Bạn đang tìm kiếm :
VĂN BẢN PHÁP LUẬT

" Tất cả từ khóa "

Hệ thống tìm kiếm được các Văn Bản liên quan sau :

107.900 CÔNG VĂN (Xem & Tra cứu Công văn)
15.640 TIÊU CHUẨN VIỆT NAM (Xem & Tra cứu)

Nghị định 160/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 160/2004/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2004

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA

PHÁP LỆNH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VỀ VIỄN THÔNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 25 tháng 5 năm 2002.
2. Việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và các quy định liên quan của Nghị định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động viễn thông tại Việt Nam trong các lĩnh vực: thiết lập mạng viễn thông; cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông; sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông; thi công lắp đặt công trình viễn thông.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về viễn thông khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin
1. Mạng viễn thông là cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, phải được bảo vệ và không được xâm phạm. Chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phối hợp với nhau để bảo vệ an toàn mạng viễn thông công cộng. Chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông và thiết bị đầu cuối của mình, tích cực tham gia bảo vệ mạng viễn thông công cộng, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp viễn thông hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi phá hoại, xâm phạm mạng viễn thông công cộng.
2. Trong quá trình tham gia hoạt động viễn thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Trong trường hợp khẩn cấp do pháp luật về tình trạng khẩn cấp quy định, một phần hoặc toàn bộ mạng viễn thông có thể được huy động để phục vụ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bố trí mặt bằng, điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để các cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin.
5. Doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành ngăn chặn khẩn cấp và ngừng cung cấp dịch vụ đối với những trường hợp gây bạo động, bạo loạn, sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
6. Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan hướng dẫn việc bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.
Điều 4. Bảo đảm bí mật thông tin
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin mà mình đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng viễn thông.
2. Tin tức thuộc loại bí mật nhà nước nếu truyền đi trên mạng viễn thông phải được mã hóa theo quy định của pháp luật về cơ yếu. Việc sử dụng kỹ thuật mật mã nhằm bảo đảm bí mật thông tin trong thương mại và dân sự phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
3. Bí mật đối với thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông, Internet của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc nghe trộm, thu trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân.
4. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm bí mật các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông bao gồm tên, địa chỉ, số máy chủ gọi, số máy bị gọi, thời gian gọi và các thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cho cung cấp các thông tin nêu trên;
b) Các doanh nghiệp viễn thông có thoả thuận bằng văn bản với nhau việc trao đổi thông tin về người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm pháp luật viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
c) Các doanh nghiệp viễn thông có thoả thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính cước, in cước và thu cước khách hàng;
d) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông, Internet phải do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp viễn thông, chủ mạng viễn thông dùng riêng, đại lý và người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng mạng viễn thông để hoạt động khủng bố, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
CHƯƠNG II
MẠNG VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
MỤC 1
THIẾT BỊ ĐẦU CUỐI VÀ MẠNG NỘI BỘ
Điều 5. Thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ
1. Thiết bị đầu cuối thuê bao là thiết bị đầu cuối cố định hoặc di động của người sử dụng được đấu nối hoà mạng vào mạng viễn thông công cộng thông qua điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.
2. Thiết bị đầu cuối thuê bao được phân thành:
a) Thiết bị đầu cuối thuê bao một đường là thiết bị đầu cuối không có chức năng chuyển mạch hoặc kết nối cuộc gọi bao gồm: thiết bị điện thoại cố định, thiết bị điện thoại di động, thiết bị fax, thiết bị nhắn tin, modem, thiết bị đầu cuối truy nhập vô tuyến Internet, máy tính, thiết bị kết hợp tính năng của các thiết bị nói trên;
b) Thiết bị đầu cuối thuê bao nhiều đường là thiết bị đầu cuối có chức năng chuyển mạch, kết nối cuộc gọi bao gồm: tổng đài PABX, thiết bị cổng truy nhập vô tuyến Internet, thiết bị có tính năng kết nối cuộc gọi;
c) Các thiết bị đầu cuối thuê bao khác theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
3. Các thiết bị đầu cuối thuê bao thuộc danh mục bắt buộc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, các thiết bị đầu cuối thuê bao có phát xạ sóng vô tuyến điện muốn sử dụng trên mạng viễn thông công cộng phải tuân theo các quy định về chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và các quy định về quản lý, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
4. Mạng nội bộ là hệ thống thiết bị viễn thông do một tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là chủ mạng nội bộ) thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà chủ mạng nội bộ đó được toàn quyền sử dụng hợp pháp để bảo đảm liên lạc nội bộ cho các thành viên của mạng. Trường hợp chủ mạng nội bộ là cá nhân thì các thành viên của mạng là thành viên của hộ gia đình mà chủ mạng nội bộ là chủ hộ hoặc là người được chủ hộ uỷ quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ mạng nội bộ là tổ chức thì tư cách thành viên của mạng được xác định theo điều lệ hoạt động, văn bản pháp quy quy định cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức đó hoặc các quy định pháp lý có liên quan khác.
5. Mạng nội bộ được phân thành mạng nội bộ hữu tuyến (các thiết bị viễn thông liên kết với nhau bằng đường cáp viễn thông), mạng nội bộ vô tuyến (các thiết bị vô tuyến điện liên kết với nhau bằng sóng vô tuyến điện hoặc kết hợp cả sóng vô tuyến điện và đường cáp viễn thông).
Điều 6. Vị trí điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng
1. Điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng là điểm đấu nối vật lý thuộc mạng viễn thông theo các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm việc đấu nối thiết bị đầu cuối của người sử dụng dịch vụ vào mạng viễn thông.
2. Điểm kết cuối mạng viễn thông công cộng phân định ranh giới trách nhiệm về kinh tế và kỹ thuật giữa doanh nghiệp viễn thông với người sử dụng dịch vụ. Phạm vi từ điểm kết cuối về phía người sử dụng thuộc trách nhiệm của người sử dụng. Phạm vi từ điểm kết cuối về phía doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
3. Trong trường hợp mạng viễn thông được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông tới người sử dụng thông qua mạch vòng nội hạt (đường dây thuê bao hoặc đường trung kế), nếu không có thoả thuận khác khi giao kết hợp đồng giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ thì vị trí điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng được xác định là phía thuê bao của:
a) Hộp đầu cáp cuối cùng lắp đặt tại nhà thuê bao; hoặc
b) Hộp đầu dây thuê bao hoặc phiến (bảng) đấu dây của thiết bị truyền dẫn lắp đặt tại nhà thuê bao nếu điều kiện tại điểm a nêu trên không thoả mãn; hoặc
c) ổ giắc cắm thiết bị đầu cuối thuê bao đầu tiên (gần người sử dụng nhất) tại nhà thuê bao, nếu điều kiện tại các điểm a, b nêu trên không thoả mãn.
4. Trong trường hợp mạng viễn thông được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông tới người sử dụng thông qua thiết bị vệ tinh (bao gồm thiết bị phát hoặc thu – phát) hoặc trạm vô tuyến gốc, hoặc thiết bị cổng truy nhập vô tuyến Internet của doanh nghiệp viễn thông, nếu không có thoả thuận khác khi giao kết hợp đồng giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ thì vị trí điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng được xác định là phía thuê bao của ăng ten của thiết bị vệ tinh hoặc ăng ten của trạm vô tuyến gốc hoặc ăng ten của thiết bị cổng truy nhập vô tuyến Internet.
Điều 7. Trang bị, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa và đấu nối hoà mạng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ
1. Người sử dụng dịch vụ có thể tự mua thiết bị đầu cuối thuê bao, hoặc thuê thiết bị đầu cuối thuê bao của doanh nghiệp viễn thông; có thể tự đảm nhiệm hoặc thuê các tổ chức, cá nhân khác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ thuộc tài sản của mình.
2. Người sử dụng dịch vụ có thể tự đảm nhiệm hoặc thuê các tổ chức, cá nhân khác thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ trong phạm vi địa điểm của mình cho đến điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng. Việc thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ phải tuân thủ quy trình, quy phạm của Nhà nước và các quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông về xây lắp công trình mạng viễn thông và thiết bị viễn thông.
3. Việc đấu nối hoà mạng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ vào mạng viễn thông công cộng do doanh nghiệp viễn thông thực hiện thông qua việc giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ.
4. Khi đấu nối hoà mạng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ vào mạng viễn thông công cộng, doanh nghiệp viễn thông có quyền từ chối đấu nối hoà mạng và yêu cầu người sử dụng dịch vụ khắc phục các tồn tại nếu phát hiện và có đủ cơ sở kết luận việc lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ:
a) Không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông; hoặc
b) Gây mất an toàn cho mạng viễn thông công cộng, doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ; hoặc
c) Không đảm bảo đúng mục đích sử dụng dịch vụ theo quy định về viễn thông hoặc các điều khoản trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
5. Đối với các thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ có đấu nối với kênh thuê riêng, trạm vệ tinh mặt đất VSAT, Internet thì người sử dụng dịch vụ viễn thông phải bảo đảm sử dụng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông. Người sử dụng dịch vụ viễn thông không được dùng hoặc cho phép người khác dùng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ để chuyển tiếp bằng bất kỳ phương thức nào (tự động hay nhân công) các cuộc gọi từ các thiết bị đầu cuối không phải của mình hoặc thiết bị đầu cuối ngoài mạng nội bộ qua các kênh thuê riêng, trạm vệ tinh mặt đất VSAT, Internet và ngược lại (theo cả hai chiều đi và đến).
MỤC 2
MẠNG VIỄN THÔNG
Điều 8. Mạng viễn thông công cộng
1. Mạng viễn thông công cộng bao gồm:
a) Mạng viễn thông cố định:
– Mạng viễn thông cố định mặt đất;
– Mạng viễn thông cố định vệ tinh.
b) Mạng viễn thông di động:
– Mạng viễn thông di động mặt đất;
– Mạng viễn thông di động vệ tinh.
c) Các mạng viễn thông công cộng khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
2. Quản lý, khai thác mạng viễn thông công cộng.
a) Bộ Bưu chính, Viễn thông:
– Xây dựng, ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông trong đó có các quy hoạch về mạng viễn thông và tài nguyên thông tin;
– Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thiết lập hoặc đình chỉ quan hệ viễn thông với nước ngoài;
– Quyết định đóng, mở các hướng liên lạc viễn thông đường dài trong nước phục vụ công ích, an ninh, quốc phòng sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
b) Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm:
– Quy hoạch, thiết kế, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế mới và các công trình công cộng khác có phần quy hoạch cho các công trình viễn thông như: trung tâm viễn thông, điểm phục vụ công cộng, cột ăng ten, cống, bể cáp, đường cáp trong nhà v.v…
– Các đường truyền dẫn vi ba, cáp quang, cáp đồng được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố, đường phố, đường điện;
– Các công trình xây dựng công cộng và dân sinh khác không gây ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động của các công trình mạng lưới viễn thông đã được xây dựng theo đúng quy hoạch.
c) Các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông khi thiết lập và khai thác mạng viễn thông phải bảo đảm:
– Tuân theo kế hoạch, quy hoạch phát triển đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Có giấy phép viễn thông do Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp theo quy định tại Nghị định này;
– Có Quyết định phân bổ tài nguyên thông tin (nếu có) của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
– Tuân theo các tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về xây lắp mạng, công trình viễn thông do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố bắt buộc áp dụng;
– Không gây hại đến môi trường và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.
Điều 9. Mạch vòng nội hạt
1. Mạch vòng nội hạt là một phần của mạng viễn thông công cộng bao gồm các đường dây thuê bao và các đường trung kế kết nối tổng đài nội hạt của doanh nghiệp viễn thông với thiết bị đầu cuối thuê bao của người sử dụng dịch vụ.
2. Đường dây thuê bao là đường truyền dẫn hữu tuyến hoặc vô tuyến kết nối tổng đài nội hạt của doanh nghiệp viễn thông với thiết bị đầu cuối thuê bao một đường của người sử dụng.
3. Đường trung kế là đường truyền dẫn hữu tuyến hoặc vô tuyến kết nối tổng đài nội hạt của doanh nghiệp viễn thông với thiết bị đầu cuối thuê bao nhiều đường của người sử dụng. Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đường trung kế được phân thành: trung kế thuê bao, trung kế tương tự và trung kế số.
Điều 10. Hệ thống đường trục viễn thông quốc gia
1. Hệ thống đường trục viễn thông quốc gia là một phần của mạng viễn thông công cộng, bao gồm các đường truyền dẫn đường dài trong nước, quốc tế và các cổng thông tin quốc tế, có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống đường trục viễn thông quốc gia thông qua các cơ chế, chính sách, quy định về cấp phép; kết nối các mạng viễn thông; tiêu chuẩn, chất lượng và giá cước kết nối, thuê kênh; sử dụng chung cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.
3. Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng có giấy phép thiết lập mạng viễn thông cố định công cộng đường dài trong nước hoặc quốc tế mới được thiết lập hệ thống đường trục viễn thông quốc gia và kinh doanh dịch vụ thuê kênh đường dài trong nước hoặc quốc tế.
4. Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng chỉ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động công cộng được phép thiết lập các đường truyền dẫn nội hạt và đường dài trong nước để kết nối các hệ thống thiết bị thuộc mạng của mình với nhau, nhưng không được sử dụng các đường truyền dẫn này để cung cấp dịch vụ thuê kênh và không được thiết lập các cổng thông tin quốc tế.
5. Các doanh nghiệp viễn thông khác không được thiết lập hệ thống đường trục viễn thông quốc gia, nhưng được thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông theo đúng quy định của giấy phép.
Điều 11. Truyền dẫn phát sóng
1. Truyền dẫn phát sóng là việc truyền ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh và các dạng khác của thông tin bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, các phương tiện quang học và các phương tiện điện từ khác.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về truyền dẫn phát sóng trong phạm vi cả nước:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển truyền dẫn phát sóng trong phạm vi cả nước; tổ chức, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép, tần số, tiêu chuẩn, chất lượng, giá cước để thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng;
c) Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để kiểm tra, kiểm soát việc truyền dẫn phát sóng phục vụ quốc phòng, an ninh.
3. Các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội có liên quan đến việc truyền dẫn phát sóng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải được Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định phù hợp chiến lược, quy hoạch, quy định của pháp luật về truyền dẫn phát sóng.
Điều 12. Mạng viễn thông dùng riêng
1. Mạng viễn thông dùng riêng là mạng viễn thông do chủ mạng viễn thông dùng riêng thiết lập để bảo đảm thông tin cho các thành viên của mạng, bao gồm hai hay nhiều thiết bị viễn thông được lắp đặt tại các địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam mà các thành viên của mạng được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật và được kết nối với nhau thông qua mạng viễn thông công cộng hoặc bằng các đường truyền dẫn do chủ mạng thuê hoặc tự xây dựng.
2. Chủ mạng viễn thông dùng riêng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng theo quy định. Thành viên của mạng là thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép thiết lập mạng. Tư cách thành viên được xác định theo điều lệ hoạt động, văn bản pháp quy quy định cơ cấu, tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó hoặc các quy định pháp lý có liên quan khác.
3. Theo phương thức truyền dẫn sử dụng để thiết lập mạng, mạng viễn thông dùng riêng được phân thành mạng dùng riêng hữu tuyến (các thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng các đường cáp viễn thông), mạng dùng riêng vô tuyến (các thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng sóng vô tuyến điện hoặc kết hợp cả sóng vô tuyến điện và đường cáp viễn thông).
4. Các mạng viễn thông dùng riêng phải có giấy phép thiết lập mạng bao gồm:
a) Mạng viễn thông dùng riêng mà các thành viên của mạng này là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có cùng tính chất hoạt động hay mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên;
b) Mạng viễn thông dùng riêng hữu tuyến có đường truyền dẫn tự xây dựng;
c) Mạng viễn thông dùng riêng vô tuyến cố định vệ tinh và di động vệ tinh, trừ các mạng dùng riêng vệ tinh trong các nghiệp vụ lưu động hàng hải, lưu động hàng không, quảng bá (phát thanh, truyền hình) và vô tuyến điện nghiệp dư;
d) Mạng viễn thông dùng riêng vô tuyến của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế được hưởng quy chế ưu đãi và miễn trừ ngoại giao có trụ sở tại Việt Nam;
đ) Các mạng viễn thông dùng riêng khác theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
5. Ngoài các mạng viễn thông dùng riêng nêu tại khoản 4 Điều này, các mạng viễn thông dùng riêng khác không cần giấy phép thiết lập mạng, nhưng phải tuân theo các quy định về kết nối, đánh số, cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
MỤC 3
DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 13. Phân loại dịch vụ viễn thông
1. Dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ truyền đưa tức thời thông tin của người sử dụng dưới dạng ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh thông qua mạng viễn thông hoặc Internet mà không làm thay đổi loại hình hoặc nội dung thông tin được gửi và nhận qua mạng.
2. Dịch vụ cơ bản bao gồm:
a) Dịch vụ viễn thông cố định (nội hạt, đường dài trong nước, quốc tế):
– Dịch vụ điện thoại (thoại, fax, truyền số liệu trong băng thoại);
