạnh việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Tăng cường năng lực đào tạo của các trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp; chú trọng đầu tư cho các trung tâm dạy nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tham gia dạy nghề cho lực lượng lao động của địa phương.
4. Giải pháp về khoa học – công nghệ
– Đổi mới công tác quản lý khoa học – công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nhất là các công nghệ về biển. Có cơ chế vừa khuyến khích, vừa bắt buộc các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, công nghệ thích hợp vào sản xuất.
– Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học – công nghệ biển để có đủ căn cứ khoa học cho việc xây dựng các kế hoạch khai thác biển lâu dài, hiệu quả và bền vững. Xúc tiến việc thành lập một Phân viện (hoặc một Trạm) nghiên cứu biển Vịnh Thái Lan. Mở rộng hợp tác với các nước quanh Vịnh Thái Lan trong các lĩnh vực điều tra, nghiên cứu biển. Có chính sách ưu đãi để thu hút các cán bộ khoa học có trình độ về làm việc tại Vùng.
5. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển
Dự báo nhu cầu vốn đầu tư của Vùng từ nay đến năm 2020 khoảng 550 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó giai đoạn đầu (từ nay đến 2010) là 70 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2011 – 2010 là 480 nghìn tỷ đồng. Để đáp ứng nguồn vốn trên cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và tích cực để thu hút mọi nguồn vốn có thể dưới mọi hình thức, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
– Xác định các công trình, các địa bàn ưu tiên và quy mô ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tiến hành tuyên truyền, quảng bá các thế mạnh của Vùng, quảng bá vị trí, vai trò và khả năng thu hút đầu tư vào các khu kinh tế động lực, các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch trọng điểm… Có chính sách khuyến khích (chính sách đất đai, hỗ trợ vốn, giải phóng mặt bằng, chính sách thuế, thủ tục hành chính…) đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn. Khai thác sử dụng quỹ đất hợp lý để tạo vốn xây dựng hạ tầng cho các khu công nghiệp, khu đô thị…
– Đẩy mạnh việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách tập trung. Căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Bộ Chính trị về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, các tỉnh trong Vùng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai các công trình, dự án của các Bộ, ngành đang thực hiện trên địa bàn theo đúng tiến độ, đồng thời đưa các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của các Bộ, ngành để kịp thời bố trí vốn cho đầu tư phát triển.Các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn thỏa đáng cho vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan để đầu tư phát triển đảo Phú Quốc theo các Quyết định: số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang và số 14/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
– Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và có các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu ngân sách trên địa bàn. Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích theo dự án thông qua đấu thầu. Tăng cường công tác quản lý đầu tư, quản lý xây dựng để tránh thất thoát, lãng phí, nhất là trong khâu xây dựng cơ bản. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
– Nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của Vùng để tạo kênh thu hút nguồn vốn trung hạn và dài hạn vào phát triển hạ tầng và các ngành mũi nhọn. Khuyến khích các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan.
– Huy động nguồn vốn tín dụng và vốn góp cổ phần. Mở rộng các hình thức cho vay và các đối tượng cho vay, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tiếp cận được nguồn vốn này. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp cổ phần, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
– Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong lĩnh vực đầu tư. Áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu; miễn, giảm thuế và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư… đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Sử dụng một số vốn cần thiết của Nhà nước (làm vốn mồi) để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Khuyến khích đầu tư từ khu vực dân cư và tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân đầu tư phát triển, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Đẩy mạnh huy động sự đóng góp của nhân dân (cả bằng tiền và lao động công ích) phù hợp với các quy định của Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng nông thôn ven biển và trên các đảo.
– Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để tranh thủ vận động các dự án ODA. Xây dựng các dự án cụ thể và chủ động bố trí vốn đối ứng làm cơ sở để vận động tài trợ. Tranh thủ các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục…
– Đổi mới cơ chế thu hút FDI, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút nguồn vốn FDI phù hợp với quá trình hội nhập. Tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên thu hút các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng. Hỗ trợ các dự án lớn đang có ý định đầu tư vào vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. Mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT và các hình thức khác…
6. Tổ chức thực hiện
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong Vùng cần cụ thể hóa quy hoạch và đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển của Bộ, ngành và địa phương để thực hiện. Cụ thể là:
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong Vùng xây dựng Chương trình hành động chung cho vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan (trong đó có phân công trách nhiệm cụ thể và phối hợp rõ ràng); phối hợp với Bộ Tài chính để cân đối và huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển Vùng.
– Các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động cụ thể của ngành mình và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; lồng ghép các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển của quy hoạch này vào quy hoạch phát triển của ngành trên phạm vi cả nước; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang bảo đảm cân đối các nguồn lực cho phát triển vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan theo quy hoạch.
– Các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ven biển; lồng ghép các mục tiêu, định hướng của quy hoạch này vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố ven biển; tiến hành lập quy hoạch phát triển kinh tế biển – đảo và quy hoạch chi tiết các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, hệ thống các đô thị… trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng chung của quy hoạch này và Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Bộ Chính trị về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
– Lồng ghép quy hoạch này vào kế hoạch 5 năm, hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương và bố trí vốn trong các kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện.
– Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Điều 2. Quy hoạch này là căn cứ định hướng cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và các dự án đầu tư phát triển của các chuyên ngành và các địa phương liên quan trong vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau và Kiên Giangchịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Reviews
There are no reviews yet.