THÔNG TƯ
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
SỐ 57/2004/TT-BNN NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ CÁC Xà BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 120/2003/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2003 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010;
Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng
Thông tư này áp dụng để hỗ trợ hộ di dân, hỗ trợ ổn định dân cư thực hiện Dự án qui hoạch, ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung (sau đây gọi tắt là Dự án) theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
2. Đối tượng được hỗ trợ
a. Các hộ di dân tự nguyện chuyển đến sinh sống ổn định lâu dài (định cư) tại các thôn, bản sát biên giới (là thôn, bản có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới) thuộc vùng dự án, theo kế hoạch hàng năm của Nhà nước, bao gồm:
– Hộ gia đình trước đây sinh sống tại các xã biên giới Việt – Trung đã chuyển đi nơi khác, trở về định cư;
– Hỗ gia đình đang sinh sống trong xã biên giới nhưng không thuộc các thôn, bản sát biên giới hoặc ở các xã khác trong tỉnh, chuyển đến định cư;
– Hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng vận động định canh định cư, được bố trí ổn định tại chỗ hoặc chuyển đến định cư;
– Cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, tri thức trẻ tình nguyện, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng đưa gia đình (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con) chuyển đến cùng định cư ở vùng dự án hoặc bản thân cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, tri thức trẻ tình nguyện, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng lập gia đình và tự nguyện cùng định cư ở vùng dự án;
– Hộ gia đình từ các tỉnh khác chuyển đến định cư.
b. Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống ở các xã biên giới, thiếu đất sản xuất, nay được cấp có thẩm quyền giao đất theo mức do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định phù hợp với Luật Đất đai để tự khai hoang mở rộng diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt của địa phương.
c. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình chính sách thực sự khó khăn, đang sinh sống hợp pháp, ổn định tại các xã biên giới, hiện nay không có nhà ở hoặc đã có nhà ở làm bằng tranh, tre, nứa, lá bị dột nát, mất an toàn khi mưa, lũ, bão, nhưng không có khả năng tự xây dựng, nâng cấp, tu sửa nhà ở. Danh sách các hộ này được nhân dân ở thôn, bản nơi cư trú bình xét, do Uỷ ban nhân dân xã đề nghị và được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt.
II. NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ
1. Hộ di dân là đối tượng qui định tại điểm a, mục 2, phần I của Thông tư này được hỗ trợ như sau:
a. Hỗ trợ khai hoang xây dựng đồng ruộng, tạo nương cố định theo các mức:
– Khai hoang tạo nương cố định: 3 triệu đồng/ha
– Khai hoang xây dựng đồng ruộng: 7 triệu đồng/ha
Khoản hỗ trợ này chỉ áp dụng khi hộ di dân được giao đất hoang để tự khai hoang xây dựng đồng ruộng hoặc tạo nương cố định, không áp dụng trong trường hợp Dự án được phê duyệt qui định việc khai hoang tập trung do Chủ đầu tư tổ chức thực hiện từ nguồn kinh phí dự án.
b. Hỗ trợ di chuyển, ổn định sản xuất và đời sống:
– Hỗ trợ ở nơi đi: tiền di chuyển người, hành lý, tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh trên đường di chuyển (gọi chung là tiền di chuyển) cho hộ di dân từ nơi ở cũ đến nơi ở mới được cấp từ nguồn kinh phí sự nghiệp di dân trong kế hoạch di dân hàng năm của Nhà nước giao cho địa phương (đối với hộ di dân trong tỉnh đến thôn, bản sát biên giới, tiền di chuyển do tỉnh cấp, còn đối với hộ di dân từ các tỉnh khác đến, tiền di chuyển do tỉnh có dân đi cấp).
– Hỗ trợ ở nơi đến 20 triệu đồng/hộ cho các việc sau: nhà ở, nước sinh hoạt, mua lương thực (không quá 12 tháng, tính từ khi đến nơi định cư mới), mua công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi và phân bón. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đến qui định hình thức hỗ trợ bằng tiền hay bằng hiện vật và qui định mức cụ thể về các việc hỗ trợ này, trong đó tiền hỗ trợ về nhà ở và nước sinh hoạt không thấp hơn 16 triệu đồng/hộ.
Khoản hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ này không bao gồm khoản hỗ trợ khai hoang xây dựng đồng ruộng, tạo nương cố định nêu tại điểm a nói trên.
