THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO – BỘ VĂN HOÁ – THÔNG TIN SỐ 01/2001/TANDTC-VKSNDTC-BVHTT NGÀY 5 THÁNG 12 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT
CÁC TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN TÁC GIẢ
TẠI TOÀ ÁN NHÂN DÂN
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả tại Toà án nhân dân; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hoá- Thông tin thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:
I. THẨM QUYỀN CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TRONG VIỆC
GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP LIÊN QUAN
ĐẾN QUYỀN TÁC GIẢ
1. Các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án nhân dân.
Theo quy định tại Điều 759 Bộ luật Dân sự (sau đây viết tắt là BLDS), Điều 33 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ “hướng dẫn thi hành một số quy định quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự” (sau đây viết tắt là NĐ 76/CP) và Điều 10 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (sau đây viết tắt là PLTTGQCVDS), Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau đây liên quan đến quyền tác giả:
1.1. Các tranh chấp về quyền tác giả đối với tác phẩm (tranh chấp ai là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học…) giữa:
a) Cá nhân với cá nhân; cá nhân với tổ chức; tổ chức với tổ chức;
b) Các đồng tác giả với nhau; một hoặc các đồng tác giả với cá nhân, tổ chức khác;
1.2. Các tranh chấp về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính giữa người cung cấp tài chính hoặc các điều kiện vật chất có tính quyết định cho việc xây dựng, phát triển phần mềm máy tính với người thiết kế, xây dựng phần mềm máy tính.
1.3. Các tranh chấp về các quyền nhân thân hoặc các quyền tài sản liên quan đến quyền tác giả giữa:
a) Tác giả (đồng tác giả) không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm với chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả (theo quan hệ giao nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng sáng tạo tác phẩm);
b) Tác giả (đồng tác giả) hoặc chủ sở hữu tác phẩm với người dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể hoặc với người sử dụng tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể để sáng tạo tác phẩm mới;
c) Tác giả (đồng tác giả) hoặc chủ sở hữu tác phẩm đã công bố với người sưu tầm tác phẩm đó để làm tuyển tập, hợp tuyển;
d) Tác giả (đồng tác giả) hoặc chủ sở hữu tác phẩm với tổ chức điện ảnh, phát thanh, truyền hình sân khấu hoặc các tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác;
đ) Tác giả (đồng tác giả) hoặc chủ sở hữu tác phẩm với người sử dụng tác phẩm đó để biểu diễn;
e) Tác giả (đồng tác giả) hoặc chủ sở hữu tác phẩm với tổ chức, cá nhân sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
f) Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả với tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm của họ nhằm mục đích kinh doanh;
g) Tổ chức sản suất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình (có chương trình) với tổ chức, cá nhân khác về việc nhân bản, phát hành sản phẩm;
h) Tổ chức phát thanh, truyền hình với tổ chức, cá nhân khác về việc phát sóng chương trình hoặc làm các bản sao chương trình;
i) Người biểu diễn với cá nhân, tổ chức;
1.4. Các tranh chấp về hợp đồng sử dụng tác phẩm hoặc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ bản quyền tác giả .
1.5. Các tranh chấp về thừa kế quyền tác giả.
1.6. Các tranh chấp khác liên quan đến quyền tác giả.
2. Về thẩm quyền của toà án nhân dân giải quyết các tranh chấp có liên quan đến quyền tác giả theo thủ tục sơ thẩm.
Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/1996 (ngày BLDS có hiệu lực). BLDS không quy định về thẩm quyền của Toà án nhân dân các cấp trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả; do đó, việc xác định thẩm quyền của Toà án nhân dân giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả theo thủ tục sơ thẩm phải căn cứ vào PLTTGQCVADS. Tuy nhiên, các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả là những loại việc rất phức tạp. Vì vậy, ngoài các vụ án về các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 PLTTGQCVADS, đối với các vụ án khác về tranh chấp liên quan đến quyền tác giả, thì Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 11 PLTTGQCVADS lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
II. QUYỀN KHỞI KIỆN, KHỞI TỐ VỤ ÁN
VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN TÁC GIẢ
1. Quyền khởi kiện vụ án về tranh chấp liên quan đến quyền tác giả.
Theo quy định của BLDS thì những cá nhân, tổ chức sau đây có quyền khởi kiện vụ án tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền tác giả:
a. Tác giả;
b. Chủ sở hữu tác phẩm;
c. Người thừa kế hợp pháp của tác giả hoặc của chủ sở hữu tác phẩm;
d. Cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền của chủ sở hữu tác phẩm;
e. Cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm theo hợp đồng;
f. Người biểu diễn;
g. Nhà xuất bản, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
h. Tổ chức phát thanh, truyền hình;
i. Cá nhân và tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
2. Quyền khởi tố vụ án về tranh chấp liên quan đến quyền tác giả.
Đối với các vi phạm quyền tác giả đã thuộc Nhà nước thì Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát cấp tỉnh) có quyền khởi tố vụ án.
Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá – Thông tin), Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi phát hiện các vi phạm quyền tác giả đã thuộc Nhà nước thì phải đề nghị với Viện kiểm sát cấp tỉnh xem xét việc khởi tố vụ án nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
3. Điều kiện khởi kiện, khởi tố vụ án về tranh chấp liên quan đến quyền tác giả.
3.1. Theo quy định tại Điều 754 BLDS quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định (không phân biệt tác phẩm đã được công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký, không phân biệt ngôn ngữ thể hiện, chất lượng của tác phẩm…); do đó, khi có tranh chấp liên quan đến quyền tác giả mà đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thì Toà án không phân biệt việc họ đã có giấy chứng nhận bản quyền tác giả hay chưa, họ đã nộp đơn hay chưa nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm.
3.2. Các quyền của tác giả, các quyền của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả, quyền của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, quyền của tổ chức phát thanh, truyền hình được bảo hộ trong thời hạn theo quy định tại Điều 766 BLDS. Quá thời hạn bảo hộ, các chủ thể nói trên không còn được Nhà nước và pháp luật bảo hộ, trừ các quyền nhân thân của tác giả theo quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều 751, khoản 1 Điều 752 BLDS; do đó, Toà án chỉ thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết nếu các quyền đó vẫn còn trong thời hạn bảo hộ.
3.3. Theo quy định của PLTTGQCVADS thì khi khởi kiện đến Toà án, người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chứng cứ có thể là: giấy chứng nhận bản quyền của tác giả do Cục Bản quyền tác giả (Bộ văn hoá – Thông tin) cấp; văn bản xác nhận của Cục Bản quyền tác giả hoặc Sở Văn hoá – Thông tin về việc người khởi kiện đã nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với tác phẩm chưa được công bố hoặc các văn bản xác nhận của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp (hoạt động trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học) đối với các tác phẩm chưa đăng ký để làm căn cứ chứng minh họ là tác giả, đồng tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm và tác phẩm của họ thuộc loại hình tác phẩm được Nhà nước bảo hộ…
Trong trường hợp cần thiết Toà án có thể thu thập thêm chứng cứ, quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan chuyên môn theo yêu cầu của các đương sự nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Người có yêu cầu Toà án quyết định việc trưng cầu giám định phải làm đơn, nêu rõ lý do và phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
3.4. Tác giả có quyền được hưởng nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác (nếu có) khi tác phẩm được sử dụng, quyền được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả (trừ trường hợp tác phẩm không được Nhà nước bảo hộ); do đó, chỉ được có tác giả (các đồng tác giả), người thừa kế hợp pháp của tác giả hoặc người được uỷ quyền hợp pháp mới có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ khi các quyền này bị xâm phạm. Trong trường hợp tác giả(đồng tác giả) chết mà các quyền này thuộc về Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 764 và Điều 765 BLDS, thì Nhà nước là chủ sở hữu các quyền đó. Nếu Nhà nước có văn bản uỷ quyền cho một cơ quan, tổ chức cụ thể nhân danh Nhà nước bảo vệ lợi ích của Nhà nước khi các quyền này bị xâm phạm thì cơ quan, tổ chức được uỷ quyền có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Nếu Nhà nước không có văn bản nào quy định thì Viện kiểm sát cấp tỉnh có quyền tự mình hoặc theo đề nghị của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá – Thông tin), Sở Văn hoá – Thông tin, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp (hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, khoa học) khởi tố vụ án để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
III. VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỂ GIẢI QUYẾT
MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Khi giải quyết vụ án về tranh chấp liên quan đến quyền tác giả cần chú ý một số điểm sau đây:
1. Đối với yêu cầu bảo vệ các quyền nhân thân thì áp dụng quy định tại điều tương ứng trong Chương 1, phần thứ 6 và Điều 27 BLDS để giải quyết. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà quyết định buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai (kể cả việc cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng); bồi thường thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất cũng như thiệt hại về tinh thần do quyền nhân thân bị xâm phạm được xác định theo quy định tại các Điều 609, 610, 611 và 615 BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
2.Đối với tranh chấp phát sinh giữa cá nhân với cá nhân về quyền tác giả hay về quyền đồng tác giả thì cần phải xác định ai là tác giả (hoặc là đồng tác giả) đích thực của tác phẩm. Theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 24 NĐ.76/CP thì người có yêu cầu công nhận mình (hoặc người để lại thừa kế cho mình) là tác giả của tác phẩm phải xuất trình các tư liệu, giấy tờ cần thiết chứng mình (hoặc người để lại thừa kế cho mình) là tác giả (hoặc là đồng tác giả). Các tư liệu, giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền tác giả có thể là bản gốc của tác phẩm hoặc là các tài liệu có liên quan đến bản gốc của tác phẩm và tác phẩm đã được công bố. Nếu có đủ chứng cứ để xác định người đã sáng tạo ra tác phẩm (một phần hoặc toàn bộ) thì công nhận quyền tác giả (quyền đồng tác giả), quyền sở hữu tác phẩm cho họ (hoặc cho người để lại thừa kế cho họ) đối với tác phẩm hoặc một phần tác phẩm đó.
3. Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có mọi quyền đối với tác phẩm theo quy định tại Điều 751 BLDS, còn tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì không có đầy đủ các quyền đó, bởi vì một số quyền nhân thân và một số quyền tài sản như: công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm, cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm; quyền được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như: xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể hay cho thuê… thuộc về chủ sở hữu tác phẩm theo quy định tại Điều 753 BLDS.
Khi thụ lý để giải quyết tranh chấp về quyền tác giả (hay các quyền đồng tác giả), Toà án cần xác định rõ mối quan hệ có tranh chấp, trong trường hợp tranh chấp có liên quan đến quyền của chủ sở hữu tác phẩm, thì Toà án cần phải đưa chủ sở hữu tác phẩm vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Mối quan hệ giữa tác giả (đồng tác giả) không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm với chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả (đồng tác giả) sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng. Quyền của tác giả (đồng tác giả) cũng như quyền của chủ sở hữu tác phẩm được phân định theo quy định tại Điều 756 BLDS. Tuy nhiên, giữa tác giả (đồng tác giả) và chủ sở hữu tác phẩm có thể thoả thuận với nhau một số quyền theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 753 BLDS; do đó, khi có tranh chấp loại này, Toà án không những phải căn cứ vào các quy định của BLDS, NĐ.76/CP, mà còn phải căn cứ vào nhiệm vụ mà tác giả (đồng tác giả) được giao hay thoả thuận trong hợp đồng được ký kết giữa tác giả (đồng tác giả) với chủ sở hữu tác phẩm để giải quyết.
4. Các quyền của đồng tác giả được quy định tại Điều 755 BLDS. Khi có trnh chấp giữa các đồng tác giả với nhau về các quyền tác giả và nếu hoà giải không thành, thì Toà án căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 755 BLDS để giải quyết. Đối với tác phẩm đồng tác giả quy định tại khoản 1 Điều 755 BLDS thì việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải được sự thoả thuận của các đồng tác giả; nếu có đồng tác giả đã chết thì phải được sự thoả thuận của người thừa kế đồng tác giả đó. Trong trường hợp tác phẩm do các đồng tác giả sáng tạo gồm các phần riêng biệt có thể tách ra để sử dụng độc lập thì Toà án căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 755 BLDS để xác định quyền tác giả của mỗi đồng tác giả, nếu họ có yêu cầu.
5. Các quyền tác giả của người dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể cũng được bảo hộ theo quy định tại Điều 751 hoặc Điều 752 BLDS, nhưng cần phải chú ý là khi các tác giả thuộc diện này thực hiện việc dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể tác phẩm gốc… họ phải được tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc (nếu các quyền tác giả đó còn trong thời hạn bảo hộ) cho phép, nhất là trong trường hợp họ có thay đổi nội dung tác phẩm gốc. Việc xin phép và trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm dịch phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể…. phải được thực hiện thông qua hợp đồng. Như vậy, khi có tranh chấp giữa tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc với tác giả tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể thì Toà án căn cứ vào quy định tại Điều 757 BLDS cũng như các thoả thuận của các bên trong hợp đồng để giải quyết.