– Dịch vụ truyền số liệu;
– Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình;
– Dịch vụ thuê kênh;
– Dịch vụ telex;
– Dịch vụ điện báo.
b) Dịch vụ viễn thông di động (nội vùng, toàn quốc):
– Dịch vụ thông tin di động mặt đất;
– Dịch vụ điện thoại trung kế vô tuyến;
– Dịch vụ nhắn tin;
c) Dịch vụ viễn thông cố định vệ tinh;
d) Dịch vụ viễn thông di động vệ tinh;
đ) Dịch vụ vô tuyến điện hàng hải;
e) Các dịch vụ cơ bản khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
3. Dịch vụ cộng thêm là dịch vụ được cung cấp thêm đồng thời cùng với dịch vụ cơ bản, làm phong phú và hoàn thiện thêm dịch vụ cơ bản, trên cơ sở các tính năng kỹ thuật của thiết bị hoặc khả năng phục vụ của doanh nghiệp viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông quy định và công bố các dịch vụ cộng thêm do mình cung cấp.
4. Dịch vụ giá trị gia tăng là dịch vụ làm tăng thêm giá trị sử dụng thông tin của người sử dụng bằng cách hoàn thiện loại hình hoặc nội dung thông tin, hoặc cung cấp khả năng lưu trữ, khôi phục thông tin đó trên cơ sở sử dụng mạng viễn thông hoặc Internet. Dịch vụ giá trị gia tăng bao gồm:
a) Dịch vụ thư điện tử (e-mail);
b) Dịch vụ thư thoại (voice mail);
c) Dịch vụ truy cập dữ liệu và thông tin trên mạng;
d) Dịch vụ trao đổi dữ liệu điện tử;
đ) Dịch vụ fax gia tăng giá trị bao gồm lưu trữ và gửi, lưu trữ và truy cập;
e) Dịch vụ chuyển đổi mã và giao thức;
g) Dịch vụ xử lý dữ liệu và thông tin trên mạng;
h) Các dịch vụ giá trị gia tăng khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
5. Dịch vụ Internet bao gồm:
a) Dịch vụ kết nối Internet;
b) Dịch vụ truy nhập Internet;
c) Dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông.
6. Căn cứ Chiến lược phát triển Bưu chính Viễn thông, quy hoạch thị trường dịch vụ viễn thông trong từng thời kỳ, Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành danh mục các dịch vụ viễn thông cơ bản và giá trị gia tăng.
Điều 14. Bán lại dịch vụ viễn thông
1. Bán lại dịch vụ viễn thông là hình thức mua trực tiếp các dịch vụ viễn thông từ các doanh nghiệp viễn thông trên cơ sở thuê dung lượng hoặc mua lưu lượng thông qua hợp đồng ký kết với doanh nghiệp viễn thông để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng. Bán lại dịch vụ viễn thông bao gồm bán lại dịch vụ đầu cuối và bán lại dịch vụ trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế.
2. Bán lại dịch vụ đầu cuối:
a) Khi bán lại dịch vụ đầu cuối, mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo quy định của pháp luật và ký hợp đồng đại lý bán lại dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông và tuân thủ các quy định về quản lý giá cước bán lại dịch vụ viễn thông;
b) Đối với dịch vụ viễn thông cố định, các tổ chức, cá nhân được thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối thuê bao cố định trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp và bán lại dịch vụ cho người sử dụng trong phạm vi địa điểm đó theo đúng loại hình, chất lượng thoả thuận trong hợp đồng đại lý trên cơ sở thuê mạch vòng nội hạt (đường trung kế, đường dây thuê bao) của doanh nghiệp viễn thông;
c) Đối với dịch vụ viễn thông di động, các tổ chức, cá nhân được cung cấp (bán hoặc cho thuê) các thiết bị đầu cuối thuê bao di động và bán lại dịch vụ cho người sử dụng theo đúng loại hình, chất lượng thoả thuận trong hợp đồng đại lý trên cơ sở mua lưu lượng của doanh nghiệp viễn thông.
3. Bán lại dịch vụ trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế:
a) Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng được lắp đặt hệ thống thiết bị viễn thông trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp để bán lại dịch vụ viễn thông trên phạm vi cả nước trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp viễn thông khác;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được lắp đặt hệ thống thiết bị viễn thông trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp để bán lại dịch vụ viễn thông trong phạm vi các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp viễn thông khác. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông, Bộ Bưu chính, Viễn thông xem xét, quyết định đối với các trường hợp bán lại dịch vụ viễn thông ngoài phạm vi các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
4. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định chi tiết các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ liên quan đến việc bán lại dịch vụ viễn thông như: danh mục dịch vụ viễn thông được phép bán lại, đối tượng được phép bán lại dịch vụ, phạm vi bán lại, giá cước bán lại dịch vụ, đánh số, kết nối, thuê kênh.
Điều 15. Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông
1. Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện trên cơ sở hợp đồng được giao kết giữa doanh nghiệp viễn thông với người sử dụng dịch vụ.
2. Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ được thể hiện bằng hình thức văn bản, lời nói, phương thức thanh toán hoặc bằng các hành vi cụ thể khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ được thực hiện bằng văn bản:
a) Căn cứ quy định của pháp luật về hợp đồng và các quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng, ban hành hợp đồng mẫu cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông để thực hiện thống nhất trong toàn doanh nghiệp. Nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định đối với một số dịch vụ viễn thông phổ cập thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng hợp đồng mẫu, trình Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt;
b) Ngoài các nội dung chủ yếu được quy định trong hợp đồng mẫu, các bên giao kết hợp đồng có thể thoả thuận với nhau về các nội dung khác trong hợp đồng, nhưng không được trái với quy định của pháp luật, không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Điều 16. Từ chối cung cấp dịch vụ
Ngoài các quy định chung của pháp luật về hợp đồng, doanh nghiệp viễn thông có quyền từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng với người sử dụng dịch vụ trong các trường hợp sau:
1. Người sử dụng dịch vụ vi phạm pháp luật về viễn thông theo văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thực thi trách nhiệm của mình theo kết luận xử lý của văn bản.
2. Người sử dụng dịch vụ vi phạm các điều khoản hợp đồng mà hai bên đã thoả thuận là điều kiện đình chỉ hợp đồng.
3. Người sử dụng dịch vụ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán giá cước dịch vụ theo quy định với một doanh nghiệp viễn thông khác, nếu đã có thoả thuận bằng văn bản giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau về vấn đề này.
Điều 17. Liên lạc nghiệp vụ và liên lạc khẩn cấp
1. Liên lạc nghiệp vụ:
a) Doanh nghiệp viễn thông được phép sử dụng liên lạc nghiệp vụ trong nước và quốc tế qua mạng viễn thông do doanh nghiệp thiết lập để quản lý, điều hành khai thác, xử lý kỹ thuật, nghiệp vụ;
b) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm quy định đối tượng, phạm vi, mức độ sử dụng và ban hành Quy chế quản lý liên lạc nghiệp vụ trong doanh nghiệp mình theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
c) Miễn cước dịch vụ đối với liên lạc nghiệp vụ của các doanh nghiệp viễn thông.
2. Liên lạc khẩn cấp:
a) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm ưu tiên phục vụ ngay các trường hợp liên lạc khẩn cấp quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông;
b) Dịch vụ khẩn cấp là dịch vụ điện thoại nội hạt dùng để gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp của các cơ quan công an, cứu hoả, cấp cứu y tế và các cơ quan khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định các số dịch vụ khẩn cấp trong quy hoạch đánh số viễn thông quốc gia. Các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng, đăng trong danh bạ điện thoại công cộng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các số dịch vụ khẩn cấp do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định;
d) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp khả năng truy nhập và miễn cước đối với dịch vụ khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ.
Điều 18. Số thuê bao và danh bạ điện thoại công cộng
1. Số thuê bao là tập hợp các chữ số được người sử dụng dịch vụ quay (bấm) trên thiết bị đầu cuối thuê bao để nối đến một người sử dụng dịch vụ khác trong cùng vùng đánh số hoặc cùng mạng dịch vụ.
2. Danh bạ điện thoại công cộng là tập hợp các thông tin liên quan đến tên, địa chỉ, số thuê bao và các thông tin liên quan khác (nếu có) của người sử dụng dịch vụ, được lưu trữ dưới hình thức ấn phẩm truyền thống hoặc ấn phẩm điện tử và được các doanh nghiệp viễn thông in, phát hành và quản lý theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
3. Người sử dụng dịch vụ có quyền đăng ký hoặc từ chối đăng ký số thuê bao của mình vào danh bạ điện thoại công cộng. Nếu người sử dụng dịch vụ từ chối đăng ký số thuê bao vào danh bạ điện thoại công cộng, thì doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến người sử dụng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
Điều 19. Trợ giúp tra cứu số thuê bao
1. Dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao là dịch vụ điện thoại của doanh nghiệp viễn thông, giúp cho người sử dụng dịch vụ tra cứu số thuê bao nội hạt do doanh nghiệp quản lý và được đăng ký trong danh bạ điện thoại công cộng. Khi người sử dụng dịch vụ gọi đến số máy dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao của doanh nghiệp viễn thông và nêu các thông tin liên quan đến tên hoặc địa chỉ của người sử dụng dịch vụ thì sẽ được biết số thuê bao nội hạt cần tra cứu.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định số máy dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao của mạng điện thoại trong Quy hoạch đánh số quốc gia.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng dịch vụ, đăng trong danh bạ điện thoại công cộng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các số máy dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao được Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
4. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp khả năng truy nhập và miễn cước đối với dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao cho người sử dụng dịch vụ bằng các phương thức sau:
a) Tự tổ chức thực hiện; hoặc
b) Uỷ thác cho tổ chức hoặc doanh nghiệp viễn thông khác thực hiện, thông qua hợp đồng ký với tổ chức, doanh nghiệp đó.
Điều 20. Báo hỏng số thuê bao
1. Dịch vụ báo hỏng số thuê bao của mạng điện thoại công cộng là dịch vụ điện thoại của doanh nghiệp viễn thông giúp cho người sử dụng dịch vụ thông báo cho doanh nghiệp biết việc hoạt động không bình thường hoặc việc mất liên lạc của số thuê bao cố định nội hạt do doanh nghiệp quản lý và yêu cầu khắc phục sự cố.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định số máy dịch vụ báo hỏng số thuê bao của mạng viễn thông cố định nội hạt trong Quy hoạch đánh số quốc gia. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng dịch vụ, đăng trong danh bạ điện thoại công cộng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng số máy dịch vụ báo hỏng số thuê bao được Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp khả năng truy nhập và miễn cước đối với dịch vụ báo hỏng số thuê bao cho người sử dụng dịch vụ.
Điều 21. Lập hoá đơn và thanh toán giá cước
1. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm lập hoá đơn thanh toán giá cước dịch vụ chính xác, đầy đủ, kịp thời cho người sử dụng dịch vụ. Người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, kịp thời cước sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp theo đúng giá cước quy định.
2. Hoá đơn thanh toán giá cước dịch vụ phải thể hiện chính xác, đầy đủ, rõ ràng và gồm tối thiểu các nội dung sau:
a) Giá cước đối với từng loại dịch vụ viễn thông;
b) Tổng số giá cước phải thanh toán;
c) Tỷ giá quy đổi giữa ngoại tệ áp dụng để thu tiền và đồng Việt Nam (nếu có);
d) Thuế giá trị gia tăng (VAT).
3. Đối với việc lập hoá đơn hàng tháng theo hợp đồng, trừ trường hợp người sử dụng yêu cầu không in, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp hoặc ủy thác cho doanh nghiệp viễn thông khác thông qua hợp đồng để cung cấp bảng kê chi tiết miễn phí một lần kèm theo hoá đơn cho người sử dụng đối với:
a) Các cuộc gọi đường dài trong nước;
b) Các cuộc gọi quốc tế;
c) Các cuộc gọi vào mạng thông tin di động.
4. Nếu không có thoả thuận khác giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ, bảng kê chi tiết kèm theo hoá đơn thanh toán giá cước phải có tối thiểu các thông tin sau đối với từng cuộc gọi có tính cước:
a) Ngày, tháng, năm thực hiện cuộc gọi;
b) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc hoặc thời gian bắt đầu và tổng thời gian cuộc gọi;
c) Số máy bị gọi (cuộc gọi quốc tế: mã quốc gia, mã vùng, số thuê bao; cuộc gọi trong nước: mã vùng, số thuê bao);
d) Số tiền cho từng cuộc gọi.
Điều 22. Cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới
1. Việc cung cấp các dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông nước ngoài qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ đất liền Việt Nam phải thông qua hợp đồng kinh doanh hoặc thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp quản lý, khai thác cổng thông tin quốc tế của Việt Nam.
2. Việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng trên lãnh thổ đất liền Việt Nam phải được thực hiện thông qua việc giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
3. Căn cứ vào thông lệ quốc tế, các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải và khả năng cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới đối với tàu, thuyền, máy bay trên vùng trời, vùng biển của Việt Nam và các trường hợp đặc biệt khác.
4. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ viễn thông của mình ra nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của pháp luật tại nước mà doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông.
CHƯƠNG III
CÁC BÊN CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ
Điều 23. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế
1. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế là doanh nghiệp chiếm thị phần doanh thu hoặc lưu lượng lớn hơn 30 % tổng doanh thu hoặc lưu lượng đối với loại hình dịch vụ viễn thông trên địa bàn được phép cung cấp và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc xâm nhập thị trường dịch vụ đó của các doanh nghiệp viễn thông khác.
2. Định kỳ hàng năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông xác định và công bố doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.
3. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002.
Điều 24. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu
1. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu là doanh nghiệp viễn thông chiếm giữ trên 30% dung lượng mạch vòng nội hạt trên địa bàn được phép cung cấp hoặc chiếm giữ trên 30% dung lượng kênh truyền dẫn đường dài trong nước hoặc quốc tế; hoặc chiếm giữ trên 30% số trạm vô tuyến gốc của mạng thông tin di động mặt đất.
2. Định kỳ hàng năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông xác định và công bố doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu.
3. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu có trách nhiệm:
a) Quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng viễn thông bảo đảm năng lực phục vụ cho việc kết nối mạng và chuyển tải lưu lượng các dịch vụ viễn thông;
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán và thực hiện kết nối mạng, dịch vụ giữa các mạng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông một cách công bằng và hợp lý trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông, sử dụng chung vị trí kết nối và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông qua thoả thuận kết nối giữa các bên;
c) Xây dựng và trình Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt thoả thuận kết nối mẫu để áp dụng chung cho các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu kết nối.
Điều 25. Đại lý dịch vụ viễn thông
1. Tổ chức, cá nhân muốn cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông, phải ký kết hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đại lý dịch vụ viễn thông được phân thành đại lý hoa hồng và đại lý bán lại.
2. Đại lý hoa hồng được thiết lập các thiết bị đầu cuối thuê bao một đường tại địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp; đấu nối thiết bị đầu cuối thuê bao vào mạng viễn thông công cộng bằng đường dây thuê bao để cung cấp dịch vụ viễn thông tại địa điểm đó theo đúng loại hình, chất lượng và giá cước dịch vụ theo quy định và hưởng hoa hồng.
3. Đại lý bán lại được thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối thuê bao (một đường và nhiều đường) trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp; đấu nối hệ thống thiết bị đầu cuối vào mạng viễn thông bằng đường trung kế hoặc đường dây thuê bao để bán lại dịch vụ đầu cuối tại địa điểm đó theo đúng các quy định về bán lại dịch vụ viễn thông của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
4. Trên cơ sở quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng và ban hành hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông mẫu để thực hiện thống nhất trong doanh nghiệp.
5. Đại lý dịch vụ viễn thông chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông.
Điều 26. Chế độ báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và ban hành các mẫu biểu báo cáo để áp dụng chung cho các doanh nghiệp viễn thông.
2. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật, nghiệp vụ của mình theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và kịp thời của các nội dung và số liệu báo cáo.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm chứng minh các số liệu báo cáo theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tạo điều kiện để Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm tra các số liệu báo cáo trong trường hợp cần thiết.
4. Doanh nghiệp viễn thông vi phạm quy định về chế độ báo cáo sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
CHƯƠNG IV
KẾT NỐI
MỤC 1
KẾT NỐI CÁC MẠNG VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG
Điều 27. Nguyên tắc kết nối
Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng và ban hành Quy định kết nối trên cơ sở các nguyên tắc sau:
1. Doanh nghiệp viễn thông có quyền yêu cầu kết nối mạng viễn thông của mình với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp khác, đồng thời có nghĩa vụ cho các doanh nghiệp viễn thông khác kết nối vào mạng hoặc dịch vụ viễn thông của mình với điều kiện công bằng và hợp lý.
2. Việc kết nối các mạng viễn thông phải được thực hiện trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng.
3. Bảo đảm cho người sử dụng dịch vụ:
a) Được tự do lựa chọn doanh nghiệp viễn thông một cách thuận lợi dễ dàng;
b) Được liên lạc với bất kỳ người sử dụng nào, không phụ thuộc vào người sử dụng đó giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông nào;
c) Được cung cấp dịch vụ và thanh toán giá cước một cách thuận tiện, hợp lý.
4. Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về kết nối:
a) Tuân theo các tiêu chuẩn về kết nối do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành;
b) Bảo đảm sự an toàn và toàn vẹn của mỗi mạng và toàn bộ mạng viễn thông công cộng.
5. Giá cước kết nối được xây dựng trên cơ sở giá thành, phân tách một cách hợp lý theo các bộ phận cấu thành mạng hoặc theo công đoạn dịch vụ, không phân biệt đối xử giữa các loại hình dịch vụ. Trường hợp giá cước kết nối có bao gồm phần đóng góp cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thì phần đóng góp này phải được định rõ.
