QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
SỐ 285/2000/QĐ-TCBĐ NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 2000
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN
VẬT TƯ, THIẾT BỊ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG”
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
– Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện;
– Căn cứ Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông;
– Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ Chính sách Bưu điện, Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/4/2000.
Điều 3. Các ông(bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ Chính sách Bưu điện, Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN
VẬT TƯ, THIẾT BỊ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
(Ban hành kèm theo QĐ số 285/2000/QĐ-TCBĐ
ngày 29 tháng 3 năm 2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện)
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.Đối tượng và phạm vi điều chỉnh:
1. Văn bản này quy định nội dung chứng nhận hợp chuẩn đối với tất cả các loại vật tư, thiết bị chuyên ngành bưu chính, viễn thông được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu.
2. Văn bản này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có đại diện hợp pháp tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất để sử dụng tại Việt Nam, kinh doanh nhập khẩu, kinh doanh mua bán hoặc sử dụng vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Các vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông nằm trong khuôn khổ các Điều ước quốc tế về thừa nhận lẫn nhau đối với việc chứng nhận hợp chuẩn mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì chịu sự điều chỉnh của Điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Nội dung chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông bao gồm:
1. Ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông;
2. Cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông;
3. Quản lý hoạt động đo kiểm vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông phục vụ công tác hợp chuẩn;
4. Quản lý vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông sau chứng nhận hợp chuẩn;
5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông. Xử lý các vi phạm, tranh chấp hoặc khiếu nại về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông.
Điều 3.Tổng cục Bưu điện thực hiện quản lý Nhà nước về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông trên cơ sở các Tiêu chuẩn Ngành, Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn quốc tế do Tổng cục Bưu điện công bố bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Điều 4. Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện trực thuộc Tổng cục Bưu điện có chức năng quản lý, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn về chất lượng vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông trong phạm vi cả nước.
Điều 5.Vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông nêu trong Qui định này được hiểu là các loại vật tư, thiết bị chuyên dùng trên mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng và các mạng lưới viễn thông dùng riêng (trừ mạng viễn thông dùng riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); các thiết bị phát, thu-phát sóng chuyên dùng cho phát thanh và truyền hình.
Điều 6. Tổng cục Bưu điện quy định danh mục vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông sản xuất trong nước, nhập khẩu bắt buộc phải được chứng nhận hợp chuẩn trước khi được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam hoặc kết nối với các mạng lưới bưu chính viễn thông.
Tổng cục Bưu điện công bố “Danh mục vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn” theo từng thời kỳ.
Điều 7.Vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông không phải chứng nhận hợp chuẩn trong các trường hợp sau:
1. Vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông không phải chứng nhận hợp chuẩn nhưng phải có sự chấp thuận của Tổng cục Bưu điện trong các trường hợp sau:
a) Tạm nhập tái xuất các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện của các đoàn đại biểu quốc tế đến thăm Việt Nam theo lời mời chính thức của các cơ quan, tổ chức Việt Nam.
b) Tạm nhập tái xuất vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông với mục đích trưng bày.
c) Tạm nhập tái xuất vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông với mục đích trình diễn.
2. Vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông không phải chứng nhận hợp chuẩn và không cần có sự chấp thuận của Tổng cục Bưu điện trong trường hợp sau: Tạm nhập tái xuất thiết bị đầu cuối cầm tay di động (số lượng 01 chiếc/người) để sử dụng cho mục đích cá nhân đối với các dịch vụ đã được phép cung cấp và sử dụng tại Việt Nam.
Điều 8. Các thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu phải được Tổng cục Bưu điện chấp thuận về tần số hoặc kênh tần số. Việc chấp thuận của Tổng cục Bưu điện thể hiện trong giấy chứng nhận hợp chuẩn.
Ngoài việc tuân thủ Quy định này về chứng nhận hợp chuẩn, các thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện khi sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam còn phải có giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện của Tổng cục Bưu điện và tuân thủ các quy định khác của pháp luật.
