THÔNG TƯ
CỦA BỘ THỦY SẢN SỐ 02/2005/TT-BTS NGÀY 26 THÁNG 9 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG QUYẾT ĐỊNH
SỐ 112/2004/QĐ-TTG NGÀY 23/6/2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG THỦY SẢN
ĐẾN NĂM 2010
Căn cứ Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 23/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển giống thuỷ sản đến năm 2010; Bộ thuỷ sản hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung của chương trình phát triển giống thuỷ sản như sau:
I. VỀ NÂNG CẤP, HOÀN THIỆN CƠ SỞ HẠ TẦNG
CỦA CÁC TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN
1. Đối với các trung tâm quốc gia giống thuỷ sản
Mục tiêu của việc đầu tư xây dựng các Trung tâm quốc gia giống thuỷ sản (viết tắt là TTQGGTS) thuộc các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản là để nâng cao năng lực cho hệ thống nghiên cứu có đủ điều kiện thực hiện các nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ sinh học cao trong lĩnh vực di truyền, chọn giống nhằm chủ động tạo được tập đoàn giống phong phú phục vụ cho nuôi trồng. TTQGGTS có chức năng hoạt động sự nghiệp phát triển giống thuỷ sản, với các nhiệm vụ: lưu giữ những giống thuỷ sản kinh tế thuần chủng, giống quý hiếm và nghiên cứu phát triển để không ngừng nâng cao chất lượng giống; nghiên cứu quy trình, quy chế tham gia lưu giữ giống nhằm bảo tồn quỹ gen quốc gia; nhân giống thuần chủng tạo ra các thế hệ đàn giống ông bà, đàn giống bố mẹ đó cung cấp cho Trung tâm giống thuỷ sản cấp I, Trung tâm giống thuỷ sản của tỉnh hoặc các trại giống thương mại nhằm tạo ra con giống nuôi có chất lượng di truyền tốt; nghiên cứu gia hoá giống tự nhiên, khảo nghiệm thuần hoá giống nhập nội để chọn tạo giống nuôi mới; nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, nhập công nghệ giống mới và ứng dụng toàn thiện để chuyển giao cho sản xuất; Tham gia dịch vụ khảo nghiệm giống, kiểm định chất lượng giống; tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật về giống thuỷ sản với các trường có đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản và công nghệ sinh học; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi vật liệu di truyền, thông tin khoa học và quản lý liên quan đến giống thuỷ sản theo sự phân công của Viện; đối với các TTQG giống hải sản còn sản xuất trứng cá biển thụ tinh, cá bột, ấu trùng các đối tượng kinh tế mà kỹ thuật phức tạp để cung cấp cho các trại thương mại ương thành con giống phục vụ nhu cầu nuôi.
Để nhanh chóng đáp ứng kịp thời với những yêu cầu sản xuất, các Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản (viết tắt là Viện NCNTTS) khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động các TTQGGTS đã được xây dựng từ năm trước (TTQGGTS nước ngọt miền Bắc, TTQG giống hải sản miền Trung, TTQGGTS nước ngọt miền Nam, TTQGG hải sản miền Nam); bố trí lực lượng kỹ thuật hợp lý, phân công nhiệm vụ gắn chặt với những vấn đề cấp thiết của sản xuất hiện tại và định hướng phát triển của ngành. Với 3 dự án mới được phê duyệt (TTQG giống hải sản miền Bắc, TTQGGTS nước ngọt miền Trung, TTQG giống hải sản miền Nam phần mở rộng) các Viện cần tập trung chỉ đạo triển khai đó xây dựng đúng tiến độ và quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng công trình.
Đồng thời với việc xây dựng TTQGGTS, các Viện NCNTTS cần tiến hành lập dự án nâng cấp, xây dựng Phòng thí nghiệm để tăng cường năng lực cho nghiên cứu tại Viện. Yêu cầu đối với phòng thí nghiệm có trang thiết bị hiện đại, bố trí cán bộ kỹ thuật trình độ chuyên môn giỏi đảm bảo tiến hành được các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học cao trong di truyền, chọn tạo giống mới, các vấn đề khoa học cơ bản về giống và có đủ khả năng chuyển giao công nghệ về giống trong hệ thống giống quốc gia.