Điều 28. Thoả thuận kết nối mẫu
1. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu có trách nhiệm xây dựng Bản thỏa thuận kết nối mẫu với các điều kiện minh bạch và không phân biệt đối xử trình Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt.
2. Sau khi được phê duyệt, Bản thỏa thuận kết nối mẫu được công bố công khai để áp dụng chung đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu kết nối.
3. Ngoài các nội dung chủ yếu được quy định trong thoả thuận kết nối mẫu, các doanh nghiệp tham gia kết nối có thể thoả thuận với nhau về các nội dung khác trong thoả thuận, nhưng không được trái với quy định của pháp luật, không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.
Điều 29. Điểm kết nối
1. Điểm kết nối là điểm nằm trên tuyến kết nối hai mạng viễn thông với nhau, phân định trách nhiệm kinh tế, kỹ thuật giữa hai doanh nghiệp viễn thông.
2. Vị trí địa lý của điểm kết nối: nếu không có thoả thuận khác trong thoả thuận kết nối của các doanh nghiệp tham gia kết nối hoặc yêu cầu khác của Bộ Bưu chính, Viễn thông, thì vị trí địa lý điểm kết nối được quy định như sau:
a) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc nội hạt là tổng đài nội hạt hoặc tổng đài tandem nội hạt;
b) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc đường dài trong nước là tổng đài tandem nội hạt hoặc tổng đài đường dài;
c) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc quốc tế là tổng đài đường dài hoặc tổng đài quốc tế;
d) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc di động là tổng đài tandem nội hạt, hoặc tổng đài đường dài, hoặc tổng đài di động.
3. Vị trí điểm kết nối trong cấu trúc mạng là cổng trung kế của các tổng đài kết nối.
4. Số lượng điểm kết nối do các doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối tự thoả thuận, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc kết nối quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
Điều 30. Sử dụng chung vị trí và sử dụng chung cơ sở hạ tầng
1. Sử dụng chung vị trí.
a) Các doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối áp dụng nguyên tắc sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối ở tất cả những nơi thực tế cho phép nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng mặt bằng, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia kết nối.
b) Có hai phương pháp sử dụng chung vị trí là sử dụng chung vị trí thực và sử dụng chung vị trí ảo. Phương pháp sử dụng chung vị trí ảo chỉ áp dụng khi phương pháp sử dụng chung vị trí thực không thể thực hiện được do doanh nghiệp cung cấp kết nối không thể bố trí được mặt bằng và các điều kiện cần thiết khác.
2. Sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
a) Cơ sở hạ tầng bao gồm nhà cửa, cống cáp, bể cáp, cột cáp, tháp ăng ten, đường dẫn cáp nội bộ và thiết bị phụ trợ trong toà nhà đặt thiết bị kết nối và các phương tiện khác cần được sử dụng chung một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo trong đầu tư xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, nếu các yêu cầu đưa ra hợp lý, khả thi về kinh tế, kỹ thuật và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật;
b) Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng được thực hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở thoả thuận giữa các doanh nghiệp. Trong một số trường hợp cần thiết đối với việc kết nối và thiết lập mạng viễn thông, để bảo đảm lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ quyết định việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông nếu các doanh nghiệp không thoả thuận được.
MỤC 2
KẾT NỐI MẠNG VIỄN THÔNG DÙNG RIÊNG, MẠNG VIỄN THÔNG CHUYÊN DÙNG VỚI MẠNG VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG
Điều 31. Nguyên tắc kết nối
Việc kết nối mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng với mạng viễn thông công cộng phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của mạng viễn thông công cộng.
2. Thực hiện thông qua hợp đồng kết nối bằng văn bản giữa doanh nghiệp viễn thông và chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng.
3. Không sử dụng mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng để chuyển tiếp bằng bất kỳ phương thức nào (tự động hay nhân công) cuộc gọi đường dài trong nước và quốc tế giữa các thiết bị đầu cuối ngoài mạng (theo cả hai chiều đi và đến).
4. Không kết nối trực tiếp các mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng với nhau, trừ trường hợp được Bộ Bưu chính, Viễn thông cho phép.
Điều 32. Điểm kết nối
1. Mạng viễn thông dùng riêng được phép kết nối với mạng viễn thông công cộng tại các tổng đài nội hạt, tổng đài tandem nội hạt và tại các điểm kết nối khác do doanh nghiệp viễn thông quy định bằng các đường trung kế.
2. Mạng viễn thông chuyên dùng được phép kết nối với mạng viễn thông công cộng tại các tổng đài nội hạt, tổng đài tandem nội hạt, tổng đài đường dài và tại các điểm kết nối khác do doanh nghiệp viễn thông quy định bằng các đường trung kế .
Điều 33. Sử dụng chung cơ sở hạ tầng
1. Trường hợp chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng tự xây dựng đường truyền dẫn theo giấy phép thiết lập mạng thì chủ mạng phải chịu trách nhiệm toàn bộ việc lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng đường trung kế. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bố trí mặt bằng lắp đặt thiết bị truyền dẫn (nếu có), ống cáp, bể cáp, cột, trụ ăng ten và các thiết bị khác đi kèm như nguồn điện, điều hoà v.v… cho chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng tại địa điểm tổng đài kết nối của mình.
2. Việc sử dụng cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông được thực hiện thông qua hợp đồng ký giữa chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng với doanh nghiệp viễn thông.
3. Chi phí cho việc sử dụng hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông do chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng và doanh nghiệp viễn thông thoả thuận.
CHƯƠNG V
ĐÁNH SỐ VIỄN THÔNG
Điều 34. Quy hoạch đánh số viễn thông
1. Quy hoạch đánh số viễn thông là quy định chi tiết cấu trúc và mục đích sử dụng các mã, số được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước để bảo đảm cho hoạt động của mạng và dịch vụ viễn thông. Tập hợp các mã, số viễn thông được gọi là kho số viễn thông.
2. Quy hoạch đánh số viễn thông bao gồm:
a) Quy hoạch đánh số mạng viễn thông công cộng;
b) Quy hoạch đánh số mã điểm báo hiệu;
c) Quy hoạch đánh số tên miền, địa chỉ Internet;
d) Quy hoạch đánh số các mạng dịch vụ viễn thông khác.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch đánh số viễn thông.
Điều 35. Quản lý kho số viễn thông
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng và ban hành Quy định quản lý kho số viễn thông.
2. Dựa trên Quy hoạch đánh số và Quy định quản lý kho số, Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định việc phân bổ hoặc thu hồi các mã, số viễn thông cho các doanh nghiệp viễn thông và cho các tổ chức, cá nhân.
3. Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm:
a) Làm thủ tục xin phân bổ mã, số và khối số theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Xây dựng kế hoạch sử dụng mã, số viễn thông đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông phân bổ;
c) Thực hiện việc cấp số, cho thuê số và thu hồi số đối với người sử dụng dịch vụ theo Quy định quản lý kho số viễn thông;
d) Báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông kế hoạch và tình hình sử dụng mã, số viễn thông định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
đ) Trong phạm vi khối số viễn thông đã được phân bổ, trên cơ sở Quy hoạch đánh số viễn thông và kế hoạch phát triển mạng lưới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp viễn thông phải thông báo trước cho người sử dụng dịch vụ liên quan ít nhất 60 ngày trước khi tiến hành thay đổi số thuê bao về thời điểm và các thông tin cần thiết về kế hoạch đổi số, hướng dẫn người sử dụng việc sử dụng dịch vụ sau khi đổi số. Doanh nghiệp viễn thông phải chịu mọi chi phí cho việc đổi số, nhưng không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gián tiếp do việc đổi số gây ra cho người sử dụng.
4. Chủ mạng viễn thông chuyên dùng, dùng riêng, đại lý và người sử dụng dịch vụ được cấp hoặc được thuê mã, số có trách nhiệm sử dụng mã, số đã được cấp hoặc được thuê theo Quy định quản lý kho số viễn thông và hướng dẫn của doanh nghiệp viễn thông.
5. Bộ Bưu chính, Viễn thông thu hồi các mã, số dịch vụ hoặc khối số thuê bao đã phân bổ trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông hoặc chủ mạng không có nhu cầu sử dụng nữa để sử dụng cho các mục đích khác.
6. Khi có nhu cầu thay đổi khối số hoặc độ dài số thuê bao, doanh nghiệp viễn thông và các chủ mạng viễn thông chuyên dùng phải lập kế hoạch, đề xuất phương án và chỉ thực hiện sau khi được Bộ Bưu chính, Viễn thông cho phép bằng văn bản.
7. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng mã, số viễn thông phải nộp phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI
GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG
MỤC 1
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CẤP PHÉP
Điều 36. Nguyên tắc cấp phép
1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển viễn thông Việt Nam.
2. Ưu tiên cấp phép cho các đề án có khả năng triển khai nhanh chóng trên thực tế, có cam kết cung cấp lâu dài cho đông đảo người sử dụng dịch vụ; các đề án cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; các đề án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và an ninh, quốc phòng.
3. Trong trường hợp việc cấp giấy phép có liên quan đến sử dụng tần số, kho số, thì giấy phép chỉ được xem xét cấp nếu việc phân bổ tần số, kho số có thể thực hiện được theo đúng quy hoạch đã phê duyệt.
4. Việc cấp phép cho doanh nghiệp viễn thông có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
5. Nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng các loại giấy phép viễn thông. Trong trường hợp thay đổi về tổ chức như sáp nhập, giải thể, cổ phần hoá hoặc thay đổi phần vốn góp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét việc cấp lại hoặc thu hồi giấy phép theo đúng quy định về đối tượng được cấp phép.
6. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ xin cấp giấy phép viễn thông. Căn cứ vào hồ sơ xin cấp phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và cấp phép hoặc từ chối cấp phép theo các quy định tại Nghị định này. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau khi nhận được giấy phép viễn thông, có trách nhiệm và chủ động triển khai thực hiện các hoạt động ghi trong giấy phép và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của mình theo các quy định của pháp luật và các quy định của giấy phép đã được cấp.
7. Mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp phí và lệ phí cấp phép theo quy định.
Điều 37. Kinh doanh viễn thông không cần giấy phép
1. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có thể đăng ký và hoạt động kinh doanh viễn thông trong các lĩnh vực sau đây mà không cần giấy phép:
a) Sản xuất vật tư, thiết bị viễn thông (trừ thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện);
b) Xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, thiết bị viễn thông;
c) Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông.
2. Trong quá trình hoạt động kinh doanh viễn thông, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, các quy định về thông tin quảng cáo, các quy định về giải quyết tranh chấp, bồi thường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Ngoài các quy định tại khoản 2 của Điều này:
a) Đối với việc kinh doanh sản xuất vật tư, thiết bị viễn thông (trừ thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện), tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định về quản lý chất lượng thiết bị viễn thông tại Điều 52 của Nghị định này;
b) Đối với việc kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, thiết bị viễn thông, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định về quản lý chất lượng thiết bị viễn thông tại Điều 52 của Nghị định này, các quy định về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện của Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về tần số vô tuyến điện và các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ;
c) Đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định về đại lý dịch vụ viễn thông tại Điều 25 của Nghị định này.
MỤC 2
CẤP PHÉP THIẾT LẬP MẠNG VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 38. Điều kiện cấp phép
1. Điều kiện về chủ thể:
Là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt.
2. Điều kiện về kỹ thuật nghiệp vụ và khả năng tài chính:
a) Có đủ khả năng về tài chính và nhân lực chuyên môn phù hợp với quy mô của đề án để triển khai giấy phép;
b) Có phương án kỹ thuật phát triển mạng và phương án kinh doanh dịch vụ khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành về kết nối, sử dụng tài nguyên thông tin, giá cước, tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ;
c) Có các phương án dự phòng để đảm bảo an toàn khi có sự cố về kỹ thuật;
d) Có các trang thiết bị và phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin.
Điều 39. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép của doanh nghiệp;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư;
c) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp;
d) Đề án cung cấp dịch vụ gồm các nội dung chính như sau:
– Kế hoạch kinh doanh bao gồm loại hình dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; giá cước; dự báo và phân tích thị trường, doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng giai đoạn; hình thức đầu tư, phương án huy động vốn; nhân lực;
– Kế hoạch kỹ thuật bao gồm cấu hình mạng lưới, thiết bị bao gồm cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng lưới, thiết bị; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên thông tin tương ứng; trang thiết bị và biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin;
– Cam kết thực hiện triển khai đề án xin cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông lâu dài cho người sử dụng và các quy định quản lý về viễn thông.
2. Thời gian và quy trình xử lý hồ sơ.
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiếp nhận hồ sơ xin phép, tiến hành thẩm định trong thời gian 75 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không đồng ý, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối cấp phép cho doanh nghiệp xin phép biết. Trường hợp hồ sơ xin phép đảm bảo về cơ bản các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành liên quan và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc xin cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp. Trường hợp nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Bưu Chính, Viễn thông có trách nhiệm cấp giấy phép cho doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
a) Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu doanh nghiệp được cấp phép muốn sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thì phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép đến Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung bao gồm: đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực; báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp; báo cáo mô tả chi tiết nội dung bổ sung, sửa đổi và các tài liệu có liên quan khác;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét cấp phép bổ sung, sửa đổi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép bổ sung, sửa đổi, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp xin sửa đổi, bổ sung giấy phép biết.
4. Gia hạn giấy phép.
a) Doanh nghiệp được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 60 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Hồ sơ xin gia hạn gồm đơn xin gia hạn giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn giấy phép trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp nộp đơn biết;
c) Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không vượt quá một năm.
5. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày cấp phép, doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới;
b) Bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực viễn thông theo các quy định của pháp luật có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
MỤC 3
CẤP PHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 40. Điều kiện cấp phép
1. Điều kiện về chủ thể:
Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện về kỹ thuật nghiệp vụ:
a) Có phương án kỹ thuật phát triển hệ thống thiết bị viễn thông trong phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng và phương án kinh doanh dịch vụ viễn thông khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành về thiết lập mạng, kết nối, sử dụng tài nguyên thông tin, giá cước, công nghệ và chất lượng dịch vụ;
b) Có các phương án dự phòng để đảm bảo an toàn khi có sự cố về kỹ thuật;
c) Có các trang thiết bị và phương án kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin.
Điều 41. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép của doanh nghiệp;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp;
c) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp;
d) Đề án cung cấp dịch vụ gồm các nội dung chính như quy định tại điểm d khoản 1 Điều 39 của Nghị định này.
2. Thời gian xử lý hồ sơ.
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và cấp phép trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Nếu có những vấn đề phát sinh đòi hỏi phải thẩm tra lại thì thời hạn trên có thể kéo dài thêm nhưng không quá 75 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp xin cấp phép biết.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung; gia hạn và thu hồi giấy phép.
Thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 39 của Nghị định này.
MỤC 4
CẤP PHÉP THỬ NGHIỆM MẠNG VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 42. Đối tượng cấp phép
1. Các doanh nghiệp viễn thông muốn cung cấp thử nghiệm dịch vụ viễn thông mới cho công cộng ngoài các dịch vụ đã được quy định trong giấy phép đã được cấp hoặc thử nghiệm các dịch vụ viễn thông mới có sử dụng tài nguyên viễn thông.
2. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn thử nghiệm mạng viễn thông dùng riêng có sử dụng tài nguyên viễn thông.
Điều 43. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin phép thiết lập thử nghiệm hoặc cung cấp thử nghiệm dịch vụ;
b) Đề án thiết lập thử nghiệm mạng hoặc cung cấp thử nghiệm dịch vụ, trong đó xác định rõ: mục đích, phạm vi, thời hạn thử nghiệm; cấu hình mạng, loại hình dịch vụ, bên hợp tác cùng thử nghiệm (nếu có); giá cước dự định (nếu có); tần số, kho số xin phép thử nghiệm (nếu có); các điều khoản, điều kiện để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng nếu sau khi kết thúc thời hạn cung cấp thử nghiệm dịch vụ, doanh nghiệp không đưa dịch vụ vào cung cấp chính thức;
c) Bản sao giấy phép viễn thông (nếu có).
2. Thời gian xử lý hồ sơ
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và xét cấp phép hoặc từ chối cấp phép trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin phép biết.
3. Gia hạn thời gian thử nghiệm
a) Doanh nghiệp muốn gia hạn thời gian thử nghiệm phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 15 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Hồ sơ xin gia hạn bao gồm đơn xin gia hạn trình bày rõ lý do xin gia hạn; bản sao Giấy phép thử nghiệm đang có hiệu lực;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp biết;
c) Thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn không vượt quá 01 năm.
4. Kết thúc thời hạn thử nghiệm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tổng kết, hoàn chỉnh hồ sơ thử nghiệm và báo cáo kết quả thử nghiệm cho Bộ Bưu chính, Viễn thông.
5. Sau thời gian thử nghiệm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin thử nghiệm muốn đưa mạng hoặc dịch vụ vào khai thác chính thức phải xin phép Bộ Bưu chính, Viễn thông. Thủ tục xin phép được áp dụng theo quy định tại các mục 2 và mục 3 Chương VI của Nghị định này.
6. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Nếu sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp phép, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép chưa triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới;
b) Bị xử lý vi phạm về viễn thông theo các quy định pháp luật có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
MỤC 5
CẤP PHÉP THIẾT LẬP MẠNG VIỄN THÔNG DÙNG RIÊNG
Điều 44. Điều kiện cấp phép
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn thiết lập mạng viễn thông dùng riêng phải bảo đảm các điều kiện sau:
1. Việc thiết lập mạng viễn thông dùng riêng chỉ để đảm bảo liên lạc cho các thành viên mạng, không vì mục đích kinh doanh và bảo đảm phi lợi nhuận.
2. Có phương án kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho mạng viễn thông dùng riêng.
Điều 45. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép: hồ sơ xin cấp phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng. Công văn đề nghị của Bộ Ngoại giao đối với các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp xin phép;
c) Điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên (nếu có);
d) Đề án thiết lập mạng, trong đó nêu rõ: mục đích thiết lập mạng; cấu hình mạng; chủng loại thiết bị; dịch vụ sử dụng; thành viên của mạng (nếu có); phạm vi hoạt động; công nghệ sử dụng; tần số, mã, số xin sử dụng (nếu có).
2. Thời gian xử lý hồ sơ.
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và xét cấp phép hoặc từ chối cấp phép trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp xin phép biết. Trường hợp có những vấn đề phát sinh đòi hỏi phải thẩm tra lại thì thời hạn cấp phép có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép muốn sửa đổi, bổ sung cấu hình mạng, loại hình dịch vụ, phạm vi hoạt động của mạng phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung tới Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung bao gồm: đơn xin sửa đổi, bổ sung; bản mô tả chi tiết dự định sửa đổi, bổ sung; các tài liệu khác có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung; bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét cấp phép hoặc từ chối cấp phép sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin phép biết.
4. Gia hạn giấy phép.
a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 15 ngày trước ngày giấy phép hết hạn;
b) Hồ sơ xin gia hạn gồm đơn xin gia hạn, bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp đơn biết;
d) Thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn không vượt quá 01 năm.
5. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Nếu sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp phép, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép chưa triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới;
b) Bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông theo các quy định có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
MỤC 6
CẤP PHÉP LẮP ĐẶT CÁP VIỄN THÔNG TRONG VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ, THỀM LỤC ĐỊA CỦA VIỆT NAM
Điều 46. Điều kiện cấp phép
1. Cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
2. Cam kết tuân thủ sự giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền Việt Nam và chịu mọi chi phí cho hoạt động này.
Điều 47. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép: hồ sơ xin cấp phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam phải lập thành 05 bộ (01 bản chính và 04 bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam;
b) Đề án lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam bao gồm các nội dung sau:
– Tính chất, mục tiêu và phạm vi của tuyến cáp, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến khảo sát biển và hoạt động ngầm dưới biển;
– Thiết kế kỹ thuật và vị trí địa lý, tọa độ chính xác tuyến cáp viễn thông xin lắp đặt;
– Phương án tổ chức thi công và phương án bảo đảm an ninh, môi trường biển.
2. Thời gian xử lý hồ sơ
a) Bộ Bưu chính, Viễn thông tiếp nhận hồ sơ xin phép và gửi hồ sơ đến các Bộ, ngành có liên quan lấy ý kiến trước khi cấp giấy phép;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện việc cấp giấy phép trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức xin cấp phép biết;
c) Căn cứ vào giấy phép đã cấp, Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc cho phép cho tàu, thuyền hoạt động khảo sát, thi công, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa tuyến cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo giấy phép và theo các quy định của pháp luật.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
a) Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu tổ chức được cấp phép muốn sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thì phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép đến Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung bao gồm: đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực; báo cáo mô tả chi tiết nội dung bổ sung, sửa đổi và các tài liệu có liên quan khác;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét cấp phép bổ sung, sửa đổi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép bổ sung, sửa đổi, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức xin sửa đổi, bổ sung giấy phép biết.
4. Gia hạn giấy phép.
a) Tổ chức được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 90 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Hồ sơ xin gia hạn gồm: đơn xin gia hạn giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn giấy phép trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
c) Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức nộp đơn biết;
d) Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không vượt quá 01 năm.
5. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam sẽ bị thu hồi trong trường hợp tổ chức bị xử lý vi phạm về viễn thông theo các quy định pháp luật có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
CHƯƠNG VII
CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH
Điều 48. Dịch vụ viễn thông công ích
1. Dịch vụ viễn thông công ích bao gồm dịch vụ viễn thông phổ cập và dịch vụ viễn thông bắt buộc, là những dịch vụ viễn thông thiết yếu đối với xã hội, được Nhà nước đảm bảo cung cấp theo chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
2. Trên cơ sở quy hoạch phát triển viễn thông, Internet, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm:
a) Xây dựng chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Quy định, hướng dẫn cụ thể về danh mục, đối tượng và phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hàng năm.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chương trình, kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
Điều 49. Cơ chế tài chính hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
1. Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thông qua:
a) Cước kết nối;
b) Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
2. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
3. Nguồn hình thành Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam bao gồm:
a) Vốn đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông: các khoản đóng góp bắt buộc đối với các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể cơ chế đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông;
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ và vốn thực hiện các chương trình do Chính phủ giao;
c) Các khoản hỗ trợ phát triển chính thức và các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
d) Các nguồn vốn khác được huy động theo quy định của pháp luật.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Điều 50. Quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
1. Tham gia bình đẳng thực hiện các chương trình, dự án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ đóng góp về tài chính cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích theo quy định.
3. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông khác thực hiện các chương trình, dự án về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông.
4. Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
CHƯƠNG VIII
TIÊU CHUẨN, CHẤT LƯỢNG VIỄN THÔNG
Điều 51. Hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông
1. Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng viễn thông bao gồm các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với thiết bị, mạng lưới, kết nối mạng, dịch vụ và công trình viễn thông.
2. Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng bao gồm: các tiêu chuẩn ngành (TCN), các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), các tiêu chuẩn quốc tế do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố bắt buộc áp dụng.
3. Tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng do các tổ chức, cá nhân công bố tự nguyện áp dụng.
4. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định việc xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng viễn thông.
Điều 52. Quản lý chất lượng thiết bị viễn thông
1. Chất lượng thiết bị viễn thông được quản lý thông qua hình thức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố hoặc do các tổ chức, cá nhân tự nguyện áp dụng phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Việc thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với thiết bị viễn thông giữa Việt Nam với nước ngoài và các tổ chức quốc tế được thực hiện theo các điều ước mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan đại diện của Việt Nam tham gia các thoả thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trong lĩnh vực viễn thông.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và công bố danh mục thiết bị viễn thông sản xuất trong nước, nhập khẩu bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trước khi được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam hoặc kết nối với mạng viễn thông công cộng.
4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với các thiết bị viễn thông không nằm trong danh mục nêu tại khoản 3 Điều này.
5. Thiết bị viễn thông lưu thông trong nước và nhập khẩu phải tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hoá và các quy định khác của pháp luật.
6. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định chi tiết nội dung, hình thức và thủ tục quản lý chất lượng thiết bị viễn thông.
Điều 53. Quản lý chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông
1. Chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông được quản lý thông qua hình thức công bố chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố hoặc do các doanh nghiệp viễn thông tự nguyện áp dụng phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định danh mục dịch vụ, mạng viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.
3. Đối với các dịch vụ, mạng viễn thông thuộc danh mục bắt buộc quản lý chất lượng, doanh nghiệp viễn thông phải công bố tiêu chuẩn chất lượng không trái với tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông về thực tế chất lượng theo quy định. Đối với các dịch vụ, mạng viễn thông nằm ngoài danh mục nêu tại khoản 3 Điều này, doanh nghiệp viễn thông phải tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng.
4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tự nguyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng công bố; duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn công bố; các chủ mạng nội bộ có thu cước kết nối với mình, các đại lý viễn thông của mình trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông đã công bố.
5. Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành quy định về quản lý chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông, kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông.
Điều 54. Quản lý chất lượng công trình viễn thông
1. Chất lượng công trình viễn thông được quản lý thông qua hình thức kiểm định chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do cơ quan quản lý nhà nước công bố hoặc do các doanh nghiệp viễn thông tự nguyện áp dụng phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định danh mục các công trình viễn thông bắt buộc kiểm định chất lượng trước khi đưa vào sử dụng, khai thác.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành các quy định quản lý chất lượng công trình viễn thông, kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình viễn thông.
Điều 55. Đo kiểm chất lượng
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành các quy định về quản lý đo kiểm viễn thông để phục vụ cho việc quản lý chất lượng nhằm mục đích xây dựng và phát triển các cơ quan đo kiểm viễn thông, phối hợp và liên kết các khả năng đo kiểm của cơ sở.
2. Việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo kiểm viễn thông giữa Việt Nam với nước ngoài và với các tổ chức quốc tế được thực hiện theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan đại diện của Việt Nam tham gia các thoả thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đo kiểm viễn thông và là cơ quan chỉ định trong khuôn khổ các thoả thuận này.
CHƯƠNG IX
GIÁ CƯỚC VIỄN THÔNG
Điều 56. Nguyên tắc quản lý giá cước của Nhà nước
1. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá cước và cạnh tranh về giá cước theo quy định của pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả giảm giá thành cung cấp dịch vụ, giảm giá cước để nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ của xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá cước, bảo đảm không phân biệt đối xử về giá cước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và của Nhà nước.
Điều 57. Căn cứ định giá cước
1. Giá cước các dịch vụ viễn thông được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất sản phẩm dịch vụ, quan hệ cung cầu trên thị trường.
2. Đối với các dịch vụ do Nhà nước định giá cước, giá cước dịch vụ còn được quy định căn cứ vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội và phát triển viễn thông quốc gia trong từng thời kỳ và tương quan hợp lý với giá cước các dịch vụ viễn thông trong khu vực, thế giới.
Điều 58. Nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý giá cước
1. Thủ tướng Chính phủ:
a) Ban hành chính sách, cơ chế quản lý giá cước dịch vụ viễn thông;
b) Quyết định giá cước các dịch vụ viễn thông quan trọng tác động đến nhiều ngành và đến phát triển kinh tế – xã hội.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông:
a) Quyết định giá cước dịch vụ viễn thông công ích (trừ các dịch vụ Thủ tướng Chính phủ quyết định);
b) Quyết định giá cước các dịch vụ viễn thông có ảnh hưởng đến thị trường viễn thông, áp dụng đối với người sử dụng của doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế;
c) Quyết định giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông;
d) Quy định việc quản lý giá cước giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông;
đ) Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý giá cước dịch vụ viễn thông.
3. Doanh nghiệp viễn thông:
a) Hạch toán chi phí, xác định giá thành các dịch vụ viễn thông;
b) Quy định cụ thể giá cước đối với các dịch vụ viễn thông, ngoài danh mục Nhà nước quy định theo đúng các quy định về quản lý giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
c) Thực hiện các quy định, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với việc quản lý giá cước dịch vụ viễn thông.
CHƯƠNG X
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 59. Giải quyết tranh chấp giữa bên cung cấp và người sử dụng dịch vụ viễn thông
1. Việc giải quyết tranh chấp giữa bên cung cấp và người sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện thông qua thương lượng giữa các bên. Nếu không có thỏa thuận khác trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông thì thời hiệu giải quyết tranh chấp được quy định như sau:
a) Về giá cước là 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo hoặc hóa đơn thanh toán cước đầu tiên hoặc kể từ ngày thanh toán cước dịch vụ;
b) Về chỉ tiêu chất lượng dịch vụ và các vi phạm khác là 03 tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ hoặc xảy ra vi phạm.
2. Trong trường hợp giữa các bên không đạt được thỏa thuận thông qua thương lượng thì các bên có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Điều 60. Hiệp thương, giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp viễn thông về kết nối
1. Các doanh nghiệp viễn thông có quyền yêu cầu Bộ Bưu chính, Viễn thông giải quyết tranh chấp liên quan đến kết nối các mạng viễn thông công cộng.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông xem xét, quyết định tiến hành giải quyết tranh chấp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp. Trường hợp không tiến hành giải quyết tranh chấp, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do cho doanh nghiệp biết.
3. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành theo trình tự sau đây:
a) Bộ Bưu chính, Viễn thông tổ chức hiệp thương giữa các bên. Thời hạn hiệp thương giữa các bên tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định tiến hành giải quyết tranh chấp;
b) Nếu sau hiệp thương, các bên vẫn không đạt được thoả thuận thì Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc hiệp thương. Sau khi Bộ Bưu chính, Viễn thông đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp:
– Hai bên tranh chấp phải thi hành quyết định giải quyết tranh chấp;
– Trường hợp doanh nghiệp không nhất trí với quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ Bưu chính, Viễn thông, doanh nghiệp có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà để được giải quyết theo các quy định của pháp luật. Trong thời gian tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà hai bên vẫn phải tiếp tục chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
CHƯƠNG XI
THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 61. Thanh tra, kiểm tra
Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của thanh tra chuyên ngành về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 62. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông đều bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
CHƯƠNG XII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 63. Tổ chức thực hiện
Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm ban hành các quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 64. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 65. Điều khoản thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Thuộc tính văn bản
Nghị định 160/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông
Cơ quan ban hành: Chính phủ Số công báo: Đã biết
Số hiệu: 160/2004/NĐ-CP Ngày đăng công báo: Đã biết
Loại văn bản: Nghị định Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 03/09/2004 Ngày hết hiệu lực: Đã biết
Áp dụng: Đã biết Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Lĩnh vực: Khoa học-Công nghệ
Tóm tắt văn bản