CHƯƠNG II. QUY TRÌNH, THỦ TỤC CẤP
GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN
Điều 9.Hình thức chứng nhận hợp chuẩn có hai loại:
1. Chứng nhận hợp chuẩn bắt buộc là việc cấp giấy chứng nhận cho các vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông nằm trong “Danh mục vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn” có các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với các tiêu chuẩn do Tổng cục Bưu điện công bố bắt buộc áp dụng.
2. Chứng nhận hợp chuẩn tự nguyện là việc cấp giấy chứng nhận cho các vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông không nằm trong “Danh mục vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn” có các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với các tiêu chuẩn do Tổng cục Bưu điện công bố bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng; hoặccho các vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông nằm trong “Danh mục vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn” có các chỉ tiêu kỹ thuật cao hơn các tiêu chuẩn do Tổng cục Bưu điện công bố bắt buộc áp dụng.
Điều 10. Giấy chứng nhận hợp chuẩn do Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện cấp có giá trị trên phạm vi cả nước.
Giấy chứng nhận hợp chuẩn có giá trị trong một thời hạn nhất định theo chủng loại vật tư, thiết bị được chứng nhận. Thời hạn của giấy chứng nhận hợp chuẩn được ghi trên giấy chứng nhận.
Giấy chứng nhận hợp chuẩn được đánh số, có ký hiệu riêng đối với từng chủng loại vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông. Các số và ký hiệu này phải được thể hiện trong nhãn hợp chuẩn (hoặc tem hợp chuẩn) được in hoặc dán trên bề mặt của vật tư, thiết bị đã được hợp chuẩn. Thời điểm áp dụng và nội dung thực hiện việc in hoặc dán nhãn hợp chuẩn (hoặc tem hợp chuẩn) theo qui định của Tổng cục Bưu điện.
Điều 11. Thủ tục chứng nhận hợp chuẩn:
1. Hồ sơ xin chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông của các tổ chức, cá nhân thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, bao gồm:
a) Đơn xin chứng nhận hợp chuẩn (mẫu như phụ lục kèm theo);
b) Giấy phép đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu, hoặc quyết định đầu tư (đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu đi kèm dự án đầu tư), hoặc giấy phép sản xuất vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông xin chứng nhận hợp chuẩn(có công chứng nhà nước);
c) Tài liệu kỹ thuật có liên quan: Thuyết minh kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn sử dụng kèm theo ảnh chụp bên ngoài của vật tư, thiết bị;
d) Kết quả đo kiểm vật tư, thiết bị của nhà sản xuất hoặc một cơ quan đo kiểm có đủ thẩm quyền được Tổng cục Bưu điện công bố (quy định tại điều 16 của Quy định này).
2. Địa chỉ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ:
a) Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện, 18 Nguyễn Du – Hà Nội.
b) Cục Bưu điện khu vực II, 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh
c) Cục Bưu điện khu vực III, 42 Trần Quốc Toản – TP. Đà Nẵng
3. Thời hạn giải quyết:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ xin chứng nhận hợp chuẩn đầy đủ và hợp lệ, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn do vật tư, thiết bị không đạt yêu cầu về hợp chuẩn, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện phải có thông báo bằng văn bản.
b) Trong trường hợp hồ sơ thiếu kết quả đo kiểm của cơ quan đo kiểm có đủ thẩm quyền, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện hướng dẫn hoặc chỉ định cơ quan đo kiểm thực hiện việc đo kiểm vật tư, thiết bị. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết quả đo kiểm bổ sung, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn do vật tư, thiết bị không đạt yêu cầu về hợp chuẩn, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện phải có thông báo bằng văn bản.
c) Trong những trường hợp đặc biệt, khi việc chứng nhận hợp chuẩn đòi hỏi thời gian dài hơn quy định trên, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin chứng nhận biết lý do. Thời hạn tối đa để giải quyết cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn không vượt quá 2 tháng.
Điều 12. Phí và lệ phí chứng nhận hợp chuẩn:
Tổ chức, cá nhân khi xin chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn về Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện. Lệ phí được thu một lần ngay khi nộp hồ sơ xin chứng nhận hợp chuẩn. Mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn theo quy định của Bộ Tài chính. Phí đo kiểm vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông không nằm trong lệ phí cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn.