2. Đối với 16 Trung tâm giống thuỷ sản cấp I
Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có trong danh mục xây dựng Trung tâm giống thuỷ sản cấp I (viết tắt là TTGTS cấp I) giao nhiệm vụ cho các Sở chức năng lập Dự án khả thi đầu tư xây dựng TTGTS cấp I phù hợp với tiêu chuẩn ngành “28 TCN 173:2001 – Trung tâm giống thuỷ sản cấp I – Yêu cầu chung” và theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Hồ sơ Dự án sau khi UBND tỉnh phê duyệt cần gửi về Bộ Thuỷ sản để tổng hợp báo cáo các Bộ, ngành liên quanlập kế hoạch ngân sách hỗ trợ địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xét và trình Quốc hội phê duyệt nhằm xây dựng hoàn thiện toàn bộ hệ thống TTGTS cấp I vào năm 2008. Khi triển khai cần thành lập Ban quản lý dự án để đảm bảo thực hiện đúng với trình tự, tiến độ và quản lý tốt chất lượng công trình.
Việc thiết kế xây dựng TTGTS cấp I yêu cầu có cơ sở hạ tầng, thiết bị tiên tiến đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và sản xuất giống thuỷ sản được đa loài bằng công nghệ mới và công nghệ truyền thống.
Trung tâm giống thuỷ sản cấp I có chức năng hoạt động sự nghiệp phát triển giống thuỷ sản cho khu vực và tỉnh, với các nhiệm vụ: thực hiện các chương trình dự án phát triển giống thuỷ sản ở địa phương; Nghiên cứu; thực nghiệm, ứng dụng các công nghệ mới về giốngthuỷ sản và tập huấn chuyển giao cho sản xuất; tiếp nhận giống thuần, đàn giống ông bà từ TTQGGTS để nhân giống, cung cấp cho các trại giống thương mại làm đàn bố mẹ và cho TTGTS các tỉnh trong khu vực có nhu cầu; kết hợp với Viện NCNTTS thực hiện các dự án về điều tra khu hệ thuỷ sản phân bố tự nhiên, phát hiện các loài thuỷ sản bản địa quý hiếm và hợp đồng lưu giữ những giống mà điều kiện ở TTQGGTS không thích hợp để bảo tồn nguồn gen quốc gia; sản xuất và thả giống thuỷ sản ra các vùng nước tự nhiên để bổ xung và tái tạo nguồn lợi; kết hợp với các trưòng đào tạo, trung tâm khuyến ngư, khuyến nông đào tạo công nhân kỹ thuật thuỷ sản theo nhu cầu địa phương; tham gia dịch vụ thảo nghiệm giống, thức ăn, kiểm định chất lượng giống khi có đủ các điều kiện theo quy định; sản xuất, dịch vụ các đối tượng giống kinh tế nhân dân đang có nhu cầu.
Quy mô của TTGTS cấp I có diện tích từ 5 hecta trở lên, có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện được các nhiệm vụ trên. Công suất thiết kế đối với TTGTS nước ngọt cấp I mỗi năm sản xuất trên 50 triệu cá bột các loại, trên 5 triệu cá hương, trên 1 triệu cá giống, nuôi được đàn hậu bị trên 2 tấn; đối với Trung tâm giống hải sản cấp I có khu nuôi dưỡng và khu sản xuất giống, mỗi năm sản xuất trên 50 triệu con giống tôm, cá, nhuyễn thể, giáp xác khác.
Với những tỉnh ven biển, việc xác định xây dựng TTGTS cấp I thuộc về nước ngọt hay hải sản đã được nghiên cứu quy hoạch theo lợi thế của địa phương và khu vực. Vì vậy, yêu cầu thực hiện đúng với quy hoạch.
