THÔNG TƯ
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
SỐ 73/2003/TT-BNN, NGÀY 01 THÁNG 07 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN
VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NỘI ĐỊA
Để thi hành Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/ 2001/ PL – UBTVQH 10 do Chủ tịch nước công bố ngày 08/8/2001 và Điều lệ Kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ; để công tác kiểm dịch thực vật nội địa hoạt động có hiệu quả và thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước như sau:
I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:
Công tác kiểm dịch thực vật nội địa là một khâu không thể tách rời với công tác kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu nhằm quản lý sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và sinh vật có ích; phát hiện và đề xuất các biện pháp xử lý đối với các ổ dịch thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật xuất hiện tại địa phương.
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Phạm vi: Thông tư này được áp dụng trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật nội địa trên phạm vi toàn quốc.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến công tác kiểm dịch thực vật nội địa phải thực hiện theo nội dung tại Thông tư này.
III. NỘI DUNG CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NỘI ĐỊA
Công tác kiểm dịch thực vật nội địa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo các nội dung sau đây:
1. Quản lý sinh vật gây hại đối với tài nguyên thực vật dùng làm giống và những sinh vật có ích nhập nội để sử dụng ngoài đồng ruộng, trong kho tàng, vườn ươm, nhân giống tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và kinh doanh giống cây trồng:
a. Đối với giống cây trồng và sinh vật có ích nhập khẩu: Việc theo dõi sau nhập khẩu được thực hiện theo Quyết định 89/2002/QĐ-BNN ngày 08/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Qui định về kiểm dịch thực vật đối với giống cây trồng và sinh vật có ích nhập khẩu.
b. Đối với sinh vật có ích, tài nguyên thực vật nhập nội để làm giống hoặc có thể sử dụng làm giống được vận chuyển từ nơi khác về địa phương, cơ quan kiểm dịch thực vật địa phương thực hiện những việc sau:
– Kiểm tra về kiểm dịch thực vật đối với chủ vật thể vận chuyển sinh vật có ích và tài nguyên thực vật nhập nội để làm giống hoặc có thể sử dụng làm giống bao gồm:
+ Giấy tờ nghiệp vụ kiểm dịch thực vật của giống cây trồng và sinh vật có ích do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp là Giấy phép kiểm dịch giống thực vật nhập khẩu; Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa.
+ Khi kiểm tra nếu không đủ các loại giấy tờ nghiệp vụ nêu trên, cán bộ kiểm dịch thực vật lập biên bản vi phạm và chuyển thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật để xử lý. Sau đó làm các thủ tục kiểm dịch thực vật đối với lô vật thể vi phạm trên.
– Giám sát địa điểm gieo trồng theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu.
– Thường xuyên kiểm tra theo dõi sự phát triển của sinh vật có ích và sinh vật gây hại trên giống cây trồng nhập nội về địa phương.
– Khi phát hiện thấy sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam trên giống cây trồng nhập nội tại địa phương và sinh vật có ích nhập nội có biểu hiện bất thường, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo cho Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng và Cục Bảo vệ thực vật để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn và giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý.
2. Quản lý sinh vật gây hại đối với hàng nông lâm sản nhập khẩu và bảo quản trong kho:
a. Khi hàng nông lâm sản nhập khẩu về địa phương, cơ quan kiểm dịch thực vật địa phương kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa của lô hàng. Nếu không có giấy chứng nhận trên, cán bộ kiểm dịch thực vật lập biên bản vi phạm và chuyển thanh tra chuyên ngành Bảo vệ và kiểm dịch thực vật để xử lý; Sau đó làm các thủ tục kiểm dịch thực vật đối với lô vật thể vi phạm trên.
b. Thường xuyên điều tra, theo dõi, giám sát tình hình sinh vật gây hại trên nông lâm sản nhập khẩu, bảo quản trong kho và tại các cơ sở sản xuất, gia công, chế biến hàng thực vật nhằm phát hiện sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
c. Khi phát hiện sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và những sinh vật gây hại lạ khác thì Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo với Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, Cục Bảo vệ thực vật và các cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý.