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 160/2004/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2004

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA

PHÁP LỆNH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VỀ VIỄN THÔNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 25 tháng 5 năm 2002.
2. Việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và các quy định liên quan của Nghị định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động viễn thông tại Việt Nam trong các lĩnh vực: thiết lập mạng viễn thông; cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông; sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông; thi công lắp đặt công trình viễn thông.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về viễn thông khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin
1. Mạng viễn thông là cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, phải được bảo vệ và không được xâm phạm. Chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phối hợp với nhau để bảo vệ an toàn mạng viễn thông công cộng. Chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông và thiết bị đầu cuối của mình, tích cực tham gia bảo vệ mạng viễn thông công cộng, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp viễn thông hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi phá hoại, xâm phạm mạng viễn thông công cộng.
2. Trong quá trình tham gia hoạt động viễn thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Trong trường hợp khẩn cấp do pháp luật về tình trạng khẩn cấp quy định, một phần hoặc toàn bộ mạng viễn thông có thể được huy động để phục vụ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bố trí mặt bằng, điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để các cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin.
5. Doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành ngăn chặn khẩn cấp và ngừng cung cấp dịch vụ đối với những trường hợp gây bạo động, bạo loạn, sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
6. Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan hướng dẫn việc bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.
Điều 4. Bảo đảm bí mật thông tin
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin mà mình đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng viễn thông.
2. Tin tức thuộc loại bí mật nhà nước nếu truyền đi trên mạng viễn thông phải được mã hóa theo quy định của pháp luật về cơ yếu. Việc sử dụng kỹ thuật mật mã nhằm bảo đảm bí mật thông tin trong thương mại và dân sự phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
3. Bí mật đối với thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông, Internet của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc nghe trộm, thu trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân.
4. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm bí mật các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông bao gồm tên, địa chỉ, số máy chủ gọi, số máy bị gọi, thời gian gọi và các thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cho cung cấp các thông tin nêu trên;
b) Các doanh nghiệp viễn thông có thoả thuận bằng văn bản với nhau việc trao đổi thông tin về người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm pháp luật viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
c) Các doanh nghiệp viễn thông có thoả thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính cước, in cước và thu cước khách hàng;
d) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông, Internet phải do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp viễn thông, chủ mạng viễn thông dùng riêng, đại lý và người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng mạng viễn thông để hoạt động khủng bố, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
CHƯƠNG II
MẠNG VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
MỤC 1
THIẾT BỊ ĐẦU CUỐI VÀ MẠNG NỘI BỘ
Điều 5. Thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ
1. Thiết bị đầu cuối thuê bao là thiết bị đầu cuối cố định hoặc di động của người sử dụng được đấu nối hoà mạng vào mạng viễn thông công cộng thông qua điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.
2. Thiết bị đầu cuối thuê bao được phân thành:
a) Thiết bị đầu cuối thuê bao một đường là thiết bị đầu cuối không có chức năng chuyển mạch hoặc kết nối cuộc gọi bao gồm: thiết bị điện thoại cố định, thiết bị điện thoại di động, thiết bị fax, thiết bị nhắn tin, modem, thiết bị đầu cuối truy nhập vô tuyến Internet, máy tính, thiết bị kết hợp tính năng của các thiết bị nói trên;
b) Thiết bị đầu cuối thuê bao nhiều đường là thiết bị đầu cuối có chức năng chuyển mạch, kết nối cuộc gọi bao gồm: tổng đài PABX, thiết bị cổng truy nhập vô tuyến Internet, thiết bị có tính năng kết nối cuộc gọi;
c) Các thiết bị đầu cuối thuê bao khác theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
3. Các thiết bị đầu cuối thuê bao thuộc danh mục bắt buộc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, các thiết bị đầu cuối thuê bao có phát xạ sóng vô tuyến điện muốn sử dụng trên mạng viễn thông công cộng phải tuân theo các quy định về chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và các quy định về quản lý, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
4. Mạng nội bộ là hệ thống thiết bị viễn thông do một tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là chủ mạng nội bộ) thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà chủ mạng nội bộ đó được toàn quyền sử dụng hợp pháp để bảo đảm liên lạc nội bộ cho các thành viên của mạng. Trường hợp chủ mạng nội bộ là cá nhân thì các thành viên của mạng là thành viên của hộ gia đình mà chủ mạng nội bộ là chủ hộ hoặc là người được chủ hộ uỷ quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ mạng nội bộ là tổ chức thì tư cách thành viên của mạng được xác định theo điều lệ hoạt động, văn bản pháp quy quy định cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức đó hoặc các quy định pháp lý có liên quan khác.
5. Mạng nội bộ được phân thành mạng nội bộ hữu tuyến (các thiết bị viễn thông liên kết với nhau bằng đường cáp viễn thông), mạng nội bộ vô tuyến (các thiết bị vô tuyến điện liên kết với nhau bằng sóng vô tuyến điện hoặc kết hợp cả sóng vô tuyến điện và đường cáp viễn thông).
Điều 6. Vị trí điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng
1. Điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng là điểm đấu nối vật lý thuộc mạng viễn thông theo các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm việc đấu nối thiết bị đầu cuối của người sử dụng dịch vụ vào mạng viễn thông.
2. Điểm kết cuối mạng viễn thông công cộng phân định ranh giới trách nhiệm về kinh tế và kỹ thuật giữa doanh nghiệp viễn thông với người sử dụng dịch vụ. Phạm vi từ điểm kết cuối về phía người sử dụng thuộc trách nhiệm của người sử dụng. Phạm vi từ điểm kết cuối về phía doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
3. Trong trường hợp mạng viễn thông được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông tới người sử dụng thông qua mạch vòng nội hạt (đường dây thuê bao hoặc đường trung kế), nếu không có thoả thuận khác khi giao kết hợp đồng giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ thì vị trí điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng được xác định là phía thuê bao của:
a) Hộp đầu cáp cuối cùng lắp đặt tại nhà thuê bao; hoặc
b) Hộp đầu dây thuê bao hoặc phiến (bảng) đấu dây của thiết bị truyền dẫn lắp đặt tại nhà thuê bao nếu điều kiện tại điểm a nêu trên không thoả mãn; hoặc
c) ổ giắc cắm thiết bị đầu cuối thuê bao đầu tiên (gần người sử dụng nhất) tại nhà thuê bao, nếu điều kiện tại các điểm a, b nêu trên không thoả mãn.
4. Trong trường hợp mạng viễn thông được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông tới người sử dụng thông qua thiết bị vệ tinh (bao gồm thiết bị phát hoặc thu – phát) hoặc trạm vô tuyến gốc, hoặc thiết bị cổng truy nhập vô tuyến Internet của doanh nghiệp viễn thông, nếu không có thoả thuận khác khi giao kết hợp đồng giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ thì vị trí điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng được xác định là phía thuê bao của ăng ten của thiết bị vệ tinh hoặc ăng ten của trạm vô tuyến gốc hoặc ăng ten của thiết bị cổng truy nhập vô tuyến Internet.
Điều 7. Trang bị, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa và đấu nối hoà mạng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ
1. Người sử dụng dịch vụ có thể tự mua thiết bị đầu cuối thuê bao, hoặc thuê thiết bị đầu cuối thuê bao của doanh nghiệp viễn thông; có thể tự đảm nhiệm hoặc thuê các tổ chức, cá nhân khác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ thuộc tài sản của mình.
2. Người sử dụng dịch vụ có thể tự đảm nhiệm hoặc thuê các tổ chức, cá nhân khác thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ trong phạm vi địa điểm của mình cho đến điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng. Việc thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ phải tuân thủ quy trình, quy phạm của Nhà nước và các quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông về xây lắp công trình mạng viễn thông và thiết bị viễn thông.
3. Việc đấu nối hoà mạng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ vào mạng viễn thông công cộng do doanh nghiệp viễn thông thực hiện thông qua việc giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ.
4. Khi đấu nối hoà mạng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ vào mạng viễn thông công cộng, doanh nghiệp viễn thông có quyền từ chối đấu nối hoà mạng và yêu cầu người sử dụng dịch vụ khắc phục các tồn tại nếu phát hiện và có đủ cơ sở kết luận việc lắp đặt thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ:
a) Không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông; hoặc
b) Gây mất an toàn cho mạng viễn thông công cộng, doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ; hoặc
c) Không đảm bảo đúng mục đích sử dụng dịch vụ theo quy định về viễn thông hoặc các điều khoản trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
5. Đối với các thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ có đấu nối với kênh thuê riêng, trạm vệ tinh mặt đất VSAT, Internet thì người sử dụng dịch vụ viễn thông phải bảo đảm sử dụng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông. Người sử dụng dịch vụ viễn thông không được dùng hoặc cho phép người khác dùng thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ để chuyển tiếp bằng bất kỳ phương thức nào (tự động hay nhân công) các cuộc gọi từ các thiết bị đầu cuối không phải của mình hoặc thiết bị đầu cuối ngoài mạng nội bộ qua các kênh thuê riêng, trạm vệ tinh mặt đất VSAT, Internet và ngược lại (theo cả hai chiều đi và đến).
MỤC 2
MẠNG VIỄN THÔNG
Điều 8. Mạng viễn thông công cộng
1. Mạng viễn thông công cộng bao gồm:
a) Mạng viễn thông cố định:
– Mạng viễn thông cố định mặt đất;
– Mạng viễn thông cố định vệ tinh.
b) Mạng viễn thông di động:
– Mạng viễn thông di động mặt đất;
– Mạng viễn thông di động vệ tinh.
c) Các mạng viễn thông công cộng khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
2. Quản lý, khai thác mạng viễn thông công cộng.
a) Bộ Bưu chính, Viễn thông:
– Xây dựng, ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông trong đó có các quy hoạch về mạng viễn thông và tài nguyên thông tin;
– Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thiết lập hoặc đình chỉ quan hệ viễn thông với nước ngoài;
– Quyết định đóng, mở các hướng liên lạc viễn thông đường dài trong nước phục vụ công ích, an ninh, quốc phòng sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
b) Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm:
– Quy hoạch, thiết kế, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế mới và các công trình công cộng khác có phần quy hoạch cho các công trình viễn thông như: trung tâm viễn thông, điểm phục vụ công cộng, cột ăng ten, cống, bể cáp, đường cáp trong nhà v.v…
– Các đường truyền dẫn vi ba, cáp quang, cáp đồng được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố, đường phố, đường điện;
– Các công trình xây dựng công cộng và dân sinh khác không gây ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động của các công trình mạng lưới viễn thông đã được xây dựng theo đúng quy hoạch.
c) Các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông khi thiết lập và khai thác mạng viễn thông phải bảo đảm:
– Tuân theo kế hoạch, quy hoạch phát triển đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Có giấy phép viễn thông do Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp theo quy định tại Nghị định này;
– Có Quyết định phân bổ tài nguyên thông tin (nếu có) của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
– Tuân theo các tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về xây lắp mạng, công trình viễn thông do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố bắt buộc áp dụng;
– Không gây hại đến môi trường và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.
Điều 9. Mạch vòng nội hạt
1. Mạch vòng nội hạt là một phần của mạng viễn thông công cộng bao gồm các đường dây thuê bao và các đường trung kế kết nối tổng đài nội hạt của doanh nghiệp viễn thông với thiết bị đầu cuối thuê bao của người sử dụng dịch vụ.
2. Đường dây thuê bao là đường truyền dẫn hữu tuyến hoặc vô tuyến kết nối tổng đài nội hạt của doanh nghiệp viễn thông với thiết bị đầu cuối thuê bao một đường của người sử dụng.
3. Đường trung kế là đường truyền dẫn hữu tuyến hoặc vô tuyến kết nối tổng đài nội hạt của doanh nghiệp viễn thông với thiết bị đầu cuối thuê bao nhiều đường của người sử dụng. Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đường trung kế được phân thành: trung kế thuê bao, trung kế tương tự và trung kế số.
Điều 10. Hệ thống đường trục viễn thông quốc gia
1. Hệ thống đường trục viễn thông quốc gia là một phần của mạng viễn thông công cộng, bao gồm các đường truyền dẫn đường dài trong nước, quốc tế và các cổng thông tin quốc tế, có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống đường trục viễn thông quốc gia thông qua các cơ chế, chính sách, quy định về cấp phép; kết nối các mạng viễn thông; tiêu chuẩn, chất lượng và giá cước kết nối, thuê kênh; sử dụng chung cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.
3. Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng có giấy phép thiết lập mạng viễn thông cố định công cộng đường dài trong nước hoặc quốc tế mới được thiết lập hệ thống đường trục viễn thông quốc gia và kinh doanh dịch vụ thuê kênh đường dài trong nước hoặc quốc tế.
4. Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng chỉ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động công cộng được phép thiết lập các đường truyền dẫn nội hạt và đường dài trong nước để kết nối các hệ thống thiết bị thuộc mạng của mình với nhau, nhưng không được sử dụng các đường truyền dẫn này để cung cấp dịch vụ thuê kênh và không được thiết lập các cổng thông tin quốc tế.
5. Các doanh nghiệp viễn thông khác không được thiết lập hệ thống đường trục viễn thông quốc gia, nhưng được thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông theo đúng quy định của giấy phép.
Điều 11. Truyền dẫn phát sóng
1. Truyền dẫn phát sóng là việc truyền ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh và các dạng khác của thông tin bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, các phương tiện quang học và các phương tiện điện từ khác.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về truyền dẫn phát sóng trong phạm vi cả nước:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển truyền dẫn phát sóng trong phạm vi cả nước; tổ chức, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép, tần số, tiêu chuẩn, chất lượng, giá cước để thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng;
c) Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để kiểm tra, kiểm soát việc truyền dẫn phát sóng phục vụ quốc phòng, an ninh.
3. Các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội có liên quan đến việc truyền dẫn phát sóng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải được Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định phù hợp chiến lược, quy hoạch, quy định của pháp luật về truyền dẫn phát sóng.
Điều 12. Mạng viễn thông dùng riêng
1. Mạng viễn thông dùng riêng là mạng viễn thông do chủ mạng viễn thông dùng riêng thiết lập để bảo đảm thông tin cho các thành viên của mạng, bao gồm hai hay nhiều thiết bị viễn thông được lắp đặt tại các địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam mà các thành viên của mạng được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật và được kết nối với nhau thông qua mạng viễn thông công cộng hoặc bằng các đường truyền dẫn do chủ mạng thuê hoặc tự xây dựng.
2. Chủ mạng viễn thông dùng riêng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng theo quy định. Thành viên của mạng là thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép thiết lập mạng. Tư cách thành viên được xác định theo điều lệ hoạt động, văn bản pháp quy quy định cơ cấu, tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó hoặc các quy định pháp lý có liên quan khác.
3. Theo phương thức truyền dẫn sử dụng để thiết lập mạng, mạng viễn thông dùng riêng được phân thành mạng dùng riêng hữu tuyến (các thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng các đường cáp viễn thông), mạng dùng riêng vô tuyến (các thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng sóng vô tuyến điện hoặc kết hợp cả sóng vô tuyến điện và đường cáp viễn thông).
4. Các mạng viễn thông dùng riêng phải có giấy phép thiết lập mạng bao gồm:
a) Mạng viễn thông dùng riêng mà các thành viên của mạng này là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có cùng tính chất hoạt động hay mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên;
b) Mạng viễn thông dùng riêng hữu tuyến có đường truyền dẫn tự xây dựng;
c) Mạng viễn thông dùng riêng vô tuyến cố định vệ tinh và di động vệ tinh, trừ các mạng dùng riêng vệ tinh trong các nghiệp vụ lưu động hàng hải, lưu động hàng không, quảng bá (phát thanh, truyền hình) và vô tuyến điện nghiệp dư;
d) Mạng viễn thông dùng riêng vô tuyến của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế được hưởng quy chế ưu đãi và miễn trừ ngoại giao có trụ sở tại Việt Nam;
đ) Các mạng viễn thông dùng riêng khác theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
5. Ngoài các mạng viễn thông dùng riêng nêu tại khoản 4 Điều này, các mạng viễn thông dùng riêng khác không cần giấy phép thiết lập mạng, nhưng phải tuân theo các quy định về kết nối, đánh số, cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
MỤC 3
DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 13. Phân loại dịch vụ viễn thông
1. Dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ truyền đưa tức thời thông tin của người sử dụng dưới dạng ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh thông qua mạng viễn thông hoặc Internet mà không làm thay đổi loại hình hoặc nội dung thông tin được gửi và nhận qua mạng.
2. Dịch vụ cơ bản bao gồm:
a) Dịch vụ viễn thông cố định (nội hạt, đường dài trong nước, quốc tế):
– Dịch vụ điện thoại (thoại, fax, truyền số liệu trong băng thoại);
– Dịch vụ truyền số liệu;
– Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình;
– Dịch vụ thuê kênh;
– Dịch vụ telex;
– Dịch vụ điện báo.
b) Dịch vụ viễn thông di động (nội vùng, toàn quốc):
– Dịch vụ thông tin di động mặt đất;
– Dịch vụ điện thoại trung kế vô tuyến;