Về nhân lực của TTGTS cấp I, cán bộ quản lý phải có trình độ quản lý chuyên ngành trỏ lên, cán bộ kỹ thuật có ít nhất 2 kỹ sư, một số trung cấp kỹ thuật và lực lượng công nhân thường xuyên, lao động hợp đồng theo thời vụ
3. Đối với Trung tâm giống thuỷ sản của các tỉnh
Những tỉnh không có trong danh mục xây dựng TTGTS cấp I, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở chức năng lập Dự ánđầu tư xây dựng Trung tâm giống thuỷ sản của tỉnh (viết tắt là TTGTS tỉnh) trên cơ sở nâng cấp một trại giống hiện có hoặc xây dựng mới ở nơi thích hợp, thuận lợi giao thông, có nguồn nước tốt và chủ động, gần nguồn cấp điện. Căn cứ theo tiềm năng mặt nước địa phương mà thể xây dựng TTGTS nuớc ngọt hoặc hải sản, hoặc có thể xây dựng trung tâm gồm 2 cơ sở là giống nước ngọt và giống hải sản. Quy mô TTGTS của tỉnh tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế, có thể vận dụng Tiêu chuẩn ngành “28 TCN 173:2001 – Trung tâm giống thuỷ sản cấp I– Yêu cầu chung”.
Mỗi tỉnh cần có một trung tâm giống thuỷ sản để thực hiện sự nghiệp phát triển giống thuỷ sản phục vụ cho nuôi trồng. Tuy nhiên, những nơi đã có TTQGGTS đóng trên địa bàn thì trung tâm này sẽ phục vụ chung cho cả vùng và tỉnh, do đó không nhất thiết phải thành lập TTGTS của tỉnh.
Trung tâm giống thuỷ sản của tỉnh có các nhiệm vụ: Tiếp nhận giống mới, giống thuần chủng, đàn giống ông bà từ TTQGGTS hoặc TTGTS cấp I khu vực để phát triển, chọn lọc đàn hậu bị đạt tiêu chuẩn đáp ứng cho các cơ sở sản xuất giống thương mại trong tỉnh; tiếp nhận, ứng dụng công nghệ mới về sản xuất giống thuỷ sản, chuyển giao cho sản xuất đại trà; lưu giữ, nhân giống các đối tượngthuỷ sản bản địa quý hiếm để bảo vệ nguồn gen quốc gia; sản xuất giống thả ra các vùng nước tự nhiên, hồ chứa để bổ sung, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi; tham gia đào tạo và tập huấn kỹ thuật về giống thuỷ sản; tham gia các dự án của ngành thuỷ sản, các dự án quốc tế về thuỷ sản có liên quan tại địa phương; tham gia sản xuất dịch vụ giống thuỷ sản kinh tế cho nhu cầu nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế (đối với Trung tâm giống hải sản của tỉnh còn có thể tham gia sản xuất chứng cá biển thụ tinh và ấu trùng các đối tượng khác đòi hỏi kỹ thuật, thiết bị hiện đại và quy mô lớn để cung cấp cho các trại ương nuôi thành con giống; đối với TTGTS nuớc ngọt tham gia sản xuất giống những đối tượng mới phục vụ cho chuyển dịch cho cơ cấu sản xuất, giống bản địa quý hiếm; ở miền núi trung tâm còn sản xuất cá bột phục vụ cho các điểm ương ở vùng sâu, vùng xa để giải quyếtgiống tại chỗ cho đồng bào.
II. NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ NGHIÊN CỨU
VÀ SẢN XUẤT
Các Viện nghiên cứu, Trường đào tạo chuyên ngành nuôi trồng thuộc Bộ thuỷ sản chủ động sắp xếp và kiện toàn đội ngũ kỹ thuật để có đủ số lượng cán bộ khoa học chuyên ngành ở các bộ môn, các phòng thí nghiệm, các Trung tâm quốc gia giống thuỷ sản. Thông qua hoạt động chuyên môn bồi dưỡng nâng cao trình độ và đề xuất kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực với Bộ thuỷ sản nhằm dần hình thành một đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao cho tương lai đáp ứng với công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các Viện, Trường.
Các Sở Thuỷ sản, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản hàng nămkết hợp với các chương trình khuyến ngư, dự án hỗ trợ ngành thuỷ sản, các chương trình khác, đề án, đề tài công nghệ giống của Viện nghiên cứu thực hiện tại địa phương để tổ chức đào tạo ngắn hạn, tập huấn công nghệ, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho cán bộ quản lý và đội ngũ kỹ thuật của Sở, Trung tâm giống và các trại sản xuất giống thuỷ sản hàng hoá.
