CÔNG VĂN
CỦA BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ Xà HỘI
SỐ 3828/LĐTBXH-PCTNXH NGÀY 4 THÁNG 11 NĂM 2002
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 7/10/2002, Chính phủ ban hành Công văn số 1222/CP-VX về việc tăng cường công tác phòng chống tệ nạn mại dâm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể có liên quan đánh giá, kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định 151/2000/QĐ-TTg và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 109/TB-VPCP ngày 27/8/2001 của Văn phòng Chính phủ.
Việc kiểm điểm, đánh giá cần tập trung vào các nội dung: công tác chỉ đạo, cụ thể hoá Chương trình hành động của Chính phủ thành chương trình, kế hoạch của địa phương; công tác phối hợp liên ngành; kết quả thực hiện của từng nhiệm vụ, tồn tại và nguyên nhân; đánh giá tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay so với năm 2000 trở về trước…
Trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá hoạt động gần 2 năm qua, các ngành đề xuất giải pháp, điều chỉnh chương trình, kế hoạch (nếu cần) để tăng cường các hoạt động phòng chống tệ nạn mại dâm, các biện pháp khắc phục tồn tại, khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 1222/CP-VX nhằm trước mắt hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2001-2003 (giai đoạn I của Chương trình hành động phòng chống mại dâm 2001-2005).
Căn cứ vào tình hình cụ thể, có kế hoạch chỉ đạo các ngành xây dựng đề án về thực hiện nhiệm vụ phòng chống tệ nạn mại dâm tại địa phương.
2. Để tạo ra chuyển biến rõ rệt về phòng chống tệ nạn mại dâm ngay từ cuối năm2002, ngành Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, ngành Văn hoá – Thông tin, Bộ đội biên phòng và các ngành có liên quan tiến hành các đợt cao điểm:
– Triệt phá ổ nhóm tệ nạn mại dâm hoạt động trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hoạt động văn hoá, các đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em; thu gom gái mại dâm ở các địa bàn công cộng và giao cho chính quyền, công an xã phường quản lý địa bàn; xử lý nghiêm khắc, kịp thời bọn chủ chứa, bảo kê, môi giới. Đối với người mua dâm, nhất là người mua dâm là cán bộ công nhân viên chức, ngoài phạt tiền cần thực hiện các biện pháp kỷ luật, giáo dục theo quy định.
– Nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hoạt động văn hoá để phòng chống tệ nạn mại dâm trá hình. Kiện toàn lại tổ chức và chấn chỉnh hoạt động của các Đội kiểm tra, thanh tra liên ngành 814, tổ chức rút kinh nghiệm để tăng cường hoạt động và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, làm vô hiệu các thủ đoạn lừa dối, che dấu, trá hình tổ chức hoạt động mại dâm. Xử lý nghiêm khắc (đình chỉ, tước giấy phép kinh doanh…) những cơ sở đã được nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền nhưng vẫn tái phạm. Sử dụng tiền phạt theo đúng quy định của Thông tư số 29/TTLT hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/CP.
– Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền chiều sâu cho các Đoàn viên, hội viên của các tổ chức kinh tế – xã hội, học sinh sinh viên trong các nhà trường, nhất là các đối tượng có nguy cơ vi phạm tệ nạn mại dâm.
Các hoạt động nói trên cần tiến hành thường xuyên, liên tục và định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm.
3. Giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất kế hoạch nâng cao năng lực, củng cố tổ chức cán bộ phòng chống tệ nạn mại dâm của địa phương phù hợp yêu cầu phòng chống tệ nạn xã hội hiện nay. Tổng kết và phát triển các mô hình phòng chống tệ nạn mại dâm có hiệu quả. Thực hiện các biện pháp phối hợp Chương trình phòng chống tệ nạn mại dâm với chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, HIV/AIDS để ngăn chặn, làm giảm tỷ lệ tình hình gái mại dâm nghiện ma tuý, nhiễmHIV/AIDS.
4. Chỉ đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Công an tăng cường lập hồ sơ đưa gái mại dâm vào Cơ sở chữa bệnh và giáo dục tại xã phường, thị trấn theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
– Tổ chức đánh giá hiệu quả công tác giáo dục, chữa trị gái mại dâm, nghiên cứu và tiến hành các biện pháp làm giảm tỷ lệ gái mại dâm tái phạm; xây dựng cơ chế lồng ghép có hiệu quả với các Chương trình xoá đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, định canh, định cư… Phối hợp chặt chẽ với gia đình, đoàn thể trong việc quản lý, kèm cặp, giúp đỡ đối tượng hoàn lương tại cộng đồng.
5. Tăng cường kinh phí phòng chống tệ nạn mại dâm, phân bổ hợp lý cho các ngành theo yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ cho cơ sở chữa bệnh để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chữa trị, tổ chức lao động đủ điều kiện cho người mại dâm sau khi ở cơ sở chữa bệnh trở về tạo lập cuộc sống, hội nhập cộng đồng được ngay để giảm tỷ lệ tái phạm.
6. Tập trung chuyển hoá địa bàn, mở rộng công tác xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội kết hợp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sồng văn hoá”. Duy trì các xã phường đã được xây dựng, không để tệ nạn mại dâm tái trở lại.
Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan Thường trực phòng chống tệ nạn mại dâm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu cho UBND và Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo tăng cường các hoạt động công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể có liên quan để thực hiện có hiệu quả các hoạt động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện, thường xuyên thông tin, báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Reviews
There are no reviews yet.