– Dịch vụ nhắn tin;
c) Dịch vụ viễn thông cố định vệ tinh;
d) Dịch vụ viễn thông di động vệ tinh;
đ) Dịch vụ vô tuyến điện hàng hải;
e) Các dịch vụ cơ bản khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
3. Dịch vụ cộng thêm là dịch vụ được cung cấp thêm đồng thời cùng với dịch vụ cơ bản, làm phong phú và hoàn thiện thêm dịch vụ cơ bản, trên cơ sở các tính năng kỹ thuật của thiết bị hoặc khả năng phục vụ của doanh nghiệp viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông quy định và công bố các dịch vụ cộng thêm do mình cung cấp.
4. Dịch vụ giá trị gia tăng là dịch vụ làm tăng thêm giá trị sử dụng thông tin của người sử dụng bằng cách hoàn thiện loại hình hoặc nội dung thông tin, hoặc cung cấp khả năng lưu trữ, khôi phục thông tin đó trên cơ sở sử dụng mạng viễn thông hoặc Internet. Dịch vụ giá trị gia tăng bao gồm:
a) Dịch vụ thư điện tử (e-mail);
b) Dịch vụ thư thoại (voice mail);
c) Dịch vụ truy cập dữ liệu và thông tin trên mạng;
d) Dịch vụ trao đổi dữ liệu điện tử;
đ) Dịch vụ fax gia tăng giá trị bao gồm lưu trữ và gửi, lưu trữ và truy cập;
e) Dịch vụ chuyển đổi mã và giao thức;
g) Dịch vụ xử lý dữ liệu và thông tin trên mạng;
h) Các dịch vụ giá trị gia tăng khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
5. Dịch vụ Internet bao gồm:
a) Dịch vụ kết nối Internet;
b) Dịch vụ truy nhập Internet;
c) Dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông.
6. Căn cứ Chiến lược phát triển Bưu chính Viễn thông, quy hoạch thị trường dịch vụ viễn thông trong từng thời kỳ, Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành danh mục các dịch vụ viễn thông cơ bản và giá trị gia tăng.
Điều 14. Bán lại dịch vụ viễn thông
1. Bán lại dịch vụ viễn thông là hình thức mua trực tiếp các dịch vụ viễn thông từ các doanh nghiệp viễn thông trên cơ sở thuê dung lượng hoặc mua lưu lượng thông qua hợp đồng ký kết với doanh nghiệp viễn thông để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng. Bán lại dịch vụ viễn thông bao gồm bán lại dịch vụ đầu cuối và bán lại dịch vụ trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế.
2. Bán lại dịch vụ đầu cuối:
a) Khi bán lại dịch vụ đầu cuối, mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo quy định của pháp luật và ký hợp đồng đại lý bán lại dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông và tuân thủ các quy định về quản lý giá cước bán lại dịch vụ viễn thông;
b) Đối với dịch vụ viễn thông cố định, các tổ chức, cá nhân được thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối thuê bao cố định trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp và bán lại dịch vụ cho người sử dụng trong phạm vi địa điểm đó theo đúng loại hình, chất lượng thoả thuận trong hợp đồng đại lý trên cơ sở thuê mạch vòng nội hạt (đường trung kế, đường dây thuê bao) của doanh nghiệp viễn thông;
c) Đối với dịch vụ viễn thông di động, các tổ chức, cá nhân được cung cấp (bán hoặc cho thuê) các thiết bị đầu cuối thuê bao di động và bán lại dịch vụ cho người sử dụng theo đúng loại hình, chất lượng thoả thuận trong hợp đồng đại lý trên cơ sở mua lưu lượng của doanh nghiệp viễn thông.
3. Bán lại dịch vụ trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế:
a) Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng được lắp đặt hệ thống thiết bị viễn thông trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp để bán lại dịch vụ viễn thông trên phạm vi cả nước trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp viễn thông khác;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được lắp đặt hệ thống thiết bị viễn thông trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp để bán lại dịch vụ viễn thông trong phạm vi các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trên cơ sở thuê kênh đường dài trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp viễn thông khác. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông, Bộ Bưu chính, Viễn thông xem xét, quyết định đối với các trường hợp bán lại dịch vụ viễn thông ngoài phạm vi các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
4. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định chi tiết các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ liên quan đến việc bán lại dịch vụ viễn thông như: danh mục dịch vụ viễn thông được phép bán lại, đối tượng được phép bán lại dịch vụ, phạm vi bán lại, giá cước bán lại dịch vụ, đánh số, kết nối, thuê kênh.
Điều 15. Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông
1. Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện trên cơ sở hợp đồng được giao kết giữa doanh nghiệp viễn thông với người sử dụng dịch vụ.
2. Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ được thể hiện bằng hình thức văn bản, lời nói, phương thức thanh toán hoặc bằng các hành vi cụ thể khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ được thực hiện bằng văn bản:
a) Căn cứ quy định của pháp luật về hợp đồng và các quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng, ban hành hợp đồng mẫu cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông để thực hiện thống nhất trong toàn doanh nghiệp. Nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định đối với một số dịch vụ viễn thông phổ cập thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng hợp đồng mẫu, trình Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt;
b) Ngoài các nội dung chủ yếu được quy định trong hợp đồng mẫu, các bên giao kết hợp đồng có thể thoả thuận với nhau về các nội dung khác trong hợp đồng, nhưng không được trái với quy định của pháp luật, không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Điều 16. Từ chối cung cấp dịch vụ
Ngoài các quy định chung của pháp luật về hợp đồng, doanh nghiệp viễn thông có quyền từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng với người sử dụng dịch vụ trong các trường hợp sau:
1. Người sử dụng dịch vụ vi phạm pháp luật về viễn thông theo văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thực thi trách nhiệm của mình theo kết luận xử lý của văn bản.
2. Người sử dụng dịch vụ vi phạm các điều khoản hợp đồng mà hai bên đã thoả thuận là điều kiện đình chỉ hợp đồng.
3. Người sử dụng dịch vụ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán giá cước dịch vụ theo quy định với một doanh nghiệp viễn thông khác, nếu đã có thoả thuận bằng văn bản giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau về vấn đề này.
Điều 17. Liên lạc nghiệp vụ và liên lạc khẩn cấp
1. Liên lạc nghiệp vụ:
a) Doanh nghiệp viễn thông được phép sử dụng liên lạc nghiệp vụ trong nước và quốc tế qua mạng viễn thông do doanh nghiệp thiết lập để quản lý, điều hành khai thác, xử lý kỹ thuật, nghiệp vụ;
b) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm quy định đối tượng, phạm vi, mức độ sử dụng và ban hành Quy chế quản lý liên lạc nghiệp vụ trong doanh nghiệp mình theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
c) Miễn cước dịch vụ đối với liên lạc nghiệp vụ của các doanh nghiệp viễn thông.
2. Liên lạc khẩn cấp:
a) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm ưu tiên phục vụ ngay các trường hợp liên lạc khẩn cấp quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông;
b) Dịch vụ khẩn cấp là dịch vụ điện thoại nội hạt dùng để gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp của các cơ quan công an, cứu hoả, cấp cứu y tế và các cơ quan khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định các số dịch vụ khẩn cấp trong quy hoạch đánh số viễn thông quốc gia. Các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng, đăng trong danh bạ điện thoại công cộng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các số dịch vụ khẩn cấp do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định;
d) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp khả năng truy nhập và miễn cước đối với dịch vụ khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ.
Điều 18. Số thuê bao và danh bạ điện thoại công cộng
1. Số thuê bao là tập hợp các chữ số được người sử dụng dịch vụ quay (bấm) trên thiết bị đầu cuối thuê bao để nối đến một người sử dụng dịch vụ khác trong cùng vùng đánh số hoặc cùng mạng dịch vụ.
2. Danh bạ điện thoại công cộng là tập hợp các thông tin liên quan đến tên, địa chỉ, số thuê bao và các thông tin liên quan khác (nếu có) của người sử dụng dịch vụ, được lưu trữ dưới hình thức ấn phẩm truyền thống hoặc ấn phẩm điện tử và được các doanh nghiệp viễn thông in, phát hành và quản lý theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
3. Người sử dụng dịch vụ có quyền đăng ký hoặc từ chối đăng ký số thuê bao của mình vào danh bạ điện thoại công cộng. Nếu người sử dụng dịch vụ từ chối đăng ký số thuê bao vào danh bạ điện thoại công cộng, thì doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến người sử dụng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
Điều 19. Trợ giúp tra cứu số thuê bao
1. Dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao là dịch vụ điện thoại của doanh nghiệp viễn thông, giúp cho người sử dụng dịch vụ tra cứu số thuê bao nội hạt do doanh nghiệp quản lý và được đăng ký trong danh bạ điện thoại công cộng. Khi người sử dụng dịch vụ gọi đến số máy dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao của doanh nghiệp viễn thông và nêu các thông tin liên quan đến tên hoặc địa chỉ của người sử dụng dịch vụ thì sẽ được biết số thuê bao nội hạt cần tra cứu.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định số máy dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao của mạng điện thoại trong Quy hoạch đánh số quốc gia.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng dịch vụ, đăng trong danh bạ điện thoại công cộng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các số máy dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao được Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
4. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp khả năng truy nhập và miễn cước đối với dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao cho người sử dụng dịch vụ bằng các phương thức sau:
a) Tự tổ chức thực hiện; hoặc
b) Uỷ thác cho tổ chức hoặc doanh nghiệp viễn thông khác thực hiện, thông qua hợp đồng ký với tổ chức, doanh nghiệp đó.
Điều 20. Báo hỏng số thuê bao
1. Dịch vụ báo hỏng số thuê bao của mạng điện thoại công cộng là dịch vụ điện thoại của doanh nghiệp viễn thông giúp cho người sử dụng dịch vụ thông báo cho doanh nghiệp biết việc hoạt động không bình thường hoặc việc mất liên lạc của số thuê bao cố định nội hạt do doanh nghiệp quản lý và yêu cầu khắc phục sự cố.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định số máy dịch vụ báo hỏng số thuê bao của mạng viễn thông cố định nội hạt trong Quy hoạch đánh số quốc gia. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng dịch vụ, đăng trong danh bạ điện thoại công cộng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng số máy dịch vụ báo hỏng số thuê bao được Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp khả năng truy nhập và miễn cước đối với dịch vụ báo hỏng số thuê bao cho người sử dụng dịch vụ.
Điều 21. Lập hoá đơn và thanh toán giá cước
1. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm lập hoá đơn thanh toán giá cước dịch vụ chính xác, đầy đủ, kịp thời cho người sử dụng dịch vụ. Người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, kịp thời cước sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp theo đúng giá cước quy định.
2. Hoá đơn thanh toán giá cước dịch vụ phải thể hiện chính xác, đầy đủ, rõ ràng và gồm tối thiểu các nội dung sau:
a) Giá cước đối với từng loại dịch vụ viễn thông;
b) Tổng số giá cước phải thanh toán;
c) Tỷ giá quy đổi giữa ngoại tệ áp dụng để thu tiền và đồng Việt Nam (nếu có);
d) Thuế giá trị gia tăng (VAT).
3. Đối với việc lập hoá đơn hàng tháng theo hợp đồng, trừ trường hợp người sử dụng yêu cầu không in, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp hoặc ủy thác cho doanh nghiệp viễn thông khác thông qua hợp đồng để cung cấp bảng kê chi tiết miễn phí một lần kèm theo hoá đơn cho người sử dụng đối với:
a) Các cuộc gọi đường dài trong nước;
b) Các cuộc gọi quốc tế;
c) Các cuộc gọi vào mạng thông tin di động.
4. Nếu không có thoả thuận khác giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ, bảng kê chi tiết kèm theo hoá đơn thanh toán giá cước phải có tối thiểu các thông tin sau đối với từng cuộc gọi có tính cước:
a) Ngày, tháng, năm thực hiện cuộc gọi;
b) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc hoặc thời gian bắt đầu và tổng thời gian cuộc gọi;
c) Số máy bị gọi (cuộc gọi quốc tế: mã quốc gia, mã vùng, số thuê bao; cuộc gọi trong nước: mã vùng, số thuê bao);
d) Số tiền cho từng cuộc gọi.
Điều 22. Cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới
1. Việc cung cấp các dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông nước ngoài qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ đất liền Việt Nam phải thông qua hợp đồng kinh doanh hoặc thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp quản lý, khai thác cổng thông tin quốc tế của Việt Nam.
2. Việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng trên lãnh thổ đất liền Việt Nam phải được thực hiện thông qua việc giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
3. Căn cứ vào thông lệ quốc tế, các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải và khả năng cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới đối với tàu, thuyền, máy bay trên vùng trời, vùng biển của Việt Nam và các trường hợp đặc biệt khác.
4. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ viễn thông của mình ra nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của pháp luật tại nước mà doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông.
CHƯƠNG III
CÁC BÊN CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ
Điều 23. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế
1. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế là doanh nghiệp chiếm thị phần doanh thu hoặc lưu lượng lớn hơn 30 % tổng doanh thu hoặc lưu lượng đối với loại hình dịch vụ viễn thông trên địa bàn được phép cung cấp và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc xâm nhập thị trường dịch vụ đó của các doanh nghiệp viễn thông khác.
2. Định kỳ hàng năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông xác định và công bố doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.
3. Doanh nghiệp viễn thông có dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002.
Điều 24. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu
1. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu là doanh nghiệp viễn thông chiếm giữ trên 30% dung lượng mạch vòng nội hạt trên địa bàn được phép cung cấp hoặc chiếm giữ trên 30% dung lượng kênh truyền dẫn đường dài trong nước hoặc quốc tế; hoặc chiếm giữ trên 30% số trạm vô tuyến gốc của mạng thông tin di động mặt đất.
2. Định kỳ hàng năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông xác định và công bố doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu.
3. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu có trách nhiệm:
a) Quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng viễn thông bảo đảm năng lực phục vụ cho việc kết nối mạng và chuyển tải lưu lượng các dịch vụ viễn thông;
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán và thực hiện kết nối mạng, dịch vụ giữa các mạng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông một cách công bằng và hợp lý trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông, sử dụng chung vị trí kết nối và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông qua thoả thuận kết nối giữa các bên;
c) Xây dựng và trình Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt thoả thuận kết nối mẫu để áp dụng chung cho các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu kết nối.
Điều 25. Đại lý dịch vụ viễn thông
1. Tổ chức, cá nhân muốn cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông, phải ký kết hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đại lý dịch vụ viễn thông được phân thành đại lý hoa hồng và đại lý bán lại.
2. Đại lý hoa hồng được thiết lập các thiết bị đầu cuối thuê bao một đường tại địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp; đấu nối thiết bị đầu cuối thuê bao vào mạng viễn thông công cộng bằng đường dây thuê bao để cung cấp dịch vụ viễn thông tại địa điểm đó theo đúng loại hình, chất lượng và giá cước dịch vụ theo quy định và hưởng hoa hồng.
3. Đại lý bán lại được thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối thuê bao (một đường và nhiều đường) trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng hợp pháp; đấu nối hệ thống thiết bị đầu cuối vào mạng viễn thông bằng đường trung kế hoặc đường dây thuê bao để bán lại dịch vụ đầu cuối tại địa điểm đó theo đúng các quy định về bán lại dịch vụ viễn thông của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
4. Trên cơ sở quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng và ban hành hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông mẫu để thực hiện thống nhất trong doanh nghiệp.
5. Đại lý dịch vụ viễn thông chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông.
Điều 26. Chế độ báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và ban hành các mẫu biểu báo cáo để áp dụng chung cho các doanh nghiệp viễn thông.
2. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật, nghiệp vụ của mình theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và kịp thời của các nội dung và số liệu báo cáo.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm chứng minh các số liệu báo cáo theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tạo điều kiện để Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm tra các số liệu báo cáo trong trường hợp cần thiết.
4. Doanh nghiệp viễn thông vi phạm quy định về chế độ báo cáo sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
CHƯƠNG IV
KẾT NỐI
MỤC 1
KẾT NỐI CÁC MẠNG VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG
Điều 27. Nguyên tắc kết nối
Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng và ban hành Quy định kết nối trên cơ sở các nguyên tắc sau:
1. Doanh nghiệp viễn thông có quyền yêu cầu kết nối mạng viễn thông của mình với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp khác, đồng thời có nghĩa vụ cho các doanh nghiệp viễn thông khác kết nối vào mạng hoặc dịch vụ viễn thông của mình với điều kiện công bằng và hợp lý.
2. Việc kết nối các mạng viễn thông phải được thực hiện trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng.
3. Bảo đảm cho người sử dụng dịch vụ:
a) Được tự do lựa chọn doanh nghiệp viễn thông một cách thuận lợi dễ dàng;
b) Được liên lạc với bất kỳ người sử dụng nào, không phụ thuộc vào người sử dụng đó giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông nào;
c) Được cung cấp dịch vụ và thanh toán giá cước một cách thuận tiện, hợp lý.
4. Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về kết nối:
a) Tuân theo các tiêu chuẩn về kết nối do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành;
b) Bảo đảm sự an toàn và toàn vẹn của mỗi mạng và toàn bộ mạng viễn thông công cộng.
5. Giá cước kết nối được xây dựng trên cơ sở giá thành, phân tách một cách hợp lý theo các bộ phận cấu thành mạng hoặc theo công đoạn dịch vụ, không phân biệt đối xử giữa các loại hình dịch vụ. Trường hợp giá cước kết nối có bao gồm phần đóng góp cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thì phần đóng góp này phải được định rõ.
Điều 28. Thoả thuận kết nối mẫu
1. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ các phương tiện thiết yếu có trách nhiệm xây dựng Bản thỏa thuận kết nối mẫu với các điều kiện minh bạch và không phân biệt đối xử trình Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt.
2. Sau khi được phê duyệt, Bản thỏa thuận kết nối mẫu được công bố công khai để áp dụng chung đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu kết nối.
3. Ngoài các nội dung chủ yếu được quy định trong thoả thuận kết nối mẫu, các doanh nghiệp tham gia kết nối có thể thoả thuận với nhau về các nội dung khác trong thoả thuận, nhưng không được trái với quy định của pháp luật, không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.
Điều 29. Điểm kết nối
1. Điểm kết nối là điểm nằm trên tuyến kết nối hai mạng viễn thông với nhau, phân định trách nhiệm kinh tế, kỹ thuật giữa hai doanh nghiệp viễn thông.
2. Vị trí địa lý của điểm kết nối: nếu không có thoả thuận khác trong thoả thuận kết nối của các doanh nghiệp tham gia kết nối hoặc yêu cầu khác của Bộ Bưu chính, Viễn thông, thì vị trí địa lý điểm kết nối được quy định như sau:
a) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc nội hạt là tổng đài nội hạt hoặc tổng đài tandem nội hạt;
b) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc đường dài trong nước là tổng đài tandem nội hạt hoặc tổng đài đường dài;
c) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc quốc tế là tổng đài đường dài hoặc tổng đài quốc tế;
d) Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc di động là tổng đài tandem nội hạt, hoặc tổng đài đường dài, hoặc tổng đài di động.
3. Vị trí điểm kết nối trong cấu trúc mạng là cổng trung kế của các tổng đài kết nối.
4. Số lượng điểm kết nối do các doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối tự thoả thuận, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc kết nối quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
Điều 30. Sử dụng chung vị trí và sử dụng chung cơ sở hạ tầng
1. Sử dụng chung vị trí.
a) Các doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối áp dụng nguyên tắc sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối ở tất cả những nơi thực tế cho phép nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng mặt bằng, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia kết nối.
b) Có hai phương pháp sử dụng chung vị trí là sử dụng chung vị trí thực và sử dụng chung vị trí ảo. Phương pháp sử dụng chung vị trí ảo chỉ áp dụng khi phương pháp sử dụng chung vị trí thực không thể thực hiện được do doanh nghiệp cung cấp kết nối không thể bố trí được mặt bằng và các điều kiện cần thiết khác.
2. Sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
a) Cơ sở hạ tầng bao gồm nhà cửa, cống cáp, bể cáp, cột cáp, tháp ăng ten, đường dẫn cáp nội bộ và thiết bị phụ trợ trong toà nhà đặt thiết bị kết nối và các phương tiện khác cần được sử dụng chung một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo trong đầu tư xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, nếu các yêu cầu đưa ra hợp lý, khả thi về kinh tế, kỹ thuật và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật;
b) Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng được thực hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở thoả thuận giữa các doanh nghiệp. Trong một số trường hợp cần thiết đối với việc kết nối và thiết lập mạng viễn thông, để bảo đảm lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ quyết định việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông nếu các doanh nghiệp không thoả thuận được.
MỤC 2
KẾT NỐI MẠNG VIỄN THÔNG DÙNG RIÊNG, MẠNG VIỄN THÔNG CHUYÊN DÙNG VỚI MẠNG VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG
Điều 31. Nguyên tắc kết nối
Việc kết nối mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng với mạng viễn thông công cộng phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của mạng viễn thông công cộng.
2. Thực hiện thông qua hợp đồng kết nối bằng văn bản giữa doanh nghiệp viễn thông và chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng.
3. Không sử dụng mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng để chuyển tiếp bằng bất kỳ phương thức nào (tự động hay nhân công) cuộc gọi đường dài trong nước và quốc tế giữa các thiết bị đầu cuối ngoài mạng (theo cả hai chiều đi và đến).
4. Không kết nối trực tiếp các mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng với nhau, trừ trường hợp được Bộ Bưu chính, Viễn thông cho phép.
Điều 32. Điểm kết nối
1. Mạng viễn thông dùng riêng được phép kết nối với mạng viễn thông công cộng tại các tổng đài nội hạt, tổng đài tandem nội hạt và tại các điểm kết nối khác do doanh nghiệp viễn thông quy định bằng các đường trung kế.
2. Mạng viễn thông chuyên dùng được phép kết nối với mạng viễn thông công cộng tại các tổng đài nội hạt, tổng đài tandem nội hạt, tổng đài đường dài và tại các điểm kết nối khác do doanh nghiệp viễn thông quy định bằng các đường trung kế .
Điều 33. Sử dụng chung cơ sở hạ tầng
1. Trường hợp chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng tự xây dựng đường truyền dẫn theo giấy phép thiết lập mạng thì chủ mạng phải chịu trách nhiệm toàn bộ việc lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng đường trung kế. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bố trí mặt bằng lắp đặt thiết bị truyền dẫn (nếu có), ống cáp, bể cáp, cột, trụ ăng ten và các thiết bị khác đi kèm như nguồn điện, điều hoà v.v… cho chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng tại địa điểm tổng đài kết nối của mình.
2. Việc sử dụng cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông được thực hiện thông qua hợp đồng ký giữa chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng với doanh nghiệp viễn thông.
3. Chi phí cho việc sử dụng hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông do chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng viễn thông chuyên dùng và doanh nghiệp viễn thông thoả thuận.
CHƯƠNG V
ĐÁNH SỐ VIỄN THÔNG
Điều 34. Quy hoạch đánh số viễn thông
1. Quy hoạch đánh số viễn thông là quy định chi tiết cấu trúc và mục đích sử dụng các mã, số được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước để bảo đảm cho hoạt động của mạng và dịch vụ viễn thông. Tập hợp các mã, số viễn thông được gọi là kho số viễn thông.
2. Quy hoạch đánh số viễn thông bao gồm:
a) Quy hoạch đánh số mạng viễn thông công cộng;
b) Quy hoạch đánh số mã điểm báo hiệu;
c) Quy hoạch đánh số tên miền, địa chỉ Internet;
d) Quy hoạch đánh số các mạng dịch vụ viễn thông khác.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch đánh số viễn thông.
Điều 35. Quản lý kho số viễn thông
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng và ban hành Quy định quản lý kho số viễn thông.
2. Dựa trên Quy hoạch đánh số và Quy định quản lý kho số, Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định việc phân bổ hoặc thu hồi các mã, số viễn thông cho các doanh nghiệp viễn thông và cho các tổ chức, cá nhân.
3. Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm:
a) Làm thủ tục xin phân bổ mã, số và khối số theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Xây dựng kế hoạch sử dụng mã, số viễn thông đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông phân bổ;
c) Thực hiện việc cấp số, cho thuê số và thu hồi số đối với người sử dụng dịch vụ theo Quy định quản lý kho số viễn thông;
d) Báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông kế hoạch và tình hình sử dụng mã, số viễn thông định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
đ) Trong phạm vi khối số viễn thông đã được phân bổ, trên cơ sở Quy hoạch đánh số viễn thông và kế hoạch phát triển mạng lưới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp viễn thông phải thông báo trước cho người sử dụng dịch vụ liên quan ít nhất 60 ngày trước khi tiến hành thay đổi số thuê bao về thời điểm và các thông tin cần thiết về kế hoạch đổi số, hướng dẫn người sử dụng việc sử dụng dịch vụ sau khi đổi số. Doanh nghiệp viễn thông phải chịu mọi chi phí cho việc đổi số, nhưng không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gián tiếp do việc đổi số gây ra cho người sử dụng.
4. Chủ mạng viễn thông chuyên dùng, dùng riêng, đại lý và người sử dụng dịch vụ được cấp hoặc được thuê mã, số có trách nhiệm sử dụng mã, số đã được cấp hoặc được thuê theo Quy định quản lý kho số viễn thông và hướng dẫn của doanh nghiệp viễn thông.
5. Bộ Bưu chính, Viễn thông thu hồi các mã, số dịch vụ hoặc khối số thuê bao đã phân bổ trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông hoặc chủ mạng không có nhu cầu sử dụng nữa để sử dụng cho các mục đích khác.
6. Khi có nhu cầu thay đổi khối số hoặc độ dài số thuê bao, doanh nghiệp viễn thông và các chủ mạng viễn thông chuyên dùng phải lập kế hoạch, đề xuất phương án và chỉ thực hiện sau khi được Bộ Bưu chính, Viễn thông cho phép bằng văn bản.
7. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng mã, số viễn thông phải nộp phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI
GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG
MỤC 1
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CẤP PHÉP
Điều 36. Nguyên tắc cấp phép
1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển viễn thông Việt Nam.
2. Ưu tiên cấp phép cho các đề án có khả năng triển khai nhanh chóng trên thực tế, có cam kết cung cấp lâu dài cho đông đảo người sử dụng dịch vụ; các đề án cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; các đề án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và an ninh, quốc phòng.
3. Trong trường hợp việc cấp giấy phép có liên quan đến sử dụng tần số, kho số, thì giấy phép chỉ được xem xét cấp nếu việc phân bổ tần số, kho số có thể thực hiện được theo đúng quy hoạch đã phê duyệt.
4. Việc cấp phép cho doanh nghiệp viễn thông có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
5. Nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng các loại giấy phép viễn thông. Trong trường hợp thay đổi về tổ chức như sáp nhập, giải thể, cổ phần hoá hoặc thay đổi phần vốn góp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét việc cấp lại hoặc thu hồi giấy phép theo đúng quy định về đối tượng được cấp phép.
6. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ xin cấp giấy phép viễn thông. Căn cứ vào hồ sơ xin cấp phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và cấp phép hoặc từ chối cấp phép theo các quy định tại Nghị định này. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau khi nhận được giấy phép viễn thông, có trách nhiệm và chủ động triển khai thực hiện các hoạt động ghi trong giấy phép và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của mình theo các quy định của pháp luật và các quy định của giấy phép đã được cấp.
7. Mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp phí và lệ phí cấp phép theo quy định.
Điều 37. Kinh doanh viễn thông không cần giấy phép
1. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có thể đăng ký và hoạt động kinh doanh viễn thông trong các lĩnh vực sau đây mà không cần giấy phép:
a) Sản xuất vật tư, thiết bị viễn thông (trừ thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện);
b) Xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, thiết bị viễn thông;
c) Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông.
2. Trong quá trình hoạt động kinh doanh viễn thông, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, các quy định về thông tin quảng cáo, các quy định về giải quyết tranh chấp, bồi thường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Ngoài các quy định tại khoản 2 của Điều này:
a) Đối với việc kinh doanh sản xuất vật tư, thiết bị viễn thông (trừ thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện), tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định về quản lý chất lượng thiết bị viễn thông tại Điều 52 của Nghị định này;
b) Đối với việc kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, thiết bị viễn thông, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định về quản lý chất lượng thiết bị viễn thông tại Điều 52 của Nghị định này, các quy định về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện của Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về tần số vô tuyến điện và các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ;
c) Đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định về đại lý dịch vụ viễn thông tại Điều 25 của Nghị định này.
MỤC 2
CẤP PHÉP THIẾT LẬP MẠNG VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 38. Điều kiện cấp phép
1. Điều kiện về chủ thể:
Là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt.
2. Điều kiện về kỹ thuật nghiệp vụ và khả năng tài chính:
a) Có đủ khả năng về tài chính và nhân lực chuyên môn phù hợp với quy mô của đề án để triển khai giấy phép;
b) Có phương án kỹ thuật phát triển mạng và phương án kinh doanh dịch vụ khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành về kết nối, sử dụng tài nguyên thông tin, giá cước, tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ;
c) Có các phương án dự phòng để đảm bảo an toàn khi có sự cố về kỹ thuật;
d) Có các trang thiết bị và phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin.
Điều 39. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép của doanh nghiệp;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư;
c) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp;
d) Đề án cung cấp dịch vụ gồm các nội dung chính như sau:
– Kế hoạch kinh doanh bao gồm loại hình dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; giá cước; dự báo và phân tích thị trường, doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng giai đoạn; hình thức đầu tư, phương án huy động vốn; nhân lực;
– Kế hoạch kỹ thuật bao gồm cấu hình mạng lưới, thiết bị bao gồm cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng lưới, thiết bị; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên thông tin tương ứng; trang thiết bị và biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin;
– Cam kết thực hiện triển khai đề án xin cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông lâu dài cho người sử dụng và các quy định quản lý về viễn thông.
2. Thời gian và quy trình xử lý hồ sơ.
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiếp nhận hồ sơ xin phép, tiến hành thẩm định trong thời gian 75 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không đồng ý, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối cấp phép cho doanh nghiệp xin phép biết. Trường hợp hồ sơ xin phép đảm bảo về cơ bản các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành liên quan và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc xin cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp. Trường hợp nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Bưu Chính, Viễn thông có trách nhiệm cấp giấy phép cho doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
a) Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu doanh nghiệp được cấp phép muốn sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thì phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép đến Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung bao gồm: đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực; báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp; báo cáo mô tả chi tiết nội dung bổ sung, sửa đổi và các tài liệu có liên quan khác;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét cấp phép bổ sung, sửa đổi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép bổ sung, sửa đổi, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp xin sửa đổi, bổ sung giấy phép biết.
4. Gia hạn giấy phép.
a) Doanh nghiệp được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 60 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Hồ sơ xin gia hạn gồm đơn xin gia hạn giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn giấy phép trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp nộp đơn biết;
c) Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không vượt quá một năm.
5. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày cấp phép, doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới;
b) Bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực viễn thông theo các quy định của pháp luật có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
MỤC 3
CẤP PHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 40. Điều kiện cấp phép
1. Điều kiện về chủ thể:
Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện về kỹ thuật nghiệp vụ:
a) Có phương án kỹ thuật phát triển hệ thống thiết bị viễn thông trong phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng và phương án kinh doanh dịch vụ viễn thông khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành về thiết lập mạng, kết nối, sử dụng tài nguyên thông tin, giá cước, công nghệ và chất lượng dịch vụ;
b) Có các phương án dự phòng để đảm bảo an toàn khi có sự cố về kỹ thuật;
c) Có các trang thiết bị và phương án kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin.
Điều 41. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép của doanh nghiệp;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp;
c) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp;
d) Đề án cung cấp dịch vụ gồm các nội dung chính như quy định tại điểm d khoản 1 Điều 39 của Nghị định này.
2. Thời gian xử lý hồ sơ.
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và cấp phép trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Nếu có những vấn đề phát sinh đòi hỏi phải thẩm tra lại thì thời hạn trên có thể kéo dài thêm nhưng không quá 75 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp xin cấp phép biết.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung; gia hạn và thu hồi giấy phép.
Thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 39 của Nghị định này.
MỤC 4
CẤP PHÉP THỬ NGHIỆM MẠNG VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 42. Đối tượng cấp phép
1. Các doanh nghiệp viễn thông muốn cung cấp thử nghiệm dịch vụ viễn thông mới cho công cộng ngoài các dịch vụ đã được quy định trong giấy phép đã được cấp hoặc thử nghiệm các dịch vụ viễn thông mới có sử dụng tài nguyên viễn thông.
2. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn thử nghiệm mạng viễn thông dùng riêng có sử dụng tài nguyên viễn thông.
Điều 43. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin phép thiết lập thử nghiệm hoặc cung cấp thử nghiệm dịch vụ;
b) Đề án thiết lập thử nghiệm mạng hoặc cung cấp thử nghiệm dịch vụ, trong đó xác định rõ: mục đích, phạm vi, thời hạn thử nghiệm; cấu hình mạng, loại hình dịch vụ, bên hợp tác cùng thử nghiệm (nếu có); giá cước dự định (nếu có); tần số, kho số xin phép thử nghiệm (nếu có); các điều khoản, điều kiện để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng nếu sau khi kết thúc thời hạn cung cấp thử nghiệm dịch vụ, doanh nghiệp không đưa dịch vụ vào cung cấp chính thức;
c) Bản sao giấy phép viễn thông (nếu có).
2. Thời gian xử lý hồ sơ
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và xét cấp phép hoặc từ chối cấp phép trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin phép biết.
3. Gia hạn thời gian thử nghiệm
a) Doanh nghiệp muốn gia hạn thời gian thử nghiệm phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 15 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Hồ sơ xin gia hạn bao gồm đơn xin gia hạn trình bày rõ lý do xin gia hạn; bản sao Giấy phép thử nghiệm đang có hiệu lực;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp biết;
c) Thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn không vượt quá 01 năm.