2. Hộ gia đình là đối tượng qui định tại điểm b, mục 2, phần I của Thông tư này được hỗ trợ khai hoang xây dựng đồng ruộng, tạo nương cố định theo các mức:
– Khai hoang tạo nương cố định: 3 triệu đồng/ha.
– Khai hoang xây dựng đồng ruộng: 7 triệu đồng/ha
3. Hộ gia đình là đối tượng qui định tại điểm c, mục 2, phần I của Thông tư này, được hỗ trợ mức 5 triệu đồng/hộ để xây dựng, nâng cấp, tu sửa nhà ở.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt – Trung, tùy thực tế của từng địa phương, qui định nội dung hỗ trợ cụ thể bằng nguyên vật liệu hoặc bằng tiền hoặc tổ chức xây dựng, nâng cấp, tu sửa nhà ở cho dân; đồng thời, huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ khác để đảm bảo nhà ở của nhân dân tuyến biên giới bền vững, an toàn trong mùa mưa, bão, lũ lụt.
Việc xây dựng nhà ở phải gắn với qui hoạch dân cư và qui hoạch sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Ngoài ra, các hộ gia đình định cư tại các xã biên giới được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất và hưởng các chính sách ưu đãi khác trên địa bàn.
III. NGUỒN KINH PHÍ
1. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung theo Quyết định 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí cùng với nguồn kinh phí thực hiện dự án ổn định dân cư và xây dựng vùng kinh tế mới các xã nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm theo kế hoạch hàng năm. Riêng năm 2004, thực hiện trong phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước đã giao cho các địa phương tại Quyết định số 242/2003/QĐ-TTg ngày 17/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 191/2003/QĐ-BTC ngày 17/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm, các địa phương cần lồng ghép các nguồn vốn khác, huy động nguồn lực tại chỗ để đầu tư cho Dự án qui hoạch, ổn định dân cư biên giới.
2. Chi phí quản lý thực hiện di dân là khoản chi không thường xuyên đã bố trí trong dự toán chi quản lý hành chính của các Bộ, ngành, các địa phương trong dự toán chi ngân sách hàng năm trên cơ sở khối lượng công việc phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chế độ chi tiêu hiện hành để chi cho: công tác tuyên truyền, vận động; kiểm tra (kể cả kiểm tra địa bàn); in ấn tài liệu, hồ sơ, biểu mẫu; tổ chức việc cấp phát tiền hỗ trợ cho dân; chi phí rủi ro.
IV. LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN
Qui trình lập dự toán quản lý và quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ di dân, ổn định dân cư thực hiện theo qui định tại Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BKH-BTC ngàu 6/1/2003 của Bộ Kế hoạch và đầu tư – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chương trình mục tiêu quốc gia và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
– Xây dựng qui hoạch, kế hoạch 05 năm và hàng năm về di dân, ổn định dân cư của địa phương (trong đó có nội dung di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung), báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc để tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt.
– Nghiên cứu, khảo sát địa bàn đưa và đón dân; cung cấp thông tin về các dự án di dân, qui hoạch, ổn định dân cư; phổ biến chủ trương, chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước, thủ tục về di dân cho nhân dân (đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số).
– Tổ chức ổn định dân cư, di chuyển và tiếp nhận hộ di dân; cấp phát chế độ hỗ trợ cho các hộ gia đình đầy đủ, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng; thanh; quyết toán kinh phí hỗ trợ theo chế độ tài chính hiện hành.
– Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt – Trung chỉ đạo việc lập, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án cụ thể về qui hoạch, ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung.
– Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách trên địa bàn; phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện tại địa phương, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về biện pháp giải quyết.
– Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ (quí, hàng năm) và đột xuất.
2. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm:
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng Dự án qui hoạch, ổn định dân cư và các xã biên giới Việt – Trung và xây dựng kế hoạch ổn định dân cư và di dân các xã biên giới Việt – Trung, thống nhất với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp vào kế hoạch chung về ổn định dân cư, di dân 5 năm và hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
– Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt – Trung thực hiện kế hoạch, chính sách ổn định dân cư, di dân đã được phê duyệt.
– Phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện những nội dung có liên quan được phân công tại phụ lục kèm theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010.
3. Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi.
Reviews
There are no reviews yet.