III. HÌNH THÀNH VÀ TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI HÓA
HỆ THỐNG CƠ SỞ SẢN XUẤT GIỐNG
Căn cứ theo điều kiện tự nhiên, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, các địa phương cần có quy hoạch phát triển sản xuất giống thuỷ sản phù hợp quy hoạch chung của Ngành và phát huy được những lợi thế riêng nhằm chủ động sản xuất đủ giống tốt phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng của nhân dân.
1. Các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản nuôi nước lợ, mặn.
Vùng ven biển phía Bắc trọng tâm là sản xuất giống cá biển, tôm bản địa, cua, thuần dưỡng tôm sú giống. Vùng ven biển miền Trung trọng tâm là sản xuất giống tôm sú, cua, ghẹ, các loại nhuyễn thể, một số loài cá biển như cá cam, cá hồng, cá vược. Vùng ven biển phía Nam trọng tâm là sản xuất giống tôm sú, ngao, cá nước lợ.
Việc phát triển mạng lưới sản xuất giống nhất thiết phải được quản lý theo quy hoạch, tuân thủ các quy định về môi trường sinh thái và an toàn vệ sinh thú y thuỷ sản để phát triển bền vững. Thực hiện xã hội hóa sản xuất giống thương mại thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể của địa phương tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất giống (cho thuê đất lâu dài, được chuyển giao kỹ thuật và công nghệ để mỗi trại có thể sản xuất được nhiều đối tượng v.v…) nhằm huy động đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, tạo nên sức cạnh tranh, thúc đẩy việc hiện đại hoá cơ sở sản xuất cũng như công nghệ để có thể đáp ứng thoả mãn số lượng giống có chất lượng, giá phù hợp, kịp thời vụ cho nuôi trường.
2. Các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản nuôi nước ngọt
Hầu hết các trại cá giống hiện nay hạ tầng và trang bị kỹ thuật lạc hậu, không thực hiện được các công nghệ mới nên chủ yếu là sản xuất giống cá nuôi truyền thống theo công nghệ cũ. Năng lực sản xuất cá giống truyền thống về cơ bản đã đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu, song chất lượng chưa đảm bảo. Do đó, cần quản lý sản xuất giống theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hoá đối tượng. Trên cơ sở những trại giống hiện có, tạo các điều kiện về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, có cơ chế khuyến khích để nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị tiên tiến, thuần chủng đàn giống bố mẹ. Đối với các tỉnh miền núi còn thiếu giống cục bộ, cần tăng cường hoạt động khuyến ngư về xây dựng mô hình ương san giống truyền thống, giống bản địa, giống mới và hỗ trợ xây dựng các trại quy mô nông hộ nhằm đáp ứng nguồn giống tại chỗ cho đồng bào.
3. Xây dựng các Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung
Nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, mặn đang phát triển, song sản xuất giống chưa đáp ứng với nhu cầu cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Vì vậy, trước mắt xây dựng 6 Khu sản xuất giống tập trung theo hướng công nghiệp ở những vùng có lợi thế nhằm nhanh chóng tạo nên vùng giống hàng hoá số lượng lớn và quản lý được chất lượng. Mỗi khu xây dựng 200 – 300 trại giống, tổng công suất từ 2 – 8 tỷ con giống/năm. Với định hướng những tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư lớn, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và môi trường mới tham gia sản xuất giống, do đó công suất mỗi trại từ 10 triệu đến hàng trăm triệu giống/năm. Đối tượng giống hiện tại chủ yếu là tôm sú, ngoài thời vụ còn có thể sản xuất giống các loài giáp xác khác, nhuyễn thể, cá biển và hải đặc sản khác. Về yêu cầu kỹ thuật phải có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường, có phòng kiểm định với thiết bị hiện đại để kiểm tra dịch bệnh cho thuỷ sản.
Để đảm bảo tiến độ, các tỉnh có trong danh mục hiện chưa triển khai cần giao nhiệm vụ cho các Sở chức năng khẩn trương lập dự án khả thi theo các quy định hiện hành để thẩm định và tổng hợp báo cáo các Bộ, ngành liên quan bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Khi xây dựng xong dự án, giao cho Sở Thuỷ sản quản lý hoạt động và tham mưu để ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế xây dựng trại sản xuất tôm giống trong khu tập trung (kể cả ở các địa phương khác điều kiện không thuận lợi có thể đến thuê mặt bằng và tổ chức sản xuất giống mang về phục vụ địa phương). Việc quản lý hoạt động của khu sản xuất giống tập trung phải có quy chế chặt chẽ. Trong đó các vấn đề cần lưu ý như sử dụng thuốc, hoá chất; đối tượng, thời vụ sản xuất; sử dụng nước và xử lý nước thải có sự giám sát cộng đồng; kiểm dịch bắt buộc; thực hiện dán nhãn mác, công bố chất lượng giống hàng hoá.