4. Kết thúc thời hạn thử nghiệm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tổng kết, hoàn chỉnh hồ sơ thử nghiệm và báo cáo kết quả thử nghiệm cho Bộ Bưu chính, Viễn thông.
5. Sau thời gian thử nghiệm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin thử nghiệm muốn đưa mạng hoặc dịch vụ vào khai thác chính thức phải xin phép Bộ Bưu chính, Viễn thông. Thủ tục xin phép được áp dụng theo quy định tại các mục 2 và mục 3 Chương VI của Nghị định này.
6. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Nếu sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp phép, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép chưa triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới;
b) Bị xử lý vi phạm về viễn thông theo các quy định pháp luật có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
MỤC 5
CẤP PHÉP THIẾT LẬP MẠNG VIỄN THÔNG DÙNG RIÊNG
Điều 44. Điều kiện cấp phép
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn thiết lập mạng viễn thông dùng riêng phải bảo đảm các điều kiện sau:
1. Việc thiết lập mạng viễn thông dùng riêng chỉ để đảm bảo liên lạc cho các thành viên mạng, không vì mục đích kinh doanh và bảo đảm phi lợi nhuận.
2. Có phương án kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho mạng viễn thông dùng riêng.
Điều 45. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép.
Hồ sơ xin cấp phép: hồ sơ xin cấp phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng. Công văn đề nghị của Bộ Ngoại giao đối với các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp xin phép;
c) Điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên (nếu có);
d) Đề án thiết lập mạng, trong đó nêu rõ: mục đích thiết lập mạng; cấu hình mạng; chủng loại thiết bị; dịch vụ sử dụng; thành viên của mạng (nếu có); phạm vi hoạt động; công nghệ sử dụng; tần số, mã, số xin sử dụng (nếu có).
2. Thời gian xử lý hồ sơ.
Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành thẩm định và xét cấp phép hoặc từ chối cấp phép trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp xin phép biết. Trường hợp có những vấn đề phát sinh đòi hỏi phải thẩm tra lại thì thời hạn cấp phép có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép muốn sửa đổi, bổ sung cấu hình mạng, loại hình dịch vụ, phạm vi hoạt động của mạng phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung tới Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung bao gồm: đơn xin sửa đổi, bổ sung; bản mô tả chi tiết dự định sửa đổi, bổ sung; các tài liệu khác có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung; bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét cấp phép hoặc từ chối cấp phép sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin phép biết.
4. Gia hạn giấy phép.
a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 15 ngày trước ngày giấy phép hết hạn;
b) Hồ sơ xin gia hạn gồm đơn xin gia hạn, bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp đơn biết;
d) Thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn không vượt quá 01 năm.
5. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Nếu sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp phép, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép chưa triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới;
b) Bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông theo các quy định có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
MỤC 6
CẤP PHÉP LẮP ĐẶT CÁP VIỄN THÔNG TRONG VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ, THỀM LỤC ĐỊA CỦA VIỆT NAM
Điều 46. Điều kiện cấp phép
1. Cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
2. Cam kết tuân thủ sự giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền Việt Nam và chịu mọi chi phí cho hoạt động này.
Điều 47. Thủ tục cấp phép
1. Hồ sơ xin cấp phép: hồ sơ xin cấp phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam phải lập thành 05 bộ (01 bản chính và 04 bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn xin phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam;
b) Đề án lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam bao gồm các nội dung sau:
– Tính chất, mục tiêu và phạm vi của tuyến cáp, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến khảo sát biển và hoạt động ngầm dưới biển;
– Thiết kế kỹ thuật và vị trí địa lý, tọa độ chính xác tuyến cáp viễn thông xin lắp đặt;
– Phương án tổ chức thi công và phương án bảo đảm an ninh, môi trường biển.
2. Thời gian xử lý hồ sơ
a) Bộ Bưu chính, Viễn thông tiếp nhận hồ sơ xin phép và gửi hồ sơ đến các Bộ, ngành có liên quan lấy ý kiến trước khi cấp giấy phép;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện việc cấp giấy phép trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức xin cấp phép biết;
c) Căn cứ vào giấy phép đã cấp, Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc cho phép cho tàu, thuyền hoạt động khảo sát, thi công, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa tuyến cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo giấy phép và theo các quy định của pháp luật.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
a) Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu tổ chức được cấp phép muốn sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thì phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép đến Bộ Bưu chính, Viễn thông;
b) Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung bao gồm: đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực; báo cáo mô tả chi tiết nội dung bổ sung, sửa đổi và các tài liệu có liên quan khác;
c) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét cấp phép bổ sung, sửa đổi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép bổ sung, sửa đổi, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức xin sửa đổi, bổ sung giấy phép biết.
4. Gia hạn giấy phép.
a) Tổ chức được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Bưu chính, Viễn thông 90 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Hồ sơ xin gia hạn gồm: đơn xin gia hạn giấy phép; bản sao giấy phép đang có hiệu lực;
b) Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định và xét gia hạn giấy phép trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
c) Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức nộp đơn biết;
d) Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không vượt quá 01 năm.
5. Thu hồi giấy phép.
Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam sẽ bị thu hồi trong trường hợp tổ chức bị xử lý vi phạm về viễn thông theo các quy định pháp luật có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.
CHƯƠNG VII
CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH
Điều 48. Dịch vụ viễn thông công ích
1. Dịch vụ viễn thông công ích bao gồm dịch vụ viễn thông phổ cập và dịch vụ viễn thông bắt buộc, là những dịch vụ viễn thông thiết yếu đối với xã hội, được Nhà nước đảm bảo cung cấp theo chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
2. Trên cơ sở quy hoạch phát triển viễn thông, Internet, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm:
a) Xây dựng chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Quy định, hướng dẫn cụ thể về danh mục, đối tượng và phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hàng năm.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chương trình, kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
Điều 49. Cơ chế tài chính hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
1. Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thông qua:
a) Cước kết nối;
b) Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
2. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
3. Nguồn hình thành Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam bao gồm:
a) Vốn đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông: các khoản đóng góp bắt buộc đối với các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể cơ chế đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông;
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ và vốn thực hiện các chương trình do Chính phủ giao;
c) Các khoản hỗ trợ phát triển chính thức và các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
d) Các nguồn vốn khác được huy động theo quy định của pháp luật.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Điều 50. Quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
1. Tham gia bình đẳng thực hiện các chương trình, dự án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ đóng góp về tài chính cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích theo quy định.
3. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông khác thực hiện các chương trình, dự án về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông.
4. Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
CHƯƠNG VIII
TIÊU CHUẨN, CHẤT LƯỢNG VIỄN THÔNG
Điều 51. Hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông
1. Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng viễn thông bao gồm các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với thiết bị, mạng lưới, kết nối mạng, dịch vụ và công trình viễn thông.
2. Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng bao gồm: các tiêu chuẩn ngành (TCN), các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), các tiêu chuẩn quốc tế do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố bắt buộc áp dụng.
3. Tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng do các tổ chức, cá nhân công bố tự nguyện áp dụng.
4. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định việc xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng viễn thông.
Điều 52. Quản lý chất lượng thiết bị viễn thông
1. Chất lượng thiết bị viễn thông được quản lý thông qua hình thức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố hoặc do các tổ chức, cá nhân tự nguyện áp dụng phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Việc thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với thiết bị viễn thông giữa Việt Nam với nước ngoài và các tổ chức quốc tế được thực hiện theo các điều ước mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan đại diện của Việt Nam tham gia các thoả thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trong lĩnh vực viễn thông.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và công bố danh mục thiết bị viễn thông sản xuất trong nước, nhập khẩu bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trước khi được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam hoặc kết nối với mạng viễn thông công cộng.
4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với các thiết bị viễn thông không nằm trong danh mục nêu tại khoản 3 Điều này.
5. Thiết bị viễn thông lưu thông trong nước và nhập khẩu phải tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hoá và các quy định khác của pháp luật.
6. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định chi tiết nội dung, hình thức và thủ tục quản lý chất lượng thiết bị viễn thông.
Điều 53. Quản lý chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông
1. Chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông được quản lý thông qua hình thức công bố chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố hoặc do các doanh nghiệp viễn thông tự nguyện áp dụng phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định danh mục dịch vụ, mạng viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.
3. Đối với các dịch vụ, mạng viễn thông thuộc danh mục bắt buộc quản lý chất lượng, doanh nghiệp viễn thông phải công bố tiêu chuẩn chất lượng không trái với tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông về thực tế chất lượng theo quy định. Đối với các dịch vụ, mạng viễn thông nằm ngoài danh mục nêu tại khoản 3 Điều này, doanh nghiệp viễn thông phải tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng.
4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tự nguyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng công bố; duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn công bố; các chủ mạng nội bộ có thu cước kết nối với mình, các đại lý viễn thông của mình trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông đã công bố.
5. Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành quy định về quản lý chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông, kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng dịch vụ, mạng viễn thông.
Điều 54. Quản lý chất lượng công trình viễn thông
1. Chất lượng công trình viễn thông được quản lý thông qua hình thức kiểm định chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng do cơ quan quản lý nhà nước công bố hoặc do các doanh nghiệp viễn thông tự nguyện áp dụng phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định danh mục các công trình viễn thông bắt buộc kiểm định chất lượng trước khi đưa vào sử dụng, khai thác.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành các quy định quản lý chất lượng công trình viễn thông, kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình viễn thông.
Điều 55. Đo kiểm chất lượng
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành các quy định về quản lý đo kiểm viễn thông để phục vụ cho việc quản lý chất lượng nhằm mục đích xây dựng và phát triển các cơ quan đo kiểm viễn thông, phối hợp và liên kết các khả năng đo kiểm của cơ sở.
2. Việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo kiểm viễn thông giữa Việt Nam với nước ngoài và với các tổ chức quốc tế được thực hiện theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan đại diện của Việt Nam tham gia các thoả thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đo kiểm viễn thông và là cơ quan chỉ định trong khuôn khổ các thoả thuận này.
CHƯƠNG IX
GIÁ CƯỚC VIỄN THÔNG
Điều 56. Nguyên tắc quản lý giá cước của Nhà nước
1. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá cước và cạnh tranh về giá cước theo quy định của pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả giảm giá thành cung cấp dịch vụ, giảm giá cước để nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ của xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá cước, bảo đảm không phân biệt đối xử về giá cước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và của Nhà nước.
Điều 57. Căn cứ định giá cước
1. Giá cước các dịch vụ viễn thông được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất sản phẩm dịch vụ, quan hệ cung cầu trên thị trường.
2. Đối với các dịch vụ do Nhà nước định giá cước, giá cước dịch vụ còn được quy định căn cứ vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội và phát triển viễn thông quốc gia trong từng thời kỳ và tương quan hợp lý với giá cước các dịch vụ viễn thông trong khu vực, thế giới.
Điều 58. Nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý giá cước
1. Thủ tướng Chính phủ:
a) Ban hành chính sách, cơ chế quản lý giá cước dịch vụ viễn thông;
b) Quyết định giá cước các dịch vụ viễn thông quan trọng tác động đến nhiều ngành và đến phát triển kinh tế – xã hội.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông:
a) Quyết định giá cước dịch vụ viễn thông công ích (trừ các dịch vụ Thủ tướng Chính phủ quyết định);
b) Quyết định giá cước các dịch vụ viễn thông có ảnh hưởng đến thị trường viễn thông, áp dụng đối với người sử dụng của doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế;
c) Quyết định giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông;
d) Quy định việc quản lý giá cước giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông;
đ) Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý giá cước dịch vụ viễn thông.
3. Doanh nghiệp viễn thông:
a) Hạch toán chi phí, xác định giá thành các dịch vụ viễn thông;
b) Quy định cụ thể giá cước đối với các dịch vụ viễn thông, ngoài danh mục Nhà nước quy định theo đúng các quy định về quản lý giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
c) Thực hiện các quy định, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với việc quản lý giá cước dịch vụ viễn thông.
CHƯƠNG X
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 59. Giải quyết tranh chấp giữa bên cung cấp và người sử dụng dịch vụ viễn thông
1. Việc giải quyết tranh chấp giữa bên cung cấp và người sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện thông qua thương lượng giữa các bên. Nếu không có thỏa thuận khác trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông thì thời hiệu giải quyết tranh chấp được quy định như sau:
a) Về giá cước là 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo hoặc hóa đơn thanh toán cước đầu tiên hoặc kể từ ngày thanh toán cước dịch vụ;
b) Về chỉ tiêu chất lượng dịch vụ và các vi phạm khác là 03 tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ hoặc xảy ra vi phạm.
2. Trong trường hợp giữa các bên không đạt được thỏa thuận thông qua thương lượng thì các bên có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Điều 60. Hiệp thương, giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp viễn thông về kết nối
1. Các doanh nghiệp viễn thông có quyền yêu cầu Bộ Bưu chính, Viễn thông giải quyết tranh chấp liên quan đến kết nối các mạng viễn thông công cộng.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông xem xét, quyết định tiến hành giải quyết tranh chấp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp. Trường hợp không tiến hành giải quyết tranh chấp, Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do cho doanh nghiệp biết.
3. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành theo trình tự sau đây:
a) Bộ Bưu chính, Viễn thông tổ chức hiệp thương giữa các bên. Thời hạn hiệp thương giữa các bên tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định tiến hành giải quyết tranh chấp;
b) Nếu sau hiệp thương, các bên vẫn không đạt được thoả thuận thì Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc hiệp thương. Sau khi Bộ Bưu chính, Viễn thông đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp:
– Hai bên tranh chấp phải thi hành quyết định giải quyết tranh chấp;
– Trường hợp doanh nghiệp không nhất trí với quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ Bưu chính, Viễn thông, doanh nghiệp có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà để được giải quyết theo các quy định của pháp luật. Trong thời gian tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà hai bên vẫn phải tiếp tục chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
CHƯƠNG XI
THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 61. Thanh tra, kiểm tra
Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của thanh tra chuyên ngành về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 62. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông đều bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
CHƯƠNG XII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 63. Tổ chức thực hiện
Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm ban hành các quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 64. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 65. Điều khoản thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Đang cập nhật

Đang cập nhật

Đang cập nhật

Đang cập nhật

Đồng ý nhận thông tin từ BePro.vn qua Email và Số điện thoại bạn đã cung cấp

Nếu bạn không tải về được vui lòng bấm vào đây để tải về.
BePro.vn sẽ thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới nhất, hãy luôn theo dõi thuvienluat.bepro.vn nhé!
Xin cảm ơn.

Reviews

There are no reviews yet.

Be the first to review “Nghị định 160/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông”