NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 09/2004/NQ-CP NGÀY 08 THÁNG 7 NĂM 2004
VỀ PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ THÁNG 6 NĂM 2004
Trong 3 ngày, 30 tháng 6, ngày 01 và 02 tháng 7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:
1- Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành năm 2003, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm2004. Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, việc ban hành sớm các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật là rất cần thiết.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính theo trách nhiệm được phân công khẩn trương hoàn thành các dự thảo Nghị định khác trong hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ thông qua. Trong quá trình soạn thảo, hoàn chỉnh văn bản cần trưng cầu ý kiến của lãnh đạo các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, bảo đảm tính đồng bộ giữa các văn bản.
Chính phủ yêu cầu, từ ngày 01 tháng 7 năm 2004, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương triển khai thực hiện ngay các quy định đủ cụ thể trong Luật về: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; thẩm quyền về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai; bảo đảm theo luật định các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất; tiến hành lập, điều chỉnh, xét duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đúng đối tượng; áp dụng hạn mức giao đất đối với đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất rừng, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất ở; thực hiện đúng chế độ sử dụng các loại đất; tiến hành việc thu hồi đất và thực hiện quản lý tốt quỹ đất đã thu hồi.
2- Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin trình dự thảo Đề án tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình hiện nay.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, báo chí Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về số lượng, đổi mới về nội dung, phong phú, đa dạng về hình thức. Hoạt động báo chí đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phát hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước; tham gia tích cực trong phong trào đấu tranh chống tiêu cực, góp phần làm lành mạnh xã hội và bộ máy nhà nước. Báo chí cũng là tiếng nói phản hồi về những mặt tốt, mặt còn hạn chế của cơ chế, chính sách nhà nước; phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của báo chí cũng còn những mặt cần chấn chỉnh. Một số báo chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đề ra; thiếu nhạy cảm chính trị, đưa tin sai sự thật, vi phạm quyền con người; có xu hướng thương mại hoá, thiếu tôn trọng pháp luật, chưa đề cao đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm chưa rõ ràng giữa cơ quan chủ quản với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí…
Yêu cầu tăng cường quản lý báo chí là phải phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản báo, Tổng biên tập báo, đưa hoạt động của từng báo theo đúng tôn chỉ mục đích, đúng pháp luật, nhằm phát huy những mặt tích cực của báo chí, tạo điều kiện cho báo chí nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, để các báo ngày càng có nhiều bài viết hay, thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan, đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước .
Giao Bộ Văn hoá – Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và đại biểu dự họp, hoàn chỉnh Đề án để phê duyệt và tổ chức thực hiện. Đối với những vấn đề đã được pháp luật quy định cụ thể, Bộ Văn hoá – Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện ngay.
3- Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ – công ty con; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.
Chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ – công ty con là một bước đi của quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (Khoá IX) của Đảng và triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi). Việc thí điểm chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con thời gian qua, bước đầu đã thu được kết quả tốt. Trước yêu cầu thực tế, việc hình thành một khung pháp lý để các tổng công ty nhà nước, các công ty nhà nước độc lập hoạt động và chuyển đổi theo mô hình này là cần thiết.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
4- Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trình dự án Luật Dược; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật này.
Thời gian qua, hệ thống văn bản pháp quy về ngành dược còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và chủ yếu vẫn còn là các văn bản dưới luật. Nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa phù hợp với công tác quản lý nhà nước về ngành dược. Các hoạt động như: lưu hành thuốc, kê đơn, cung ứng và sử dụng thuốc, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng thuốc, kinh doanh thuốc, kiểm nghiệm, thử thuốc trên lâm sàng… chưa được đề cập hoặc chưa có khung pháp lý điều chỉnh đồng bộ. Việc ban hành Luật Dược nhằm thể chế hoá và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực dược, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dược hoạt động .
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật, trình Chính phủ xem xét thêm trước khi báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
5- Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2004 và các giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo về Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2004; nghe Tổng thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ báo cáo Công tác cải cách hành chính nhà nước 6 tháng đầu năm 2004.
Chính phủ đã xem xét các báo cáo về Tình hình giá cả thị trường 6 tháng đầu năm và giải pháp điều hành 6 tháng cuối năm do Bộ Tài chính trình, báo cáo Tình hình thị trường trong nước và xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm do Bộ Thương mại trình.
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2004 có nhiều yếu tố tác động không thuận đến tình hình kinh tế – xã hội nước ta như dịch cúm gia cầm, rét đậm, hạn hán kéo dài trên diện rộng, giá cả một số mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao, nhưng tốc độ phát triển kinh tế vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng, một số lĩnh vực có tiến bộ như: sản xuất công nghiệp tăng khá, giá trị xuất khẩu và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng, nhập siêu giảm, thu ngân sách đạt cao, thu nhập của nông dân được cải thiện rõ rệt, góp phần kích cầu trong nước, đời sống nhân dân và chính trị – xã hội ổn định…
Đạt được kết quả trên là do sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước, đồng thời cũng là kết quả của sự chỉ đạo khẩn trương, quyết tâm, kịp thời với những giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả của tập thể Chính phủ. Chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 6 tháng qua đã đi vào trọng tâm, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, tập trung vào những mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; giải quyết những vấn đề cấp bách, những diễn biến đột xuất kịp thời, có hiệu quả. Các thành viên Chính phủ đã đề cao ý thức trách nhiệm, chủ động phối hợp hoạt động với cơ quan của Đảng, Quốc hội và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, tồn tại như: tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch, giá trị gia tăng của sản xuất, xây dựng đạt thấp, giá cả hàng hoá cho sản xuất và tiêu dùng tăng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng và vốn ODA chậm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm có chiều hướng gia tăng…
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2004, Chính phủ yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP, Quyết định số 51/2004/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Tập trung huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là giải ngân cho các công trình có hiệu quả và sớm phát huy tác dụng, các công trình có nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ; xử lý một phần nợ đọng trong xây dựng cơ bản; chủ động thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, kiềm chế lạm phát ở mức kiểm soát được; đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm cả trong sản xuất và tiêu dùng; đẩy mạnh xuất khẩu và sản xuất hàng xuất khẩu; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính có hiệu quả theo hướng tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; triển khai mạnh các giải pháp kiềm chế, xử lý các vấn đề xã hội bức xúc như tai nạn giao thông, tội phạm, ma tuý, mại dâm, giải quyết có hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện kéo dài; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Reviews
There are no reviews yet.