THÔNG TƯ
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 05/2005/TT-BXD NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THI TUYỂN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC
CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
– Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
– Căn cứ Điều 55 của Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
– Căn cứ Điều 26 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng như sau:
1. Mục đích
Thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhằm chọn được phương án kiến trúc tốt nhất để thiết kế xây dựng công trình.
2. Phạm vi áp dụng
Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục, hình thức thi tuyển; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình.
3. Các công trình phải được thi tuyển
a. Các công trình xây dựng sau đây, không phân biệt nguồn vốn và hình thức sở hữu, trước khi lập dự án đầu tư xây dựng phải được thi tuyển thiết kế kiến trúc:
– Trụ sở Uỷ ban nhân dân từ cấp huyện trở lên;
– Công trình văn hóa, thể thao và các công trình công cộng khác có quy mô cấp I, cấp đặc biệt;
– Công trình xây dựng có kiến trúc đặc thù trong đô thị từ loại 2 trở lên như : Tượng đài, cầu, trung tâm phát thanh, truyền hình, nhà ga đường sắt trung tâm, nhà ga hàng không quốc tế, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng quyết định đến cảnh quan kiến trúc đô thị, công trình là biểu tượngvề truyền thống văn hoá và lịch sử của địa phương.
b. Khuyến khích thi tuyển thiết kế kiến trúc đối với các công trình có yêu cầu về kiến trúc ngoài các công trình bắt buộc phải được thi tuyển.
4. Hình thức thi tuyển
Người quyết định đầu tư quyết định việc tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. Tuỳ theo quy mô, tính chất của công trình, điều kiện về thời gian, khả năng tài chính và các điều kiện khác, có thể lựa chọn các hình thức thi tuyển sau:
a. Thi tuyển trong nước, gồm:
– Thi tuyển hạn chế.
– Thi tuyển rộng rãi.
Thi tuyển hạn chế (kể cả thi tuyển có yếu tố người nước ngoài tham gia) là hình thức thi tuyển mà Chủ đầu tư hoặc Ban tổ chức thi tuyểnmời một số tổ chức, cá nhân (không ít hơn 3 tổ chức, cá nhân) có đủ năng lực tham gia thi tuyển. Các công trình được thi tuyển hạn chế bao gồm trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp huyện và công trình có kiến trúc đặc thù trong đô thị từ loại 2 trở lên nêu tại mục 3.a không thuộc quy mô cấp I, cấp đặc biệt.
Thi tuyểnrộng rãi (kể cả thi tuyển có yếu tố người nước ngoài tham gia) là hình thức thi tuyển không hạn chế số lượng tổ chức, cá nhân tham gia và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước. Các công trình được thi tuyển rộng rãi bao gồm công trình có kiến trúc đặc thù trong đô thị từ loại 2 trở lên nêu tại mục 3.a quy mô cấp I, cấp đặc biệt; công trình văn hóa, thể thao và các công trình công cộng khác quy mô cấp I, cấp đặc biệt.
b. Thi tuyển quốc tế:
Thi tuyển quốc tế là hình thức thi tuyển được tổ chức phù hợp với các thông lệ và quy định quốc tế, thông qua thư mời hoặc công bố ra quốc tế. Các công trình được thi tuyển quốc tế bao gồm các công trình đặc biệt do người quyết định đầu tư quyết định.
II. TỔ CHỨC THI TUYỂN
1. Chuẩn bị thi tuyển
a. Những công việc chuẩn bị để tổ chức thi tuyển:
– Hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan đến công trình như chủ trương đầu tư, địa điểm xây dựng, quyền sử dụng đấtvà các thủ tục khác (nếu có).
– Thu thập các thông tin, tài liệu, số liệu về quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng.
– Lựa chọn hình thức thi tuyển.
– Lập kế hoạch tổ chức thi tuyển.
– Lập nhiệm vụ thiết kế.
– Chuẩn bị kinh phí thi tuyển.
b. Trách nhiệm của người quyết định đầu tư:
– Phê duyệt hình thức thi tuyển.
– Phê duyệt kế hoạch tổ chức thi tuyển.
– Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế.
– Phê duyệt kinh phí thi tuyển.
– Phê duyệt danh sách, số lượng các tổ chức, cá nhân được mời tham gia thi tuyển đối với hình thức thi tuyển hạn chế.
c. Trách nhiệm của Chủ đầu tư:
– Hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan đến công trình xây dựng.