IV. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIỐNG THỦY SẢN
Giống thuỷ sản nuôi trồng phải được sản xuất ra từ đàn bố mẹ dòng thuần, không mang mầm bệnh, đảm bảo các tiêu chuẩn (cấp quốc gia, cấp ngành, cấp cơ sở) theo quy định của pháp luật và phải thực hiện công bố chất lượng hàng hoá (đối với những giống trong danh mục bắt buộc). TTQGGTS, TTGTS cấp I, TTGTS của tỉnh là nơi cung cấp đàn nhân giống, đàn giống ông bà, đàn bố mẹ, đàn hậu bị cho các trại sản xuất giống. Những đàn giống trên phải được công bố chất lượng theo quy định của pháp luật để làm căn cứ cho các trại sản xuất công bố chất lượng giống hàng hoá và gắn nhãn mác khi tiêu thụ. Riêng đối với tôm nước lợ hiện tại công nghệ tạo đàn bố mẹ chưa chủ động, còn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và nguồn nhập từ các nước, do đó phải được kiểm dịch chặt chẽ và quản lý số lần sinh sản của tôm mẹ trong một vụ sản xuất theo quy định của Ngành để đảm bảo tôm giống có chất lượng tốt.
Để thực hiện tốt công tác quản lý giống thuỷ sản theo những văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương cần kiện toàn bộ máy của các cơ quan chuyên môn về thuỷ sản làm nhiệm vụ tham mưu xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, các cơ chế khuyến khích phát triển; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thuỷ sản như điều kiện sản xuất kinh doanh giống, các tiểu chuẩn ngành về chất lượng giống, bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh thú y thuỷ sản; hướng dẫn sản xuất giống thuỷ sản theo quy hoạch, đồng thời tổ chức kiểm tra quản lý chất lượng giống chặt chẽ, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh, thông tin thị trường, nhu cầu giống thuỷ sản để định hướng cho sản xuất.
V. TRIỂN KHAI CÁC ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG THỦY SẢN
Trước hết tập trung vào nghiên cứu công nghệ phục vụ cấp thiết cho sản xuất như: tạo tôm sú bố mẹ, sản xuất giống rô phi đơn tính, giống cá ba sa, giống một số loài cá biển có giá trị như cá song, cá giò, cá hồng, cá mó, cá vược, cá chẽm, giống tôm càng xanh và tôm càng xanh toàn đực, phát triển giống một số loài tôm, cá nuôi nước lợ, giống tôm nuôi nước mặn, cua, ghẹ, bào ngư, hải sâm, cầu gai, ốc hương, bảo tồn và phát triển giống một số loài thuỷ sản kinh tế bản địa, tiến tới triển khai các đề án phát triển cá làm cảnh để phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch và xuất khẩu.
Các viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản chủ trì xây dựng Đề án phát triển đối tượng giống theo phân vùng. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có điều kiện tham gia nghiên cứu phát triển giống thuỷ sản được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện.
Các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thuỷ sản thuộc những tỉnh, thành phố có địa hình trung du, miền núi với những tiểu vùngkhí hậu đặc trưng cần chú ý phát hiện những đối tượng thuỷ đặc sản tuy sản lượng ít nhưng có giá trị cao, đề xuất giải pháp phát triển đối tượng làm cơ sở để Bộ Thuỷ sản giao nhiệm vụ khoa học cho các viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản thuộc khu vực kết hợp với địa phương thực hiện dự án bảo tồn, nghiên cứu công nghệ phát triển giống quý hiếm.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản đồng thời là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình phát triển giống thuỷ sản đến năm 2010.
Các đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền cơ sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền có trách nhiệm triển khai các phần nội dung của Quyết định trên theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Thuỷ sản để xem xét, chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp.
KT. Bộ trưởng
Thứ trưởng
Nguyễn Việt Thắng
Reviews
There are no reviews yet.