6. Đối với tác phẩm điện ảnh, vi-đi-ô, phát thanh, truyền hình, sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác thì những người đạo diễn, biên kịch, quay phim, người dựng phim, nhạc sỹ, hoạ sỹ được hưởng các quyền quy định tại Điều 758 BLDS. Tuy nhiên, họ chỉ được hưởng các quyền tác giả đối với tác phẩm do họ tự sáng tạo mà không dựa trên nội dung tác phẩm của người khác hoặc trong trường hợp tuy có dựa trên nội dung tác phẩm của người khác, nhưng đã được sự đồng ý của tác giả (đồng tác giả) hay chủ sở hữu tác phẩm gốc (hoặc của tác giả tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể… nếu họ sử dụng tác phẩm của tác giả này) và đã thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 778 BLDS. Khi có tranh chấp giữa một bên là tác giả (đồng tác giả), chủ sở hữu tác phẩm gốc (hoặc tác giả tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể…) với bên kia là tác giả (đồng tác giả) tác phẩm điện ảnh, vi-đi-ô, phát thanh, truyền hình, sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác và nếu hoà giải không thành, thì Toà án căn cứ vào quy định tại các Điều 758, 760 và 778 BLDS để giải quyết. Tương tự như vậy, Toà án có thể thụ lý và giải quyết tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với người sưu tầm những tác phẩm đã công bố để làm thành tuyển tập, hợp tuyển.
7. Theo quy định tại khoản 2 Điều758 BLDS thì cá nhân, tổ chức sản xuất tác phẩm điện ảnh, vi-đi-ô, phát thanh, truyền hình, sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác được hưởng các quyền quy định tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 751 BLDS. Tuy nhiên, để được hưởng các quyền này, cá nhân, tổ chức thuộc diện này phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với tác giả (kể cả tác giả tác phẩm gốc cũng như tác giả dịch,phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể… hoặc tác giả là những người đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, nhạc sỹ, hoạ sỹ…) và đối với chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp họ đồng thời là vừa là tác giả, vừa là chủ sở hữu tác phẩm. Như vậy, trong trường hợp cá nhân, tổ chức sản xuất tác phẩm điện ảnh, vi-đi-ô, phát thanh, truyền hình, sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác có sử dụng tác phẩm của người khác mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, thì người này có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức sản xuất nói trên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đó. Nếu có đơn khởi kiện thì Toà án căn cứ vào quy định của BLDS và hướng dẫn lại Thông tư này để giải quyết. Tương tự như vậy, Toà án có thể thụ lý và giải quyết tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với người biểu diễn.
8. Các tranh chấp về hợp đồng sử dụng tác phẩm có thể phát sinh giữa tác giả (đồng tác giả)hoặc người thừa kế hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với bên sử dụng tác phẩm, nếu giữa họ đã ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm theo quy định tại Điều 767 BLDS. Nội dung của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sử dụng được quy định tại các điều từ Điều 768 đến Điều 722 BLDS và tại các điều từ Điều 15 đến Điều 18 NĐ.76/CP; do đó, khi có tranh chấp loại này, Toà án căn cứ vào các quy định đó và thoả thuận của họ trong hợp đồng để giải quyết.
9. Khi giải quyết các tranh chấp thừa kế quyền tác giả, ngoài việc phải tuân theo các quy định tại Điều 764 và Điều 765 BLDS, Toà án cần chú ý là: người thừa kế chỉ được thừa kế các quyền của tác giả trong thời hạn được bảo hộ. Theo quy định tại Điều 766 BLDS thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả sau khi tác giả chết như sau:
a. 50 tiếp theo năm tác giả chết;
b. 50 năm tiếp theo năm đồng tác giả cuối cùng chết đối với tác phẩm đồng tác giả;
c. 50 năm tiếp theo năm tác giả chết đối với trường hợp tác giả chết mà người thừa kế của tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các điểm c, d Khoản 1 và các quyền tài sản quy định tại khoản 2 Điều 751, khoản 2 Điều 752 BLDS.
Trong trường hợp người thừa kế của tác giả chết trước khi hết thời hạn bảo hộ nêu trên thì người thừa kế của người đó được hưởng các quyền của tác giả quy định tại khoản1 Điều 764 BLDS cho đến hết thời hạn bảo hộ; do đó, người này có quyền khởi kiện tại Toà án để yêu cầu bảo vệ các quyền của tác giả và quyền thừa kế của mình cho đến hết thời hạn bảo hộ. Thời điểm kết thúc thời hạn 50 năm bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 14 NĐ.76/CP.
Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm hoặc tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có quyền nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả. Quyền này cũng được bảo hộ 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; do đó, nếu sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ 50 năm, kể từ ngày tác giả chết hoặc đồng tác giả cuối cùng chết mà tác giả hoặc đồng tác giả được nhận giải thưởng thì họ chỉ được hưởng các quyền nhân thân, còn quyền về tài sản đối với giá trị vật chất kèm theo giải thưởng thuộc về nhà nước. Trong trường hợp họ được nhận giải thưởng và thời hạn bảo hộ 50 năm chưa chấm dứt, thì các thừa kế của họ được quyền thừa kế giá trị vật chất kèm theo giải thưởng theo các quy định về thừa kế tài sản của BLDS. Thời hiệu khởi kiện thừa kế quy định tại Điều 648 BLDS là 10 năm được tính từ ngày có giải thưởng.
10. Quyền của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình được quy định tại Điều 777 BLDS và quyền của tổ chức phát thanh, truyền hình được quy định tại Điều 779 BLDS chỉ có được khi các tổ chức này đã thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ của mình theo quy định tại các Điều 760, 776, và 778 BLDS. Các quyền này cũng là quyền của các tổ chức đó đối với sản phẩm do họ sản xuất ra, còn tác giả, chủ sở hữu tác phẩm vẫn có quyền đối với sản phẩm đó theo quy định của pháp luật hoặc theo hợp đồng (được ký kết giữa tổ chức sản xuất đó với tác giả hoặc đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm). Khi có hành vi vi phạm các quyền của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình hoặc quyền của tổ chức phát thanh, truyền hình như: nhân bản, phát hành sản phẩm, phát sóng chương trình, làm các bản sao chương trình của các tổ chức này nhằm mục đích kinh doanh trái pháp luật…, thì không chỉ các tổ chức nói trên có quyền khởi kiện, mà tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tương tự như vậy, người biểu diễn cũng có quyền khởi kiện đối với người có hành vi vi phạm quyền của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình như: nhân bản, phát hành các sản phẩm đó trái pháp luật.
11. Trong trường hợp hành vi vi phạm quyền tác giả bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì khi xét xử các vụ án hình sự loại này Toà án cần chú ý đến việc bảo vệ quyền của tác giả đã bị các hành vi phạm tội đó xâm phạm, nếu có yêu cầu.
IV. VỀ SỰ PHỐI HỢP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN TÁC GIẢ
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, liên quan đến quyền tác giả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Toà án, Viện kiểm sát với Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá- Thông tin), Sở Văn hoá – Thông tin để thực hiện các việc sau đây:
1. Khi có vấn đề về chuyên môn trong lĩnh vực văn hoá – thông tin cần phải có ý kiến của chuyên ngành Văn hoá – Thông tin mà Toà án đã có văn bản yêu cầu, thì Cục bản quyền tác giả, Sở Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm trả lời về các vấn đề mà Toà án đã yêu cầu hoặc thành lập Hội đồng giám định để thực hiện yêu cầu của Toà án.
2. Khi tiến hành việc truy tố, xét xử các vụ án hình sự mà thấy có hành vi xâm phạm quyền tác giả, Viện kiểm sát, Toà án cần thông báo cho Cục Bản quyền tác giả, Sở Văn hoá – Thông tin để các cơ quan này có thể tham gia tố tụng hoặc theo dõi kết quả bảo vệ quyền tác giả trong phạm vi chức năng của mình.
V. HƯỚNG DẪN VỀ HIỆU LỰC CỦA THÔNG TƯ
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 12 năm 2001.
2. Thông tư này cũng được áp dụng để giải quyết các vụ án về tranh chấp liên quan đến quyền tác giả của cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo, thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của chính phủ “Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”, trừ trường hợp tác phẩm không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ theo quy định tại Điều 749 BLDS.
3. Hướng dẫn tại Thông tư này được áp dụng để giải quyết các vụ án về tranh chấp liên quan đến quyền tác giả phát sinh từ ngày 01/7/1996. Các hướng dẫn trước đây có nội dung trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
4. Đối với các vụ án mà trước đây Toà đã giải quyết xong (Bản án, Quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật), thì không áp dụng hướng dẫn tại Thông tư này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ khác.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc hoặc chưa chưa được hướng dẫn cần giải thích, hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hoá – Thông tin để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Reviews
There are no reviews yet.