3. Quản lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu bị nhiễm đối tượng KDTV đã được xử lý tại cửa khẩu :
Tiếp tục giám sát và theo dõi chặt chẽ những vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu trên khi đưa về sử dụng tại địa phương theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu.
4. Quản lý các ổ dịch đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam:
a. Khi ở địa phương xuất hiện các ổ dịch sâu bệnh thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật thì Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng báo cáo cho cơ quan kiểm dịch thực vật cấp trên biết, sau đó quyết định các biện pháp xử lý và hướng dẫn, giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý.
b. Ở những nơi có nhiều ổ dịch xuất hiện, có nguy cơ lây lan thành vùng dịch, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền để công bố dịch theo qui định tại Điều 11, Điều 12 của Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
5. Quản lý vùng dịch thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật:
a. Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nhanh chóng xác định ranh giới vùng dịch, báo cáo cơ quan có thẩm quyền công bố dịch; qui định địa điểm kiểm dịch thực vật nội địa, thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vận chuyển từ vùng có dịch ra vùng không có dịch và thông báo cho cơ quan Bảo vệ thực vật ở các vùng lân cận biết.
b. Kiểm tra, giám sát các lô hàng nông lâm sản từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch đến địa phương. Trường hợp những lô hàng này chưa được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa thì Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành làm thủ tục kiểm dịch thực vật theo qui định.
6. Quản lý và thực hiện khử trùng xông hơi bảo quản tại địa phương:
Thực hiện theo qui định quản lý nhà nước về hoạt động xông hơi khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 84/2002/QĐ-BNN ngày 24/9/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Kiểm dịch vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh:
Chỉ thực hiện khi được sự uỷ quyền bằng văn bản của cơ quan Kiểm dịch thực vật Trung ương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Cục, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức, thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa theo đúng các nội dung tại Thông tư này.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các qui định của Thông tư này.
3. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a. Tuỳ theo tình hình thực tiễn của mỗi tỉnh, thành phố mà Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập trạm hoặc phòng kiểm dịch thực vật trực thuộc Chi cục. Trạm hoặc phòng kiểm dịch thực vật có nhiệm vụ giúp Chi cục trưởng tổ chức thực hiện và quản lý công tác kiểm dịch thực vật nội địa.
b. Cán bộ kiểm dịch thực vật trong khi làm nhiệm vụ phải mang sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ kiểm dịch thực vật. Chế độ cấp phát, sử dụng đối với viên chức kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 192/BNN ngày 31 tháng 3 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thông tư số 92 TT/LB liên bộ Tài chính – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13 tháng 12 năm 1995 hướng dẫn thực hiện chế độ trang phục đối với viên chức kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, thanh tra viên chuyên ngành Bảo vệ thực vật và thanh tra Thú y.
c. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ được thu các loại phí và lệ phí về kiểm dịch thực vật sau:
– Khi làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những lô vật thể chưa hoàn tất thủ tục kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu (Qui định tại mục b-1, mục a-2 phần III của Thông tư này);
– Khi vận chuyển lô vật thể từ vùng có dịch đến địa phương khác mà chưa làm thủ tục kiểm dịch thực vật tại nơi xuất;
– Khi thực hiện xử lý vật thể;
– Khi giám sát xử lý vật thể nhiễm dịch.
Chế độ thu và sử dụng phí, lệ phí kiểm dịch thực vật thực hiện theo qui định hiện hành.
4. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các qui định về kiểm dịch thực vật nội địa tuỳ theo mức độ vi phạm đều bị xử lý theo Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
– Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
– Thông tư này thay thế Thông tư số 63/1999/TT-BNN-BVTV ngày 9 tháng 4 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Trong khi thực hiện nếu có vướng mắc thì kịp thời đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Reviews
There are no reviews yet.