QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 25/1999/QĐ- BTC
NGÀY 9 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ
TỔ CHỨC XÂY DỰNG, LƯU TRỮ, SỬ DỤNG VÀ BẢO MẬT CƠ SỞ
DỮ LIỆU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 178/CP ngày 28/10/1994 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 211/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/4/1995 về phê duyệt chương trình quốc gia về công nghệ thông tin;
Để đảm bảo việc quản lý, lưu trữ và sử dụng số liệu ngân sách nhà nước thuận lợi có hiệu quả và an toàn thông tin; theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước, Trưởng ban quản lý ứng dụng tin học;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế xây dựng, lưu trữ, sử dụng và bảo mật cơ sở dữ liệu ngân sách nhà nước.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước, Trưởng ban quản lý ứng dụng tin học, Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
QUY CHẾ
TỔ CHỨC XÂY DỰNG, LƯU TRỮ, SỬ DỤNG VÀ BẢO MẬT CƠ SỞ DỮ LIỆU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25 /1999/QĐ- BTC
ngày 9/3/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Thành lập cơ sở dữ liệu tại Ban quản lý ứng dụng tin học nhằm thực hiện việc lưu trữ, sử dụng và bảo mật dữ liệu về ngân sách nhà nước theo Quyết định số 211/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7 tháng 4 năm 1995 về phê duyệt chương trình quốc gia về công nghệ thông tin.
Điều 2: Dữ liệu ngân sách nhà nước bao gồm toàn bộ dữ liệu về các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước phân theo lĩnh vực và mục lục ngân sách từ năm 1945 được xây dựng, lưu trữ, sử dụng và bảo mật theo quy chế này.
Điều 3: Cơ sở dữ liệu ngân sách nhà nước là nơi lưu trữ thông tin về ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính phải được bảo mật về mặt công nghệ, kỹ thuật thông tin và theo các văn bản của Nhà nước quy định.
Điều 4: Vụ ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung số liệu; Ban quản lý ứng dụng tin học chịu trách nhiệm về hoạt động ổn định của các thiết bị thu thập, lưu trữ, sự an toàn và bảo mật số liệu trong cơ sở dữ liệu ngân sách nhà nước.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5: Nguồn tài liệu được nhập vào cơ sở dữ liệu là những tài liệu về dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền thông qua chính thức giao đối với số liệu dự toán, chính thức duyệt đối với số liệu quyết toán.
Điều 6: Phạm vi số liệu được thu thập, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu bao gồm các dữ liệu từ năm 1945 đến năm 1997 và cập nhật các năm tiếp theo, sau khi được cấp có thẩm quyền giao hoặc duyệt chính thức. Việc tổ chức thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Giai đoạn 1945 -1990 chỉ nhập số liệu quyết toán ngân sách theo phạm vi: tổng số và số liệu theo lĩnh vực, theo mục lục ngân sách; trong đó chi tiết một số Bộ, ngành, địa phương trọng điểm (theo hiện hành tại thời điểm phát sinh số liệu).
Bước 2: Nhập số liệu quyết toán ngân sách nhà nước từ năm 1991 đến 1997 theo phạm vi: Số liệu tổng quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước; tổng số và số liệu thu chi ngân sách nhà nước theo lĩnh vực, theo mục lục ngân sách; trong đó chi tiết một số Bộ, ngành, địa phương trọng điểm (theo hiện hành tại thời điểm phát sinh số liệu).
Bước 3: Cập nhật số liệu quyết toán ngân sách nhà nước từ 1998 và các năm tiếp theo, trong phạm vi báo cáo tổng quyết toán và các phụ biểu kèm theo được Quốc hội phê duyệt và được công bố công khai theo quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Cập nhật số liệu dự toán ngân sách nhà nước từ năm 1999 về sau trong phạm vi số liệu dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao và được công bố công khai theo quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 7: Đối tượng tham gia nhập dữ liệu là cán bộ của 2 đơn vị (Vụ ngân sách nhà nước và Ban quản lý ứng dụng tin học) được lãnh đạo 2 đơn vị chỉ định (đối với số liệu từ năm 1996 trở về trước), cán bộ của Vụ ngân sách nhà nước (đối với số liệu từ năm 1997 và các năm tiếp theo) và được thực hiện theo các quy định sau:
– Các tài liệu từ Vụ ngân sách nhà nước, kho lưu trữ (Văn phòng Bộ) chuyển cho bộ phận nhập dữ liệu đều phải vào sổ theo dõi và nhận đầy đủ. Sau khi nhập xong, các tài liệu cần được kiểm tra và giao trả nơi giao tài liệu.
– Quá trình nhập số liệu vào cơ sở dữ liệu đều phải tiến hành trong cơ quan Bộ Tài chính tại địa điểm và những thiết bị được chỉ định, không được đưa ra xử lý bên ngoài.