– Cung cấp các thông tin, tài liệu, số liệu về quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng và các thông tin khác cho tổ chức, cá nhân dự thi.
– Đề xuất lựa chọn hình thức thi tuyển.
– Lập kế hoạch tổ chức thi tuyển phù hợp.
– Lập nhiệm vụ thiết kế.
– Đề xuất giải thưởng, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dự thi.
– Thành lập Ban tổ chức thi tuyển và Hội đồng tuyển chọn phương án.
– Phê duyệt quy chế thi tuyển.
– Lập dự toán kinh phí thi tuyển. Kinh phí thi tuyển được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
– Trường hợp cần thiết, Chủ đầu tư có thể thuê một tổ chức tư vấn giúp thực hiện việc tổ chức thi tuyển.
d. Nhiệm vụ thiết kế:
Nhiệm vụ thiết kế phải thể hiện được những nội dung sau:
– Mục tiêu xây dựng công trình.
– Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế.
– Địa điểm xây dựng; các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc đối với khu đất xây dựng công trình.
– Quy mô công trình; các yêu cầu về công năng sử dụng, kiến trúc, mỹ thuật và kỹ thuật của công trình.
– Các yêu cầu đối với phương án dự thi.
2. Tổ chức thi tuyển
2.1. Ban tổ chức thi tuyển:
a. Ban tổ chức thi tuyển (sau đây gọi là Ban tổ chức) do Chủ đầu tư thành lập để thực hiện công tác thi tuyển. Chủ đầu tư có thể giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình làm Ban tổ chức thi tuyển.
Ban tổ chức thi tuyển có nhiệm vụ:
– Xây dựng quy chế thi tuyển.
– Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký dự thi.
– Cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan và kế hoạch thi tuyển cho các tổ chức, cá nhân dự thi.
– Phổ biến các quy định về hồ sơ dự thi.
– Đối với trường hợp thi tuyển hạn chế, Ban tổ chức phải dự kiến danh sách, số lượng các tổ chức, cá nhân dự thi và chuẩn bị thư mời dự thi.
– Công bố kết quả thi tuyển.
b. Ban tổ chức thi tuyển được thành lập các tổ chuyên môn để tiếp nhận, thống kê, quản lý và kiểm tra hồ sơ các phương án dự thi theo quy chế thi tuyển trước khi chuyển đến Hội đồng tuyển chọn phương án.
2.2. Quy chế thi tuyển:
Quy chế thi tuyển gồm những nội dung sau:
a. Quy định chung:Nêu rõ tính chất, mục đích và yêu cầu của cuộc thi.
b. Quy định cụ thể, gồm:
– Hình thức thi tuyển.
– Hồ sơ dự thi.
– Ngôn ngữ sử dụng.
– Các quy định khác (nếu có).
c. Quy định về hồ sơ dự thi:
Hồ sơ dự thi gồm thuyết minh, các bản vẽ và mô hình (theo yêu cầu của cuộc thi) của phương án dự thi.
– Thuyết minh phương án dự thi:
Thuyết minh phương án dự thi phải thể hiện những nội dung chủ yếu sau: ý tưởng kiến trúc của phương án dự thi cả về hình khối và công năng sử dụng; sự phù hợp với yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc khu vực xây dựng; dự kiến các giải pháp kỹ thuật bên trong và bên ngoài công trình; ảnh hưởng của phương án đối với các quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; tính khả thi của phương án.
– Các bản vẽ phương án dự thi:
Các bản vẽ phương án dự thi phải thể hiện được đầy đủ nội dung của phương án và có quy cách theo quy định của quy chế thi tuyển.
– Đối với trường hợp yêu cầu có mô hình phương án dự thi, mô hình được lập theo tỷ lệ thống nhất.
d. Những quy định khác:
Những quy định khác bao gồm quy định về thời gian đi thực địa và khảo sát hiện trường, thời gian nộphồ sơ dự thi, thời gian chấm thi, thời gian công bố kết quả thi tuyển, thời gian trưng bày triển lãm để lấy ý kiến rộng rãi về các phương án được lựa chọn (nếu cần thiết).
2.3. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dự thi:
a. Các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài khi tham gia thi tuyển đều phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
b. Tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được lựa chọn để xây dựng công trình được đảm bảo quyền tác giả, được thực hiện lập dự án và các bước thiết kế tiếp theo khi có đủ điều kiện năng lực; nếu không có đủ điều kiện năng lực thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được lựa chọn từ chối thực hiện các bước thiết kế tiếp theo thì chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp để thực hiện nhưng quyền tác giả vẫn thuộc về tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được lựa chọn.