Điều 13. Việc chứng nhận hợp chuẩn đối với vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông được thực hiện trên cơ sở xem xét, đánh giá hồ sơ xin chứng nhận hợp chuẩn. Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ chứng nhận hợp chuẩn.
Trên cơ sở các Tiêu chuẩn Ngành, Tiêu chuẩn Việt nam và Tiêu chuẩn Quốc tế do Tổng cục Bưu điện công bố bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện hướng dẫn các chỉ tiêu đánh giá, chỉ tiêu đo kiểm phục vụ việc xét cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn.
Trong quá trình tiến hành xem xét, đánh giá chứng nhận hợp chuẩn, nếu thấy cần thiết, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện chỉ định cơ quan đo kiểm hợp pháp thực hiện lại kết quả đo kiểm hoặc thuê các tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn để giúp Trung tâm trong việc đánh giá.
Điều 14. Trên cơ sở các qui định của Tổng cục Bưu điện, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các nội dung:
1. Thời hạn của giấy chứng nhận hợp chuẩn;
2. Quy định về số và ký hiệu của giấy chứng nhận hợp chuẩn đối với từng chủng loại vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông sẽ thể hiện trong nhãn hợp chuẩn (hoặc tem hợp chuẩn) được in hoặc dán trên bề mặt của vật tư, thiết bị đã được hợp chuẩn;
3. Quy trình chứng nhận hợp chuẩn;
4. Quy định về các chỉ tiêu đánh giá chứng nhận hợp chuẩn;
5. Quy định về các chỉ tiêu đo kiểm phục vụ chứng nhận hợp chuẩn.
Điều 15. Các tổ chức, cá nhân có thể xin chứng nhận hợp chuẩn tự nguyện đối với các vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông theo Tiêu chuẩn Cơ sở đã được mình công bố. Trong trường hợp này, hồ sơ xin chứng nhận cần phải bổ sung thêm các nội dung:
1. Tiêu chuẩn cơ sở đã công bố và đăng ký theo qui định của Tổng cục Bưu điện;
2.Quy trình sản xuất vật tư, thiết bị xin hợp chuẩn.
CHƯƠNG III. ĐO KIỂM VẬT TƯ, THIẾT BỊ
BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
Điều 16.Tổng cục Bưu điện công bố danh sách các cơ quan đo kiểm trong nước và ngoài nước có đủ thẩm quyền thực hiện việc đo kiểm các vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông.
Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện chỉ công nhận kết quả đo kiểm của các cơ quan đo kiểm đã được Tổng cục Bưu điện công bố.
Điều 17. Kết quả đo kiểm của các cơ quan đo kiểm được công bố tại điều 16 là cơ sở để Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện xem xét, chứng nhận hợp chuẩn đối với vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông.
Điều 18. Các cơ quan đo kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các kết quả đo kiểm. Kết quả đo kiểm không có giá trị thay thế cho giấy chứng nhận hợp chuẩn.
CHƯƠNG IV. QUẢN LÝ VẬT TƯ, THIẾT BỊ
SAU CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN
Điều 19. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam hoặc lắp đặt trên các mạng lưới bưu chính, viễn thông các vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông thuộc “Danh mục vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn” có nhãn hợp chuẩn (hoặc tem hợp chuẩn) theo quy định của Tổng cục Bưu điện.
Điều 20. Tổ chức, cá nhân có các vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông đã được chứng nhận hợp chuẩn có trách nhiệm đảm bảo chất lượng của vật tư, thiết bị như đã được chứng nhận và phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan Nhà nước và khách hàng về chất lượng của vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông do mình cung cấp.
Điều 21. Khi vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông đã được chứng nhận hợp chuẩn có thay đổi liên quan đến các chỉ tiêu kỹ thuật đã đánh giá hoặc giấy chứng nhận hợp chuẩn đã hết thời hạn thì các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn loại vật tư, thiết bị đó phải xin chứng nhận hợp chuẩn lại. Thủ tục xin chứng nhận hợp chuẩn lại như quy định tại điều 11 của Quy định này.
Điều 22. Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với giấy chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông của các tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau:
Khi vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông không đảm bảo chất lượng như đã được chứng nhận;
Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn không thực hiện đúng các quy định về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông;
Điều 23. Tổ chức, cá nhân có vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông đã có quyết định hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận hợp chuẩn đã cấp có thể xin chứng nhận hợp chuẩn lại sau khi đã khắc phục các lý do nêu tại điều 22, khoản a, b của Quy định này. Thủ tục xin chứng nhận hợp chuẩn lại như quy định tại điều 11 của Quy định này.
Điều 24.Nghiêm cấm việc lưu thông và đưa vào sử dụng trên mạng viễn thông công cộng, các mạng viễn thông dùng riêng các loại vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông thuộc “Danh mục vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn” trong các trường hợp sau:
Chưa có giấy chứng nhận hợp chuẩn;
Giấy chứng nhận hợp chuẩn đã hết thời hạn;
Giấy chứng nhận hợp chuẩn đã bị hủy bỏ hiệu lực.
CHƯƠNG V. THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 25.Thanh tra Bưu điện, Trung tâm Quản lý chất lượng Bưu điện và các đơn vị liên quan có nhiệm vụ tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định về công tác chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông theo các quy định của pháp luật.
Điều 26. Tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các mẫu vật tư, thiết bị, thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các mẫu, thông tin, tài liệu đã cung cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra, kiểm tra thi hành nhiệm vụ.
Điều 27. Các Cục Bưu điện khu vực, Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm quản lý chất lượng Bưu điện hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.
Điều 28. Các vi phạm quy định về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.
Điều 29. Mọi khiếu nại liên quan đến công tác chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục của pháp luật đã qui định.
CHƯƠNG VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2000. Những quy định khác trái với Quy định này đề bãi bỏ.
Điều 31. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Tổng cục Bưu điện để xem xét, bổ sung, sửa đổi.
(Tên tổ chức)CỘNG HÒA Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do –Hạnh phúc
Số:
……….., ngày ….. tháng …… năm …….
ĐƠN XIN CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN
VẬT TƯ, THIẾT BỊ BƯU CHÍNH – VIỄN THÔNG
Kính gửi:(Tên Cơ quan chứng nhận hợp chuẩn)
1. Tên tổ chức, cá nhân xin chứng nhận:
Thuộc (cơ quan chủ quản)
2. Địa chỉ:
Điện thoại:Fax:
Địa chỉ cơ sở sản xuất (nếu có)
3. Tên vật tư, thiết bị xin chứng nhận hợp chuẩn:
a) Tên vật tư, thiết bị:
b) Ký hiệu:Loại:
c) Hãng sản xuất:
d) Năm sản xuất:Nơi sản xuất:
e) Nguồn gốc(Sản xuất trong nước hay nhập khẩu):
4. Kiểm tra chất lượng:
a) Kết quả kiểm tra của cơ sở sản xuất hoặc của cơ quan đo kiểm khác:
b) Các tiêu chuẩn Việt nam và tiêu chuẩn quốc tế có liên quan (tên, số hiệu):
5. Tài liệu gửi kèm:
a) Giấy phép đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu hoặc Quyết định đầu tư (đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu đi kèm dự án đầu tư), hoặc Giấy phép sản xuất vật tư, thiết bị Bưu chính, viễn thông xin chứng nhận hợp chuẩn (Có công chứng nhà nước).
b) Tài liệu kỹ thuật có liên quan: Thuyết minh kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn sử dụng kèm theo ảnh chụp bên ngoài của vật tư, thiết bị.
c) Tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất (nếu có).
d) Qui trình sản xuất (nếu có).
e) Các tài liệu khác (nếu có).
Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Tổng cục Bưu điện về quản lý chất lượng vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông.
Tổ chức, cá nhân xin chứng nhận
(Ký tên, đóng dấu)
Reviews
There are no reviews yet.