– Các cán bộ nhập dữ liệu phải có trách nhiệm giữ gìn các tài liệu, không được sửa chữa, tẩy xoá hoặc làm hư hỏng tài liệu gốc và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của các dữ liệu đã nhập đồng thời chịu trách nhiệm bảo mật đối với tài liệu theo chế độ quy định.
Điều 8: Ban quản lý ứng dụng tin học có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo việc thu thập, xử lý và kết suất thông tin một cách đầy đủ, tin cậy, nhanh chóng, chính xác. Đồng thời đảm bảo việc lưu trữ số liệu an toàn tuyệt đối trong cơ sở dữ liệu về các mặt:
– Lưu trữ vật lý: đảm bảo không bị hỏng hóc các thiết bị lưu trữ thông tin như băng từ, đĩa từ,…
– Tổ chức Logic: số liệu cần đảm bảo an toàn theo đúng các nguyên tắc, định dạng các hệ cơ sở dữ liệu, tránh các hiện tượng cố tình làm hỏng các tổng chức Logic của dữ liệu (nguyên nhân chủ yếu do Virus hoặc các phần tử xấu phá hoại).
– Đảm bảo việc an toàn thông tin trên mạng, chống việc thất thoát thông tin từ hệ thống cơ sở dữ liệu.
– Dữ liệu chỉ được lưu trữ trên máy chủ, đảm bảo chống truy nhập trái phép thông qua hệ thống bảo mật ” Mật khẩu” của hệ quản trị cơ sở dữ liệu và hệ điều hành mạng.
– Dữ liệu cần được tổ chức nhân bản lưu trữ tại một số địa điểm khác nhau nhằm trách sự cố do thiên tai (sét), hoả hoạn.
Điều 9: Vụ ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm sau:
– Xây dựng biểu mẫu, phương pháp xác định các chỉ tiêu và nguyên tắc phân tổ thu chi ngân sách nhà nước trong cơ sở dữ liệu.
– Chuẩn bị các tài liệu gốc theo điều 6 của quy chế này.
– Kiểm tra đối chiếu số liệu được nhập vào cơ sở dữ liệu, đảm bảo số liệu được nhập vào cơ sở dữ liệu phải đúng với tài liệu gốc.
– Cập nhật số liệu quyết toán ngân sách nhà nước từ năm 1998 trở về sau và dự toán ngân sách nhà nước năm 1999 trở về sau, nội dung theo bước 3 điều 6 của quy chế này.
Điều 10: Mọi sự truy nhập các máy tính cá nhân của các đơn vị tới cơ sở dữ liệu ngân sách nhà nước phải được sự phê duyệt của Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước và Trưởng ban quản lý ứng dụng tin học.
Điều 11:
Việc cung cấp số liệu từ cơ sở dữ liệu ngân sách nhà nước cho các đối tượng trong và ngoài Bộ Tài chính phải tuân theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính về danh mục bí mật Nhà nước trong ngành tài chính.
– Việc cung cấp số liệu về ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan ngoài Bộ Tài chính, các tổ chức quốc tế, cho các nước có quan hệ kinh tế, tài chính với Việt Nam từ cơ sở dữ liệu thực hiện theo quy định: Vụ trưởng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp Ban quản lý ứng dụng tin học và các Vụ, Tổng cục khác liên quan (Vụ Tài chính đối ngoại, Vụ hành chính sự nghiệp, Tổng cục thuế, Kho bạc nhà nước,..) chuẩn bị số liệu và định kỳ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính duyệt. Căn cứ số liệu đã được duyệt, Vụ ngân sách nhà nước và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tổ chức cung cấp theo quy chế và chịu trách nhiệm về việc cung cấp.
– Việc sử dụng cơ sở dữ liệu trong phạm vi Bộ tài chính: Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước thực hiện cung cấp số liệu về ngân sách nhà nước cho các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị này sử dụng theo quy chế, nhưng không sử dụng cấp cho các đơn vị ngoài Bộ Tài chính (việc cấp cho bên ngoài quy định ở phần trên).
– Nghiêm cấm các đơn vị trong Bộ Tài chính: Vụ ngân sách nhà nước, Ban quản lý ứng dụng tin học, Phòng lưu trữ thuộc Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ cung cấp dưới mọi hình thức (sao chép tệp, chụp tài liệu gốc, in…) những số liệu từ cơ sở dữ liệu ngân sách, từ kho lưu trữ hoặc từ các tài liệu liên quan trái những quy định của điều này.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12: Chế độ đối cán bộ thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu được thực hiện theo Thông tư số 111/1998/ TT-BTC ngày 3/8 /1998 của Bộ Tài chính.
Điều 13: Các cán bộ, cá nhân vi phạm quy chế này sẽ phải xử lý theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và Pháp lệnh về Cán bộ, Công chức và các văn bản khác liên quan.
Điều 14: Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước, Trưởng ban quản lý ứng dụng tin học, Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quy chế này.
Reviews
There are no reviews yet.