QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 42/2003/QĐ-NHNN
NGÀY 13 THÁNG 01 NĂM 2003 VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
– Căn cứ Luật ngân hàng Nhà nước ngày 12/12/1997;
– Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
– Căn cứ Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế;
– Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng, thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Học viện ngân hàng, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2003/QĐ-NHNN
ngày 13/1/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Để giành thế chủ động trong tiến trình hội nhập, theo tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống ngân hàng đa dạng về hình thức, có uy tín với khách hàng, có khả năng cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả, an toàn, có khả năng huy động tốt hơn các nguồn vốn trong xã hội và mở rộng đầu tư đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ ngân hàng và các nghiệp vụ liên quan, tận dụng tốt các thành tựu về công nghệ thông tin, thành thạo ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp và kỉ luật cao, góp phần nâng cao hiệu suất lao động trong ngành ngân hàng.
Về hoạt động hội nhập, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã xác định trọng tâm là làm tốt chức năng đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức này, phát triển mối quan hệ hợp tác song phương trong đó có việc triển khai thực hiện Hiệp định thương mại Việt Mỹ, chú trọng công tác hội nhập quốc tế và khu vực trong các tổ chức kinh tế đa phương như ASEAN, APEC, WTO…
Chương trình hành động của ngành ngân hàng nhằm triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07 về hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm 7 nội dung chính sau đây:
– Công tác thông tin, tuyên truyền;
– Xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật;
– Hoàn thiện chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế;
– Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính tiền tệ, nâng cao khả năng cạnh tranh;
– Đàm phán gia nhập WTO;
– Đào tạo nguồn nhân lực;
– Mở rộng thị trường, tranh thủ đầu tư và trợ giúp kỹ thuật của các nước và các tổ chức quốc tế.
I. CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong NHNN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung, đưa các nội dung này vào chương trình giảng dạy của Học viện Ngân hàng, tổ chức các cuộc hội thảo và qua các phương tiện thông tin đại chúng như thời báo ngân hàng…, tạo sự nhận thức đầy đủ và thống nhất trong ngành cũng như trong xã hội
II. XÂY DỰNG, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG PHÁP LUẬT (2003-2006)
Trọng tâm trong công tác hội nhập của ngành ngân hàng trong những năm tới là tiếp tục triển khai thực hiện Hiệp định thương mại Việt Mỹ và chuẩn bị cho việc đàm phán gia nhập WTO.
– Ngân hàng nhà nước tiếp tục tiến hành rà soát, đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động ngân hàng với các nội dung, thoả thuận trong các hiệp định song phương và đa phương đã ký kết. Trên cơ sở đó trình Chính phủ kiến nghị với Quốc hội ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với các định chế của WTO và các tổ chức kinh tế, thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia; sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách không phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã, đang thoả thuận tham gia.
– Tăng cường khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), thiết lập hệ thống đánh giá, phân loại TCTD theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo để Việt Nam có thể tham gia đầy đủ vào các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
– Xây dựng cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng tự do hoá các giao dịch vãng lai, kiểm soát có lựa chọn có giao dịch tài khoản vốn. Xây dựng hệ thống các biện pháp kiểm soát chu chuyển vốn quốc tế đặc biệt là vốn ngắn hạn, kiểm soát nợ nước ngoài, kiểm soát và hạn chế tối đa việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.
III. HOÀN THIỆN CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ
VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ (2003)
Xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế, trong đó xác định rõ và cụ thể lộ trình hội nhập, các mức cam kết đối với từng loại tổ chức kinh tế quốc tế để định hướng cho cả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành ngân hàng. Trên cở sở chiến lược đó xây dựng kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống TCTD Việt Nam trong thị trường nội địa cũng như trên trường quốc tế.
IV. XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TỆ, NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH
Tiếp tục đổi mới và lành mạnh hoá hệ thống TCTD nhằm ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho các TCTD hội nhập quốc tế.
1. Đối với NHNN (2003 – 2005)
– Đổi mới chính sách tiền tệ theo hướng vận dụng các công cụ chính sách gián tiếp, hoàn thiện thị trường mở;
– Hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ theo hướng tự do hoá có sự điều tiết gián tiếp có hiệu quả của Nhà nước;
– Xây dựng cơ chế thanh toán phù hợp với thông lệ quốc tế, hiện đại hoá hệ thống thanh toán, hệ thông thông tin tài chính, đảm bảo cho hệ thống TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả, nâng cao khả năng giám sát;
– Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm;
– Cơ cấu lại hệ thống thanh tra, giám sát TCTD;
– Lập chương trình về hội nhập trên mạng Internet để cập nhập thông tin tài chính, tiền tệ.
2. Đối với hệ thống TCTD (2003-2005)
Củng cố và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nhằm lành mạnh hoá hệ thống tài chính, ngân hàng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nâng cao khả năng cạnh tranh cả về năng lực tài chính, trình độ công nghệ cũng như năng lực quản lý để có thể chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyển dịch và mở rộng cơ cấu cả về chủng loại và chất lượng cung ứng các dịch vụ tài chính theo hướng dựa trên cung cầu thị trường để các TCTD tự chủ hơn trong việc ra quyết định kinh doanh, tự chịu trách nhiệm, tự tìm kiếm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động, có khả năng cạnh tranh trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
a) Đối với Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN)
– Lành mạnh hoá tài chính của các NHTMNN trên cơ sở cơ cấu lại nợ, làm sạch bảng cân đối tài sản, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa phát sinh nợ xấu mới; có biện pháp giải quyết các khoản nợ đầu tư và cho vay không hiệu quả;
– Tách hoạt động tín dụng chính sách khỏi các NHTMNN chuyển giao nhiệm vụ này cho ngân hàng chính sách xã hội thực hiện;
– Hoàn thiện quy trình cho vay, thủ tục và điều kiện cho vay phù hợp với nhiều thành phần kinh tế, chú trọng cho vay chung và dài hạn phù hợp với chu kỳ dự án;
– Tập trung triển khai dự án về hiện đại hoá công nghệ ngân hàng. Tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế;
– Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ quản lý và viên chức các NHTMNN.
b) Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP)
Đặt ra yêu cầu tái cơ cấu tổ chức và chuẩn mực quản lý đối với các NHTMCP, tạo điều kiện cho những ngân hàng này hiện đại hoá công nghệ và đào tạo nâng cao trình độ quản lý, tham gia có hiệu quả vào thị trường tiền tệ thứ cấp, nghiệp vụ tái cấp vốn và hệ thống thanh toán của ngân hàng Nhà nước, cụ thể:
– Sắp xếp lại hệ thống các NHTMCP; giải thể hoặc sáp nhập một số NHTMCP yếu kém;
– Lành mạnh hoá tài chính của các NHTMCP trên cơ sở cơ cấu lại nợ quá hạn;
– Cơ cấu lại tổ chức, đặc biệt là các bộ phận quản lý rủi ro, quản lý tài sản nợ, tài sản có, giám sát và kiểm toán nội bộ, quản lý vốn và đầu tư.
V. ĐÀM PHÁN GIA NHẬP WTO
Trên cơ sở chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành ngân hàng, xây dựng phương án đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng chuẩn bị cho các phiên đàm phán gia nhập WTO, với mục tiêu đề ra là vào năm 2005.
VI. ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chung và dài hạn nhằm củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng đủ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ ngân hàng và các nghiệp vụ liên quan, tận dụng tốt các thành tựu về công nghệ thông tin, thành thạo ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp và kỷ luật cao, góp phần nâng cao hiệu suất lao động trong ngành ngân hàng. Chiến lược này đặc biệt chú trọng đến những cán bộ trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán, kí kết hợp đồng quốc tế hoặc gia nhập các tổ chức đa phương, cán bộ thanh tra giám sát và cán bộ chuyên trách làm công tác pháp luật quốc tế.
VII. MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG, TRANH THỦ ĐẦU TƯ VÀ
TRỢ GIÚP KĨ THUẬT CỦA CÁC NƯỚC VÀ
CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
Tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư Châu Âu, Ngân hàng đầu tư Bắc Âu, Quỹ OPEC, Quỹ KUWAIT; phối cùng các Bộ ngành liên quan tập trung vào việc triển khai thực hiện các cam kết với IMF/WB/ADB nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã kí để tranh thủ nguồn vốn cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước; chú trọng công tác hội nhập quốc tế và khu vực trong các tổ chức kinh tế đa phương như ASEAN, APEC, WTO…; và trong hợp tác song phương như Ngân hàng trung ương Pháp, Cơ quan xúc tiến hợptác và phát triển Pháp (PROPARCO), Ngân hàng hớp tác quốc tế Nhật bản (JBIC), Ngân hàng Mỹ (EXIMBANK), Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, Ngân hàng trung ương Lào, Ngân hàng trung ương Campuchia, Ngân hàng quốc gia Cu Ba, Ngân hàng trung ương Malaysia, Ngân hàng trung ương Iran, Luxembourg…
Đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và ngân hàng trung ương các nước trong việc nghiên cứu, thu nhập thông tin, kinh nghiệm của các nước trong hội nhập quốc tế như đàm phán gia nhập WTO… cũng như quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để củng cố và phát triển hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để thực hiện chương trình hành động này, các vụ, đơn vị sau đây có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị mình để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Các kế hoạch hành động này cần hoàn thành và trình Thống đốc phê duỵệt trước ngày 28/2/2003.
1- Công tác thông tin, tuyên truyền:
– Học viện ngân hàng có kế hoạch đưa vào chương trình ngoại khoá giới thiệu các tổ chức kinh tế, tài chính ngân hàng thế giới và khu vực như: WTO, ASEAN, APEC, ASEM, EU, IMF, WB, ADB, v.v…
– Văn phòng NHNN làm đầu mối, phối hợp các đơn vị liên quan, có kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo và tuyên truyền hội nhập cho cán bộ NHNN và NHTM.
– Thời báo ngân hàng có kế hoạch tuyên truyền hội nhập qua báo chí và các phương tiện thông tin khác.
– Trung tâm tuyên truyền báo chí làm đầu mối thu thập thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế;
2- Xây dựng sửa đổi, bổ sung pháp luật
Vụ pháp chế chủ trì làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định.
3- Hoàn thiện chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế:
Vụ chiến lược phát triển ngân hàng chủ trì làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện.
4- Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính tiền tệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.
– Vụ chính sách tiền tệ chủ trì làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ.
– Vụ các ngân hàng chủ trì làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến các ngân hàng thương mại.
– Vụ quản lý ngoại hối chủ trì làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến ngoại hối.
– Thanh tra ngân hàng nhà nước làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến thanh tra, giám sát như cơ cấu lại hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.
– Cục công nghệ tin học ngân hàng làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công nghệ tin học như hiện đại hoá hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tài chính; lập chương trình về hội nhập trên mạng Internet để cập nhật thông tin tài chính, tiền tệ.
5- Đào tạo nguồn nhân lực
Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo chủ trì làm đầu mối phối hợp với Học viện ngân hàng và các đơn vị liên quan thực hiện.
6- Đàm phán gia nhập WTO
Vụ quan hệ quốc tế chủ trì làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
7- Mở rộng thị trường, tranh thủ đầu tư và trợ giúp kỹ thuật của các nước và các tổ chức quốc tế.
Vụ quan hệ quốc tế chủ trì làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện.
Reviews
There are no reviews yet.