3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc tại địa phương trong việc thi tuyển
– Cung cấp thông tin và các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc đối với khu đất xây dựng công trình.
– Cử đại diện tham gia Hội đồng tuyển chọn phương án do Chủ đầu tư thành lập khi được Chủ đầu tư mời.
– Không dùng ảnh hưởng của mình để làm sai lệch kết quả tuyển chọn.
– Trường hợp khu đất xây dựng công trình nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị bao gồm cả thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc tại địa phương thông báo để Chủ đầu tư quyết định mức độ thi tuyển cho phù hợp.
III. TỔ CHỨC TUYỂN CHỌN PHƯƠNG ÁN DỰ THI
1. Hội đồng tuyển chọn phương án
a. Hội đồng tuyển chọn phương án (sau đây gọi là Hội đồng) tư vấn giúp Ban tổ chức và Chủ đầu tư đánh giá xếp hạng các phương án dự thi.
b. Hội đồng do Chủ đầu tư thành lập.
2. Thành phần Hội đồng tuyển chọn phương án
Thành phần Hội đồng tuyển chọn phương án bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, thư ký và các thành viên Hội đồng.
a. Chủ tịch Hội đồng là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực kiến trúc được Chủ đầu tư mời làm Chủ tịch Hội đồng hoặc do Hội đồng bầu ra.
b. Thư ký Hội đồng do Chủ đầu tư và Chủ tịch Hội đồng thống nhất chỉ định.
c. Các thành viên Hội đồng là chuyên gia thuộc các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, văn hóa, lịch sử, mỹ thuật và đại diện cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc tại địa phương trong đó ít nhất 70% thành viên Hội đồng là các nhà chuyên môn.
Tuỳ theo quy mô, tính chất công trình, điều kiện thời gian, khả năng tài chính và các điều kiện khác, Chủ đầu tưcó thể mời chuyên gia nước ngoài tham gia Hội đồng.
Tổ chức, cá nhân có phương án dự thi không được tham gia hoặc cử đại diện tham gia Hội đồng.
3. Hoạt động của Hội đồng tuyển chọn phương án
a. Trách nhiệm của Hội đồng:
– Xây dựng quy chế làm việc của Hội đồng. Quy chế làm việc phải thể hiện cụ thể nguyên tắc, phương pháp đánh giá, cho điểm và xếp hạng các phương án dự thi.
– Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng phê duyệt quy chế làm việc của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về việc thực hiện quy chế.
– Đánh giá, cho điểm và xếp hạng các phương án dự thi.
– Đảm bảo bí mật, khách quan, trung thực và không có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả tuyển chọn.
– Báo cáo và giải trình kết quả tuyển chọn với Chủ đầu tư.
b. Trách nhiệm của Chủ đầu tư:
– Tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng các yêu cầu hợp lý của Hội đồng.
– Không dùng ảnh hưởng của mình để làm sai lệch kết quả tuyển chọn.
– Tổng hợp và báo cáo kết quả tuyển chọn với người quyết định đầu tư.
– Tổ chức triển lãm các phương án dự thi để lấy ý kiến rộng rãi (nếu thấy cần thiết) theo quyết định của người quyết định đầu tư.
– Tổ chức trao giải thưởng.
– Đề xuất phương án chọn để xây dựng công trình. Trường hợp phương án đề xuất khác với phương án đã được Hội đồng xếp hạng cao nhất thì Chủ đầu tư phải thông báo lý do với Hội đồng và tác giả của phương án.
4. Những quy định khác
a. Đối với tổ chức, cá nhân dự thi vi phạm quy chế thi tuyển hoặc thành viên Hội đồng vi phạm quy chế làm việc thì tuỳ theo mức độ vi phạm, Ban tổ chức và Chủ đầu tư căn cứ quy chế thi tuyển và quy chế làm việc để xem xét quyết định mức độ xử lý.
b. Mọi tranh chấp trong quá trình thực hiện thi tuyển (nếu có) được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH
– Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
– Trong quá trình thực hiện, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân liên quan phản ánh những vướng mắc về Bộ Xây dựng để hướng dẫn giải quyết.
Reviews
There are no reviews yet.